Mỗi khi nói về đất nước mình, tôi thường tự hào với bạn bè Ba Lan: Bạn hãy đến Việt Nam đi, đất nước của chúng tôi với khí hậu nhiệt đới, bốn mùa cây lá xanh tươi chắc chắn sẽ mang đến cho bạn có những cảm xúc tuyệt vời.
Trong thời đại toàn cầu hóa và nhất là những năm gần đây khi Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng bền vững và đứng trong tốp đầu của khu vực, tôi lại được đọc những thông tin quảng cáo rất ấn tượng của các công ty du lịch trong nước về vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã của nhiều vùng miền. Thí dụ như bài giới thiệu của „Viet Fun Travel” về rừng ngập mặn Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh có đoạn viết:
„Rừng ngập mặn Cần Giờ là một điểm du lịch sinh thái tuyệt vời với những cánh rừng đước xanh vô tận và muôn loài thú hoang dã. Tại đây, quý khách sẽ được tham quan Bảo Tàng Cần Giờ, đi ca-nô len lỏi dưới tán rừng ngập mặn để đến Căn Cứ Cách Mạng Rừng Sác, xem biểu diễn xiếc thú, tham quan thú hoang dã.
Đặc biệt với khoảng hơn 1000 con khỉ tự nhiên rất tinh nghịch, dạn dĩ với con người, cùng hơn 70 con Cá Sấu Hoa Cà thuần chủng đang được bảo tồn. Ngoài ra quý khách tự do tham quan đi dạo, chụp ảnh lưu niệm..và thưởng thức các món ăn đặc sản nơi đây !!!”.
Những suy nghĩ có sẵn trong đầu cùng với những thông tin được cập nhật qua báo chí đã thúc giục tôi xắp đặt một chuyến du lịch Cần Giờ và mơ ước một ngày nào đó dẫn bạn bè Ba Lan về thăm nơi có vẻ đẹp ki bí này của quê hương.
Chúng tôi chuẩn bị cho chuyến đi từ tối hôm trước, đi ngủ sớm để mai kịp ăn sáng lúc 6 giờ và khởi hành lúc 7 giờ. Lo cho cuộc hành trình lâu trong rừng, chúng tôi mang theo đồ ăn để có thể thăm được hết các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của căn cứ cách mạng.
Đường Sài Gòn ngày thứ 7 không kẹt xe. Chúng tôi đi từ quận 2 sang quận 7 rồi theo đường Huỳnh Tấn Phát đến Cần Giờ. Chiếc xe địa hình cứ thỉnh thoảng lại chồm lên khi tránh những ổ gà, ổ trâu hoặc những vũng nước đen xì. Tôi buột miệng:
- Đường đến khu du lịch mà đoạn đầu đã thế này, chắc người ta muốn cho mình nếm cái hoang dã của thiên nhiên từ đây?.
Anh bạn tôi vừa lái xe vừa vui vẻ giải thích:
- Người ta đã làm con đường cao tốc đến Cần Giờ, lần trước tôi đã đi đường đó theo Google chỉ dẫn, nhưng khi đến chỗ qua sông thì không có phà chở ô tô, phải lộn lại đường này.
Hết đường Huỳnh Tấn Phát, qua phà, xe chạy theo đường Rừng Sác. Mặt đường không còn những vũng nước đen nhưng vẫn lồi lõm và nhiều chỗ nhựa đường đã bị gió cuốn đi. Người ta bảo do đất nền ở đây toàn là bùn nên làm đi làm lại đường vẫn bị lún. Hai bên đường là những rừng đước chạy dài. Thỉnh thoảng mới thấy có xe chạy ngược chiều, những đám mây nhỏ bắt đầu xuất hiện trên bầu trời làm chúng tôi lo lắng. Tôi vào Google tìm lối vào Căn cứ Rừng Sác nhưng không có kết quả. Chạy thêm một đoạn nữa, chúng tôi đỗ lại hỏi cô bán quán bên đường. Cô nói cứ đi thêm mấy cây số nữa sẽ có biển chỉ vào đảo khỉ, nơi ấy có khu di tích căn cứ Rừng Sác. Đến nơi, sau khi mua vé vào cửa, chúng tôi được thông báo là sau 2 giờ chiều nước biển mới dâng lên đủ để ghe thuyền đi được vào căn cứ. Vậy là chúng tôi đành quay ra, đi thăm bãi biển và thị trấn Cần Giờ.
