2020-03-26 16:53:05

Nhà vi-rus học trả lời các câu hỏi như: Có cần rửa các thứ mua ở cửa hàng về không? Coronavirus có sống được trong tủ lạnh không?


Làm lạnh và nhiệt độ thấp không làm vi-rus chết. Trong tủ lạnh chúng có thể sống một chút, nhưng trong ngăn làm đá chúng có thể sống rất lâu – hàng tháng hay hàng năm – TSKH Y học Tomasz Dzieciątkowski, nhà vi-rus học của ĐH Y Vác-sa-va nói.

Tôi cẩn thận rửa rau và mọi thứ trước khi cho vào tủ lạnh. Có quá cẩn thận không?

Dr Tomasz Dzieciątkowski: – Không. Việc đó không có hại gì.

Vi-rus có thể sống bao lâu trong tủ lạnh, tức ở nhiệt độ 4-5 độ?

Rất tiếc là ở đây tôi phải làm bà thất vọng: Làm lạnh và nhiệt độ thấp không làm vi-rus chết. Trong tủ lạnh chúng có thể sống một chút, nhưng trong ngăn làm đá chúng có thể sống rất lâu.

Rất lâu – thế nghĩa là hàng tháng hay hàng năm?

Hàng tháng, và có thể hàng năm. Vài năm trước ở Alaska người ta đã đào được xác các nạn nhân của bệnh "hiszpanka". Vi-rus cúm vẫn còn hoạt động. Trong các ngăn đông lạnh ở nhiệt độ thấp người ta vẫn bảo quản các giống vi-rus khác nhau trong hàng chục năm.

Tức nếu tôi mua rau spinac đông lạnh rồi cho vào ngăn đá, thì vi-rus vẫn còn đó trong thời gian dài ư?

Nhưng rau spinac chắc bà sẽ nấu trước khi ăn chứ.

Có, nhưng còn bao bì ...

Bà không ăn bao bì mà.

Nhưng tôi động tay vào, rồi sau có thể quên rửa tay.

Bao giờ cũng phải rửa tay. Cũng phải tin là trong các xưởng sản xuất họ tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm HACC, chúng được bao gói trong điều kiện vệ sinh.

Do vậy mối nguy cơ là trong rau spinac có coronavirus rất bé, vì chúng được đóng gói trong ống lạnh.

Cần phải làm gì với bao rau spinac trước khi cho nó vào tủ lạnh? Rửa nó à?

Không, ta hãy giữ bình tĩnh. Nên nhớ là trong mọi xưởng sản xuất thực phẩm quy chuẩn là có đeo mặt nạ, không phụ thuộc gì vào dịch coronavirus cả.

Vậy trong tình hình hiện nay bao lâu thì phải rửa bên trong tủ lạnh? Mỗi tuần một lần?

Theo tôi thì chỉ cần áp dụng tiêu chuẩn thông thường là mỗi tháng một lần. Đừng thái quá.



Tôi mua bột yến mạch thô ở cửa hàng trong bao giấy, cá ngừ đóng hộp, dưa chuột trong lọ. Vi-rus có thể "sống sót bao lâu" trên mỗi loại bao bì đó?

Trên bao bì bằng giấy vi-rus sống được từ 2 đến 3 ngày, giống như trên vỏ hộp. Nhưng cũng nên nhớ hộp đóng chân không, ví dụ như hộp cá ngừ. Không có coronavirus ở bên trong.

Nhưng không loại trừ việc nó ở trên vỏ hộp.

Có thể. Khi tôi làm món trộn, tôi mở hộp bằng chiếc mở rồi gạn nước hoặc đổ cả hộp vào. Trong cả hai trường hợp tôi nghĩ là vi-rus ở vỏ khó có thể lọt vào trong món ăn của tôi.

Người ta chưa chứng minh được là coronavirus lây qua đường tiêu hóa. Vậy nếu vi-rus có trên vỏ hộp và tay ta động vào nó rồi có thể đưa vào miệng hay mũi thì có thể mắc bệnh.

Vậy nếu ta rửa tay thì 99% ta sẽ an toàn.

Còn hoa quả thì sao? Chúng qua bao nhiêu tay trước khi vào nhà chúng ta.

