2010-05-28 19:27:56

Sinh viên Việt Nam và ‘An toàn cho sinh viên quốc tế’

Nghiên cứu trong cuốn sách ‘An toàn cho sinh viên quốc tế’ được đánh giá là sẽ có ảnh hưởng lớn tới nhận thức và chính sách giáo dục của Úc trong tương lai về vấn đề của sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, nghiên cứu này liên quan đến sinh viên Việt Nam như thế nào?

 

Ảnh minh họa

 

Bay Vút đã có cuộc trò chuyện với chị Đặng Thị Kim Anh, hiện là nghiên cứu sinh ngành giáo dục Đại học Melbourne, về ảnh hưởng của cuốn sách 'An toàn cho sinh viên quốc tế' đối với sinh viên Việt Nam. Chị cũng là khách mời tại sự kiện của Asianlink tuần qua và đại diện sinh viên quốc tế tại Úc đưa nhận xét về ấn phẩm này.

 

Bay Vút: Tên gọi của quyển sách là ‘An toàn cho sinh viên quốc tế’, phải chăng nội dung của nó chỉ liên quan đến vấn đề bạo lực đối với sinh viên Ấn Độ tại Úc gần đây thôi?

 

Kim Anh: “Mặc dù đúng là vấn đề bạo lực đối với sinh viên Ấn Độ tại Úc gây rất nhiều chú ý trong thời gian gần đây nhưng quyển sách này không chỉ liên quan đến vấn đề đó. Thật ra quyển sách là kết quả nghiên cứu bắt đầu từ năm 2003 của một nhóm nghiên cứu từ Đại học Monash. Không chỉ tập trung vào vấn đề an toàn cá nhân của sinh viên quốc tế mà quyển sách nói đến rất nhiều yếu tố khác nhau liên quan đến cuộc sống của sinh viên quốc tế tại Úc. Điều thú vị là quyển sách đặt vấn đề an toàn của sinh viên quốc tế dưới góc độ nhân văn, đó là quyền con người hay nhân quyền, nghĩa là xem sinh viên quốc tế là một con người toàn diện trong xã hội Úc. Như vậy, sinh viên quốc tế không chỉ được coi là khách hàng sử dụng dịch vụ giáo dục của Úc mà là những con người với các nhu cầu, như giáo sư tiến sĩ Simon Marginson (một trong các tác giả của cuốn sách) nói, họ có những nhu cầu đặc biệt. Họ là những cá nhân dễ bị tổn thương và xứng đáng được hưởng quyền lợi đầy đủ như những con người. Nghiên cứu này cho rằng an toàn của sinh viên quốc tế cần phải được xem xét dưới góc độ an toàn của con người.”

 

Bay Vút: Nghiên cứu này nói rằng không nên chỉ xem các sinh viên quốc tế như những khách hàng tới sử dụng dịch vụ tại Úc. Theo cách hiểu của người Việt Nam thì người phương Tây luôn coi ‘khách hàng là thượng đế’, điều này không có nghĩa là xem thường hay giảm nhẹ vai trò của khách hàng. Vậy tại sao lại nên thay đổi nhận thức xem sinh viên quốc tế tại Úc là ‘thượng đế’?

 

Kim Anh: “Theo như tôi hiểu thì quyển sách này không đặt sinh viên quốc tế dưới góc độ của khách hàng trong kinh doanh mà xem họ như những con người trong xã hội. Đa phần những nghiên cứu về giáo dục quốc tế trước đây thường chỉ đặt sinh viên quốc tế với tư cách là khách hàng sử dụng dịch vụ giáo dục tại Úc nên đã không xem xét một cách toàn diện cuộc sống của sinh viên quốc tế tại đây.

