2019-05-09 17:43:58

Phụ nữ tự chủ tài chính

Ở Ba Lan người ta vừa đưa ra con số thống kê ít ai ngờ tới: 70 phần trăm các cặp vợ chồng cãi nhau vì… tiền. Chồng chị Marta giấu vợ về nguồn thu nhập thực tế của mình, còn chồng cô Magda thì cứ ngày hai mươi hàng tháng lại thông báo với vợ: „Anh hết tiền rồi, từ nay các khoản chi phí em tự lo nhé”. Một trong số những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đổ vỡ hôn nhân ở Ba Lan là việc các cặp vợ chồng không thống nhất được với nhau về tài chính. Mặc dù phụ nữ nước này càng ngày càng ít phụ thuộc tài chính vào chồng hơn, song mô hình truyền thống vẫn chiếm ưu thế, nghĩa là người chồng vẫn là trụ cột trong việc nuôi sống cả nhà.

Chị Dominika Nawrocka, một phụ nữ 39 tuổi, mấy năm trước vừa phải trải qua cuộc khủng hoảng hôn nhân nghiêm trọng. Khi bắt đầu nghĩ đến chuyện ly hôn, chị mới vỡ lẽ ra là mình không hề có khái niệm về tài sản chị đang cùng chồng sở hữu. Bởi vì cho đến lúc đó anh chồng luôn là người nắm giữ nguồn tài chính trong nhà, còn chị chỉ biết chăm lo công việc chuyên môn và nuôi dạy con cái. – Sau đó tôi đã nghĩ rằng nếu chúng tôi chia tay nhau thì tôi phải biết rõ chúng tôi sẽ phân chia tài sản như thế nào. Mà tôi lại hoàn toàn không biết tý gì về chuyện này. Tôi bắt buộc phải học bài học đó từ đầu – chị Dominika nhớ lại.

May mà cuộc hôn nhân của chị đã không đổ vỡ, nhưng chị Dominika sau đó đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận của mình với chuyện tiền nong. Chị cố gắng bổ sung kiến thức tài chính của mình, bắt đầu chi tiêu một cách có ý thức, cùng chồng thường xuyên xem xét những thứ hai người sở hữu chung và cùng nhau đưa ra các quyết định liên quan đến tiền. Không dừng lại ở đó, với mong muốn chia sẻ với các chị em khác về kiến thức thu thập được, chị đã viết hai cuốn sách liên quan đến đề tài người vợ với việc chi tiêu trong gia đình, rồi chị thành tập tổ chức giáo dục mang tên „Phụ nữ với tiền bạc”, đồng thời đưa vào hoạt động câu lạc bộ tài chính. Chị cũng mở các lớp tập huấn về quản lý tiền, thu hút người tham gia chủ yếu là phụ nữ.

- Tôi nghĩ chắc chắn ở Ba Lan có nhiều phụ nữ cùng hoàn cảnh như tôi, những phụ nữ đặc biệt ngây thơ trong cách tiếp cận với chuyện tiền nong trong gia đình. Họ có suy nghĩ tích cực trong hôn nhân, luôn quan niệm rằng vợ chồng thì phải luôn tin tưởng nhau, cho nên họ giao hẳn việc quản lý tiền cho chồng. Nhưng ở đời mọi chuyện không đơn giản như vậy. Đôi khi mọi chuyện kết thúc một cách bi kịch, chẳng hạn như khi phải nói lời chia tay, họ ra đi với hai bàn tay trắng. Hoàn cảnh của tôi không phải quá tồi tệ, bởi vì tôi làm một công việc được trả lương tốt. Trong các buổi tập huấn mà tôi tiến hành, tôi đã gặp những phụ nữ chưa bao giờ có lấy một đồng là tiền của riêng mình hoặc nếu có thì đó cũng là một lượng tiền rất không đáng kể. Và họ thường xuyên trở thành nạn nhân của sự ngược đãi tài chính. Chẳng hạn tôi đã làm quen với một phụ nữ, mặc dù có trình độ học vấn hẳn hoi, vẫn chấp nhận vai trò thuần túy chăm sóc con cái. Khi công ty của chồng còn làm ăn được, mọi thứ đều ổn thỏa. Nhưng tự nhiên việc làm ăn xuống dốc, anh chồng lâm vào cảnh nợ nần và chị cũng trở thành con nợ đến tận hôm nay. Chị rơi vào cái vực thẳm ấy và không thể nào thoát ra được nữa.

