2024-12-03 18:46:52

Cộng đồng người Việt tại Ba Lan và tiến trình hội nhập

Nói đến hội nhập tức là nói đến một quá trình gia nhập của một nhóm xã hội, thường là các dân tộc thiểu số, người tị nạn, người di cư và người hồi hương, v.v., vào một xã hội lớn, chính. Kết quả là những người mới đến hoặc nhóm thiểu số được hòa nhập vào cấu trúc xã hội của xã hội chủ nhà.

Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu xã hội, cộng đồng người Việt tại Ba Lan được hình thành thực sự từ những năm 90 của thế kỉ 20.

Năm 1989 đánh dấu một bước ngoặt tình hình chính trị xã hội tại Ba Lan. Người Ba Lan bắt đầu nền Cộng hòa thứ Ba, với chế độ dân chủ, tự do. Một số chính sách của Ba Lan đã giống như ở các nước tư bản phương Tây, trong đó có chính sách cho phép đoàn tụ gia đình. Nhờ vậy, những người Việt Nam đang học tập hoặc làm việc tại Ba Lan được phép mời những người trong gia đình mình (vợ, con, bố, mẹ) đến Ba Lan đoàn tụ.

Sự bùng nổ về số lượng người Việt định cư tại Ba Lan bắt đầu từ đây. Lúc này, những sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau khi hết hạn có điều kiện ở lại Ba Lan lập nghiệp. Thêm nữa, một số những chuyên gia và văn nghệ sỹ được cử sang thực tập hoặc công tác ngắn hạn cũng có thể ở lại Ba Lan làm ăn. Những người này sau đó đón vợ, con của họ đến Ba Lan. Một lực lượng đông đảo khác là những người Việt từng là “công nhân lao động xuất khẩu” tại các nước Đông Âu Xã hội Chủ nghĩa tìm đến Ba Lan kinh doanh, sau khi bức tường Berlin sụp đổ và Hệ thống Xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại. Thời gian đầu, chỉ có rất ít người Việt làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu hay các công ty của Ba Lan. Đa số người Việt còn lại đều tham gia buôn bán trên các chợ trời hoặc mở các quán ăn nhỏ. Công việc kinh doanh được hợp pháp hóa với việc mở các công ty đầu tư có vốn từ nước ngoài. Từ năm 1994, người Việt chủ yếu buôn bán ở chợ Sân Vận Động (SVĐ) và sau đó (từ 2004) buôn bán tại trung tâm thương mại Wolka Kosowska, ngoại ô thủ đô Warszawa. Ở các thành phố khác như Krakow, Wroclaw, Lodz... tình trạng cũng tương tự, nghĩa là người Việt chủ yếu buôn bán ở các chợ trời và kinh doanh nhà hàng.

Một số nhà nghiên cứu về hội nhập đã nói về một lý thuyết hội nhập phân đoạn, nhấn mạnh rằng các nhóm người di cư khác nhau có thể đi theo các quỹ đạo riêng biệt, hướng tới khả năng hội nhập theo cách hiểu khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố cá nhân, bối cảnh và lịch sử dân tộc của họ. Điều này có thể đúng với tiến trình hội nhập của người Việt tại Ba Lan.

Vào thời gian đầu, người Việt ở Ba Lan chủ yếu sống khép kín. Chỉ có rất ít người có quan hệ bạn bè hoặc quan hệ vợ chồng với người bản xứ. Vậy nên, thay vì những quan hệ giao hưu hoặc tìm hiểu phong tục tập quán của người Ba Lan, người Việt chỉ hướng về cội nguồn. Nhiều người còn coi việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt là quan trọng hơn hết. Các tổ chức cộng đồng người Việt lúc này như Hội Người Việt, Hội phụ nữ, Hội Thanh niên Học sinh... chỉ lo tổ chức những cuộc gặp mặt nội bộ, kỉ niệm những ngày lễ của Việt Nam. Những hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ đồng bào trong nước luôn được đông đảo bà con trong cộng đồng hưởng ứng hơn là giúp đỡ những người bản xứ hàng xóm. Nhưng dần dần, các hoạt động giao lưu, từ thiện với cộng đồng người Ba Lan đã được nhiều tổ chức cộng đồng chú ý và vận động bà con tham gia.