Quãng đường gẫn bãi biển rộng và phẳng lì, có lẽ vì hai bên đường tọa lạc những nhà hàng ăn uống và những resort nghỉ dưỡng. Trong khi tài xế tìm chỗ đỗ xe, chúng tôi bị một đám người đi xe máy bủa vây. Họ áp sát xe, mời chào chúng tôi dừng lại trước nhà hàng, có người nói muốn dẫn chúng tôi tới ăn, nghỉ trưa tại một nhà hàng sang trọng nào đó. Đồng hồ trên tay chỉ 9 giờ sáng. Chúng tôi giải vây bằng cách đưa xe vào sân của một nhà hàng lớn, xin phép đỗ với lời hứa sau khi ra thăm bãi biển sẽ trở lại đây dùng bữa.
Bãi biển Cần Giờ rộng và kéo dài hút tầm mắt. Không có cát trắng, chỉ có màu đen của phù xa và những chòm cây lô nhô. Mùi tanh tưởi theo gió sộc vào mũi, tôi có cảm tưởng như đang đứng trước cửa xí nghiệp chế biến thủy sản. Chúng tôi lại bị một nhóm người khác đeo bám. Những người đàn bà tay xách, nách mang hai ba mẹt cá không ra khô, không ra tươi. Đó là những mẹt cá Dứa, được chế biến theo kiểu Philet, đã được phơi „một nắng”. Người chạy trước chắn đường, kẻ bám theo sau lưng, luôn mồm mời chào chúng tôi mua cá, mà theo họ là giá rất rẻ và sạch. Giá rẻ thì tôi không biết nhưng sạch thì nhìn thấy ngay bởi những đàn ruồi và nhặng đang chao lên, chụp xuống theo chân họ. Những lời từ chối lịch sự của chúng tôi cũng bằng thừa. Người bán cá cứ coi chúng tôi như những nguyên thủ quốc gia cần được „bảo vệ” trong suốt quãng đường „dạo mát”.
Vào lúc 11 giờ, chúng tôi trở lại nơi đỗ xe để ăn trưa. Nhà hàng rộng lớn đủ chỗ cho 200 thực khách không một bóng người. Một phụ nữ chừng 35 tuổi có vẻ như quản lí trưởng của nhà hàng từ phòng trong đi ra niềm nở. Khi chúng tôi ngồi vào bàn, mở những trang menu thì có thêm ba nhân viên nữa đi lại. Người bảo vệ, lúc trước cho phép chúng tôi đỗ xe cũng có mặt. Anh bật quạt điện, hướng về phía bàn của chúng tôi và bắt chuyện rất tự nhiên. Qua anh, chúng tôi được biết bãi biển Cần Giờ không phải là nơi tắm biển. Người ta chỉ đến đây để đổi gió trong những dịp nghỉ lễ, tết. Tôi nhìn vào phía sau, những resort nằm im như đang chìm trong giấc ngủ, không biết có khách du lịch nào đang nghỉ ở đó không. Bữa ăn trưa có bia lon Sài Gòn, Mực sào dưa Leo, rau Bú sào tỏi, cá Dứa kho tộ và canh tôm chua. Bốn người ăn vừa đủ, phiếu thanh toán ghi 1 triệu 200 nghìn VND. Được ăn uống như VIP trong một nhà hàng lớn với 5 người phục vụ, chúng tôi không còn ghĩ đến các gói xôi, ngô luộc và hoa quả mang theo đang nằm im trong cốp xe.
Sau bữa trưa, vẫn còn một tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ nước lên, chúng tôi dạo phố bằng xe ô tô. Thị trấn Cần Giờ chạy dài theo một con phố chính, đây cũng là con đường chạy thẳng đến chợ. Người ta nói ở đây có nơi thờ và cất giữ bộ xương cá voi lớn nhưng hỏi mãi mà chẳng ai chỉ cho đến nơi. Buổi trưa, cả chợ cũng nghỉ, chẳng ai có đủ nhiệt tình để dẫn chúng tôi đi thăm „Viện bảo tàng”.