Theo báo cáo của công ty Deloite, làm theo đơn đặt hàng của Coca-Cola, nhan đề „Tiềm năng thị trường lao động Ba Lan. Lao động nữ chưa được huy động đúng mức”, vừa công bố năm ngoái, tại Ba Lan có tới 34 phần trăm phụ nữ ở tuổi từ 20 đến 65 không làm việc. Phần lớn số họ chủ yếu làm việc nhà và chăm lo cho các thành viên khác trong gia đình. Theo kết quả điều tra của tổ chức "Phụ nữ và tiền bạc",có tới 58 phần trăm phụ nữ không độc lập xoay xở được với vấn đề chi tiêu gia đình trong trường hợp người chồng mất nguồn thu nhập hoặc sau khi chồng chết.

Bà Malgorzata Ciuksza, cố vấn pháp luật kiêm nhà tâm lý học, người đã từng tham gia hàng chục các cuộc xử ly hôn, cho rằng những phụ nữ trẻ hiện nay, nhất là những người ngoài 30 tuổi, có ý thức về tài chính một cách rõ ràng hơn nhiều. - Có xu hướng phụ nữ ngày càng ít phụ thuộc tài chính vào nam giới. Để đưa ra quyết định về chuyện thành lập gia đình, họ không chỉ đi theo tiếng gọi của trái tim mà còn nghe theo lý trí nữa. Nhất là những phụ nữ đã có ít nhiều thành tựu trong đời sống nghề nghiệp, cho nên họ biết quan tâm đến việc sở hữu khoản tiền tiết kiệm riêng và quan tâm đến một công việc mang lại cho họ không chỉ niềm vui mà còn bảo đảm mức thu nhập xứng đáng. Thậm chí nếu có quyết định sinh con, họ cần biết chắc chắn là sau khi nghỉ đẻ họ vẫn có thể quay trở lại làm công việc cũ – bà nói.

Tài khoản riêng

Đối với chị Karolina, một phụ nữ 31 tuổi, sự độc lập tài chính là một trong những giá trị cần quan tâm nhất trong cuộc đời. - Tôi lao động kiếm tiền từ năm 15 tuổi. Trước đây bố mẹ tôi lúc nào cũng muốn biết tôi mua sắm gì từ khoản tiền ông bà cho tôi tiêu vặt. Tôi vốn không thích phải giải thích cho bất cứ ai về việc tôi làm gì với những đồng tiền bố mẹ cho, vì vậy tôi đi đến quyết định là tốt nhất nên tự mình kiếm ra tiền để chi tiêu cho mình – chị nói. Hiện nay nhờ thu nhập từ lương, chị không thiếu tiền để chi cho nhu cầu cuộc sống, kể cả chi cho các cuộc vui chơi, giải trí. - Tôi không thể hình dung cuộc sống của mình khi phải phụ thuộc tài chính vào bất cứ ai hoặc phải trở thành người đồng thời chịu trách nhiệm về những quyết định tài chính sai lầm của bạn đời – chị nói.

Chị sở hữu một tài khoản riêng và một tài khoản chung với chồng. Mỗi tháng chị chuyển vào tài khoản chung một lượng tiền cố định để chi cho các cuộc nghỉ hè. - Các khoản chi trả thường xuyên hàng tháng hay mua sắm, chúng tôi chia đều trách nhiệm. Chồng tôi kiếm tiền nhiều hơn, vậy đôi khi anh chi nhiều tiền hơn cho các nhu cầu lớn trong gia đình hay nhu cầu sửa chữa – chị Karolina nói.