Người Việt có câu: “Nhập gia tùy tục” hay “ăn cây nào rào cây nấy”. Điều đó cũng rất đúng với phương châm hội nhập. Bởi hội nhập xã hội đòi hỏi sự chấp nhận, tức là cần phải từ bỏ toàn bộ hoặc một phần cái riêng của mình như là vai trò xã hội, giá trị, chuẩn mực, phong tục, truyền thống, luật pháp, thế giới quan, thậm chí cả ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong thời kì đầu chuyển đổi từ chế độ Xã hội chủ nghĩa bao cấp sang xã hội tư bản, chính quyền và nhà nước Ba Lan có nhiều việc cần làm hơn nên người Việt Nam ở đây có điều kiện hòa nhập dễ dàng hơn. Người Ba Lan cũng thích mua bán nơi chợ trời và điều đó cũng tạo điều kiện để việc làm ăn (chủ yếu là buôn bán) của người Việt được “thuận buồm xuôi gió” hơn. Do vậy mà người Việt hầu như không phải từ bỏ nhiều những thói quen và tập tục của mình.

Vào những năm đầu của thập niên 90, người Việt buôn bán trên các chợ trời và đặc biệt là trên chợ Sân vận động gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là rào cản về ngôn ngữ, sau đó là sự hiểu biết về luật cư trú, luật buôn bán, thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội... Người Việt bị các nhân viên kiểm soát trên tàu điện bắt nạt, người Việt bị cảnh sát săn đuổi, hạch sách trên đường đi đến chỗ làm việc hoặc nơi nhà ở. Người Việt bị các nhân viên phòng thuế, hải quan kiểm tra không chính thức nhằm kiếm tiền đút túi. Người Việt bị các băng đảng, mafia đe dọa, cướp giật, đòi bảo kê. Tất cả những điều đó gây nên tâm lí lo sợ hàng ngày, không yên tâm làm việc, mặc dù nhiều người đã cố gắng làm đúng pháp luật. Tóm lại, người Việt lúc này tuy đã đông nhưng chưa có chỗ đứng trong xã hội Ba Lan.  

Tình hình nói trên đòi hỏi phải có một tổ chức đủ điều kiện đại diện cho cộng đồng để khiếu kiện hoặc thỏa thuận những vấn đề cấp bách nói trên với chính quyền của nước sở tại.

Hội Văn hóa và Xã hội Việt Nam tại Ba Lan (Towarzystwo Społeczno-Kulturalne Wietnamczyków w Polsce) được thành lập và đăng kí tại tòa án Ba Lan vào năm 1986 chỉ có những hoạt động giới hạn. Hội chủ yếu quan tâm đến những gia đình người Việt có kết hôn với người Ba Lan bản xứ. Tiêu chí hoạt động của Hội là làm cầu nối với chính quyền Ba Lan giúp các doanh nghiệp người Việt có môi trường kinh doanh và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Hội này tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em thành viên, tổ chức ngày lễ mừng năm mới, ngày thiếu nhi. Những năm sau đó, với sự giúp đỡ của các trung tâm văn hóa Ba Lan, hội đã tổ chức các hoạt động biểu diễn võ thuật, ngày văn hóa Việt Nam, triển lãm tranh ảnh, biểu diễn nghệ thuật cũng như các buổi tọa đàm giao lưu về văn hóa.

