2010-03-06 05:36:51

Những bông hoa Tuy-lip

 

Lời tòa soạn: Một bạn đọc của báo Quê Việt đang sống ở Canada muốn viết một bài biên khảo về cộng đồng người Việt tại Ba Lan và yêu cầu tòa soạn chúng tôi cung cấp các tài liệu cần thiết. Chúng tôi xin cám ơn sự tin tưởng của quý bạn đọc nhưng chưa thể cung cấp được cho bạn vì chưa có các tài liệu ấy đầy đủ và hệ thống. Cộng đồng người Việt tại Ba Lan mới hình thành trong khoảng 20 năm nay, có thể gọi là một cộng đồng rất non trẻ trong quá trình hội nhập. bài viết dưới đây có ý giới thiệu với bạn một phần nào những hình ảnh của cộng đồng này

 Tháng ba, mùa của hoa tuy-lip. Những bông hoa chúm chím đủ màu, chỉ chờ trời nắng bừng lên là nở tung ra, đón những làn gió mát của mùa xuân. Tháng ba năm nào cũng vậy, những người đàn ông hỏi nhau: Hoa tuy-lip năm nay có màu gì mới không?. Đó là vì khi tháng ba đến, trong đầu của họ đã khởi động một góc nhớ, rằng năm nay sẽ mua những bông hoa màu gì và để tặng ai.

Ngày 08/03 bây giờ đã không chỉ còn là một ngày kỉ niệm về những người phụ nữ đấu tranh cho quyền bình đẳng của mình. Nó đã trở thành một ngày của tình yêu. Tình yêu của những chàng trai, những người đàn ông dành cho những người bạn, người vợ, người mẹ của mình. Đó chính là lí do tại sao trong ngày ấy, những người đàn ông xếp hàng dài bên những cửa hàng hoa để rồi tất tưởi đi về chỗ hẹn.

Đã gần hai mươi năm rồi tôi được sống trong không khí 08/03 trên đất nước Ba Lan tươi đẹp và thơ mộng . Chúng tôi, những người đàn ông Việt Nam cùng đứng xếp hàng với những người bạn Ba Lan, cùng chọn mua những bông hoa tuy-lip để tặng người thân yêu của mình.

Hai mươi năm đi qua, những người phụ nữ Việt nam rời đất nước đi học, đi lao động, đi theo chồng đã dừng chân ở đây. Đó là khởi đầu cho một cộng đồng được hình thành. Những phụ nữ đến lao động trong những xưởng may ở Łódż có thể coi là những thành viên cộng đồng đầu tiên. Tiếp theo là những bà vợ tay sách túi, nách bế con theo chồng „mở đường hướng tới tương lai”. Bây giờ thì chỉ là những bạn trẻ đến Ba Lan theo chính sách hợp lí hóa gia đình của nhà nước. Vậy là, trong khoảng thời gian hai thập kỉ, những người phụ nữ Việt Nam đã tạo ra một cộng đồng đông đảo. một cộng đồng được người Ba Lan đánh giá là chăm chỉ, cần cù, tôn trọng pháp luật, sống khép kín nhưng lại rất quan tâm đến việc học hành của con cháu.

Tính nết chăm chỉ,yêu chồng, thương con là bản chất của những người phụ nữ Việt Nam. Ở nơi xứ người này, cái bản chất ây càng được thể hiện rõ. Tôi đã từng chứng kiến các bà, các chị ra chợ bán hàng từ lúc nửa đêm cho dù đó là những đêm đông giá lạnh, nhiệt độ xuống đến -20 độ C. Bán hàng, nhận hàng, thu tiền, mua đồ ăn, đồ mặc cho gia đình…nấu nướng, cho con ăn, ngủ, tất tật những việc đó phụ nữ ở đây đều phải làm và làm giỏi. Đã có lần tôi hỏi anh bạn người Ba Lan: Theo cậu, với ngần ấy công việc thì họ còn thời gian để đi xem phim, xem hát hay tham dự những buổi hội hè của người Ba Lan không?

