2018-12-04 16:11:43

Bệnh ung thư giờ có trong mỗi nhà


Ở Ba Lan hàng năm có khoảng 90 nghìn người chết vì bệnh ung thư, trong khi số người chết do tai nạn giao thông chỉ là 3 nghìn người. Tuy nhiên ta chỉ nghe tin thời sự về số người chết trong các tai nạn xe cộ, mà việc 250 người chết mỗi ngày do bệnh ung thư thì chẳng ai nói tới. Việc chữa bệnh này vẫn chưa là ưu tiên ở nước ta – chuyên gia nổi tiếng về ung thư, giáo sư Cezary Szczylik nói.

Halina Pilonis, Medonet (HP): Ước tính cứ bốn người thì có một mắc bệnh ung thư, thế có nghĩa là mỗi gia đình đều có người mắc bệnh này. Vậy nguyên nhân của bệnh dịch này là gì?

Giáo sư Cezary Szczylik (CS): Vấn đề này mỗi năm một lớn lên. Trước hết là vì chúng ta ngày càng sống lâu hơn, và nguy cơ mắc các bệnh này tăng theo thời gian. Thứ hai, bệnh ung thư cũng do tiến triển của nền văn minh. Chúng ta là các bộ lọc biết đi. Phổi chúng ta lọc không khí mà chúng ta hít vào, còn bộ máy tiêu hóa thì lọc tất cả những gì chúng ta ăn và uống. Việc cơ quan y tế coi thường vấn đề khói bụi thể nào cũng ảnh hưởng đến việc bệnh ung thư phổ biến hơn. Ngoài ra chính chúng ta do sống không lành mạnh cũng tự tạo điều kiện cho mình mắc bệnh. Tôi thấy lạ là có nhiều học sinh nam nữ ở cấp hai và cấp ba hút thuốc như vậy. Ấy la chưa nói về việc béo phì phổ biến và quá ít hoạt động chân tay.

HP: Nhưng may mà y học phát triển và chúng ta ngày càng chữa bệnh ung thư khá hơn.

CS: Nếu nói về Ba Lan thì tôi không lạc quan như cô. Mức độ chữa khỏi bệnh ở Tây Âu và Mỹ hiện là khoảng 50– 60%, còn ở nước ta là 30%. Thế có nghĩa là mỗi năm ở Ba Lan có khoảng 90 nghìn người chết vì ung thư, trong số đó có gần 30 nghìn người do hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta chưa đủ. Tai nạn giao thông chỉ làm chết gần 3 nghìn người. Mà tin tức hàng ngày cái chính nêu về tai nạn giao thông, còn gần 250 người chết vì ung thư mỗi ngày chả ai nói đến. 

HP: Tại sao chúng ta hay chết vì bệnh ung thư hơn các nước Tây Âu?

CS: Trước hết là do chúng ta phát hiện bệnh quá chậm, ta có ít bác sỹ chuyên ngành ung thư quá, có ít điều kiện dùng các thuốc mới. Hệ thống y tế của chúng ta không đảm bảo được cho người bệnh có chẩn đoán nhanh và điều trị nhanh. Hiện gói chữa bệnh ung thư chỉ đảm bảo cho các bệnh nhân nghi bị ung thư được chẩn đoán nhanh, còn nó không dùng cho các bệnh nhân chẩn đoán có khối u. Ví dụ như các bệnh nhân có khối u ở não tại Ba Lan phải chờ chụp cộng hưởng đến tận 6 tháng, trong khi ta biết là với thời gian đó bệnh có thể đã phát triển.

HP: Nhưng người ta vừa đưa ra áp dụng gói ung thư và thẻ xanh giúp các bệnh nhân nghi ngờ có khối u không phải chờ nữa cơ mà...

CS: Thẻ xanh chỉ rút thời gian chờ được có ba ngày thôi. Với ý định lập con đường để chẩn đoán nhanh người ta không chỉ ra nơi mà bệnh nhân bác sỹ gia đình nghi ngờ có ung thư phải làm xét nghiệm chụp hay làm sinh thiết. Do vậy các bác sỹ gửi các bệnh nhân nghi có bệnh của mình đi khắp Ba Lan. Để làm ngắn hàng xếp làm xét nghiệm cần phải làm nhiều xét nghiệm hơn mỗi tháng, vậy phải có nhiều bác sỹ rentgen và bác sỹ bệnh học hơn, cũng như tiền để trả cho chẩn đoán đó. Thế nhưng khi họ dưa ra gói chữa ung thư lại không nêu ra là ai sẽ trả tiền. Không có một khoản tiền nào thêm để thực hiện dự án đó cả. Và chi phí đổ lên đầu các bệnh viện. Quỹ sức khỏe quốc gia NFZ để có thể trả tất cả số tiền cho các bệnh viện thì họ đem hạ mức tiền xét nghiệm đi. Vậy bệnh viện làm nhiều việc hơn, nhưng thêm bệnh nhân họ không được tiền gì. Ngoài ra ở Ba Lan có khoảng 800 bác sỹ về bệnh ung thư trong khi mỗi năm có đến 160 nghìn người mắc bệnh này. Thêm vào đó là 300 - 400 nghìn người đang mang bệnh và cần xin ý kiến bác sỹ. Liệu với số người như thế họ có đảm đương được công việc hay không?.

HP: Tại sao theo ý kiến của ông thì việc chữa bệnh ung thư không là mối ưu tiên của nhà nước?

