2022-09-20 10:12:21

Quan hệ Trung-Nga và những quan niệm khác nhau trên thế giới

Tiến sĩ KH Michał Lubin (Đại học Jagiellonski) - một chuyên gia về quan hệ Trung-Nga đã cho ra đời cuốn sách "Chịu đựng trong vòng tay của một con rồng. Nga trở thành người anh em của Trung Quốc như thế nào" vào tháng 11 năm ngoái. Vừa rồi, sau diễn đàn của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (15 tháng 9 tại Uzbekistan), ông đã có bài trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình với tvn24 của Ba Lan, rất đáng để chúng ta quan tâm. Dưới đây là tóm tắt những ý chính trong bài phát biểu của ông.

1.    Quan hệ Trung-Nga

Điều rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc (Vladimir Putin và Tập Cận Bình) trong diễn đàn của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn để chống lại ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, họ đến cuộc họp trong một hoàn cảnh khá chênh lệch: Trong khi Putin đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do gây chiến với Ukraina và sự cô lập của quốc tế, thì ông Tập đang có cơ củng cố vị thế và duy trì dây cương cho nhiệm kỳ tới khá vững vàng.  

Xưa nay, Trung Quốc vẫn thường không có ảo tưởng lớn về Nga, và bây giờ họ cũng biết rằng không thể dựa vào Nga quá nhiều. Lẽ ra, Nga phải giành chiến thắng ở Ukraine và dẫn đến sự chia rẽ của phương Tây, nhưng người Nga đã làm hỏng nhiệm vụ này. Mặc dù thất vọng với Nga, Trung Quốc vẫn sẽ cố gắng sử dụng tình hình này để có lợi cho mình. Họ sẽ cố gắng lợi dụng Nga như vắt một quả chanh, mua nguyên liệu thô (dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hoặc than đá) với giá rẻ.

Vị thế đàm phán của Bắc Kinh rất vững chắc. Trong khi Nga đang phải đóng cửa nhiều thị trường, Trung Quốc không bị thiếu nguyên liệu thô, đặc biệt là về khí đốt. Nước này có khí đốt của riêng mình, có thể nhập của Turkmen, Miến Điện và vẫn nhập qua đường của LNG. Vì vậy, giờ đây Bắc Kinh có thể đưa ra những điều kiện đối với Moscow và lợi dụng điểm yếu của Nga, chẳng hạn, để ký các hợp đồng cung cấp nguyên liệu thô giá rẻ mới hoặc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt mới với chi phí của Nga. Trung Quốc luôn tìm kiếm những lợi ích có thể có trong mọi tình huống, mặc dù những lợi ích kinh tế có thể đạt được này sẽ nhỏ hơn nhiều so với những thiệt hại chiến lược mà Trung Quốc và Nga phải gánh chịu.

Và thậm chí Trung Quốc còn nhận ra rằng các thiết bị và công nghệ của Nga được họ sao chép trong nhiều năm qua, khác xa so với những gì của phương Tây. Qua đó, người Trung Quốc đã tự mình phát triển nền kinh tế và lực lượng vũ trang đến mức họ có thể đương đầu mà không cần Nga.

Chúng ta biết rất ít về hậu trường cuộc gặp, nhưng có thể ông Tập Cận Bình đã chê bai Vladimir Putin một chút. Tất nhiên là người Trung Quốc luôn để Putin giữ thể diện. Trang web của Điện Kremlin nói rằng ông Putin hiểu những phàn nàn của Trung Quốc và đã trả lời chúng. Những từ như vậy, trong thông điệp chính thức của Nga, có thể được hiểu là người Nga đã phải giải thích về những thất bại của họ. Ngoài ra còn có một chủ đề thứ hai, mơ hồ hơn. Theo Điện Kremlin, Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ muốn trở thành một cường quốc mang lại sự ổn định và sẽ làm việc với các đồng nghiệp Nga về vấn đề này. Đó là một ngôn ngữ ngoại giao, nhưng ý thức vượt mặt của người Trung Quốc rất rõ ràng, đó không phải là quan hệ đối tác.