Việc ra đời của Hội người Việt Nam tại Ba Lan “Đoàn kết và Hữu nghị” (Stowarzyszenie Wietnamczyków w Polsce "Solidarność i Przyjaźń") vào năm 1999, đã đưa đến một bước nghoặt lớn trong tiến trình hội nhập của cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Hội NVNTBL “Đoàn kết và Hữu nghị”, với đăng kí chính thức tại tòa án Kinh tế Ba Lan, ngay từ đầu đã có tiêu chí cụ thể là giúp cộng đồng người Việt tại Ba Lan giải quyết những vướng mắc, bất đồng và những khiếu nại với các cơ quan hữu quan, các cấp chính quyền từ trung ương đến các địa phương của Ba Lan. Trên cơ sử đó, Hội đã cử đại diện đến phản ánh và làm việc với các cơ quan chức năng. Nhờ đó, những vụ bắt bớ vô cớ, những vụ khám nhà, những vụ kiểm tra quầy hàng, kho hàng theo lối ăn mảnh của những kẻ nhân danh chính quyền ngày một ít đi. Vào năm 2009, Hội người Việt Nam tại Ba Lan còn được Quỹ hội nhập châu Âu tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ hội nhập cộng đồng. Trong thời gian gần hai năm, cộng đồng người Việt, mà chủ yếu là ở Warszawa được bồi dưỡng những kiến thức về thuế, về bảo hiểm, về an ninh và được học những cua tiếng Ba Lan miễn phí.

Việc đánh giá mức độ hội nhập xã hội thường dựa vào mức độ mà người nhập cư tiếp thu các phong tục, quan hệ xã hội và hành động hàng ngày của cư dân địa phương. Theo đó, hội nhập văn hóa – xã hội là vô cùng quan trọng.

Trong những năm đầu thế kỉ 21, người Việt tại Ba Lan đã có thêm nhiều cơ hội thưởng thức, tham gia vào đời sống văn hóa, nghệ thuật của nước sở tại. Làm vai trò cầu nối cho những hoạt động hội nhập văn hóa của cộng đồng chủ yếu vẫn là Hội người Việt Nam tại Ba Lan và Hội Văn hóa và Xã hội Việt Nam. Ngoài ra, trong một thời gian khoảng 5 năm, còn có thêm Trung tâm Văn hóa Thăng Long (do ông Bùi Anh Thái thành lập) và Viện Văn hóa và Khoa học Việt Nam (do Trường đại học Almamer, Warszawa bảo trợ) cùng tham gia. Thời gian này, nhiều tổ chức thể thao và văn hóa của cộng đồng hình thành và được giúp đỡ để phát triển. Ví dụ như Liên đoàn bóng đá Việt Nam tại Ba Lan, Liên đoàn Tenis VN tại BL, các đội văn nghệ cộng đồng, các câu lạc bộ võ thuật vv...Liên đoàn bóng đá với sự bảo trợ của Hội người Việt đã tổ chức nhiều trận đấu giao hữu với các đội bóng của các địa phương Ba Lan và đặc biệt là trận đấu giao hữu với đội bóng của Câu lạc bộ các nghệ sĩ Ba Lan vào năm 2004. Hàng năm, các đội văn nghệ, các câu lạc bộ võ thuật của cộng đồng người Việt nhiều lần tham gia các ngày hội văn hóa tại các địa phương của Ba Lan, phần lớn là tại thủ đô Warszawa. Các tờ báo của cộng đồng, đặc biệt là báo “Quê Việt”, ngoài việc đưa các thông tin hữu ích về phong tục, tập quán, về xã hội hiện đại Ba Lan đã luôn tuyên truyền, ủng hộ các hoạt động hội nhập. Nhờ đó, không chỉ đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Việt được nâng cao mà người dân Ba Lan cũng hiểu được nhiều phong tục, tập quán, văn hóa của người Việt Nam. Thông qua những hoạt động giao lưu về văn hóa và thể thao, người Việt tại Ba Lan ngày càng được biết đến nhiều hơn và được kính trọng nhiều hơn. Người dân Ba Lan ngày càng bớt đi những ác cảm về một cộng đồng người Việt như là một cộng đồng khép kín và chỉ biết lao động kiếm tiền. Trong các cuộc viếng thăm và làm việc của các nguyên thủ quốc gia Ba Lan với các lãnh đạo nhà nước Việt Nam, các vị này luôn dành những lời khen ngợi, không chỉ đánh giá cao đức tính lao động cần cù, chấp hành luật pháp và giữ gìn an ninh của cộng đồng người Việt tại Ba Lan mà còn cám ơn cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã mang đến Ba Lan những nét văn hóa Phương đông, làm cho những ngày hội đa văn hóa tại Ba Lan ngày càng phong phú và hấp dẫn.