 

“Như bạn nói trong văn hóa Việt Nam, việc coi ‘khách hàng là thượng đế’ là một thái độ tích cực. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng khách hàng ở đây đến Úc để mua 'dịch vụ'/ 'sản phẩm' giáo dục. Vì vậy, theo như cuốn sách, nếu chỉ cần quan tâm chú ý đến nhu cầu về giáo dục của họ mà thôi thì chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua những vấn đề đặc biệt khác của nhóm đối tượng này, ví dụ như nhà ở, việc làm (ví dụ sinh viên quốc tế chỉ được làm dưới 20 giờ/ tuần trong học kỳ), an toàn cá nhân, quyền đinh cư/ di trú, sự cô đơn, sức khỏe và bảo hiểm y tế, hay việc thích nghi và hòa nhập với môi trường văn hóa Úc, vì những vấn đề này không liên quan trực tiếp đến 'dịch vụ' giáo dục. Những vấn đề này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của sinh viên quốc tế, dưới góc độ là những con người. Cuốn sách cũng chỉ ra rằng nhiều sinh viên đến từ các quốc gia châu Á với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều hơn so với Úc. Đặc biệt đối với các sinh viên du học tự túc, sinh viên có con nhỏ, sinh viên không có trình độ tiếng Anh tốt, hoặc thậm chí sinh viên có học bổng nhưng học bổng không đủ để chi trả cho các nhu cầu tối thiểu, hay sinh viên ít tiếp xúc với môi trường văn hóa và học tập phương Tây, cuộc sống của họ có thể rất khó khăn.

 

"Thứ hai nếu nhìn từ góc độ ‘khách hàng là thượng đế’ thì có thật sự sinh viên được coi là ‘thượng đế’ không? Giá thành dịch vụ giáo dục của Úc không phải quá cao nhưng sinh viên quốc tế phải trả phí cao hơn để được du học tại đây. Đây là ngành xuất khẩu đứng thứ ba với kim ngạch xuất khẩu khoảng 15.5 tỷ đô la Úc mỗi năm cho nước Úc (thống kê năm 2008). Vậy nếu thu được một khoản tiền rất lớn như vậy từ khách hàng thì câu hỏi đặt ra là bao nhiêu phần trăm của nó được chi ra để chăm sóc khách hàng và liệu khách hàng có được đối xử công bằng không? Đơn cử là việc thẻ giảm giá khi sử dụng giao thông công cộng không được áp dụng cho sinh viên quốc tế tại bang Victoria nhưng tại Queensland thì được áp dụng. Mặt khác thẻ này được cấp cho sinh viên bản địa. Như vậy nó liên quan đến chính sách của từng chính quyền tiểu bang và thể hiện việc đối xử không bình đẳng đối với sinh viên quốc tế ở từng nơi. Hơn nữa, sinh viên quốc tế vẫn phải trả GST và thuế thu nhập thì tại sao họ lại không được hưởng quyền lợi này như sinh viên bản địa? Đó là một số vấn đề mà cuốn sách có đề cập. Tôi cũng lưu ý là 3 trong số 4 tác giả của cuốn sách là người dân bản địa. ”

 

Bay Vút: Nhìn trung những trải nghiệm của sinh viên Việt Nam khi du học Úc khá tích cực, vậy theo chị những thông tin trong nghiên cứu này có liên quan trực tiếp đến sinh viên Việt Nam không?

 

Kim Anh: “Tôi nghĩ là những thông tin trong nghiên cứu này hoàn toàn liên quan đến Việt Nam vì trong nhóm 200 sinh viên từ 35 quốc gia tham gia phỏng vấn có sinh viên Việt Nam. Và theo tôi thấy thì tất cả sinh viên quốc tế ở đây, bất kể mang quốc tịch nào, đều chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề được nêu trong quyển sách này. Dù những sinh viên có điều kiện tài chính có thể không gặp khó khăn trong vấn đề nhà ở nhưng bạn vẫn phải chịu những điều kiện của visa du học và bạn vẫn sẽ gặp khó khăn nếu cảm thấy cô đơn hay không hòa nhập vào môi trường văn hóa mới.

 

“Thứ hai là riêng đối với sinh viên Việt Nam, chúng ta đi từ một nước có hệ thống pháp luật khác với nước Úc, môi trường văn hóa xã hội cũng khác, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn. Cho nên khi sang đây nếu áp dụng hệ thống pháp luật của Việt Nam với cuộc sống bên này thì dễ dàng thấy cuộc sống ở đây khá tích cực. Thế nhưng, nếu so sánh cuộc sống của mình với người dân Úc thì liệu mình có phải là công dân hạng hai không, thậm chí không phải là công dân nhưng thuộc tầng lớp thứ hai ở đây (second class non-citizen)? Ví dụ như trong vấn đề việc làm, rõ ràng là khi đi xin việc ở đây mà không phải công dân thì sẽ khó hơn. Nếu chỉ có visa sinh viên thì thường không xin được việc tốt, phần lớn là tìm được các việc lao động chân tay thôi.