Cuộc sống lao động thường nhật đã như một sợi dây níu kéo (có lẽ đối với những người mới nhập cư thì thời nào cũng vậy). Những phụ nữ Việt Nam ở đây hài lòng trước những thành quả lao động khi thấy mình thoát khỏi cái nghèo, những đứa con của mình được học hành đến nơi đến chốn và thành đạt. Người Việt ở Đông Âu nói chung và ở Ba Lan nói riêng thường có câu nói đùa: „Hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Thực ra, những người mẹ cũng hy sinh nhiều không kém. Họ đã từng là tiến sĩ, kĩ sư, cô giáo…nhưng không bao giờ nuối tiếc về quá khứ. Họ chăm cho con lớn, dựng vợ, gả chồng cho con rồi lại chăm lo cho các cháu, tức là những đứa con của con mình.

Nửa đêm cháu khóc, gọi bà,

À ơi, cháu ngủ, có bà ở đây,

Ngủ đi, cháu ngủ cho say,

Để mẹ ra chợ, hôm nay hàng về.

Có những ông chồng luôn khoe với bạn bè rằng con mình đã đỗ vào trường này, trường kia, được giải thưởng này, giải thưởng kia. Họ đã thấu hiểu đến mức nào về những người vợ của mình khi phải một thân một mình nuôi dạy đứa con để chồng được bay nhảy, được toàn tâm làm ăn ở một nơi khác?. Tôi đã từng được nghe những  ông chồng cám ơn vợ của mình khi bà phải hy sinh nhiều thứ để ông làm được những vần thơ,những áng văn thậm chí dịch những tác phẩm đồ sộ từ tiếng Ba Lan sang tiếng Việt và ngược lại. Tôi cũng đã được chứng kiến lễ khai trương một trung tâm dịch vụ y tế mà cơ sở của nó chiếm cả nửa tầng của một tòa nhà lớn ở Wolka Kosowska. Ở đó có năm người phụ nữ điều hành, họ được gọi là “Ngũ long công chúa”, nhưng theo tôi, họ còn đáng quý hơn cả công chúa.

Ở Ba lan, những doanh nhân thành đạt thường được gọi bằng tên ghép cùng với tên của vợ. Tôi nghĩ đó cũng là một cách gọi có ý thức, bởi sự thành đạt nào của đàn ông cũng có một phần lớn công sức của những người vợ. Những phụ nữ Việt ở Ba Lan cũng không hề bị cái bóng của các ông chồng che khuất. Họ luôn cùng với giới mày râu hoạt động cho sự phát triển của cộng đồng. Chính vì vậy mà Hội phụ nữ người Việt ở Ba Lan đã được hình thành bên cạnh các tổ chức cộng đồng khác. Cái công việc “củng cố đời con” còn nhiều lắm. Ngoài những kiến thức có được từ nhà trường con cái chúng ta còn phải được dạy dỗ để trở thành con người có ích cho xã hội, cho dân tộc Việt nam. Vậy nên, những người mẹ, người chị luôn phải chăm lo cho các cháu học tiếng Việt, tìm hiểu về cội nguồn, tập múa, tập hát.

Ở Ba Lan, không có ai không biết về một phụ nữ mặc dù phải lo toan buôn bán hàng ngày vẫn tranh thủ hướng dẫn cho các cháu tập các điệu múa dân tộc. Các cháu được dạy dỗ đến nơi đến chốn, đi biểu diễn khắp mọi nơi nhưng cô chẳng bao giờ nhận chút thù lao. Có những người phụ nữ có chồng là người Ba Lan nhưng vẫn chung vai góp sức để giúp cho cộng đồng hội nhập. Có những người phụ nữ đã ngoài sáu mươi tuổi vẫn say mê công việc của cộng đồng. Dù ở bất kì cương vị gì họ cũng rất đáng yêu.

Tôi không thể kể hết dược những cái hay, cái đẹp của những người phụ nữ Việt Nam ở Ba Lan. Thật may mắn khi thế giới này đã tạo ra cái “ngày tình yêu” 8 tháng 3, để những người đàn ông có dịp tri ân người yêu, người vợ, người mẹ của mình.

Tháng ba, những tia nắng đầu mùa đang làm ửng hồng đôi má của những em gái, làm căng thêm làn da mịn màng của các cô và xóa đi những nếp nhăn bên khóe mắt của các bà. Những người đàn ông trong cộng đồng xin gửi đến các bà, các cô và các em những bông hoa tuy-lip rực rỡ nhất của mùa xuân.

(Xuân Nguyên – tháng 3/2010)

Sửa lần cuối 2012-12-20 00:29:57

Bình luận

Bình luận qua Facebook