(Cộng đồng người VN tham gia diễu hành tại thủ đô Warszawa nhân ngày "Cờ Ba Lan 2-5" năm 2019)

Vào ngày 26/9/2015, Quỹ hỗ trợ người Việt hội nhập tại Ba Lan (Fundacja wspierania Integracji Wietnamczykow w Polsce) được thành lập. Quỹ hỗ trợ với tiêu chí hỗ trợ người Việt Nam tại Ba Lan hòa nhập với cộng đồng địa phương và những người nước ngoài khác đang sinh sống tại Ba Lan. Tính đến thời điểm này, 9 năm đã trôi qua, Quỹ này đã phối hợp với nhiều tổ chức của Ba Lan và cộng đồng Việt Nam (trong đó chủ yếu là với Hội người Việt Nam tại Ba Lan) tổ chức nhiều hội thảo, ngày đa văn hóa và mở các lớp học tập nâng cao nhận thức xã hội và quyền công dân cho người Việt Nam. Đặc biệt đã 2 lần tổ chức sự kiện lớn (Lễ hội văn hóa Việt Nam) tại thủ đô Warszawa vào các năm 2018 và 2022, thu hút hàng chục ngàn khán thính giả Ba Lan và khách nước ngoài đến xem, thưởng thức văn hóa nghệ thuật VN, hiểu biết thêm về con người và đất nước Việt Nam. Với những hoạt động thiết thực, Quỹ hỗ trợ đã được nhiều cá nhân và tổ chức người Ba Lan ủng hộ, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của cộng đồng người Việt tại Ba Lan bền vững và sâu rộng.

Một tổ chức mới ra đời trong những năm gần đây là Hội Trái tim Việt Nam – Ba Lan (Wietnamsko-polskie stowarzyszenie serce). Tiêu chí của Hội là hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và nhân đạo với phương châm phi chính trị và phi lợi nhuận. Trong những năm qua, Hội trái tim đã tự mình hoặc đồng hành cùng các tổ chức khác tổ chức các hoạt động nhân đạo rất hiệu quả. Đó là những món quà, những xuất ăn cho những người nghèo, những người bị tai nạn. Trong 25 năm qua, Hội người Việt Nam đã tổ chức những đợt quyên góp trong cộng đồng giúp đỡ người dân Ba Lan bị hoạn nạn khi bị lũ lụt, sập nhà hay giúp những trại trẻ mồ côi, những trẻ em khuyết tật vv...Tuy nhiên, nếu nhìn vào những hoạt động của Hội trái tim, người ta lại thấy một ý tưởng mới, đó là làm lan tỏa tình yêu thương. Những thành viên của Hội trái tim bằng chính những công sức và đồng tiền của mình đã làm cho nhiều người hưởng ứng, làm theo. Nhiều tình nguyện viên đã coi công việc từ thiện như một công việc mang lại hạnh phúc cho mình và hài lòng khi góp phần mang lại niềm vui và hy vọng cho những người khác. Chính vì vậy mà trong mấy năm qua, những người vô gia cư đã có những bữa ăn ngon, những trẻ em khuyết tật có những gói quà thăm hỏi, những người gặp nạn được cưu mang. Và đặc biệt là trong thời dịch bệnh Covid, các nhân viên y tế trong các bệnh viện Ba Lan đã thường xuyên nhận được những lô khẩu trang, những xuất ăn ngon, ấm áp tình người.

