Hiện nay, các hãng ô tô trên thế giới đều thừa nhận việc chuyển sang sử dụng ô tô điện thay cho ô tô chạy xăng/dầu là xu hướng tất yếu và đang ngày càng được định hình rõ.
Ở Ba Lan ô tô điện đến chậm hơn một chút so với các nước Tây Âu nhưng sự thay đổi gần đây có vẻ rất hứa hẹn. Vào năm 2022, một số lượng kỷ lục ô tô điện đã được đăng ký lên tới hơn 11.293 chiếc, tăng 59% so với năm 2021.
Ô tô điện sẽ trở thành hiện thực mới trên đường - điều này cũng được luật pháp EU ủng hộ. Từ năm 2035, Liên minh châu Âu sẽ cấm đăng ký động cơ đốt trong mới (trừ nhiên liệu tổng hợp). Tuy nhiên, các quy định này làm dấy lên sự phản đối và nghi ngờ về việc liệu xe điện có chắc chắn thân thiện với môi trường không. Nếu quyết định mua thì bạn có những lo lắng gì? Pin sẽ có tuổi thọ bao lâu và máy móc, phanh và lốp của nó hoạt động như thế nào?.
Một số người còn nghi ngờ rằng chúng dễ cháy, nổ và pin đã qua sử dụng cho ô tô điện như là một quả bom hẹn giờ. Vậy, sự thật là gì?. Dưới đây là một số thông tin về ô tô điện, cũng như khả năng sử dụng xe điện tại Ba Lan trong những năm tới, do OTOMOTO cung cấp:
1. Pin của xe điện
Pin dùng cho xe ô tô điện có tuổi thọ cao ngoài mong đợi và nếu được xử dụng đúng cách có thể kéo dài thêm tuổi thọ. Khi mua ô tô mới, điều này được chứng minh bằng giấy chứng nhận đảm bảo ít nhất là 8 năm cho pin. 8 năm là thời hạn bảo hành mà nhiều hãng cung cấp cho pin của xe điện. Điều này không có nghĩa là tuổi thọ của pin là 8 năm, giống như xe xăng được bảo hành 2, 3 hay 5 năm không có nghĩa là xe sẽ không thể sử dụng khi hết thời gian bảo hành. Tuổi thọ pin được xác định bởi thông số SoH. Pin mới có SoH 100%, Pin khi đã được sử dụng đáng kể có SoH 70-80%.
Trong ô tô điện, pin được bảo vệ chống sạc quá mức, quá nhiệt hay xả quá mức, v.v. Tuy nhiên, cần nhớ rằng điều kiện hoạt động sẽ ảnh hưởng đến độ bền của pin. Ở nhiệt độ thấp, phạm vi hoạt động của ô tô điện bị rút ngắn, trước hết là do nhu cầu sưởi ấm bên trong ô tô, thứ hai là do nhu cầu sử dụng một lượng năng lượng nhất định để tự làm nóng pin. Vì những lý do tương tự, khi nhiệt độ môi trường quá cao, pin của ô tô điện cũng phải được làm mát. Điều này cũng giống như với ô tô dùng động cơ đốt trong - mức tiêu thụ xăng tăng khi trời rất lạnh hoặc rất nóng. Dung lượng của pin lithium-ion - loại phổ biến nhất được sử dụng trong ô tô điện hiện nay, cho phép đạt được phạm vi hoạt động lên tới vài trăm km trong một lần sạc, không phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ như trong trường hợp dùng ác quy chì – axit.
Nhiều người lo sợ rằng pin có thể gây phát nổ và cháy khi sử dụng ô tô điện. Đúng, cháy xe có thể xảy ra, nhưng khả năng này cực kỳ hiếm và cũng giống như xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel. Giống như trường hợp ô tô động cơ đốt trong, hỏa hoạn thường liên quan đến lỗi thiết kế của xe hoặc hư hỏng cơ học. Đôi khi sự sai sót của nhà sản xuất đã dẫn đến việc thu hồi một số xe như là trường hợp của General Motors và Chevrolet Bolt. Nguyên nhân ở đây đã được nói rõ: "pin trong những chiếc xe này bị lỗi tại nhà máy, trong một số trường hợp hiếm hoi có thể gây ra hỏa hoạn".
Cho đến nay, không có dữ liệu nào chứng minh rằng ô tô điện dễ bị cháy hơn ô tô dùng động cơ đốt trong.
(Tesla – hãng xe điện đại diện của nước Mỹ)
2. Lốp và phanh xe điện mòn nhanh hơn – đúng hay sai?
Do trọng lượng lớn của xe điện và công suất cao của hệ thống truyền động, nên lốp xe nhanh mòn hơn. Tuy nhiên, nếu lái xe theo nguyên tắc tiết kiệm (ecodriving) sẽ giảm đáng kể độ mòn của lốp.
Cũng cần biết rằng, phanh xe điện mòn rất chậm. Điều này là do trong ô tô điện, chúng rất hiếm khi được sử dụng. Thông thường, phanh được thực hiện bởi động cơ của ô tô, trong khi ta phanh, nó hoạt động như một máy phát điện – chuyển động năng của ô tô thành điện năng để sử dụng sau (cách đây vài năm, báo chí xôn xao câu chuyện về chiếc BMW i3 đã chạy 277 000 km mà không phải thay má phanh và đĩa).
