2021-02-08 13:48:03

Paweł Kowal: Cái cách mà Hungari và Ba Lan thử qua mặt Liên minh Châu Âu

Ảnh của Getty Images:  Hình châm biếm Kaczynski và Orban trong cuộc diễu hành hàng năm ở Dusseldorf (Đức) vào năm 2018

Kiểu cầm quyền của Donald Trump đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh sự suy thoái của nền dân chủ tại Ba Lan và Hungari — theo ông Paweł Kowal (*).

((*)Ông Paweł Kowal là một chuyên gia của Geopolitical Intelligence Services. Ông là giáo sư Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan (PAN) và là nghị viên của Liên minh Công dân (Koalicja Obywatelska). Ông cũng là cựu thứ trưởng ngoại giao (2006-2007), cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia (Rada Bezpieczeństwa Narodowego) và cựu nghị viên Quốc hội Châu Âu. Ông là người dẫn đầu đoàn đại biểu của Liên minh Châu Âu trong Ủy ban hợp tác Quốc hội của Liên minh Châu Âu-Ucrain và đã phụ trách Ủy ban các vấn đề nước ngoài của Quốc hội Châu Âu. Ông là đồng tác giả của Viện bảo tàng Khởi nghĩa Vác-sa-va và là tác giả rất nhiều bài viết về quá trình thay đổi trong khối Liên Xô cũ)

Tóm tắt:

- Hungari và  Ba Lan đã phối hợp để chống lại sự phê phán của Bruxelles

- Vấn đề chủ quyền là đề tài nhạy cảm của cả hai nước do chấn thương trong lịch sử

- Các hậu quả của việc suy sụp nền dân chủ ở Ba Lan và Hungari có thể sẽ nặng nề, nhưng sẽ không giống nhau trong hai nước

Chúng tôi đăng bài báo do có thiện ý của Geopolitical Intelligence Services

 

  Ba Lan và Hungari đang ở lâu trong phía tối của lịch sử. Vào tháng 12 năm ngoái, cả hai nước đã gây ra chấn động trong Liên minh Châu Âu, khi dọa sẽ phủ quyết quỹ tái thiết sau dịch đang được các nước trông đợi. Cả hai nước khẳng định họ làm vậy để bảo vệ chủ quyền của mình.

 Tuy nhiên các hồi ức đớn đau trong lịch sử liệu có thể biện minh cho sự đi quá xa như vậy được không? Và còn điều gì có thể đến nữa từ hai quốc gia mẫu mực về các thay đổi dân chủ ở Trung Âu này?

 Hungari đau do mặc cảm tự ti vì sự kiện mang tên Trianon. Sau khi ký hiệp ước hòa bình năm 1920 tại cung điện Grand Trianon ở Vec-xây, nước này đã bị mất đường thông ra biển và chỉ còn lại ít hơn một phần ba lãnh thổ so với trước Đại chiến Thế giới lần thứ nhất. Chính hồi ức đau đớn này là cơ sở của nhiều mặt trong đời sống chính trị của nước Hungari hiện nay.

 Còn về phía mình, người Ba Lan rất nhạy cảm nếu nói về độc lập dân tộc.

Các động cơ phía sau

 Vấn đề chủ quyền là quan trọng nhất trong tiềm thức của những nhà lãnh đạo chính phủ phi cộng sản đầu tiên ở Ba Lan sau năm 1989, về điều này rất nhiều lần ông thủ tướng Tadeusz Mazowiecki (1989-1991) và ông Bộ trưởng ngoại giao Krzysztof Skubiszewski (1989-1993) đã đề cập đến. Người Ba Lan mơ ước giành lại độc lập của quốc gia đã mất từ cuối thế kỷ XVIII. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, vấn đề chủ quyền không phải là cái như ngày trước nữa.

 Trong khi Ba Lan mơ về cái độc lập truyền thống, độc lập quốc gia hoàn toàn thì các nguyên tắc về quốc gia đã thay đổi trong quá trình hội nhập châu Âu và của sự toàn cầu hóa.

 Một phần trong giới tinh hoa chính trị ở Ba Lan không hiểu thực tế này. Sau 1989, đất nước đã tự nguyện từ bỏ các bộ phận của nền tự chủ của mình cho các tổ chức mới ở ngoài phạm vi quốc gia. Trong lĩnh vực an ninh thì đó là Khối Bắc Đại tây dương NATO; việc kiểm tra biên giới, chính sách nông nghiệp và các đặc quyền truyền thống khác của quốc gia đã lọt vào tay các cơ quan của Liên minh Châu Âu. Ta cứ thường nghe ai đó trong nước cứ bắt đầu khẳng định là chủ quyền của Ba Lan đã bị „đánh cắp”, và Liên minh Châu Âu chả khác gì Liên Xô ngày trước, đang hạn chế tự do của dân tộc và áp đặt cho người Ba Lan các giá trị và nền văn hóa ngoại lai.

