2010-05-16 18:50:19

Sống chậm?

Một số du học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp đã chọn Úc làm quê hương thứ hai của mình. Lý giải cho sự chọn lựa này, họ đánh giá cao cuộc sống bình yên tại đây hướng tới những giá trị gia đình.


Sống chậm?

Một số bạn trẻ Việt Nam chọn Úc để lập nghiệp và xây dựng cuộc sống gia đình. (Bay Vút)

 

“Tôi quyết định chọn Úc làm quê hương thứ hai của mình. Tôi yêu nước Úc như tôi yêu Việt Nam vậy. Tôi không nghĩ là mình có thể quay về sống ở Việt Nam vì tôi e rằng mình bị ‘tụt hậu’ và không theo kịp nhịp sống ở đó”, L.A bày tỏ trong một lần trò chuyện. Lúc đó, tôi thật sự không hiểu được tại sao L.A lại có nỗi e ngại đó...

 

Từ Việt Nam...

 

L.A là con gái ‘cưng’ của một gia đình gồm hai chị em gái tại Hà Nội. Cô đặt chân đến Melbourne khi vừa tròn 18 tuổi. Hiện cô đã hoàn thành chương trình cử nhân ngành Thương mại tại Đại học Swinburne.

 

Trước khi đến Úc, Th. đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa loại giỏi và làm việc tại một công ty nước ngoài nổi tiếng chuyên về thực phẩm. Trong những chuyến tập huấn nước ngoài, Th. đã tìm thấy ‘một nửa’ của mình. Chồng của Th. là giám đốc của một công ty chuyên về công nghệ thông tin. Cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ được mọi người nhận xét là rất ổn định và thoải mái.

 

... đến Úc

 

Đột nhiên, Th. tuyên bố hai vợ chồng chuẩn bị sang Úc du học. Ông xã của Th. đã tìm được học bổng thạc sĩ, còn Th. cũng sẽ tiếp tục học cao học nhưng không phải bằng học bổng mà du học tự túc. Thời gian đầu đến Sydney, cuộc sống của cả hai khá vất vả và chông gai dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Vốn con nhà ‘tiểu thư’ được nuông chiều từ bé, Th. không nghĩ thực tế cuộc sống khi tự lập ở một phương trời xa lạ lại đầy gian nan đến thế. Có những giai đoạn chồng đi học thì vợ đi làm thêm, chồng đi làm thêm thì vợ đi học, lắm lúc cả ngày không gặp mặt nhau.

 

Năm đầu tiên đầy khó khăn trôi qua như thế. Đến năm thứ hai thì mọi việc đi vào bình ổn. Sau khi hai vợ chồng tốt nghiệp và đi làm toàn thời gian thì cuộc sống của cả hai bắt đầu ổn định. Th. làm việc cho một công ty thực phẩm, trong khi chồng cô làm việc trong chuyên ngành công nghệ thông tin. Cả hai đã mua được nhà và sắp lên chức ba mẹ. Th. cho biết giờ cô rất hài lòng với cuộc sống tại đây và chưa có ý định trở về quê hương dù hai bên nội ngoại đều đang sống tại Việt Nam và cơ hội phát triển tại Việt Nam là rất nhiều.

 

Th. nói: “Cuộc sống ở đây rất bình yên. Khi cả hai đều có công ăn việc làm thì không phải lo gì cả. Hai vợ chồng có nhiều thời gian dành cho nhau hơn so với thời ở Việt Nam. Cứ cuối tuần hai đứa lại cùng đi chợ, đi mua sắm, thỉnh thoảng lại đi chơi xa, cùng chia sẻ trách nhiệm với nhau trong mọi việc. Hết giờ làm là anh ấy về nhà với gia đình. Không như trước đây ở Việt Nam, hết giờ làm việc và cuối tuần anh ấy vẫn phải đi tiếp khách, ngoại giao bên ngoài, ‘nhậu’ liên tục - vừa không tốt cho sức khỏe vừa không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Nếu không làm như thế thì cũng không được vì tính chất công việc là thế.”

 

Trở lại với câu chuyện của L.A, trong quá trình học tại Melbourne, L.A đã gặp được ‘một nửa’ của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai quyết định kết hôn với nhau. Ông xã của L.A cũng là du học sinh Việt Nam học cùng trường. Đám cưới được tổ chức tại ba nơi: Melbourne với sự hiện diện của chỉ những người bạn thân trong bầu không khí ấm cúng và đầy lãng mạn, Hà Nội và TP.HCM trong sự chia vui của người thân và bạn bè tại quê nhà. Mối tình của cô được bạn bè xung quanh bàn tán là ‘đẹp như mơ’ và sau khi kết hôn, cái sự ‘đẹp như mơ’ ấy vẫn được duy trì khiến nhiều người phải ghen tị.

 

Hai vợ chồng L.A hiện đều có công việc ổn định tại Melbourne. Sau khi sinh con, L.A làm việc bán thời gian để dành thời gian chăm con. Cuộc sống của gia đình nhỏ này vẫn êm ả như ngày nào dù có bận rộn hơn nhiều với chuyện con cái. Họ vẫn đi về cùng nhau, vẫn tiếp tục những chuyến dã ngoại cuối tuần, chỉ khác là bây giờ có thêm một thành viên ‘nhí’.

 

L.A chia sẻ: “Làm mẹ ở đây cực hơn ở Việt Nam vì không có người giúp việc, không có nhiều người thân bên cạnh giúp đỡ. Chuyện gì cũng hai vợ chồng tự lo mặc dù hai bên nội ngoại cũng thay nhau sang đây thời gian đầu để hỗ trợ hai vợ chồng mình chăm sóc con cái. Tuy nhiên, chính nhờ vậy mà hai vợ chồng lại cảm thấy gắn bó và chia sẻ với nhau nhiều hơn.”

 

Khủng hoảng giá trị gia đình

 

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn ở nhiều quốc gia trên thế giới đều có xu hướng gia tăng. Tại các nước Âu Mỹ, tỷ lệ ly hôn luôn ở mức cao. Ở nhiều nước Châu Á, tỷ lệ ly hôn hiện cũng đã đuổi kịp các nước Âu Mỹ, đặc biệt Hàn Quốc hiện đã trở thành nước có tỷ lệ ly hôn cao thứ ba toàn cầu.

 

Tại Việt Nam, theo một cuộc điều tra do Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục Thống kê, với sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy số vụ ly hôn đang tăng nhanh ở mức báo động. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ. Một trong những nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho vấn đề trên là do sự phát triển nhanh chóng của kinh tế khiến những giá trị truyền thống không còn được coi trọng như trước đây và mối quan hệ gia đình cũng trở nên lỏng lẻo, mọi người không còn dành nhiều thời gian để quan tâm đến nhau.

...

L.A tâm sự: “Tụi mình đi làm từ 9 giờ sáng đến gần 6 giờ chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu. Sau giờ làm việc thì không có bất cứ việc gì liên quan đến công việc nữa cả. Toàn bộ thời gian còn lại hai vợ chồng dành cho con cái, gia đình, bạn bè. Cuối tuần rảnh rỗi cả nhà lại đi chơi. Nhịp sống ở đây cứ êm đềm và chậm rãi từ ngày này sang ngày khác như thế. Một số bạn bè của mình thì bảo rằng buồn và đơn điệu nhưng mình thì cảm thấy thích sự bình yên này...”

 

Kim Anh (Bayvut)

Sửa lần cuối 2012-12-20 04:14:39

Bình luận

Bình luận qua Facebook