Những bài hát bắt tai, vũ điệu đẹp mắt và ngoại hình rực rỡ của các ca sĩ Hàn Quốc được đào tạo bài bản và nghiêm ngặt đã đưa làn sóng K-pop đi muôn nơi. Khác với các quốc gia phía đông, K-pop xuất hiện tại Ba Lan tương đối muộn. Mãi đến những năm 2016, K-pop mới dần trở thành một luồng văn hóa tương đối rõ nét và có ảnh hưởng ít nhiều tại đây.
Ảnh hưởng về kinh tế
Các nghệ sĩ K-pop Hàn Quốc đã chiếm được tâm trí, trái tim và cả… ví tiền của người hâm mộ trên toàn thế giới.
Hai doanh nhân người Ba Lan là Michał Jakubowski và Jagoda Wierzbińska đã thành lập công ty J&M INTERACTIVE có trụ sở tại Zabrze, điều hành hai cửa hàng trực tuyến dành cho những người hâm mộ văn hóa Hàn Quốc là Kpopowo (âm nhạc và phụ kiện K-pop) và Gangnam (mỹ phẩm Hàn Quốc).
Jagoda Wierzbińska vốn là một fan K-pop. Cô từng phải than phiền rằng hồi đó số lượng đĩa hát K-pop ở Ba Lan quá hiếm hoi, muốn đặt hàng thì phải qua các trung gian online, thời gian chờ lên tới vài tháng. Do đó, năm 2017, J&M INTERACTIVE đã ra đời nhằm đặt mua và phân phối trực tiếp sản phẩm từ các nhà sản xuất ở Hàn Quốc. Hàng trăm, hàng nghìn đơn đặt hàng đã bắt đầu đổ về không lâu sau đó.
Tính đến năm 2021, Kpopowo là cửa hàng liên quan tới K-pop lớn nhất Ba Lan, chuyên nhập album nhạc và phụ kiện từ Hàn Quốc để bán cho fan trong nước. Album rẻ nhất là 90 zł, đắt nhất là 200 zł. Mỗi tháng cửa hàng thực hiện trên dưới 10 nghìn đơn, doanh thu đỉnh cao có thể lên tới 1 triệu zł.
Năm 2020, doanh thu công ty còn vượt quá 10 triệu zł khi các fan K-pop mua thêm nhiều đĩa hát mới vì cảm thấy quá nhàm chán trong thời gian ở nhà tránh dịch.
Album của BTS. Hình: Internet
Nhạc của các nhóm K-pop đúng là chỉ cần lên Spotify là nghe được. Nhưng đó chỉ là một phần trong bộ sưu tập của một fan “chân chính”. Họ phải sở hữu cả những album có kèm tranh ảnh, sticker, áp phích liên quan tới thần tượng. Các phụ kiện khác như búp bê, gậy phát sáng, ... cũng ăn khách không kém.
Ai là khách hàng mua những món đồ này nhiều nhất? Chủ yếu là các thanh thiếu niên, nhưng phụ huynh mua quà tặng con cũng nhiều không kém.
Ảnh hưởng về du lịch, văn hóa
Album và phụ kiện đôi khi vẫn chưa khiến các fan K-pop Ba Lan hài lòng. Họ còn muốn đích thân trải nghiệm văn hóa đại chúng Hàn Quốc bằng việc du lịch hay đơn giản là tham gia các trại hè. Nhiều công ty du lịch và sự kiện đã nhanh tay nắm bắt thời cơ này.
Kể từ năm 2020, trại hè Almatur ở Poznań đã tổ chức các trại hè bao gồm chương trình học nhảy K-pop, tìm hiểu truyền thống Hàn Quốc, thử mặc Hanbok, v.v. Trong năm 2023, giá vé cho một đợt trại hè 11 ngày là khoảng 2600 zł.
Văn phòng Du lịch Orion ở Warszawa không chỉ tổ chức cắm trại cho thanh thiếu niên hâm mộ văn hóa đại chúng Hàn Quốc mà còn thực hiện các chuyến bay tới tận xứ sở kim chi. Mỗi chuyến đi đều có các sự kiện âm nhạc, ghi hình, gặp gỡ với các ngôi sao, ... kéo dài 11 ngày và có giá 12.500 zł.
Ảnh hưởng về giáo dục
K-pop trông giống như một thú vui giải trí đầy màu sắc, nhưng với nhiều người trẻ Ba Lan, niềm đam mê này lại có thể trở thành nghề nghiệp. Điều này có thể nhìn ra ra từ sự bùng nổ của các khoa phương Đông học tại các trường đại học ở Ba Lan.
