2023-03-08 06:36:08

Ý nguyện và niềm tin của người dân Ukraina

Các cuộc biểu tình quần chúng ở Kiev, Ukraina, mà sau này được gọi là "Euromaidan" hoặc đơn giản là các cuộc biểu tình "Maidan", bắt đầu vào ngày 21 tháng 11 năm 2013, sau khi Tổng thống đương nhiệm Viktor Yanukovich quyết định trì hoãn việc ký kết một thỏa thuận liên kết với EU.

Trước đó, vào năm 2004, để phản đối sự gian lận trong bầu cử của V. Yanukovych, người dân Ukraina đã  có một phong trào xã hội gắn liền với làn sóng biểu tình lớn nhất kể từ khi độc lập vào năm 1991, còn gọi là “Cách mạng Cam”.

Ban đầu, các cuộc biểu tình rất ôn hòa tại Quảng trường Majdan ở Kiev (còn gọi là Quảng trường Độc lập). Sau đó, với sự phát triển của tình hình, thái độ của những người biểu tình càng trở nên cứng rắn hơn, họ yêu cầu bãi nhiệm tổng thống và thay đổi triệt để tình hình trong nước. Phong trào đã biến thành các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Đỉnh điểm của các cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 1 tháng 12 năm 2013, khi số người biểu tình ở thành phố này lên tới 800.000 người; sau đó nó ổn định trong khoảng 50-200 nghìn người.

Từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 2 năm 2014, tổng thống Viktor Yanukovych và chính phủ của ông đã ra lệnh trấn áp các cuộc biểu tình. Đồng thời, trước sức ép của quần chúng, Viktor Yanukovych đã quyết định khôi phục hiến pháp 2004 và tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, đến ngày 21 tháng 2, lực lượng công an đã phải ngừng các cuộc đàn áp trên các đường phố của Kiev và Yanukovych phải chạy khỏi thủ đô. Vào ngày 22 tháng 2, quốc hội Ukraine đã cách chức Viktor Yanukovych, bổ nhiệm Oleksandr Turchinov làm quyền tổng thống. Quốc hội cũng quyết định trả tự do cho Yulia Tymoshenko khỏi nhà tù. Tòa án Kyev đã kết án Viktor Yanukovych tội phản quốc với 13 năm tù.

(Cựu tổng thống Viktor Yanukovych)

Dưới thời Yanukovych, tham nhũng tràn lan và không có điểm dừng. Mọi cơ chế hoạt động của các cơ quan nhà nước đều phụ thuộc vào lợi ich của Đảng cầm quyền, của tổng thống và gia đình ông ta. Theo điều tra của Cục chống tham nhũng quốc gia Ukraine (NABU), trong nội bộ đảng của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, các vụ chi hối lộ lên tới hàng tỷ đô la. Viktor Trepak, cựu phó giám đốc thứ nhất của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) nói rằng sự tham nhũng là không thể kiểm soát được trong các cơ quan nhà nước Ukraina. Ông tiết lộ rằng danh sách những người biến chất thuộc Đảng Khu vực (đảng của Yanukovych) bao gồm hầu hết các quan chức cấp cao - bộ trưởng, chính trị gia nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội, thẩm phán và thậm chí cả đại diện của các tổ chức quốc tế. Hối lộ 500.000 hoặc một triệu đô la gần như là tiêu chuẩn. Trong nhiều trường hợp, khoản hối lộ lên tới năm, tám và thậm chí 20 triệu đô la (bằng tiền mặt). Trepak còn nói rằng cả các cựu chính trị gia đối lập, những người đã đàm phán với Yanukovych trong cuộc cách mạng Maidan ở Kiev vào đầu năm 2013 và 2014 cũng đã nhận hối lộ từ Đảng của Yanukovych. Đó là: cựu Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, thị trưởng hiện tại của Kiev Vitaly Klitschko và lãnh đạo đảng Svoboda theo chủ nghĩa dân tộc Oleh Tiahnybok. Tham nhũng ở Ukraina đã kéo dài trong nhiều thập niên.

Theo những thông tin từ "sổ kế toán đen" của Đảng Khu vực, trong một thời gian dài cầm quyền của "một số tổng thống, một số thành phần chính phủ và nhiệm kỳ quốc hội, cũng như một số cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và địa phương" ở Ukraine đều dính vào tham nhũng. Có thể nói rằng chế độ độc tài, phi dân chủ đã là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng tham nhũng. Bản thân tổng thống Yanukovych cũng giống như các tổng thống, thủ tướng của Ukraina trước đó đều dính vào tham nhũng. Báo Công an nhân dân online (Việt nam), số ra ngày 6/7/2014, trong bài “7 sai lầm của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych” có đoan viết: “Ông Yanukovych đã làm tan rã quốc gia bởi nạn tham nhũng và bản thân ông cũng tư túi khá nhiều. Sai lầm chính mà Tổng thống  có thể gây nên, đó là đi theo con đường tìm mọi cách để “phì gia”. Ngoài ra, Yanukovych đã không tách mình  ra khỏi các nhà tài phiệt. Ngược lại, còn tạo điều kiện (cấu kết) để những người này (những tên cò mồi) tác động tới chính trường”. 

Hệ quả của tham nhũng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc tổng thống Yanukovych phải bỏ chạy và sự kiện Majdan đã đưa đến thắng lợi cho người dân Ukraina trong cuộc cách mạng này. Nhưng theo một số nhà bình luận chính trị thì tham nhũng chỉ là “giọt nước tràn li”. Cốt lõi của vấn đề là người dân Ukraina đã quá sức chịu đựng khi phải sống nhiều năm dưới chế độ độc tài và thiếu dân chủ. Hiện tại, nhiều nước gần gũi, cùng cảnh với Ukrains trước đây đã và đang được lựa chọn sự phát triển của đất nước theo ý nguyện của mình. Người dân Ukraina cũng chỉ muốn được như vậy. Và họ đã không tiếc mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả máu của mình để đạt được những mục tiêu đó. Cuộc chiến tranh kiên cường bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lược của nước Nga-Putin cũng không ngoài mục đích này.

Phải chăng số phận đen đủi đã đưa Ukraina lên thành “điểm tựa” của lịch sử, khi Putin cố ý cho rằng sự kiện Majdan là do sự xúi dục của Phương Tây và việc Ukraina muốn trở thành thành viên của Liên minh châu Âu là mối đe doa an ninh nước Nga hơn bất cứ điều gì.

Cuộc chiến đấu chắc chắn sẽ còn gian khổ và kéo dài, nhưng người dân Ukraina luôn vững tin vào những thắng lợi của mình. Họ có niềm tin tuyệt đối vì họ có chính nghĩa, họ có tinh thần dân tộc và hơn thế nữa, họ đang có một chính phủ vì dân, vì nước và một tổng thống mẫu mực, không sợ gian khổ, hy sinh và có tài tổ chức tuyệt vời.

Chúng ta, hầu hết những người Việt Nam đang sống ở Ba Lan và những người Ba Lan gốc Việt luôn vui mừng trước những thắng lợi gần đây của nhân dân Ukraina. Chúng ta hãy cùng chúc họ đánh thắng quân xâm lược, đuổi chúng về nước để xây dựng một đất nước theo ý nguyện của mình là : công bằng, dân chủ và không có tham nhũng.

Xuân Nguyên

(Nguồn chính: https://tvn24.pl/swiat/lapowki-po-20-mln-dolarow-w-gotowce-poczatek-nowej-afery-na-ukrainie-ra648045)

Sửa lần cuối 2023-03-08 05:50:35

Bình luận

Bình luận qua Facebook