Trong những tuần vừa qua, truyền thông một số nước, kể cả truyền thông Ba Lan đưa tin Nga đã triển khai tên lửa Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến gần biên giới với Phần Lan. Cùng với những thông tin về vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus, những thông tin này dường như đang làm tăng thêm mối đe dọa về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Ba Lan.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ ai trong giới quyền lực của Nga, kể cả Putin, đang tìm cách phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự với phương Tây. Những lý do cụ thể có thể được cho là:
Thứ nhất: Giới tinh hoa Nga và cá nhân Tổng thống Vladimir Putin luôn lo sợ và có khả năng ra những quyết định liều lĩnh, nhưng đồng thời họ lại là những kẻ tham nhũng và không muốn mất đi những tài sản đang có và cuộc sống xa hoa của họ. Khi chiến tranh bùng nổ (đặc biệt là chiến tranh hạt nhân) thì tất cả đều “của thiên trả địa” và ai cũng biết là tài sản của họ không chỉ có ở nước Nga.
Thứ hai: Không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ nhà lãnh đạo Nga nào bị điên loạn hay mắc bệnh tâm thần.
Thứ ba: Người Nga chắc chắn hiểu rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân (cho dù chỉ là vũ khí hạt nhân chiến thuật) cũng sẽ gặp phải phản ứng từ phương Tây. Phản ứng này không chỉ tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga mà còn tiêu diệt tất cả lực lượng Nga hiện đang đóng tại Ukraine.
Thứ tư, người Nga lớn tiếng đe dọa vũ khí hạt nhân nhưng thực tâm không muốn xảy ra chiến tranh với phương Tây.
Thứ năm, các nhà lãnh đạo Nga cũng hiểu rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ khiến các nước thân thiện hoặc trung lập quay lưng lại với chính phủ Moscow. Nếu không có sự ủng hộ của các nước như Trung Quốc và Ấn Độ, Nga khó có thể vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Và cuối cùng, thứ sáu, các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, một mặt đang kiên quyết ủng hộ Ukraine, nhưng mặt khác, họ luôn thận trọng, tránh né tình huống có thể dẫn đến thất bại thảm hại của Nga. Nghĩa là, không muốn đẩy người Nga vào ngõ cụt, bắt buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hiện nay, dư luận phương Tây, trong đó có Ba Lan vẫn không hiểu hết các trò bịp bợm của Nga và Putin. Đó là việc sử dụng các kiểu đe dọa và lừa gạt. Người Nga biết rằng, họ có thể tống tiền phương Tây bằng những thông tin thỉnh thoảng xuất hiện kiểu như việc bố trí vũ khí hạt nhân gần biên giới Ba Lan hoặc Phần Lan.
Tính toán của Mátxcơva là tạo dư luận để những người thiếu hiểu biết sợ hãi và gây áp lực lên các chính trị gia nhằm tránh nguy cơ hạt nhân được cho là thảm họa, buộc chính phủ nước mình ngừng hỗ trợ Ukraine hoặc nhượng bộ với Nga. Thật không may, nhiều nhà báo cũng tiếp tay cho Putin, liên tục đe dọa chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân, như là người phát ngôn cho Điện Kremlin. Họ có thể có lợi nhưng Moscow chắc chắn sẽ được lợi nhiều hơn.
Đặc điểm cơ bản của nền chính trị Nga đương đại là sự dối trá, thường được gọi là ảo tưởng về phép nhân. Với một sự kiện có lợi cho Moscow thì truyền thông phải đưa tin nhiều lần, thậm chí trong một số trường hợp là hàng chục lần. So với phương Tây, Nga không chỉ là một nước lùn về kinh tế mà còn là một nước lùn về quân sự. Cho nên, ảo tưởng về phép nhân cũng được sử dụng để thổi phồng mối đe dọa hạt nhân. Thí dụ, Moscow đã công bố những thay đổi về địa điểm tập kết của tên lửa Iskander mang đầu đạn hạt nhân trong 20 năm qua, nhiều lần đến mức có thể hiểu là những tên lửa này đã được đặt tại mỗi ngôi làng của nước Nga. Tất nhiên điều này là không thể.
(Ảo tưởng về phép nhân: Truyền thông Nga đưa tin liên tục và nhiều lần vụ Vladimir Putin lái máy bay ném bom hiện đại Tu-160M)
Tuy nhiên, sự di chuyển của tên lửa Iskander cũng không quan trọng lắm, vì chúng là tên lửa được bắn từ các phương tiện di động. Nói cách khác, việc những tên lửa này được đặt gần biên giới này hay biên giới khác không thành vấn đề. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, người Nga có thể tấn công NATO bằng tên lửa bắn từ khoảng cách này hay khoảng cách khác đều như nhau. Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và sau đó là Phó Tổng thư ký NATO, đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus không hề làm thay đổi mối đe dọa đối với các nước NATO.
Tóm lại, vũ khí hạt nhân của Nga ở gần biên giới Phần Lan cũng giống như vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus, không gì hơn là một hành động chính trị, không phải quân sự. Chúng ta cần thấy rõ sự thật này và không nên sợ hãi.
Mới đây, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng đã tuyên bố rằng Ba Lan sẽ quan tâm đến việc tham gia chương trình Chia sẻ Hạt nhân của NATO, tức là di dời vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan. Đây không phải là mới cũng như không gây giật gân. Nhưng sự hiện diện của vũ khí hạt nhân sẽ góp phần tăng cường an ninh cho Ba Lan, quốc gia muốn tham gia chương trình này từ lâu và đã được giữ bí mật trong nhiều năm.
Xuân Nguyên (lược dịch)
(Nguồn: https://www.onet.pl/informacje/onetwiadomosci/rosja-nie-chce-ani-nie-moze-uzyc-broni-jadrowej-polska-nie-jest-zagrozona-analiza/g3rst7p,79cfc278)
Bình luận