 Nỗi mặc cảm đó đã trở thành các động cơ ẩn phía sau trong chính sách của Hungari và Ba Lan. Người Ba Lan cứ lặp đi lặp lại là: „Giờ không còn ai có thể tước đi chủ quyền của ta nữa”, còn người Hungari thì: „Chúng ta không cho phép ai làm mất thể diện nữa”. Tất nhiên là các giới tinh hoa của cả hai nước đều hoàn toàn hiểu rõ rằng, Hungari chả bao giờ có thể có lại đường biên giới của mình trước Đại chiến I được và Ba Lan sẽ không phát triển được nếu đứng ngoài Liên minh.

 Các chính phủ thủ cựu nắm quyền ở Hungari vào năm 2010 (Fidesz) và ở Ba Lan vào năm 2015 (Đảng Luật pháp và Công lý) đã lợi dụng một cách ác ý các hội chứng đau xót trong trong lịch sử của cả hai xã hội. Phương pháp dẫn về việc dùng các vết thương của dân tộc để làm cơ sở cho chính sách dân tộc chủ nghĩa của mình. Mục đích là để duy trì việc cầm quyền của cả hai chính phủ.

 Sau năm 1989, đã có một giai đoạn lúc trong hai nước dân chủ mới của Trung Âu, việc tiến hành một đường lối chính trị như vậy là không thể nào có được. Đặc biệt là ở Ba Lan, việc so sánh Liên minh Châu Âu với khối Xô viết cũ là không thể chấp nhận được - cho đến khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ và ông ta chứng tỏ là có thể làm mọi thứ.

Một mối liên kết mạnh

  Ba Lan và Hungari khác nhau đáng kể nhưng cũng có các đặc điểm chung. Các kinh nghiệm trong lịch sử và mối liên hệ về tâm hồn thể hiện trong một câu thành ngữ của Ba Lan: „Người Ba Lan và người Hung là hai anh em, cả khi dùng kiếm và cả khi nâng cốc (Polak, Węgier, dwa bratanki, i do szabli, i do szklanki)". Cả hai dân tộc đều thích nhắc về mối liên minh ngắn ngủi của hai vương quốc trong các thế kỷ XIV và XV.

 Có một điều thú vị là có vẻ như đối với Vác-sa-va và Budapest, việc hai quốc gia đã chọn hai đường lối chiến lược hoàn toàn khác nhau trong những năm 30 đen tối là chả có ý nghĩa gì. Hungari đã chọn một liên minh mềm dẻo với nước Đức Hitler, dù rằng họ đã từ chối giúp đỡ Berlin về mặt logistic trong khi nước này tấn công xâm lược Ba Lan vào năm 1939. Còn Ba Lan thì đã bác bỏ lời mời cộng tác của Berlin và đã trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên của nước Đức hung bạo.

 Điều là cả hai nước chưa hề có các cuộc tranh chấp lớn về lãnh thổ và chưa bao giờ đánh nhau với nhau đã giúp họ sát cánh nhau trong năm 2020. Như những thành viên của khối Xô viết cũ và Khối Vác-sa-va, cả hai nước cho nước cuốn trôi đi hệ thống cộng sản ở nước mình, tiến hành nó theo kiểu „nhẹ nhàng”.

 Thế hệ trước, Ba Lan và Hungari đã là các anh hùng của việc chuyển từ chủ nghĩa cộng sản sang nền dân chủ một cách hòa bình. Thoát khỏi sự kiểm soát của Moscova, cả hai nước đã nhanh chóng chuyển sang quỹ đạo chính trị của phương Tây. Trong cả hai nước, điều này là hiếm có trong lãnh thổ của khối hậu Xô viết, cả hai nước đã tránh được việc xuất hiện của các tập đoàn đầu sỏ chính trị (oligarchy) trong cải tổ kinh tế. Do vậy phương Tây bị sốc khi chính phủ của cả hai nước này giờ lại tuyên truyền chống phương Tây và bắt đầu phá vỡ các cơ quan dân chủ của mình.

Điều gì thúc đẩy họ làm như vậy

 Một phần của câu trả lời cho câu đố về cách hành xử của cả hai nước có thể ẩn ở bên trong các nhà lãnh đạo của họ. Thủ tướng Hungari Viktor Orban và ông chủ tịch đảng PiS Jarosław Kaczyński từ lâu họ cảm thấy mình là những người bên lề hồi các đảng tự do (liberalne) và cánh tả (lewicowe) đang phổ biến. Đồng thời, việc mà cả hai ông đã là một phần của tổ chức dân chủ mới và việc cả hai ông đã từng làm thủ tướng chả có nghĩa lý gì.

 Có vẻ như cũng có một phần vai trò ở đây là việc cả hai ông đều tỏ một niềm hâm mộ công khai với những lãnh tụ chuyên quyền được coi là anh hùng trong cả hai nước hồi trước Đại chiến II. Ở  Hungari thì lúc ấy người đứng đầu là ông Miklos Horthy, còn ở Ba Lan là ông Józef Piłsudski. Đồng thời với việc giữa hình ảnh bảo thủ của mình, Kaczyński và thủ tướng Orban cũng đồng thời nhấn mạnh tôn giáo của mình. Cả hai hồi trước đây cũng từng là những người theo chủ nghĩa tự do phái giữa (centrowy liberał).

