Từ ngày 7-15 tháng 5
năm 2016, đoàn doanh nghiệp Việt Nam do Cục xúc tiến thương mại (XTTM) Bộ công
thương chủ trì sang tham dự hội chợ Quốc tế tại thành phố Kraków – Ba Lan. Ngày
13-05-2016, tại Trung tâm thương mại ASG, đoàn đã có buổi giao lưu và làm việc
với đại diện doanh nghiệp của Hội doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) tại Ba Lan. Tham
dự buổi giao lưu còn có đại diện của Phòng thương mại và công nghiệp (TMVCN) Ba
Lan – Châu Á, Ông Janusz Piechociński nguyên
Phó thủ tướng, kiêm bộ trưởng kinh tế Ba Lan (2012-2015), Đại sứ Việt Nam tại
Ba Lan - Ông Phạm Kiến Thiết, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ba Lan – Ông Nguyễn
Đức Thanh, đại diện cho Lãnh đạo Bộ công thương, Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó giám
đốc quốc gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Cuộc giao lưu tập trung tìm các giải pháp cụ thể để tận dụng cơ hội và khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong XNK khi hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU có hiệu lực. Đặc biệt sự hợp tác các DN Việt kiều EU với các DNNVV của Việt Nam trong quảng bá các thương hiệu, giảm chi phí hoạt động XK sang EU. Trên cơ sở hợp tác giữa Hội DNVN tại Ba Lan với Phòng TMVCN Ba Lan – Châu Á, Ths. Hoàng Xuân Khang (Ủy ban Ba Lan – Việt Nam) đã trình bày dự thảo thành lập” Trung tâm hỗ trợ Xuất nhập khẩu Việt Nam – EU”. Nội dung chính của dự án bao gồm:
- Xây dựng trung tâm cung cấp thông tin và dữ liệu hỗ trợ cho các doanh nghiệp XK Việt Nam tại thị trường EU.
- Thành lập hệ thống dịch vụ hỗ trợ XK cho các DNNVV Việt Nam sang EU: Hệ thống văn phòng đại diện chung cho các DN XK Việt Nam tại EU (giai đoạn đầu tại Ba Lan, Séc, Đức, Hà Lan, Anh), tổ chức phòng trưng bày và hội chợ chung cho các DN XK Việt Nam, hỗ trợ các DN XK Việt Nam tìm hiểu thị trường, gặp gỡ đối tác kinh doanh và du lịch doanh nghiệp tại EU.
- Liên kết các DN Việt kiều tại EU (nhất là các DN trẻ) làm cầu nối XK Việt Nam sang EU. Tập trung xây dựng các đại lý, đại diện cho các DN XK của Việt Nam tại EU, tổ chức chương trình giao lưu, thực tế cho các DN trẻ Việt kiều EU tại Việt Nam. Hướng tới Xây dựng tổng kho ngoại quan của Việt Nam tại Ba Lan phục vụ XK sang EU.
Trong buổi hội thảo Ông Janusz Piechociński với tư cách là Chủ tịch Phòng TMVCN Ba Lan – Châu Á cũng giới thiệu về tiềm năng của Ba Lan trong EU. Từ năm 2002, Ba Lan là nước duy nhất ở Châu Âu không bị giảm GDP và từ năm 2010 – 2015, GDP của Ba Lan tăng tổng cộng 19,8%. Ba Lan là nước lớn nhất trong Đông Âu và luôn là nước số 1 trong bảng xếp hạng các nước Đông Âu về môi trường đầu tư cho các DN nước ngoài. Ba Lan có thặng dự thương mại với tất cả các nước EU (năm 2015 XK đạt 180 tỷ €, nhập khẩu đạt 178 tỷ € ), có hệ thống dịch vụ XNK đồng bộ , chi phí thấp và thị trường lao động thuận lợi cho các nước EU. Ba Lan cũng có rất nhiều lĩnh vực XK tương đồng với Việt Nam (sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, dịch vụ v.v), do vậy hợp tác giữa các DN Việt Nam và Ba Lan trong XNK không chỉ phục vụ thị trường hai nước mà còn tận dụng thế mạnh của mình mở rộng thị trường các nước EU, ASEAN. Đặc biệt những lợi thế về dịch vụ XNK của Ba Lan hiện nay như cảng biển, khả năng nối tiếp đường sắt Ba Lan – Trung Quốc tới Việt Nam, tổng kho trung chuyển hàng XNK EU tại Ba Lan, thị trường dịch vụ EU, nguồn tài chính, nhân lực trong đó có các DN Việt kiều tại Ba Lan v.v.
Để thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam – Ba Lan và EU, cũng như hỗ trợ cho dự án thành lập Trung tâm XNK Việt Nam – EU của các DN Việt kiều, Đại sứ Phạm Kiến Thiết mong muốn Hội DNVN tại Ba Lan, kết hợp với thương vụ Việt Nam cùng Phòng TMVCN Ba Lan – Châu á tiếp tục hoàn thiện dự án để trình chấp thuận và ủng hộ các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhất là bộ công thương, các trung tâm XT TM địa phương, Phòng TMVCN Việt Nam, Hiệp hội DNNVV. Đại sứ cũng ủng hộ kết nối các DN Việt Nam – Ba Lan để trở thành cầu nối XK của Việt Nam sang EU và XK của Ba Lan sang ASEAN.
Có thể nói, hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU đang là cơ hội tiếp theo cho các DN Việt kiều tại EU (nhất là các DN Việt kiều Đông Âu), sau cơ hội chuyển đổi sang kinh tế thị trường của các nước Đông Âu(1990-2003) và sự hội nhập EU của các nước Đông Âu (2004-nay). Liệu các doanh nghiệp Việt kiều EU và các doanh nghiệp trong nước có tận dụng cơ hội để hợp tác cùng tăng cường XK các sản phẩm Việt Nam sang EU? Để đạt được mục địch đó cần có sự chuẩn bị, trước hết đó là nhận thức đúng, tích cực của Nhà nước và sự chủ động của chính các DN Việt Nam trong và ngoài nước.
Ảnh lưu niệm cuộc gặp mặt hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan với đoàn doanh nghiệp Việt Nam tại TTTM ASG Ba Lan.
Warszawa, 13-05-2016
Bản tin Hội DNVN tại BL
Bình luận