Theo con số thống kê của Bộ Lao động Ba Lan, phụ nữ nước này thu nhập kém đàn ông trung bình từ 7 đến 18,5 phần trăm. Còn nếu so sánh mức lương trung bình vào năm 2018 thì lương của phụ nữ thấp hơn 20 phần trăm. Chị Monika, một phụ nữ 34 tuổi, có mức lương kém chồng đến 4 lần. - Cả hai chúng tôi đều được giao chức vụ quản lý, nhưng anh làm việc cho một tổng công ty, còn tôi làm trong ngành văn hóa. Sự chênh lệch về mức thu nhập quá lớn, song công việc của tôi mang tính ổn định và ít áp lực hơn. Tôi làm việc 8 tiếng, cho nên chiều và tối tôi có thời gian nhiều hơn dành cho con – chị Monika kể.

Hai vợ chồng chị có một tài khoản chung và hai tài khoản riêng. - Chúng tôi chuyển vào tài khoản chung số tiền cần chi tiêu cho cuộc sống gia đình – tiền ăn, tiền học của con gái, theo tỷ lệ mức thu nhập của từng người. Khoản tiền lương còn lại tôi thoải mái chi cho chuyện làm đẹp bản thân (làm đầu, mua sắm quần áo), mua quà cho con, chi cho con học trường tư, chi cho các khóa học, lớp tập huấn, xăng xe và bào hiểm xe hơi của mình. Thuộc về trách nhiệm của tôi còn có các khoản làm từ thiện, xem phim, xem kịch. Tôi cũng mua sách báo. Chồng tôi trả tiền các loại hóa đơn, chi cho các cuộc nghỉ hè, chịu trách nhiệm về bổ sung các cuốn sổ tiết kiệm để sau này có tiền chi tiêu - chị Monika kể.

Cặp vợ chồng này cũng đã làm giấy ủy nhiệm để có thể sử dụng tài khoản cá nhân của nhau. - Nhưng hãn hữu lắm tôi mới sử dụng tài khoản của chồng. Chả gì tôi cũng có các khoản tiền tiết kiệm riêng. Thường thì tôi dùng nó để mua hoa cắm trong nhà, bởi vì tôi thích trong nhà luôn có hoa. Khi đó tôi thông báo với chồng: anh yêu ơi, hôm nay anh đã mua một bó hoa tuy-líp đấy – chị kể.

Chị Monika rất hài lòng về mô hình tài chính hiện tại của gia đình chị. - Giữa chúng tôi không xảy ra mâu thuẫn về chuyện tiền nong. Nhưng mâu thuẫn đó chắc chắn sẽ phát sinh nếu chúng tôi chỉ có một tài khoản chung trong ngân hàng – anh chồng tôi sẽ không hiểu được sở thích mua các loại túi xách của tôi, còn tôi, tôi sẽ không hiểu tại sao anh lại cần đến hai cái xe đạp một lúc – chị kết luận.

Chị Ewelina, 27 tuổi, và chồng chị, mỗi người đều sử dụng tài khoản ngân hàng riêng. Chị nhấn mạnh rằng sự trưởng thành của hôn nhân dựa trên sự ủng hộ lẫn nhau, không chỉ về mặt tình cảm mà cả về tài chính nữa. - Chúng tôi có cùng một cách tiếp cận về vấn đề này, cả tiền của tôi và tiền của anh đều là tiền chung, thậm chí trong trường hợp mỗi người sử dụng một tài khoản ngân hàng riêng. Tài sản chung cho phép mỗi người sống một cách phù hợp với mình. Chồng tôi thu nhập gấp đôi tôi, cho nên nếu tôi hết tiền, anh quan tâm đến tôi, không để tôi phải thiếu thốn. Khi tôi sắp cạn tiền, tôi thông báo với anh, khi đó anh „viện trợ” thêm. Thường là nhiều hơn mức tôi cần, bởi anh biết tôi không tiêu hết ngay số đó. Tôi có thể không làm gì mà vẫn cảm thấy yên tâm về quan hệ vợ chồng, mặc dù vậy tôi không muốn ăn bám chồng – chị nói.