Ví dụ, tại Đại học Adam Mickiewicz ở Poznań, trong đợt tuyển sinh năm 2021-2022, đã có 503 em đăng ký khoa tiếng Hàn bậc cử nhân. Trong đó, chỉ có 49 thí sinh được tuyển. Phí tuyển sinh là 85 zł không hoàn lại. Như vậy trường đã thu được 40.000 zł sau khi từ chối 454 thí sinh còn lại.
Ngày hội văn hóa Hàn Quốc ở trường Đại học Adam Mickiewicz. Ảnh: Internet
Mặc dù vậy, theo Paweł Kida, phó giáo sư Khoa Nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Adam Mickiewicz, đó không chỉ là kết quả của làn sóng K-pop mà còn do ảnh hưởng của những khoản đầu tư lớn vào Ba Lan từ Hàn Quốc.
Ảnh hưởng về xã hội
Tại Ba Lan, fandom của người nổi tiếng Hàn Quốc chủ yếu là các cô gái trong độ tuổi từ 16 đến 25. Đối với họ, K-pop đại diện cho sự bao dung và cởi mở. Trả lời tạp chí WP, Magdalena - một người hâm mộ nhạc K-pop và học ngành Nghiên cứu châu Á - nói rằng: “Nếu không có K-pop và sự quan tâm tới văn hóa châu Á, thì cứ nhắc đến “người châu Á”, tôi lại chỉ nghĩ đến “người Trung Quốc”. K-pop đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều, khiến tôi trở thành một người bao dung và cởi mở hơn.”
Các fandom K-pop ở Ba Lan không chỉ có những hoạt động liên quan tới thần tượng mà còn quan tâm đến các vấn đề trong xã hội như phân biệt chủng tộc hoặc kỳ thị đồng tính. Klaudia, một fan của nhóm BTS kể lại: “Khi BTS quyên góp 1 triệu đô la cho quỹ Black Lives Matter, các fan đã quyết định quyên góp gấp đôi. Hơn một triệu đô đã được thu thập chỉ trong một ngày. Bản thân tôi cũng đã tham gia.”
Ở Ba Lan, BTS là nhóm nhạc Hàn nổi tiếng nhất, sau đó mới đến Blackpink và Stray Kids. BTS được lòng khán giả phương Tây vì nội dung bài hát có sự khác biệt với phần còn lại của K-pop, khi mà họ đề cập tới cả những chủ đề về trầm cảm, bạo lực học đường, v.v.
Monika, một fan K-pop, chia sẻ với Radiozet: “Trước năm 2015, tôi không thấy nhiều bài hát nổi bật nói về rối loạn tâm thần. Các nhạc phẩm của BTS đã đề cập tới các chủ đề đó và rất đáng khen ngợi. Trước đây, chuyện về bắt nạt học đường, chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên cũng từng bị gạt sang một bên. Khi một nhóm nhạc nam nổi tiếng hát về những vấn đề ấy, giới trẻ toàn thế giới cũng chú ý theo một cách nghiêm túc.”
Marcin Teodorczyk là một nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa đại chúng dành cho giới trẻ. Anh đã nghe nhạc K-pop được gần 10 năm và từng viết một vở kịch lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhóm nhạc Blackpink. Kịch bản xoay quanh câu chuyện của một cậu bé 14 tuổi, nghe nhạc K-pop, có phần hơi “khác người”, nhạy cảm, không ngại thể hiện bản thân và vươn tới những giá trị sáng tạo. Marcin Teodorczyk cho hay, là người nghe một dòng nhạc “lạ”, bản thân fan K-pop Ba Lan cũng cảm nhận được sự "từ chối" của những người nghe nhạc còn lại. Họ trở nên thấu hiểu và nhạy cảm hơn trước các hình thức phân biệt đối xử.
K-pop thậm chí còn mang đến cho người phương Tây những quan niệm mới mẻ về hình tượng nam tính cố hữu. Các nam thần tượng nhạc Hàn có những đường nét thanh tú, khuôn mặt xinh xắn, nhuộm tóc nhiều màu, chứ không mang nét vạm vỡ như một “người thợ rừng”. Marcin Teodorczyk nhận định: “Điều này có thể là khởi đầu cho một cuộc cách mạng về hình ảnh nam giới.”
Nhìn chung, do khoảng cách địa lý và văn hóa, K-pop ở Ba Lan chưa có tầm ảnh hưởng sâu đậm và rộng khắp như ở Việt Nam, Thái Lan hay các nước châu Á khác. Tuy vậy, những tác động của K-pop tới văn hóa, xã hội và kinh tế Ba Lan cũng khá tích cực và đang ngày một rõ nét.
An Vu
Tham khảo từ: Forbes, WP, Radiozet, v.v.
Bình luận