2021-01-14 01:13:05

Có cách để những người Cộng hòa loại ông Trump mà tay vẫn sạch

Miłosz Wiatrowski , 12/01/2021

Sau vụ bạo động của những người ủng hộ ông Trump ở Capitol có rất nhiều tiếng nói đòi bãi nhiệm đương kim tổng thống ngay lập tức. Hôm thứ ba, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu nghị quyết kêu gọi ông Phó Tổng thống Michael Pence khởi động thủ tục nêu trong Tu Chính án 25 bổ sung cho bản Hiến pháp của nước Mỹ. 

 Theo Tu Chính án này, nếu Phó Tổng thống và đa số trong văn phòng Tổng thống thông báo bằng văn bản đến Lưỡng viện về việc tổng thống không đủ khả năng điều hành, thì đương kim tổng thống không được nắm quyền và làm các nhiệm vụ của mình nữa, và ngay lập tức Phó Tổng thống sẽ nắm quyền điều hành Nhà Trắng. Tổng thống có quyền phản bác quyết định của các thuộc cấp, nhưng cho đến trước thời điểm Lưỡng viện bỏ phiếu thì Phó Tổng thống vẫn nắm quyền điều hành. 

 Nếu ông Pence không theo nghị quyết trên khởi động thủ tục thu hồi quyền lực của ông Trump, thì việc phế truất tổng thống phải do Lưỡng viện quyết định.

Sẽ không có việc bãi nhiệm nhanh chóng được

 Quá trình luận tội (Impeachment) bãi nhiệm tổng thống phức tạp hơn nhiều so với thủ tục trong Tu Chính án 25. Bản thân tên gọi thường được coi là đồng nghĩa với việc phế truất tổng thống từ chức vị là một chữ hay gây hiểu lầm. Impeachment do Hạ viện thông qua với đa số phiếu trong tình huống Tổng thống bị tố cáo ăn hối lộ, phản bội hay phạm tội hoặc có các vi phạm khác.

 Tuy nhiên thủ tục chưa kết thúc ở đó. Việc đưa ra lý do quyết định impeachment sau khi bỏ phiếu thông qua ở Hạ viện sẽ thành hồ sơ án vụ chống tổng thống mà quá trình xét xử sẽ diễn ra ở Thượng viện. Nếu như có một trong các việc lạm dụng quyền lực nêu trong các lý do do Hạ viện đưa ra được ít nhất 67 trong số 100 Thượng nghị sỹ đồng ý thì tổng thống sẽ bị phế truất. Ngược lại, ông ta vẫn tại vị, dù Hạ viên đã thực thi impeachment.

 Trong toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ, chỉ có 4 lần có thủ tục impeachment đối với tổng thống  - đó là vào năm 1868 chống ông Andrew Jackson, năm 1974 với Nixon, năm 1998 với Clinton, và mới cách đây hơn một năm với ông Donald Trump. Trong trường hợp Jackson, Clinton và Trump đã qua thủ tục impeachment ở Hạ viện, nhưng Thượng viện đã bác bỏ mọi trường hợp này. Ông Nixon thì đã từ chức trước khi chính thức bỏ phiếu ở Hạ viện. Trong 230 năm đầu kể từ khi thông qua Hiến pháp Mỹ, mới có hai lần thực hiện impeachment. Bây giờ ông Trump có thể đạt kết quả này trong vòng 14 tháng.

 Trong tất cả các trường hợp, thủ tục kéo dài trong nhiều tháng. Giờ đến cuối nhiệm kỳ của ông Trump chỉ còn hơn một tuần lễ. Vậy khi ông Pence từ chối tiến hành thủ tục đơn giản hơn nhiều có trong Tu Chính án 25 thì liệu việc phế truất ông Trump có thể làm được không? Và một điều quan trọng nữa là làm thế để đạt mục đích gì?

 Việc thực hiện impeachment bởi Hạ viện dễ dàng với đảng Dân chủ, họ có đa số ở đấy và vụ bạo động hôm thứ tư ở Capitol làm cho họ có thêm một phần sự ủng hộ của các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa. Bà Pelosi tin chắc là có khả năng làm việc bỏ phiếu này khoảng giữa tuần.

 Vấn đề ở Thượng viện lại khác. Ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện đã tuyên bố là Thượng viện sớm nhất có thể bắt đầu thủ tục là vào hôm 19/1, tức chỉ có một ngày trước khi ông Biden tuyên thệ. Vậy hầu như chắc chắn ông Trump sẽ ở cương vị cho đến hết nhiệm kỳ của mình. 