"Tôi không biết chuyện gì xảy ra với tài khoản của anh"

Quan hệ vợ chồng của các chị Karolina, Monika và Ewelina là thí dụ về những cuộc hôn nhân trong đó vấn đề tài chính không phải lý do để cãi vã nhau. Nhưng đây có thể coi là hiện tượng phổ biến. Trong thực tế, như đã đề cập ở phần trên, các cặp vợ chồng cãi nhau vì tiền chiểm đến 70 phần trăm lý do xung đột vợ chồng ở Ba Lan. Kết quả tương tự được ghi nhận tại 11 quốc gia Liên minh châu Âu và ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo con số mà Tổng cục Thống kê Ba Lan công bố, sự hiểu lầm nhau có nguồn gốc tài chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đổ vỡ hôn nhân, ngay sau các lý do như không hợp tính cách, phản bội nhau và lạm dụng rượu.

Trong quan hệ vợ chồng của chị Magda, một phụ nữ 35 tuổi, các vấn đề bắt đầu nẩy sinh sau khi chị nghỉ sinh con, đi làm trở lại và thành lập công ty tư nhân. - Chúng tôi hợp nhau nhất là trong thời gian tôi nghỉ sinh con, thu nhập của chồng tôi ở mức đủ duy trì cuộc sống cho cả nhà. Anh cảm thấy mình thật sự có giá trị. Tôi cũng đảm nhiệm tốt vai trò của người mẹ trẻ được chồng chăm sóc và chăm lo tài chính. Nhưng sau đó, tài sản càng lớn thì mâu thuẫn có nguồn gốc tài chính càng tăng. - Tôi và chồng tôi có một tài khoản chung và mỗi người sử dụng một tài khoản riêng. Hàng tháng chúng tôi chuyển vào tài khoản chung 10 ngàn zloty, tôi 3 ngàn, anh 7 ngàn. Tỷ lệ này được thực hiện từ khi tôi có thu nhập ít hơn anh. Hiện tại có thể tôi kiếm tiền nhiều hơn chồng. Thế là anh không đồng ý việc chúng tôi chuyển vào tài khoản chung mức đóng góp ngang nhau. Kết quả là cứ vào ngày 20 hàng tháng, khi khoản tiền chung hết, chồng tôi nói: „Anh không có nữa đâu” là tôi lo duy trì cuộc sống gia đình cho đến hết tháng. Tôi còn phải chi thêm cho tất cả các chuyến đi, ngày lễ, sinh nhật các con, mua quần áo cho mình và cho bọn trẻ. Còn chồng tôi đảm nhiệm tài chính cho hoạt động của hai chiếc ô tô gồm xăng dầu, bảo hiểm, sửa chữa. Tôi không giám sát chặt chẽ xem tôi đã chi bao nhiêu tiền. Các cuộc cãi vã nhau giữa chúng tôi xuất phát từ việc tôi cho rằng tôi phải chi nhiều hơn, còn chồng tôi, anh cố gắng bằng mọi cách chứng minh là anh phải chi phí nhiều hơn – chị Magda kể.