Một cách chính xác! Đây là chủ nghĩa bá quyền điển hình, Trung Quốc là quan trọng nhất, quan hệ với họ với Nga là không tương xứng. Quan hệ Nga - Trung vốn là như vậy, nhưng sự bất cân xứng ngày càng sâu sắc hơn. Và mối quan hệ hiện tại giữa hai quốc gia này đã được minh họa một cách hoàn hảo cách đây vài năm trên trang bìa của tờ "Economist", nơi một con gấu trúc lớn của Trung Quốc ôm một con gấu nhỏ vẫy cờ Nga. Ngày nay con gấu bông càng nhỏ hơn, mặc dù nó đang vẫy cờ hung hãn hơn.

Cho đến nay,Trung Quốc đã ủng hộ Nga trên bình diện ý thức hệ và chính trị, nhưng ít hơn nhiều về mặt kinh tế, vì điều cốt yếu là để họ không phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc muốn kiếm được đồng rúp nhưng cũng không để mất đồng đô la. Thái độ này sẽ không thay đổi.

Và trong khi chờ đợi, một điều quan trọng đã xuất hiện, dẫn đến cuộc gặp cá nhân giữa ông Tập và ông Putin: chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8. Bà đã khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận, quốc gia này hiện đã quyết định "nhượng bộ" Washington bằng cách tiếp tục ủng hộ Nga. Tất cả chỉ dừng lại ở cấp độ ngoại giao, nhưng phương Tây đã ghi nhận rất mạnh mẽ về cuộc gặp này, vì vậy hậu quả có thể rất thú vị. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng khía cạnh quốc tế là quan trọng thứ yếu ở đây, quan trọng nhất là khía cạnh nội bộ ở Trung Quốc. Một đại hội đảng sẽ được tổ chức 5 năm một lần tại Trung Quốc vào giữa tháng 10 sắp tới, và Tập Cận Bình hiện phải chứng tỏ sức mạnh của mình.

Người ta không biết thực chất mối quan hệ của ông Tập và ông Putin là như thế nào. Họ dường như có rất nhiều điểm chung, họ uống vodka, ăn kem, bơi trên sông Neva và xem khúc côn cầu, nhưng tất cả chỉ để biểu diễn. Linh cảm của tôi là tình hữu nghị chính trị của họ là tuyên truyền tốt, che khuất thực tế trần tục. Ông Tập và ông Putin không thể nói chuyện ngoại trừ thông qua người phiên dịch, vì họ không có ngôn ngữ chung: ông Putin chỉ biết tiếng Đức và biết một chút tiếng Anh, và ông Tập đã không làm ô uế bản thân bằng cách không học bất kỳ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Trung Quốc. Trên các bản ghi hình chính thức, mối quan hệ của họ thường giống như trao đổi công việc: một người đang nói điều gì đó, người kia đang xem xét các tài liệu, nó rất thực tế, thực chất, bạn không thể cảm nhận được bất kỳ sự thân thiện nào từ họ.

2.    Những quan điểm khác nhau

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga đã làm cho nhiều nước châu Phi và châu Á phải hứng chịu khủng hoảng lương thực và nguyên liệu. Thế nhưng, các quốc gia này vẫn cổ vũ “những người đang cố gắng đánh bại phương Tây”. Điều này cho thấy, một phần là do tuyên truyền của Nga và Trung Quốc và một phần là do các nước này đã phải chịu nhiều đau khổ dưới tay phương Tây trong thời thuộc địa. Tuyên truyền của Nga và Trung Quốc đe dọa rằng, nếu không phản đối phương Tây thì “những kẻ xấu xa này” sẽ đến với họ và buộc họ phải thay đổi chế độ, phải dân chủ hóa... Những lập luận của Nga đối với Ấn Độ cho thấy rõ điều này.