Ông Trump đã làm xong việc, ông Trump có thể ra đi

 Thế nhưng không có nghĩa là Thượng viện sẽ không xem xét sự việc. Thủ tục impeachment với tổng thống ít khi được dùng nên có nhiều câu hỏi liên quan đến nó vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời. Cả về điều liệu thủ tục này có thể làm sau khi nhiệm kỳ đã kết thúc hay không. Theo nhiều nhà nghiên cứu hiến pháp, không có gì cản trở cho việc làm này.

 Bản thân ý tưởng có vẻ vô lý. Bỏ phiếu làm gì để bãi nhiệm tổng thống khi ông ta không còn là tổng thống nữa ư? Vấn đề là ở chỗ mất chức không chỉ là hình phạt duy nhất trong khuôn khổ của thủ tục impeachment. Cho dù để khẳng định các lời buộc tội của Hạ viện chỉ cần có sự đồng ý của 67 trong số 100 thượng nghị sỹ, thì việc truất quyền ứng cử theo luật bầu cử lại chỉ cần đa số bình thường.

 Phe Dân chủ trong tuần trước đã giành được hai ghế ở Thượng viện từ bang Georgia. Từ ngày 20/1, Thượng viện được chia đôi cân bằng – mỗi đảng có 50 đại diện. Để buộc tội Trump, người lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer sẽ phải thuyết phục 17 người Cộng hòa. Nhưng sau đó, để bổ sung vào bản án việc cấm ông Trump ra ứng cử vào các chức vụ công, ông ta chỉ cần một người ủng hộ mà thôi.

 Vậy ngay cả khi ông McConnell đồng ý làm nhanh các công việc của Thượng viện, thì việc phế truất ông Trump khỏi Nhà Trắng chỉ vài ngày trước khi hết nhiệm kỳ không những khó mà làm được, mà có làm được thì lợi bất cập hại. Cả con đường chính trị của tổng thống sắp mãn nhiệm dựa trên việc tung ra các thuyết âm mưu và tấn công mỵ dân vào tầng lớp địa vị - establishment. Vậy việc tiến hành cấp tốc impeachment và xét xử ở Thượng viện chỉ để ông ta ra đi sớm hơn vài ngày chỉ làm ông Trump có thêm các điều mới để nói. Điều gì sẽ thuyết phục hơn: “Chúng tôi đã loại Trump khỏi chức vụ hai ngày trược khi hết nhiệm kỳ vì nước ta có thể sẽ mất” hay “Họ loại tôi bởi vì biết rằng trước khi tôi ra đi tôi sẽ công bố những tài liệu làm họ mất mặt”? Dù sao đi nữa thì ông Trump đã trị vì từ 4 năm, mà đất nước vẫn sống qua được. Và các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa sẽ giải thích với các cử tri như thế nào về vị Tổng thống mà họ vẫn ca ngợi trong suốt thời gian ấy, bây giờ lại không thể để ông tại vị thêm có một phút nữa?

 Các tính toán sẽ thay đổi về căn bản nếu quá trình ở Thượng viện sẽ thực hiện sau khi ông Biden tuyên thệ. Khi đó họ có thể nói đây là vấn đề về nguyên tắc, một cách để bảo vệ các quy tắc của nền dân chủ mà các thượng nghị sỹ có quyền ưu tiên và trách nhiệm phải bảo vệ. “Chúng ta phải làm quá trình này bởi Hiến pháp và các cơ quan của nó đòi hỏi là tất cả chúng ta phải bình đẳng trước pháp luật, không có ai đứng ngoài vòng pháp luật được. Chúng ta đã ủng hộ tổng thống Trump vì chúng ta đồng ý với chính sách của ông, nhưng ông ta phải chịu hậu quả do vai trò đáng khinh của mình khi kêu gọi bạo động ở Capitol”. Chúng ta bảo vệ chức danh tổng thống và hy sinh cựu tổng thống. 

Nghệ thuật kinh doanh (Sztuka robienia interesów)

 Tầng lớp có địa vị establishment chính trong đảng, mà chính ông McConnell là biểu tượng rõ nhất, đã vắt từ nhiệm kỳ của tổng thống Trump mọi thứ có thể làm được, và đối với đảng là các việc quan trọng nhất – đó là hạ thuế cho những người giầu nhất, đóng băng chính sách khí hậu, làm Obamacare yếu đi và điều chủ chốt nhất, là đã thông qua một số lượng bổ nhiệm lớn những người Cộng hòa vào các tòa án liên bang. Nhờ có Trump mà đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số 6-3 ở Tòa án Tối cao trong ít nhất một thập kỷ nữa. Đây là một quyền lực to lớn mà đảng Dân chủ không có cách gì chống đỡ được.