Trong quá trình hội nhập, thường thì các tổ chức xã hội như trường học, các tình nguyện viên, nhân viên xã hội, nhà sư phạm xã hội và người hỗ trợ tìm công việc của nước chủ nhà ra tay giúp đỡ những người nhập cư. Nhưng trong trường hợp này, những tình nguyện viên của Hội trái tim lại làm được những điều tương tự. Tóm lại, khi xã hội có những người nhập cư, sự hiểu biết lẫn nhau là rất quan trọng để thúc đẩy một quá trình chấp nhận, dám đi tới và đa dạng từ mọi phía. Sự hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau cũng luôn là một thách thức xã hội thực sự. Những thành viên và tình nguyện viên của Hội trái tim đã thực sự là những nhân tố chủ động để đạt được sự hòa nhập xã hội tốt hơn ở đất nước đang tiếp nhận họ. Năm nay, Hội trái tim Việt Nam – Ba Lan sẽ tổ chức kỉ niệm 5 năm ngày thành lập vào ngày 24 tháng 12. Xin chúc Hội ngày càng phát triển và ngày càng có nhiều đóng góp cho các hoạt động hội nhập của cộng đồng.

Cùng mục đích hoạt động như Hội trái tim, các tổ chức cộng đồng khác cũng đã có những hoạt động thiết thực trong thời đại dịch Covid-19. Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã có sáng kiến thành lập “Quỹ Covid cộng đồng”. Quỹ này trong một thời gian dài đã huy động được một số tiền lên tới hàng trăm nghìn zloty từ cộng đồng để mua kít xét nghiệm, ngoài ra là để hỗ trợ những bệnh nhân bị nhiễm Covid. Thứ trưởng bộ Y tế Ba Lan, ông Pawel Jablonski khi đó đã phát biểu: “Chúng tôi luôn nhớ về những cử chỉ, hỗ trợ của cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan giúp đỡ nhân dân Ba Lan khi bắt đầu đại dịch Covid 19. Trong tình hình điều kiện dịch tễ ở Việt Nam đang xấu đi đáng kể, chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải hành động theo cách tương tự”.

Hội nhập xã hội, cùng với hội nhập kinh tế và hội nhập bản sắc, là ba vấn đề chính trong trải nghiệm của những người mới đến xã hội đang tiếp nhận họ. Theo quan điểm rộng hơn, hội nhập xã hội là một quá trình năng động và được định hình, trong đó tất cả các thành viên cùng tham gia để đạt được và duy trì các mối quan hệ xã hội một cách hòa bình. Hội nhập xã hội không có nghĩa là đồng hóa cưỡng bức mà là tự nguyện và mong muốn. Nó tập trung vào nhu cầu hướng tới một xã hội an toàn, ổn định và công bằng. Cộng đồng người Việt tại Ba Lan ngày càng có những nhận thức rõ ràng hơn tới những hoạt động hội nhập xã hội bằng cách mở rộng và củng cố các tổ chức xã hội của mình với mục đích cùng tồn tại, hợp tác và gắn kết. Nhiều cá nhân đã tích cực và tự nguyện tham gia, trong đó có những người trong ban lãnh đạo các hội đoàn (được gọi là những người “vác tù và hàng tổng”), , những người tình nguyện tham gia vào các tổ chức văn hóa, từ thiện, thể thao, những doanh nhân thành đạt, những công ty của người Việt vv....Một hiện tượng đặc biệt trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan phải kể đến là nhà thơ Lâm Quang Mỹ (tức ông Nguyễn Đình Dũng). Nhà thơ Lâm Quang Mỹ với tư cách là nhà thơ Lưỡng quốc đã bỏ nhiều công sức để quảng bá văn hóa Việt Nam, kết nối hai nền văn hóa Ba Lan – Việt Nam bằng những hoạt động của mình trong Hội nhà thơ Ba Lan và những buổi biểu diễn “Hát thơ”, với hàng tháng trời dong duổi trên nhiều tỉnh thành của đất nước Ba Lan.