Phần lớn hoa quả đang bán đã được thu hoạch và bảo quản trước khi ta biết có sự tồn tại của SARS-CoV-2.

Do vậy nếu suy nghĩ nghiêm túc thì nguy cơ vi-rus nhiễm khi hái hay bảo quản hầu như bằng không. Còn trong phần lớn siêu thị người ta khuyên dùng găng tay dùng một lần để chọn táo và lê.

Ngay cả khi người nào đó có vi-rus trên tay thì có thể cũng không để lại chúng trên hoa quả. Mặt khác việc rửa nó trước khi ăn cũng tốt, chả hại gì.

Rửa bằng nước nóng là đủ, hay cần dùng cả loại xà phòng cho bát đĩa?

OK, các chất tẩy trùng giết coronavirus, nhưng tôi thì không dùng nó để rửa hoa quả. Có thể chất đó không ăn được.

Vậy hoa quả chỉ rửa bằng nước?

Đúng, chỉ cần nước ấm chứ không cần nước sôi.

Giả sử là tôi còn có thể đi dạo buổi tối. Vậy sau khi về phải tẩy trùng quần áo – cho vào giặt ngay?

Nếu bà đi dạo một mình buổi tối hay với người thân, không gặp ai cả thì bà lây vi-rus làm sao được?

Tôi đi ngang qua người khác.

Vậy hãy đi cách họ khoảng cách người ta khuyên, tức từ 3 đến 5 mét.

Còn bây giờ tôi đưa ra một tình huống cực đoan: nếu khi đi dạo bà gặp một người cố tình ho hay hắt hơi vào bà, thì tất nhiên sau khi về bà cho ngay quần mình mặc vào giặt chứ, có phải thế không?

Đúng vậy, tôi cho vào giặt ngay. Tôi hiểu là chỉ cần dùng bột giặt bình thường ở nhiệt độ tiêu chuẩn phải không?

Đúng, thế là đủ. Tất nhiên nếu một số loại vải có thể giặt được ở nhiệt độ 60 độ C thì sẽ an toàn hơn. Nếu không, khi thời gian giặt dài, chất tẩy sẽ tác động vì coronavirus có vỏ bằng chất béo, còn mọi loại chất béo sẽ bị biến thành bọt khi gặp chất tẩy, kể cả xà phòng, còn vi-rus sẽ chết.

Còn quần áo ngoài như áo khoác và giầy thì sao? Tẩy trùng, hay không phải lo quá, cứ treo lại vào tủ?

Tôi không nghĩ là có ai lại ngửi áo hay liếm giầy bà. Tôi nói phóng đại một chút, nhưng muốn nói là để vi-rus dính vào đó cũng không dễ đâu.

Còn điện thoại, đồng hồ – tẩy trùng chúng thế nào?

Đồng hồ có thể tẩy trùng bằng các chất chứa cồn. Hiện khó mua cồn nguyên chất, mà chỉ có loại từ 70 độ mới có khả năng tẩy trùng.

Còn loại chất hòa tan denaturat không màu hiện vẫn dễ mua. Ta có thể thêm vào đó một tý chất tẩy trùng – chỉ cần một ít nước rửa bát và glixerin dùng trong mỹ phẩm. Thế là ta có một loại chất tẩy trùng tuyệt vời trong gia đình.

Chớ có uống loại chất lỏng đó, còn chúng là chất tẩy trùng bề mặt tuyệt vời. Có thể dùng chúng lau kính, đồng hồ hay điện thoại.

Ở các cửa hàng khi trả tiền bằng thẻ đôi khi phải nhập mã số PIN. Và ở đây tôi muốn hết sức kêu gọi chủ các cơ sở đó là chỉ cần phủ lên đầu đọc thẻ một lớp ni-lông bọc thực phẩm. Sẽ dễ tẩy trùng nó và có thể vài lần trong ngày tháo ra, vứt đi và thay mới.

Chính phủ hạn chế việc người Ba Lan đi ra đường, liệu làm thế chúng ta có thể lạc quan hơn khi nhìn vào tương lai và dịch sẽ sớm kết thúc không?

Tôi không là người quá lạc quan. Lúc này chúng ta đang có dưới 800 người mắc bệnh mà tuần trước chính phủ đã đoán là con số sẽ lên trên một nghìn trong tuần này.