Đúng 2 giờ chiều, chúng tôi có mặt nơi cổng vào khu di tích cách mạng. Nhưng nước biển vẫn chưa lên cao. Chúng tôi được hướng dẫn đi thăm Đảo Khỉ trước. Không có bãi đỗ nên chúng tôi phải đỗ xe bên mép đường đối diện cổng soát vé. Vừa bước ra khỏi xe. Mấy chú khỉ đã lao đến, dòm ngó, muốn chui vào xe. Tôi trừng mắt, dùng tay ra hiệu ngăn lại rồi đóng cửa. Cả bốn người qua cửa soát vé. Bất thình lình, một chú khỉ nhảy lên mũ rồi dùng tay lấy chiếc kính của cô em gái. Nó chạy vào rặng đước ven đường, vừa nhăn răng ra cười có vẻ khoái chí. Tình huống bất ngờ làm cho ai cũng hoang mang. Cô em trách móc tôi đã mắng con khỉ nên nó báo thù bằng cách lấy kính. Cả đoàn chúng tôi vây quanh người gác cổng để nghe anh ta lưu ý mọi chuyện trước khi đi tiếp. Tôi nhìn con khỉ đang ngậm cái gọng kính nhẩy nhót phía xa, buông lời nhờ anh gác cổng:
- Anh có cách nào lấy lại được chiếc kính của cô em tôi không?
Anh gác cổng không nói gì, chậm chạp đi vào bốt gác lấy ra một quả ổi. Anh đi đến gần con khỉ rồi cắn miếng ổi ném ra cho nó. Chờ có được miếng ổi thứ hai, con khỉ mới buông chiếc kính ra, có ý trả lại. Thì ra, bọn khỉ ở đây đã quen kiếm ăn bằng cách lấy đồ của khách như thế này. Anh gác cổng chỉ một chú khỉ to béo, bụng phệ nói:
- Con này chuyên đi cướp điện thoại của khách. Nó biết cái này có giá trị nên cứ rình khi người ta chụp ảnh không chú ý là cướp liền. Muốn chuộc điện thoại phải cho nó phần ăn khá khá mới buông ra.
Chúng tôi được một hướng dẫn viên đưa đi thăm quan. Điểm đầu tiên là thăm hồ cá Sấu. Khách du lịch được dẫn qua một chiếc cầu bắc qua rạch nhỏ. Đến nơi tôi thấy một cái vũng nhỏ chừng gần 200 m2, nhìn lâu mới nhận ra mấy con cá sấu đang nằm im dưới bùn, chỉ hở ra phần đầu. Nhìn sang một góc khác, chúng tôi thấy bốn năm con cá sấu nữa nằm phơi mình dưới nắng. Tổng cộng cả „hồ” chắc được hơn mười con. Tôi hỏi người dẫn đường:
- Còn hồ nào có cá sấu nữa không anh?
- Tất cả chỉ có ở đây thôi, trước đây có nhiều hơn nhưng nay nhiều con đã bị chết.
Chúng tôi quay trở lại, đi tiếp theo đường lớn chạy dọc theo con rạch. Những chú khỉ bắt đầu chạy ra đường, ngó nghiêng. Hướng dẫn viên bảo chúng tôi phải chú ý đừng để khỉ giật máy ảnh và cất ngay mũ vải, kính vàò túi sách. Tôi để ý thấy một chú khỉ đang cầm trên tay chiếc mũ màu trắng, chắc là vừa giật được của một khách nào đó. Để mua vui cho chúng tôi, hướng dẫn viên cất một tiếng hú to, tức thì một đàn khỉ khoảng gần 30 con nhảy ra từ rừng đước bên cạnh. Anh ta ném những hạt nhỏ xuống đường, đàn khỉ tranh nhau nhặt hạt đưa lên mồm. Chúng tôi được phép chụp ảnh hoặc quay video. Theo người hướng dẫn, khi có mặt anh (hoặc những người bảo vệ ở đây) bọn khỉ không dám cướp giật đồ của khách. Tôi hỏi tại sao chúng lại sợ các anh. Anh chỉ cho chúng tôi cái ná cao su đang cầm trên tay và nói:
- Chúng chỉ sợ cái này, nếu khách du lịch cầm cái này thì chúng cũng không dám đến gần.
