2023-01-17 02:13:12

Ngày lễ vinh danh nhà lãnh đạo Phong trào Dân Quyền Martin Luther King

Hôm nay (16/01/2023), nước Mỹ có ngày lễ vinh danh Mục sư Luther King, nhà lãnh đạo Phong trào dân quyền nổi tiếng trong những năm 50-60 của thế kỉ 20. Ngày lễ Mục sư King được Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố năm 1983, ấn định vào ngày thứ 2 của tuần thứ ba trong tháng 1 hàng năm. Quốc hội Mỹ chỉ định ngày lễ tưởng niệm mục sư King là một trong những ngày lễ trọng đại (người dân được nghỉ làm việc) trên toàn quốc – một động thái khuyến khích người dân tham gia vào các phong trào vì cộng đồng.

Mục sư Luther King được chú ý từ những năm 1955, khi ông lãnh đạo thành công cuộc đình công tẩy chay xe buýt công cộng tại thành phố Montgometry, bang Alabama ở miền Nam nước Mỹ, buộc chính quyền thành phố này chấm dứt việc phân biệt đối xử với người da đen khi tham gia giao thông công cộng. Trong những năm từ 1955 đến 1968 ông là nhân vật chính trong phong trào đấu tranh cho Dân quyền. Bài diễn văn nổi tiếng của ông: “I have a Dream – Tôi có một giấc mơ”, trong cuộc tuần hành năm 1963 (với 250 nghìn người tham gia) tại thủ đô Washington đã khích lệ hàng triệu người trong cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng sắc tộc và công bằng xã hội. Bài diễn văn đã đi vào lịch sử và làm nên tên tuổi của Luther King trên toàn thế giới.

Vì những nỗ lực trong việc lãnh đạo phong trào phản kháng nhằm chấm dứt phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ, ngày 14/10/1964 Luther King được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình. Cũng trong năm đó, tổng thống Mỹ đã kí thông qua Dự luật Dân quyền lịch sử của nước Mỹ.

Ngày 4/4/1968, mục sư King đã bị ám sát tại Memphis, bang Tennesse khi ông đến đây để hỗ trợ một cuộc đình công của công nhân xe rác người da đen. Ngay sau khi King bị ám sát, đã có nhiều cuộc bạo động bùng nổ lan rộng trên 100 thành phố của nước Mỹ. Ngày 4 tháng 4, tổng thống Johnson đã công bố một ngày quốc tang để bày tỏ sự tiếc thương với nhà lãnh đạo phong trào Dân quyền. Đã có hơn 300 nghìn người tham dự tang lễ của ông.

Vai trò của Luther King trong chiến tranh Mỹ-Việt Nam

Từ năm 1965, King đã bày tỏ sự nghi ngờ của ông về vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Ông đã phê phán mạnh mẽ chính quyền Mỹ, cho rằng cuộc chiến đã làm suy yếu phong trào đấu tranh cho dân quyền và phá hoại các chương trình xã hội trong nước. 

Ngay từ đầu năm 1965, trước khi Johnson tăng cường quân sự tại Việt Nam, King đã kêu gọi thương lượng để giải quyết xung đột. Ông đã thực sự chống lại cuộc chiến, cho rằng “chúng ta chẳng có danh dự nào ở Việt Nam” và rằng “chúng ta đã sai ngay từ lúc bắt đầu cuộc phiêu lưu ở Việt Nam.” Ông cáo buộc nước Mỹ đã thử nghiệm vũ khí mới nhất của mình lên nông dân Việt Nam, “giống như người Đức đã thử nghiệm các loại thuốc mới và các kiểu tra tấn mới trong những trại tập trung ở châu Âu,” đồng thời công khai lên án “ trại tập trung” mà Mỹ gọi là “ấp chiến lược” ở miền Nam Việt Nam. Ông cũng kêu gọi nước Mỹ dừng ngay tất cả các vụ ném bom và tuyên bố ngừng bắn đơn phương, trong khi chuẩn bị đền bù cho những thiệt hại mà nước Mỹ đã gây ra với Việt Nam.

Xuân Nguyên (Sưu tầm)

Sửa lần cuối 2023-01-17 01:13:12

Bình luận

Bình luận qua Facebook