Nhưng chúng ta làm ít test hơn, ví dụ so với bên hàng xóm Đức.

Tôi muốn nhấn mạnh là vấn đề không phải là thiếu test, mà thiếu người làm.

Test do các nhân viên chẩn đoán thí nghiệm thực hiện, đây là nhóm người có lương thấp nhất trong ngành Y. Con số họ rất ít, mà lúc này họ quá mỏi mệt vì phải làm nhiều ca, nhất là tại các trung tâm chuyên về coronavirus.

Cần nhấn mạnh ví dụ như điều đã xảy ra ở PZH: nếu một nhân viên nhiễm và mang coronavirus vào đó thì cả trung tâm ấy bị cách ly trong việc xét nghiệm coronavirus.

Điều tương tự có thể xảy ra ở các trung tâm khác, nơi bình thường không có ai thực hiện xét nghiệm này.

Vậy khi nào chúng ta có thể ra ngoài mà không sợ nữa?

Coronavirus cũng như các vi-rus đường hô hấp khác có đặc điểm theo mùa. Do vậy theo tôi đại dịch sẽ giảm dần theo thời gian.

Khi trời nóng lên chăng?

Đúng ra thì vấn đề không phải trực tiếp là do nhiệt độ. Để diệt vi-rus thì nhiệt độ bên ngoài phải là trên 60 độ C. Vấn đề ở đây là phải không có dao động nhiệt độ quá lớn giữa ban đêm và ban ngày.

Tại sao vậy?

Trong tình huống ấy, cơ thể của chúng ta phần lớn sức lực bỏ ra để cố gắng duy trì nhiệt độ thích hợp bên trong mình. Do vậy sức phòng vệ bị giảm đi và chúng ta khi đó dễ bị nhiễm vi-rus nhất.

Vì thế mà phần lớn các bệnh cảm lạnh – viêm phế quản hay phổi – hay bị vào vụ thu-đông. Tôi nghĩ là khi nhiệt độ trở nên bình thường thì mức lây nhiễm sẽ giảm.

Tôi là người lạc quan thận trọng và tôi hy vọng rằng dịch này ở Ba Lan sẽ tắt vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.

Nếu ta nói về mùa như vậy thì mùa thu tới vi-rus sẽ tấn công ta với sức mạnh gấp đôi chăng?

Bà đã đặt một câu hỏi trị giá một triệu đô-la đấy, và rất tiếc là tôi phải thật lòng nói là tôi không biết câu trả lời. Có vài khả năng có thể xảy ra.

Đó là các khả năng gì?

Khả năng thứ nhất là coronavirus này sẽ thể hiện tính theo mùa giống như các coronavirus gây viêm phế quản ở người lớn hay như vi-rus cúm. Nó sẽ là vấn đề chúng ta phải đối phó từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Khả năng thứ hai có thể là vi-rus này sẽ biến mất giống như vi-rus SARS-1, loại này đã tấn công thế giới trong các năm 2002-2003, bỏ qua Ba Lan. Tôi muốn như thế nhưng tôi nghĩ việc đó sẽ không xảy ra. Và đó là vì coronavirus SARS-CoV-2 khác với SARS-1 dễ lây từ người sang người hơn.

Khả năng thứ ba là chúng ta sẽ bị lây âm ỷ, nhưng nó sẽ không đáng sợ.

Nếu nhìn vi-rus này một cách tỉnh táo thì nó không thật đáng sợ. Loại vi-rus này đôi khi gây ra viêm phế quản rồi lan ra viêm phổi.

Và loại bệnh viêm phổi nặng như vậy các bác sỹ đã biết cách chữa. Điều quan trọng là đừng có ai dấu diếm bác sỹ, và phải khai cả các bệnh chúng ta đang có vì đây là các điểm then chốt để cứu tính mạng mình.

QV ( Nguồn: https://natemat.pl/303465,czy-koronawirus-przetrwa-w-lodowce-jak-sie-go-pozbyc-wirusolog-radzi?_ga=2.11546100.1528730691.1584906105-2091557538.1570436649&fbclid=IwAR10kGsE7_odSesW_v8xL044KCF2K7EsQSgTPZHHRwtj_lIFYyaL1H4DVso )

Sửa lần cuối 2020-03-26 15:49:42

Bình luận

Bình luận qua Facebook