2021-04-04 17:23:42

Chuyện thời covid (T.40)

1. Trước và sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca có nên dùng thuốc gì không?

- Vắc xin COVID-19 AstraZeneca - những lo ngại và nghi ngờ

Một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất gần đây là vắc xin COVID-19 AstraZeneca đã được suy đoán rằng nó liên quan đến các trường hợp huyết khối (làm đông máu). Mặc dù Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã thông báo (vào ngày 18/3/2021), rằng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca là an toàn và hiệu quả, và việc sử dụng chế phẩm này không liên quan đến việc tăng nguy cơ đông máu nhưng nhiều người đang chờ tiêm chủng với chế phẩm này vẫn cảm thấy nghi ngờ. Sự lo lắng càng gia tăng bởi thông tin về một số quốc gia đã đình chỉ tiêm chủng với AstraZenca.

Thông tin về vắc xin AstraZeneca khiến nhiều người lo lắng. Nhiều người được bạn bè khuyên dùng một vài loại thuốc sau khi tiêm. Nhiều người băn khoăn không biết sau khi tiêm vắc xin COVID-19 AstraZenca có nên dùng aspirin để dự phòng vì đây là một loại thuốc làm loãng máu có đặc tính chống viêm, giảm đau và hạ sốt. Bartosz Fiałek, một chuyên gia trong lĩnh vực thấp khớp và người quảng bá kiến ​​thức y khoa nói rằng việc này có thể rất nguy hiểm.

Bartosz Fiałek cảnh báo hai điều không nên như sau:

- Không nên uống dự phòng axit acetylsalicylic (một loại aspirin đang được dùng phổ biến) trước, trong hoặc sau khi tiêm vắc xin COVID-19 Oxford-AstraZeneca.

- Không nên dùng thuốc chống đông máu dự phòng (thuốc đối kháng (antagonisty) vitamin K - acenocoumarol / warfarin, thuốc chống đông đường (antykoagulanty) - xabans / dabigatran hoặc heparin) trước, trong hoặc sau khi tiêm vắc xin COVID-19 Oxford-AstraZeneca.

Tự ý điều trị mà không có chỉ định có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của bạn! - bác sĩ cảnh báo. Hãy nhớ rằng không phải ai cũng có thể dùng aspiryn. Những người có các vấn đề về gan và thận, bệnh loét dạ dày hoặc tá tràng, đang mang thai và cho con bú không được dùng loại thuốc này. Axit acetylsalicylic cũng làm giảm tác dụng của một số loại thuốc.

Bartosz Fiałek có ba lời khuyên quan trọng:

- Những người hàng ngày dùng các loại thuốc nêu trên do các chỉ định y tế NÊN TIẾP TỤC liệu pháp đã được qui định (không ngừng dùng các loại thuốc này sau khi đã được tiêm phòng COVID-19; nhưng nên thận trọng hơn trong khi tiêm chủng - giữ miếng gạc sau khi tiêm khoảng 5 phút hoặc lâu hơn).

- Những người được khuyên dùng các loại thuốc nêu trên sau khi chủng ngừa COVID-19 có thể và NÊN THỰC HIỆN các khuyến cáo này vì liên quan đến việc điều trị chống kết tập tiểu cầu / chống đông máu. Tất nhiên, những người thường xuyên sử dụng loại chế phẩm này do tình trạng sức khỏe của họ phải hỏi ý kiến ​​bác sĩ về bất kỳ thay đổi nào.

- Axit acetylsalicylic (aspirin) với liều lượng cao hơn thuốc chống kết tập tiểu cầu cũng có đặc tính giảm đau, chống viêm và hạ sốt. Do đó, có thể dùng thuốc này trong trường hợp có tác dụng phụ sau tiêm chủng, chẳng hạn như sốt hoặc đau dữ dội, nhưng thuốc thường được khuyên dùng trong những trường hợp này là paracetamol.