Trường hợp chị Marta, một phụ nữ 35 tuổi, lại là một câu chuyện khác. Chị không thích việc anh chồng mà chị gắn bó 15 năm nay, sử dụng tài khoản ngân hàng riêng và chị không biết chuyện gì xảy ra với cái tài khoản đó. - Cho đến nay chúng tôi chỉ có một tài khoản chung là tài khoản của công ty. Cách đây mấy năm, theo gợi ý thiết tha của tôi, chồng tôi chuyển sang là việc cho công ty do tôi phụ trách. Mặc dù là người cùng lãnh đạo công ty và đảm nhiệm thêm một vị trí quản lý nữa, anh hoàn toàn không quen được với vai trò mới của mình, vì vẫn mang tiếng là làm dưới quyền vợ. Anh muốn „được trả lương đàng hoàng”. Tôi nghĩ đó là đòi hỏi vô lý vì tôi có trả lương cho tôi đâu. Cho nên ngay hồi đầu năm anh đã thành lập công ty riêng, đi làm bằng tắc-xi và mở tài khoản cá nhân. Nhưng anh giấu tôi mức thu nhập của mình. Tôi nghi anh làm như vậy đơn giản vì xấu hổ, không dám thừa nhận chuyện làm ăn không mấy suôn sẻ của mình – chị kể.

Trước đây, khi chị Marta và chồng còn có chung tài khoản ngân hàng, chị đã nhiều lần lên lớp anh về những khoản chi tiêu mà theo chị là không cần thiết. - Anh chồng tôi đua đòi bạn bè mua các loại thực phẩm đắt tiền, các thứ trang trí màu mè cho ô tô với giá không hề rẻ. Nhưng thôi, chuyện đó khi ấy chưa thành vấn đề lắm. Các khoản chi phí chỉ trở thành chuyện cần tính toán khi hai cậu con trai ra đời, đứa lớn nay đã 6 tuổi và đứa bé mới 7 tuần tuổi. - Chồng tôi nắm được tất cả các mã số và mật khẩu để vào tài khoản ngân hàng của tôi, còn tôi thì không thể tiếp cận tài khoản của anh. Tôi hiểu là anh cần có tiền cho riêng mình, nhưng tôi muốn biết liệu công ty của tôi có „góp phần thúc đẩy” cái công ty tắc xi của anh đi lên hay không – chị tâm sự.

Do những rắc rối trong việc phân chia tài sản chung, chị Marta đã bỏ hẳn ý nghĩ về chuyện ly hôn. - Nhưng điều này không có nghĩa là bí ẩn tài chính của chồng tôi đã được sáng tỏ. Anh ấy biết cách chuyển một số tiền lớn từ tài khoản công ty vào tài khoản cá nhân. Điều gì đã xảy ra? Tôi hoàn toàn không có khái niệm – chị Marta khẳng định. Mặc dù chị rất độc lập về tài chính và như chị nói, chị thà „mặc quần áo may bằng bao tải đựng khoai tây hơn là phải xin tiền chồng mua váy”, chị vẫn muốn quan hệ vợ chồng chị tồn tại giống như cuộc sống vợ chồng của bố mẹ chị. - Các cụ có tài khoản ngân hàng chung, ai muốn sử dụng cũng được. Hai cụ đều sống rất lý trí, có những mối quan tâm riêng, những đam mê riêng. Họ không có điều gì phải giấu nhau. Bố mẹ tôi thật sự là tấm gương cho tôi học tập – chị nói.

Không thể có sẵn những hướng dẫn về cách quản lý tiền nong cho các cặp vợ chồng. - Chính tôi là người ủng hộ một quan hệ vợ chồng trong đó cả người phụ nữ và người đàn ông đều sở hữu tiền riêng. Sự độc lập về tài chính là rất quan trọng, bởi nó làm cho người vợ cảm nhận hết giá trị bản thân. Trong một mối quan hệ như thế người phụ nữ cũng đánh giá đúng hơn về chồng mình. Chị không sống với chồng chỉ vì anh là cái máy rút tiền – bà Malgorzata Ciuksza nói.

NGUYỄN CHÍ THUẬT

(Theo Gazeta Wyborcza)

Sửa lần cuối 2019-05-09 15:42:32

Bình luận

Bình luận qua Facebook