Tính đến thời điểm này, cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã có quá trình hội nhập hơn 30 năm. Thế hệ thứ hai và thứ ba của người Việt ở đây đã và đang tiếp bước các bậc cha anh trong tiến trình hội nhập. Các em, các cháu đã cùng với các bậc phụ huynh tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa tại các trường học, nơi các cháu người Việt đang học tập. Trong những năm qua, chính quyền Ba Lan cũng đã mở rộng vòng tay trong việc cấp thẻ định cư, cho phép nhập quốc tịch cho nhiều người Việt Nam. Những người Ba Lan gốc Việt đã luôn xứng đáng với sự tin cậy của chính quyền và cộng đồng người Việt trong vai trò hội nhập.

Thế hệ trẻ với những kiến thức sâu rộng và không có rào cản ngôn ngữ, lại được các bậc phụ huynh truyền cảm hứng đã và đang giúp cho cộng đồng trong nhiều hoạt động văn hóa xã hội. Đã có những người đang hoạt động trong các tổ chức xã hội của Ba Lan, đã có nhiều người đã ra ứng cử vào các cơ quan hành chính của Ba Lan. Năm vừa qua, lần đầu tiên một người Ba Lan gốc Việt đã trúng cử vào Hội đồng cấp thị trấn (Dzielnica Ochota, Warszawa) - đó là chị Cao Hồng Vinh. Trong thời gian qua, với sự giúp đỡ của những người Ba Lan gốc Việt hoạt động trong các cơ quan hành chính hay các tổ chức xã hội Ba Lan, cộng đồng người Việt đã tổ chức được những hoạt động giao lưu văn hóa thể thao với nhiều xã, quận, huyện của Ba Lan ở mức độ ngày càng chất lượng hơn, thường xuyên hơn.  

Vào đầu tháng 12 tới, Hội người Việt Nam tại Ba Lan sẽ chức đại hội nhiệm kì lần thứ 7 và kỉ niệm 25 năm ngày thành lập. Cho đến thời điểm này, Hội NVNTBL luôn là một tổ chức đi đầu, đoàn kết và cùng đồng hành với các tổ chức xã hội khác của cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong các hoạt động thúc đẩy tiến trình hội nhập. Theo nhiều nguồn tin, đại hội lần thứ 7 sẽ có những phương hướng hoạt động sáng tạo để phù hợp với tình hình mới, khi mà thế hệ thứ hai và thứ ba của người Việt tại Ba Lan đã trưởng thành và bắt đầu tham gia hiệu quả vào những hoạt động văn hóa xã hội của nước sở tại. Hội đang rất muốn động viên và khuyến khích các thế hệ trẻ gốc Việt tham gia vào Ban chấp hành và các hoạt động xã hội mang tính hội nhập. Với việc bám trụ và sinh sống lâu dài tại Ba Lan, các thế hệ trẻ người Việt rất cần một xã hội hòa nhập. Họ sẽ mãi mãi biết ơn các bậc tiền bối đã đang tạo dựng những nền móng vững chắc cho ngôi nhà hội nhập tương lai của mình. Nhưng đừng quên rằng, thế hệ cha anh dù đã bỏ nhiều công lao, vẫn luôn cần có những hậu bối, những người dám nghĩ, dám làm, nhận trách nhiệm đối với cộng đồng. Xin chúc đại hội của Hội người Việt Nam tại Ba Lan thành công tốt đẹp và tiếp tục là một tổ chức đầu tầu trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng người Việt tại Ba Lan.

Hơn bao giờ hết, công cuộc hội nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện nay đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi. Nếu người Việt ở đây có được một tổ chức vững vàng và đồng tâm nhất trí trong những hoạt động hòa nhập với xã hội nước sở tại thì chắc chắn trong một ngày không xa, cộng đồng chúng ta sẽ trở thành một dân tộc thiểu số được chính quyền và xã hội Ba Lan thừa nhận và kính trọng.

Xuân Nguyên

Sửa lần cuối 2024-12-03 19:51:02

Bình luận

Bình luận qua Facebook