Nói chung, nên tránh dùng thuốc giảm đau cả trước và sau khi tiêm chủng, nếu có thể. Các chuyên gia tin rằng có nguy cơ chúng sẽ khiến cơ thể sản xuất ít kháng thể hơn và ức chế các khía cạnh khác của phản ứng miễn dịch khi tiêm vắc xin COVID-19. Điều này có nghĩa là nếu bạn uống thuốc giảm đau ngay sau khi tiêm vắc-xin không có nghĩa là vắc-xin sẽ mất tác dụng, mà phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vắc-xin có thể yếu hơn.

2. Acryflavin -  một loại thuốc mới chống coronavirus?

Thế giới vẫn đang tìm các loại thuốc có thể chữa khỏi COVID-19. Acryflavin đã được biết đến từ lâu - nó được phát hiện hơn 100 năm trước và được sử dụng để chữa nhiều bệnh khác nhau, từ điều trị nhiễm ký sinh trùng, thông qua hoạt động chống ung thư, đến thuốc chống HIV-1. Ở nồng độ cao hơn, do tác dụng kháng khuẩn, nó vẫn được sử dụng như một chất khử trùng để sử dụng tại chỗ.

Theo ghi nhận của giáo sư Krzysztof Pyrć, một nhà công nghệ sinh học và nhà virus học đang tham gia nghiên cứu, từ tháng 6 năm 2020,Trung tâm Công nghệ Sinh học Małopolska thuộc Đại học Jagielloński ở Kraków, cùng với các chuyên gia từ Viện Helmholtz ở Munich đã bắt đầu tìm kiếm một loại thuốc có khả năng ức chế sự lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2.  Mục tiêu là một trong những protein của virus có tên là PLpro. Ông giải thích, nó là một loại protein đa chức năng cần thiết cho coronavirus nhân lên, nhưng đồng thời nó cũng chịu trách nhiệm "tắt" hệ thống phòng thủ tự nhiên của chúng ta trong tế bào. Acryflavine có thể ức chế enzym PLpro ở nồng độ rất thấp (vài nanogram trên mililit; 1 nanogram là một phần tỷ gram). Ở nồng độ ~ 50nM (vài nanogam trên mililit), Acryflavin có thể ức chế 50% sự sao chép của vi rút, nó cũng có tính đặc hiệu rộng đối với nhiều coronavirus, chẳng hạn như SARS-CoV-2, MERS-CoV và vi rút theo mùa.

Những kết quả nghiên cứu ban đầu rất đáng khích lệ, acryflavine có thể chứng minh hiệu quả chống lại SARS-CoV-2. Do đó, người ta hy vọng rằng acryflavine sẽ được sử dụng trong tương lai để thiết kế và phát triển các phân tử hoạt tính mới để điều trị COVID-19. Tuy nhiên, điều này phải được xác nhận bằng các thử nghiệm lâm sàng.

Giáo sư Krzysztof Pyrć khuyên không nên tự ý sử dụng chất này. Bác sĩ chuyên khoa cũng cảnh báo không nên dùng loại thuốc này quá vội vàng cho đến khi hiệu quả được chứng minh. Cần biết rằng ở nồng độ cao hơn, acryflavine có thể có tác dụng gây đột biến.

Ở Ba Lan, acryflavine chỉ được phép sử dụng hạn chế. Ở một số quốc gia như Brazil, hợp chất này được sử dụng trong các loại thuốc không kê đơn cho bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhưng ngay cả ở đất nước này, các nhà khoa học cũng không khuyên dùng acryflavin chống coronavirus SARS-CoV-2 mà không có bất kỳ sự kiểm soát nào.

Nhà virus học Pyrć cho biết đã có khả năng tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để xác minh acryflavine có thực sự giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng SARS-CoV-2 hay không. Các cuộc đàm phán ban đầu đang được tổ chức với các công ty Brazil để có thể tiến hành các phân tích dữ liệu.

Xuân Nguyên (Nguồn: medonet.pl)

Sửa lần cuối 2021-04-04 15:27:39

Bình luận

Bình luận qua Facebook