 

“Thứ ba là nghiên cứu này cho thấy tất cả 200 sinh viên tham gia phỏng vấn biết rất ít về quyền của mình tại Úc. Điều này đúng là đã chỉ ra điểm mù của sinh viên quốc tế dù có thể thể chúng ta có nhận thức được rằng chúng ta không được đối xử bình đẳng, ví dụ như vấn đề thẻ giảm giá sử dụng phương tiện công cộng cho sinh viên. Tuy nhiên quyển sách này không giống như cuộc biểu tình của sinh viên quốc tại Victoria về thẻ giảm giá phương tiên công cộng vào năm ngoái. Nó chỉ ra toàn cảnh của vấn đề đối với sinh viên quốc tế trên nhiều khía cạnh và liên quan tới nhiều đối tượng khác nhau. Quyển sách này đem lại cho tôi, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Úc, cảm giác được hỗ trợ, rằng tiếng nói của mình được lắng nghe và mình không cô đơn. Nó cho chúng tôi biết những quyền lợi và điều kiện sống của chúng tôi tại Úc để có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi tới Úc cũng như xây dựng một chiến lược kỹ càng hơn nhằm đảm bảo hành trình du học của mình tích cự hơn, xứng đáng hơn.”

 

Bay Vút: Việc trao quyền lợi bình đẳng cho sinh viên quốc tế như công dân Úc có phải là một điều phi thực tế hay quá xa vời không? Liệu theo chị sẽ có những thay đổi gì sau khi quyển sách này được phổ biến rộng rãi?

 

Kim Anh: “Tôi nghĩ là việc trao quyền cho sinh viên quốc tế là việc cần thiết nhưng liệu cần quyền bình đẳng 100% với công dân ở đây hay không thì là một câu hỏi phải được cân nhắc kỹ lượng. Tuy nhiên, một số những quyền tối thiểu thì nên hỗ trợ cho sinh viên quốc tế để họ có thể thích ứng tốt hơn với cuộc sống tại đây. Ví dụ, các loại thẻ giảm giá hay việc nâng cao nhận thức của người dân ở đây để họ xem những sinh viên quốc tế là một phần của cuộc sống xã hội. Đây là một mảng không liên quan đến giáo dục, khá xa với giáo dục nhưng nhiều sinh viên quốc tế đến đây cảm thấy họ không được chấp nhận hay được xem là một phần của xã hội. Việc nâng cao nhận thức của người dân và nhìn nhận sinh viên quốc tế một cách nhân văn hơn cũng sẽ tốt hơn cho người dân ở đây vì họ sẽ có những trải nghiệm liên văn hóa, đa văn hóa hơn. Một khi sinh viên quốc tế cảm thấy yêu thích cuộc sống ở đây và thấy quá trình du học tích cực thì sẽ là một điều tốt cho giáo dục Úc vì đây là một ngành dịch vụ của họ nên khi khách hàng hài lòng có nghĩa là hình ảnh và uy tín của giáo dục Úc sẽ được nâng cao.

 

“Ngoài ra, tôi nhận thấy một vấn đề là đối với một số quốc gia có số lượng sinh viên du học tại Úc cao như Ấn Độ và Trung Quốc. Họ thật sự chú ý và chăm sóc tới công dân của mình khi ra nước ngoài nhiều hơn. Họ coi Úc là một đối tác cung cấp dịch vụ giáo dục cho họ và khi có vấn đề xảy ra họ hoàn toàn có quyền thương thảo và tác động đến nền giáo dục của Úc. Số lượng sinh viên Việt Nam sang du học tự túc tại Úc ngày càng tăng trong khoảng mười năm trở lại đây. Việt Nam nghiễm nhiên sẽ dần trở thành một đối tác thương mại quan trọng của Úc trong lĩnh vực giáo dục. Vấn đề trong cuốn ‘An toàn cho sinh viên quốc tế’ cũng có thể khiến Việt Nam ý thức về quyền được tác động tới công nghiệp giáo dục của Úc ở một mức cao hơn. Điều này đồng thời cũng thể hiện việc chăm sóc công dân của mình ở nước ngoài.”

 

Lili Từ (Bayvut)

Sửa lần cuối 2012-12-20 04:41:56

Bình luận

Bình luận qua Facebook