 McConnell và những người đứng sau ông đã ủng hộ Trump lâu nhất nếu họ kiếm được cái gì đó, kể cả vào tháng 11 và tháng 12, khi họ tính toán là tài hùng biện của ông Trump làm tăng cơ hội thắng cử vào Thượng viện ở bang Georgia, cho đến khi ông này đẩy những người tấn công vào Lưỡng viện. Tiếp tục đặt cược vào con ngựa đua ấy, nhất là sau vụ bạo loạn hôm thứ tư sẽ là đơn thuốc cho thất bại của những cuộc bầu cử trong tương lai. Vì quyền lợi của mình, đảng Cộng hòa giờ sẽ phải làm một cú nhào lộn ngoạn mục để bảo vệ các kết quả đã giành được trong vòng bốn năm qua, đồng thời chối bỏ các sự kiện xảy ra hôm 6/1.

  Ít nhất đã có bốn thượng nghị sỹ Cộng hòa trong Thượng viện đã tuyên bố tuần trước việc ủng hộ quá trình impeachment. Liệu có thể tìm thêm 13 người “công bằng” tiếp? Mọi thứ sẽ do các tính toán chính trị quyết định. Trong số 50 thượng nghị sỹ Cộng hòa có 20 người đang chờ tái cử vào tháng 11/2022. Hai người trong họ đã xác định hành động của Trump là phi hiến - Pat Toomey thì đã tuyên bố rằng đây là nhiệm kỳ thượng viện cuối cùng của mình, còn Lisa Murkowski có vị trí rất vững ở tiểu bang của mình. Số còn lại chắc chắn sẽ không cầm đèn chạy trước ô tô, lo ngại sự phẫn nộ của Trump và những người ủng hộ ông.

 Nhưng còn 30 thượng nghị sỹ nữa, họ đã có vị trí bảo đảm trong Thượng viện cho đến năm 2024 hoặc 2026, họ đang có vị trí mạnh hơn và không nhất thiết phải gắn tương lai chính trị của mình vào ứng cử viên tiềm năng Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

 Các thủ tục hiện hành cho phép họ loại vấn đề này mà vẫn sạch tay (nguyên văn: w białych rękawiczkach). Họ có thể bỏ phiếu trừng trị Trump ở Thượng viện, giải thích rằng sự ủng hộ của ông này cho đám đông tấn công Capitol đã vượt quá các giới hạn của nền dân chủ. Họ có thể trích dẫn lời triết gia Aristoteles, họ tự hào tuyên bố rằng dù ông Trump gần gũi với họ, nhưng sự thật còn gần hơn. Nhất là khi hậu quả của những lời nói đó chỉ có ý nghĩa tượng trưng – họ chẳng loại bỏ tổng thống của mình, vì lúc bấy giờ ông Biden đã ở trong Nhà Trắng rồi.

 Khi những người Dân chủ nộp đề nghị hình phạt bằng cách cấm ông ta ra ứng cử vào các chức vị công họ sẽ bỏ phiếu phản đối rồi sau đó tấn công các đối thủ chính trị của mình, buộc tội họ cướp quyền của cử tri ai sẽ ra đại diện cho họ. Họ sẽ rỏ ra hàng biển những giọt nước mắt cá sấu cho số phận của vị tổng thống đã làm bao nhiêu điều tốt dẹp như thế cho đất nước, nhưng đồng thời cũng loại đi một showman đã bốn năm nay họ phải chịu phục tùng. Win-win, như câu các doanh nhân Mỹ hay nói.

 Vào năm 1987, ông Trump, lúc đó nổi tiếng trong các nhà đầu tư ở NewYork, đã xuất bản cuốn tiểu sử của mình. Cuốn sách thực tế là do nhà báo Tony Schwartz viết, nhưng tên ông ghi trên bìa với tư cách đồng tác giả, cuốn “Nghệ thuật làm ăn -Sztuka robienia interesów” đã bán ra được hơn triệu bản, hầu như trong một năm cuốn sách ấy nằm trong danh sách các cuốn bán chạy nhất của tờ "New York Times" và nó cho hình ảnh nhân vật Donald Trump – một ngôi sao văn hóa đại chúng (popkultura), một doanh nhân có sức mê hoặc và uy tín với bản năng kinh doanh tuyệt vời.

 Vào tháng 6 năm 2015 , lúc bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump nói với các nhà báo tập trung ở tòa nhà chọc trời tại New York của mình là nước Mỹ cần có một người lãnh đạo làm việc theo các nguyên tắc viết trong cuốn sách “Nghệ thuật làm ăn”.

 Nếu các thượng nghị sỹ Cộng hòa nghe theo lời khuyên ấy, thì chẳng bao lâu nữa, họ sẽ kết thúc hoàn toàn sự nghiệp chính trường của ông Trump.

Nguyễn Hữu Viêm

Nguồn: Jest sposób, by Republikanie pozbyli się Trumpa w białych rękawiczkach (wyborcza.pl)
Sửa lần cuối 2021-01-14 00:13:05

Bình luận

Bình luận qua Facebook