2021-03-14 19:23:53

Chuyện thời covid (T.37): Vắc-xin COVID-19 dưới dạng thuốc xịt mũi

Các loại vắc xin COVID-19 hiện đang được sử dụng trên thế giới đều được đưa vào cơ thể người bằng cách tiêm. Trong khi chúng làm giảm sự lây truyền của vi-rút, dường như chúng không có khả năng ngăn chặn nó hoàn toàn. Đổi lại, vắc-xin qua đường mũi có thể tạo ra một hàng rào bảo vệ bổ sung, bởi vì nó sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Ngoài ra, vắc-xin này còn giúp sản xuất các kháng thể trong niêm mạc họng và mũi, điều này sẽ cho phép sự ngăn chặn cục bộ khả năng nhiễm trùng.

Ý tưởng tạo ra một loại vắc-xin đưa qua mũi đang được Altimmune, một công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học có trụ sở tại Maryland (Mỹ) thực hiện.

Tháng trước, Altimmune đã bắt đầu thử nghiệm phương pháp thử nghiệm Vắc-xin có tên AdCOVID ở 180 tình nguyện viên. Mục đích của họ là kiểm tra tính an toàn của vắc-xin, xác định các tác dụng phụ có thể xảy ra và mức độ kháng thể và tế bào lympho T do chế phẩm này tạo ra. Độ tuổi của những người tham gia nghiên cứu từ 18 đến 55 tuổi. Đại diện của công ty cho biết có thể mong đợi kết quả trong nửa cuối năm nay. Scot Roberts, giám đốc khoa học của Altimmune, chỉ ra rằng viễn cảnh lạc quan là có thể bắt đầu đưa vắc xin qua đường mũi vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Altimmune không phải là công ty duy nhất nghiên cứu về khái niệm vắc-xin qua đường mũi. Công việc chuẩn bị tương tự cũng đang được thực hiện ở Trung Quốc, Ấn Độ và Anh.

Ta vẫn biết rằng, vắc xin tiêm là phổ biến nhất. Kết quả của việc tiêm là hệ thống miễn dịch bắt đầu sản xuất tế bào lympho T, có nhiệm vụ tìm hiểu vi rút và ghi nhớ tính đặc hiệu của nó trong trường hợp tái nhiễm. Ngoài ra, các kháng thể sinh ra trực tiếp tham gia vào việc chống lại các tế bào vi rút. Đây được gọi là miễn dịch toàn thân. Tuy nhiên, trong màng nhầy của mũi và họng (những nơi có virus đường hô hấp), không phải lúc nào tế bào miễn dịch cũng xuất hiện đủ để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Vì vậy, vắc-xin đưa vào mũi có thể khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể sản sinh ra kháng thể được gọi là immunoglobin A trong khu vực của màng nhầy. Tiến sĩ Paul Goepfert, Giám đốc Phòng khám Nghiên cứu vắc-xin Alabama cho rằng vắc xin này sẽ làm giảm đáng kể sự lây truyền của virus.

Một ưu điểm chính của AdCOVID là nó không cần phải bảo quản ở nhiệt độ quá thấp. Nó có thể được lưu trữ ở nhiệt độ phòng trong nhiều tháng. Roberts nói: “Đó là cách hoàn hảo để đưa một liều vắc-xin tăng cường để bảo vệ cơ thể khỏi các biến thể mới. Daniel Oran và Eric Topol, các nhà nghiên cứu COVID-19 của Scripps Research Translational Institute, California cho rằng vắc-xin mũi có thể giúp đạt được miễn dịch cộng đồng vì mỗi người có thể tự sử dụng. Việc đưa một bộ dụng cụ truyền vắc-xin qua đường mũi đến cho ai đó về mặt hậu cần đơn giản hơn nhiều so với việc sắp xếp tiêm vắc-xin cho họ. Việc chuyển từ kim tiêm sang bình xịt cũng có thể trở thành yếu tố then chốt để thuyết phục nhiều người đi tiêm chủng hơn.

Altimmune cũng có kế hoạch tiến hành thử nghiệm vắc xin COVID-19 qua mũi cho trẻ em. Hiện tại, các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa công ty và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kì, liên quan đến việc tổ chức các thử nghiệm lâm sàng. Altimmune muốn bắt đầu nghiên cứu ở trẻ em, mặc dù các thử nghiệm dành cho người lớn vẫn chưa hoàn tất. Họ cũng khuyến cáo rằng, chưa có loại vắc xin COVID-19 nào hiện đang được phân phối tại Hoa Kỳ có thể được sử dụng cho những người dưới 16 tuổi, vì các chế phẩm này chưa được thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em. Mặc dù trẻ em không bị bệnh nặng với COVID-19, nhưng chúng góp phần làm lây lan vi-rút. Do đó, ý tưởng tạo miễn dịch niêm mạc là một ý tưởng rất tốt, Roberts nhấn mạnh. Nó sẽ hạn chế khả năng lây truyền vi-rút và giúp việc chủng ngừa cho trẻ dễ dàng hơn. Theo quan điểm của bệnh nhi, việc không phải tiêm là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://businessinsider.com.pl/wiadomosci/szczepionka-na-koronawirusa-w-formie-sprayu-do-nosa-tak-wkrotce-moga-wygladac/v5hchf1)

 

Sửa lần cuối 2021-03-14 18:23:53

Bình luận

Bình luận qua Facebook