Trung Quốc và Nga đang cố gắng giành ảnh hưởng với các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ (thường được gọi là khu vực phía Nam của thế giới). Hiện tai, ở phương diện cục bộ, Nga có thể thua ở Ukraine, nhưng về mặt chiến lược, Nga không vì thế mà thua trên quy mô toàn cầu. Các nước thuộc Thế giới thứ ba khá trung lập và thậm chí có thể lặng lẽ cổ vũ cho Nga trong cuộc chiến này. Vì vậy, quan điểm của Trung Quốc cho rằng, muốn trở thành nhà lãnh đạo mới của các nước Thế giới thứ ba thì vẫn phải gắn bó với Nga và tạo đối trọng với phương Tây.

Ở Ba Lan, chúng ta hoàn toàn không biết những ác cảm của các nước “phía Nam thế giới” đối với phương Tây. Bởi vì tội ác của chủ nghĩa thực dân trước đây, phần lớn là chính đáng, mặc dù nó không biện minh cho những ảo tưởng ở Nga. Ở các nước đang phát triển, người ta thường tin rằng Nga là lực lượng thân thiện và chống đế quốc vì nước này đã không đô hộ họ trong quá khứ. Thông thường, các quốc gia này chỉ có thể nghe về tội ác của Nga và chủ nghĩa đế quốc, chứ không phải trải nghiệm chúng, không giống như tội ác của phương Tây. Tôi cho bạn một ví dụ: Việt Nam đã nói rằng trong tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chỉ có Nga là chưa bao giờ xâm lược họ (thậm chí còn giúp họ để chống Mỹ và phương Tây). Rất khó để tranh luận về điều này, bởi vì những điều họ nói có phần đúng và điều đó cho chúng ta thấy một quan điểm khác đang tồn tại trên thế giới.

Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga sẽ không có bất kỳ tác động thực sự nào đến cuộc chiến ở Ukraine, bởi vì Trung Quốc không muốn phải công khai tham gia vào cuộc chiến này, để tránh bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Hơn nữa, bản thân Ukraine đã bắt đầu khiến Trung Quốc sợ hãi khi nói về việc phát triển quan hệ với Đài Loan (mà Bắc Kinh coi là tỉnh nổi dậy của họ). Vì vậy, Trung Quốc không có khả năng vượt qua bất kỳ lằn ranh đỏ nào.

Cách tiếp cận của phương Tây đối với cuộc gặp Putin-Tập có những điều rất thú vị. Ở phương Tây, trong nhiều năm người ta gọi mối quan hệ Trung-Nga là "trục tiện lợi", tin rằng cả hai nước chỉ có sự hợp tác. Phương Tây, bằng cách hòa hợp với Nga để kéo Nga khỏi Trung Quốc và các nhà vận động hành lang châu Âu trong nhiều năm đã kiếm được nhiều tiền từ việc hợp tác với Nga. Nhưng trong những năm gần đây đã xuất hiện câu chuyện về liên minh thực sự giữa Nga và Trung Quốc. Có một thông điệp ẩn trong câu chuyện này đẩy Trung Quốc đến với Nga, gợi ý rằng hai nước này phải liên kết với nhau. Trong tình huống này, Trung Quốc sẽ phải trả giá cho những sai lầm của Nga. Cuộc gặp của Tập là một món quà cho Putin và có thể làm cho Putin mạnh mẽ hơn. Do đó, nó có thể thay đổi nhận thức của phương Tây về quan hệ Trung-Nga. Tuy nhiên,câu hỏi đặt ra là liệu phương Tây có thể nhận ra điều này hay giả câm, giả điếc để không tiếp tục phản đối Trung Quốc về sự “trung lập” của họ. Nhiều nguồn tin cho thấy phương Tây sẽ không muốn thay đổi bất cứ điều gì, bởi vì chi phí để cắt đứt quan hệ với Trung Quốc sẽ rất lớn.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://tvn24.pl/swiat/spotkanie-wladimira-putina-z-xi-jinpingiem-bialydom-putin-przymila-sie-do-pekinu-6114667)

Sửa lần cuối 2022-09-20 08:12:21

Bình luận

Bình luận qua Facebook