2014-11-21 18:16:50

Ra mắt Đại từ điển Séc-Việt và kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Tối 20/11 (tức sáng 21/11 theo giờ Việt Nam) tại Viện Hàn lâm Khoa học Séc ở Prague đã diễn ra buổi giới thiệu Đại từ điển Séc-Việt tập hai và Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Đại sứ Trương Mạnh Sơn cùng phu nhân và Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hoàng Đình Thắng tặng hoa cho hai nhà giáo Ivo Vasiljev và Nguyễn Quyết Tiến. (Ảnh: Ngọc Mai/Vietnam+)

Đây là hoạt động do Hội Ngôn ngữ Prague, Hội Hợp tác với các nước Á-Phi-Mỹ Latinh, Hội Truyền bá ngôn ngữ Việt-Séc tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc.

Tới dự buổi lễ phía Cộng hòa Séc có phó giáo sư, tiến sỹ Tomas Hoskovec, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Prague; các giảng viên và sinh viên Khoa Tiếng Việt của Trường Đại học Tổng hợp Karl.

Phía Việt Nam có sự hiện diện của Đại sứ Trương Mạnh Sơn và phu nhân; Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hoàng Đình Thắng; lãnh đạo và giáo viên các trung tâm dạy tiếng Việt ở các địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Prague Tomas Hoskovec đã nêu lên nét đẹp của hai nền văn hóa, của hai ngôn ngữ Séc, Việt, so sánh sự khác biệt giữa tiếng Séc với tiếng Việt và nêu rõ sự ý nghĩa quan trọng của bộ Đại từ điển Séc-Việt.

Đại sứ Trương Mạnh Sơn cho biết Đại từ điển Séc-Việt là một công trình khoa học đồ sộ đóng góp vào việc truyền bá ngôn ngữ Việt Nam và Séc. Hơn thế, đây còn là một công trình văn hóa bổ ích vì pho đại từ điển này chứa đựng những giá trị văn hóa lớn, không chỉ đơn giản là chuyển ngữ từ vựng mà giải thích cặn kẽ, súc tích các phong tục, tập quán, quan niệm, tư tưởng, đời sống tinh thần của hai dân tộc có truyền thống hữu nghị. Rất mong bốn tập tiếp theo sẽ được xuất bản trong thời gian sớm nhất.

Nói về lý do "lao tâm khổ tứ" vào việc soạn bộ Đại từ điển, đồng tác giả Nguyễn Quyết Tiến cho biết: "Tôi vốn học kỹ thuật. Giáo sư Vasiljev và tôi làm từ điển vào thời điểm chúng tôi đang là nhà giáo, trong hai năm miệt mài mới biên soạn được hai tập. Khi chúng tôi dạy tiếng Séc cho bà con Việt Nam mới thấy rằng nếu thiếu một quyển từ điển thì rất khó khăn. Thế hệ chúng tôi có những cuốn từ điển rất tốt của những người đi trước. Nhưng sau một thời gian dài thì cần có những cuốn từ điển mới nhiều từ hơn và giải nghĩa kỹ hơn. Như thế người học mới hội nhập được vào xã hội Séc, mới đọc báo, làm thơ".

Cô giáo Lê Hồng Nhung ở Trung tâm Tiếng Việt tại Trung tâm Thương mại Sapa, Prague, cho biết, cuốn Đại từ điển Séc-Việt tập một đã giúp ích rất nhiều cho cô và các đồng nghiệp, là "giáo cụ trực quan hiệu quả, tốn ít thời gian nhất mà giải nghĩa cụ thể, dễ hiểu nhất" vì đối tượng giảng dạy của các cô là những thiếu nhi người Việt nhưng lại coi tiếng Séc là tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt trở thành "ngoại ngữ không bắt buộc".

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Đại sứ Trương Mạnh Sơn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hoàng Đình Thắng và các học trò cũ đã tặng hai nhà giáo - nhà khoa học Ivo Vasiljev và Nguyễn Quyết Tiến những bó hoa tươi thắm.

Các giáo viên dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam và các giảng viên dạy tiếng Việt cho sinh viên Séc cũng được tôn vinh theo truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam.

Giáo sư Ivo Vasiljev tâm sự bằng thứ tiếng Việt rất chuẩn mực: "Hôm nay có sự kết hợp giữa việc giới thiệu Đại từ điển Séc-Việt tập hai với Ngày Nhà giáo Việt Nam vì công trình của chúng tôi là công trình văn hóa và Ngày Nhà giáo Việt Nam là một biểu hiện văn hóa rất đẹp của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi biết rằng người Việt cứ đến Ngày Nhà giáo thì luôn luôn gọi điện thoại cho các cô giáo, thầy giáo cũ để cảm ơn. Điều đó rất là tuyệt vời. Chúng tôi rất khâm phục và chúng tôi muốn truyền thống này sẽ được giữ gìn và tiếp tục trong các thế hệ sau. Và tôi cũng muốn giới thiệu với dân tộc Séc một phong tục của Việt Nam rất đáng để học tập"./.

(Theo TTXVN)

Sửa lần cuối 2014-11-21 17:16:50

Bình luận

Bình luận qua Facebook