CS: Tôi không biết tại sao. Tôi chỉ chắc chắn là nếu có trưng cầu dân ý về việc này, thì mọi người sẽ đồng ý là cần có một chính sách chăm sóc sức khỏe theo hướng này. Trong khi đó thì mức lương của bác sỹ và y tá như đang có không có khả năng làm tăng số nhân viên y tế ở Ba Lan. Tuổi làm việc trung bình của y tá là 50 năm, bác sỹ một số ngành cũng vậy. Ta có ít quá. Nếu bác sỹ sau thực tập chỉ có lương là 2700 zł, thì dễ hiểu tại sao lại ít bác sỹ thế. Nhất là lương hộ lý, không qua bất cứ đào tạo gì về y khoa cũng có mức lương tối thiểu là 2000 zł. Gần đây người Anh chào mời 800 chỗ làm cho bác sỹ gia đình với mức lương hàng tháng là 37 nghìn zł. 

HP: Liệu tăng đầu tư cho bệnh ung thư có làm thay đổi số liệu thống kê ở trên chăng?

CS: Chắc chắn. Các thành tựu của chúng ta trong việc chữa bệnh tim chứng tỏ điều này, do đầu tư tốt đã làm thay đổi kết quả chữa bệnh, nên giờ chúng ta về mặt này đang ở các vị trí đầu của châu Âu. Ngoài ra trong ung thư kết quả chữa phụ thuộc vào việc có thể áp dụng các cách chữa hiện đại, thế mà về mặt này ở châu Âu chúng ta chỉ vượt có Albani mà thôi.

HP: Liệu các thuốc mới có mang lại thay đổi bước ngoặt như vậy trong chữa bệnh ung thư?

CS: Ví dụ điển hình là việc chữa bệnh máu trắng và bệnh ung thư tế bào máu. Trong nhiều trường hợp các bệnh này cho đến nay coi như không chữa được này giờ đã có thể chữa khỏi hoàn toàn. Các nghiên cứu về chữa bằng các tế bào sửa đổi của hệ miễn dịch (CART) đã chứng tỏ là trong số 39 bệnh nhân đã dùng mọi phương pháp chữa bằng hóa trị cũng như ghép tủy mà không có kết quả gì, đồng thời họ được đánh giá khả năng chữa khỏi chỉ có 30%, sau đó nhờ áp dụng cách điều trị mới thì có tới 38 người trong số này đã được chữa khỏi hoàn toàn. Ngành ung thư học đang đứng trước các khả năng to lớn. Các cách chữa mới là dùng chính hệ miễn dịch của cơ thể, dạy nó cách tiêu hủy các tế bào ung thư. Đó cũng là áp dụng việc chẩn đoán cho mỗi người cụ thể chứ không phải theo các tiêu chuẩn trung bình hóa, mà là tiêu chuẩn thích ứng và tốt nhất cho mỗi bệnh nhân.

HP: Vậy tại sao các bác sỹ không thể thuyết phục Bộ Y tế là nên tài trợ cho các cách điều trị đó?

CS: Các bác sỹ muốn điều trị theo các tiêu chuẩn của châu Âu, những người nhắc đến quyền của người bệnh hay bị gọi là những người quảng cáo cho các hãng sản xuất thuốc. Theo ý tôi, việc làm này là có chủ ý để những người có quyền không phải thừa nhận là họ cản trở người bệnh có quyền chữa theo cách hiệu quả. Hiển nhiên là các hãng chế thuốc cũng muốn có lãi nhất. Do vậy ở Ba Lan đã có Cơ quan Công nghệ Y khoa và Đánh giá (Agencja Technologii Medycznych i Taryfikacji) chịu trách nhiệm đánh giá một cách khách quan xem giá thuốc có phù hợp với hiệu quả của nó hay không. Nhưng rào cản về giá cao nhất của thuốc do Ba Lan quy định là khác xa với các chuẩn châu Âu và nhiều cách điều trị bị cơ quan này cho là quá đắt. Cũng có các cách điều trị mà cơ quan này đề nghị trả tiền (refundacja). Nhưng bộ Y tế không chấp nhận. Kết quả là chúng ta được tiếp cận với các thuốc mới ít hơn cả người Rumani, người Czech và người Hung.

HP: Vậy ngoài việc hợp lý hóa tài trợ chữa bệnh ung thư ở Ba Lan, ta còn có thể thay đổi gì thêm nữa?

CS: Trong khuôn khổ cái gọi là công bằng xã hội thì người hút thuốc lá phải trả tiền bảo hiểm cao hơn hay phải trả một phần việc chữa bệnh cho mình.  Hệ thống cũng nên cư xử khác hơn đối với những người không làm xét nghiệm kiểm tra sức khỏe thường kỳ, ví dụ như làm kiểm tra chất nhầy trong âm đạo. Nên có các thay đổi về tổ chức. Ở Ba Lan không có một cơ quan nghiên cứu về bệnh ung thư nào cả. Chúng ta nên học nước Mỹ thành lập Viện chống bệnh ung thư, nơi chỉ nghiên cứu về bệnh này và có đủ điều kiện tài chính để hoạt động độc lập. Trung tâm về ung thư ở Vác-sa-va không làm được vai trò này vì chỉ lo chữa bệnh. Cũng nên thay đổi chương trình đào tạo sinh viên học Y sao cho họ có nhiều điều kiện tiếp xúc với bệnh ung thư hơn tại các bệnh viện thực hành. Đây là một lĩnh vực rất hấp dẫn về khoa học và đang có nhiều việc nhất. Chưa bao giờ tôi có thể nghĩ là trong cuộc đời làm việc mình được chứng kiến nhiều phát minh như thế này. Và mỗi ngày lại có một công bố khoa học mới với các điều gây bất ngờ.

QV (theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2018-12-04 15:11:30

Bình luận

Bình luận qua Facebook