Thì ra là vậy, đàn khỉ ở đây được nuôi nấng, dậy dỗ chứ không phải sống hoang dã như tôi tưởng. Tuy vậy, khi chúng tôi muốn đi dạo tiếp vào trong rừng thì người hướng dẫn lại khuyên chúng tôi không nên. Lí do anh đưa ra là trong đó cũng không có gì khác ngoài những cây đước mọc chen chúc nhau và con đường thì càng vào càng xấu đi. Anh cũng cho biết là có thể đi theo đường bộ vào khu Căn cứ nhưng chỉ dành cho những người khỏe chân và không mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh. Chúng tôi nhìn con nước vẫn chưa lên cao, muốn đi nữa nhưng lại sợ những con khỉ xông ra bắt nạt khi không có người dẫn đường, đành ngồi chờ ở bến thuyền.
Thuyền có thể chở được 6 người (với giá 600 nghìn VND/lượt) nhưng chúng tôi muốn đi riêng với 4 người. Đây thực sự là những giây phút hứng khởi nhất trong cuộc hành trình. Chiếc thuyền chạy bằng động cơ đi-ê-den được tay lái lụa điều khiển chạy lúc nhanh, lúc chậm, vòng vèo theo các con rạch chằng chịt trong rừng đước. Hai bên bờ rạch là những rặng đước mọc chen chúc, cây nào cũng có bộ rễ phơi ra, giống như những cây Si nhỏ. Từ bến thuyền ở cửa rừng đến Căn cứ rừng Sác chỉ mất chừng 15 phút nhưng cũng đủ cho chúng tôi có được những cảm giác mạnh và vui vẻ.
Khu di tích „Căn cứ Rừng Sác” là một quần thể gồm nhiều căn nhà sàn làm bằng những cây đước, mái lá cọ, nằm cao trên bùn nước. Các căn nhà được nối với nhau bằng những con đường mà thực ra là những chiếc cầu cũng làm bằng cây đước. Chúng tôi được các hướng dẫn viên giới thiệu chức năng và lịch sử mỗi ngôi nhà. Những nơi này chủ yếu để làm nơi hội họp, sản xuất vũ khí, trạm cứu thương hay nhà bếp, ban đêm là chỗ ngủ của các chiến sỹ. Từng hoạt động ở đây là những chiến sỹ đặc công nước. Họ tập trận và chuẩn bị vũ khí trước khi đi đánh các tầu hoặc kho tàng của địch. Kẻ thù nguy hiểm của họ không chỉ là mưa, gió hay muỗi đốt mà chủ yếu là cá sấu và bom đạn của Mỹ. Những hình ảnh mặc quần đùi, cởi trần của các chiến sỹ đặc công đang tập luyện trong bùn lấy của rừng đước làm chúng tôi thực sự xúc động. Nghe nói, họ phải bơi lội trong rừng và luồn theo kênh rạch suốt đêm này qua đêm khác để tổ chức một trận đánh. Nhiều chiến sỹ đã hy sinh ngay trên bãi tập giữa rừng đước này. Nhiều người mang bom đi đánh tàu địch bị cá sấu ăn thịt. Nhiều chiến sỹ vì phải xông trận giáp la cà đã phải hy sinh cùng với các con tàu bị phá. Người thuyết minh nói vậy và chỉ cho chúng tôi thấy trên tượng đài ghi công có chiếc đầu cá sấu cùng với những trái bom và rốc két.
Tất cả chỉ có vậy. Vừa thăm thú, vừa nghe thuyết minh, vừa nghỉ ngơi cũng chỉ chừng một tiếng đồng hồ là kết thúc. Chúng tôi được mời lên thuyền trở ra ngoài.
Trên đường đi ra nơi đỗ xe, chúng tôi không còn thấy những con khỉ đứng nơi bên đường nữa. Dường như chúng đã được dạy là hãy để yên cho khách lúc ra về. Nhưng khi đến xe của mình thì chúng tôi lại nhận được những kỉ niệm đáng nhớ: Những vết chân đầy bùn của khỉ in dấu la liệt trên các cánh cửa xe. Rất may là chúng tôi đã kịp ra khỏi rừng trước khi cơn mưa rào đổ xuống.
Sài Gòn đang là mùa mưa.
Thành phố HCM, Tháng 11/2018
Xuân Nguyên
Một số hình ảnh ở Cần Giờ
Bình luận