3. Khả năng dịch vụ, sửa chữa xe điện tại Ba Lan thế nào?
Ba Lan đi sau nhiều năm so với Đức và Hà Lan, nên mạng lưới các trạm sạc điện cho ô tô còn ít. Theo báo cáo của Hiệp hội Nhiên liệu Thay thế Ba Lan, ở Ba Lan hện có 2.885 trạm sạc, với tổng số 5.709 bộ sạc. Ở Đức hiện có hơn 44.000 trạm sạc, tuy nhiên, nhiều người thích sạc pin tại nhà và chỉ thỉnh thoảng mới có nhu cầu sử dụng các trạm sạc công cộng.
Các xưởng dịch vụ, sửa chữa ô tô điện cũng ít hơn so với các xưởng sửa chữa ô tô dùng động cơ đốt trong. Tuy nhiên, không thể nói rằng các chủ xe sẽ gặp khó khăn khi cần sửa chữa, bởi vì số lượng ô tô điện tại Ba Lan hiện đang có rất ít. Một khi đã có nhiều ô tô điện chạy trên đường thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều trạm sửa chữa. Khi số lượng ô tô điện chạy trên đường tăng đáng kể thì khả năng cung cấp các phụ tùng và dịch vụ thay thế cũng phải tăng theo.
4. Xe điện có chạy chậm hơn xe chạy bằng động cơ đốt trong?
Có thể nói rằng, trong hầu hết các trường hợp, tốc độ của xe điện không có gì phải phàn nàn. Tốc độ tối đa của nhiều mẫu xe vẫn cao hơn đáng kể so với giới hạn tốc độ trên các đường cao tốc ở Ba Lan - một trong những đường cao tốc nhanh nhất ở châu Âu.
5. Dùng ô tô điện có gây ảnh hưởng cho môi trường?
Những người phản đối ô tô điện thường chỉ ra rằng toàn bộ vòng đời của một ô tô điện kém sinh thái hơn so với trường hợp... động cơ diesel. Tuy nhiên, các phân tích cho thấy, bất chấp những vấn đề, ô tô điện vẫn thân thiện với môi trường hơn, thí dụ với quãng đường đi được khoảng 275 nghìn km, lượng khí thải của ô tô điện thấp hơn hai lần so với xe chạy xăng dầu. Một nghiên cứu năm 2020 do Ủy ban Châu Âu ủy quyền và được thực hiện bởi các công ty năng lượng Ricardo và E4tech cũng như Viện Nghiên cứu Năng lượng và Môi trường Heidelberg (ifeu) cho thấy ô tô điện có thể giảm hơn 60% lượng khí thải nhà kính so với xe xăng/dầu ở Liên minh Châu Âu.
Tuy nhiên, thực tế là không phải mọi thứ liên quan đến ô tô điện đều tuyệt vời và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Thí du, điện ở Ba Lan được sản xuất chủ yếu ở các nhà máy nhiệt điện, và than đá vẫn được dùng chủ yếu ở các nhà máy này. Tuy nhiên, phương thức sản xuất điện đang thay đổi nhanh chóng và năng lượng tái tạo đang ngày càng đóng vai trò chủ lực. Nhiều chủ sở hữu ô tô điện cũng đã lắp đặt các tấm quang điện với chi phí không quá cao.
Ngoài ra, để sản xuất pin cho ô tô điện, yêu cầu phải có nguyên liệu thô như niken, coban hoặc lithium. Những nguồn tài nguyên này được khai thác mỏ thường gắn liền với những thiệt hại về môi trường như diện tích trồng rừng và cân bằng nước ở những vùng mỏ.
(Ô tô điện BYD của Trung Quốc đứng số 1 về doanh số bán ra trên toàn cẩu từ 2014 đến 2019)
Những người phản đối ô tô điện cũng thường nêu vấn đề pin đã qua sử dụng, có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên Pin dùng cho xe điện là loại lithium-ion, khi đã qua sử dụng không phải là vấn đề nan giải. Nó là một mặt hàng có giá trị, được săn đón, vì người ta có thể thu hồi các nguyên liệu thô khan hiếm từ mặt hàng này. Hiện nay, Liên minh Châu Âu đã có kế hoạch giám sát việc sử dụng pin, ngăn chặn việc tái xuất và xử lý để thu hồi các chất có giá trị chứa trong đó. Bắt đầu từ năm 2024, sẽ có một loại giấy thông hành được cấp phép cho việc sản xuất pin lithium-ion hoặc đưa vào thị trường Châu Âu.
Theo quy định của EU, đến cuối năm 2025, hiệu suất tái chế là 80% đối với pin niken-cadmium và 50% đối với các loại pin đã qua sử dụng khác". Theo báo cáo của Đại học Công nghệ Aachen và PwC, việc tái chế pin điện tử ở EU dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 9 tỷ euro vào năm 2035. Ba Lan cũng có tham vọng cạnh tranh trong lĩnh vực tái chế.
Xuân Nguyên (Theo Business Insider Polska)
Bình luận