 Với ông Kaczyński, người mà vào những năm 90 chống việc can thiệp của tôn giáo vào chính trị, thì điểm quay ngoặt là liên minh với cha cố dòng chúa Cứu thế (redemptorysta) Tadeusz Rydzyk, người sáng lập và giám đốc một đài phát thanh theo chủ nghĩa cơ yếu (fundamentalism), tôn giáo, đài phát thanh Radio Maryja. Trong quá trình bầu cử, các vận động của đài này đã giúp đỡ đảng của ông Kaczyński, động viên những người già và khối cử tri có trình độ văn hóa thấp đi bầu.

 Ông Orban, người có một hồi tự giới thiệu mình là một người theo Tân giáo (Kháng Cách-protestant) và theo chủ nghĩa dân chủ tự do, giờ cũng đang thể hiện sự tận tâm và các mối liên hệ với Nhà thờ công giáo. Trong lần đến thăm Ba Lan vào tháng 12/2020, ở thời điểm xung đột đỉnh điểm với Bruxelles, vị thủ tướng Hung vẫn lưu ý để mình có xuất hiện trên các mạng truyền thông xã hội là ông đã tham gia vào một buổi lễ cầu nguyện trong Mùa Vọng (msza adwentowa) ở một nhà thờ tại Vác-sa-va, nổi tiếng về tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

 Mối quan hệ cá nhân của hai ông cũng đáng cho ta chú ý. Vị thủ lĩnh Ba Lan thừa nhận là ông khâm phục bản năng chính trị của ông Orban và thử làm theo kiểu ông ta. Kaczyński đã từng nói về việc đưa „mô hình của Orban” vào Ba Lan ngay từ năm 2011. Ông người Hung thì không nói nhiều về đảng PiS, ngược lại, ông chỉ tập trung ca ngợi cá nhân người cộng tác chính trị của mình trong buổi gặp gỡ.

Ông Orban đã làm ra sao

 Tất nhiên là các quốc gia phương Tây hoàn toàn không lạ gì với điều hiện nay đang xảy ra ở Hungari và ở Ba Lan. Không chỉ hai xã hội này đã đổ trước sự hấp dẫn của chủ nghĩa dân túy – chỉ có điều là giờ họ có thể phải chịu các hậu quả rất nghiêm trọng.

 Kiểu cầm quyền của Donald Trump đã đóng một vai trò thấy rõ trong việc tăng tốc việc suy giảm nền dân chủ ở Ba Lan và Hungari. Nhà cầm quyền Trump không thấy có vấn đề gì trước việc đối xử thô bạo, bẻ cong các nguyên tắc và gia đình trị của các đồng minh châu Âu hâm mộ mình nhất. Đặc biệt là ở Ba lan, tấm gương của Hoa Kỳ có giá trị nhất. Các cơ quan dân chủ và chính trị văn hóa ở vùng này của châu Âu là yếu hơn so với ở nhiều nước phương Tây lâu đời khác, do vậy các tai hại mà những nước này sẽ phải chịu  có thể sẽ rất lâu dài.

 Mô hình chạy xa khỏi nền dân chủ của Hungari dựa vào việc lợi dụng mặc cảm tự ti Trianon và câu khẳng định của Budapest là „Nước Hungari ở đâu nơi có người Hungari sống”. Sau khi quay lại nắm chính quyền vào năm 2010  (sau khi bị mất vào năm 2002) đảng Fidesz công nhận cho người Hungari sống ở các nước hàng xóm quyền bầu cử trong các cuộc bỏ phiếu ở Hungari. Động tác này làm đảng cầm quyền tăng số phiếu bầu.

  Vào năm 2019, tôi có dịp chứng kiến chuyến thăm của ông Orban tại thành phố Timisoar của Rumani, nới có đông dân Hung sống. Vị thủ tướng đã hành xử như ông là chủ nhà và thành phố này là thuộc nước ông. Dưới thời các chính phủ của Orban, chính sách bảo hộ dân thiểu số Hung không có gì nhiều hơn ngoài việc thử đe dọa và tỏ sức mạnh, thường hướng về phía Slovakia và Ucrain. Ví dụ như Budapest đã không do dự gắn việc ủng hộ việc Ucrain gia nhập phương tây với việc đòi Ki-ép phải nhượng bộ cho dân thiểu số Hung tại nước này.

 Chính phủ Orban đã làm một loạt thay đổi trong luật bầu cử của Hung để đảm bảo cho Fidesz nắm chính quyền ngay cả khi mất sự ủng hộ của xã hội. Nhằm mục đích này, họ thâu tóm chính trị khối truyền thông. Sự kiên bất ngờ tiếp theo ở Hungari là việc xuất hiện các tập đoàn đầu cơ chính trị (klasy oligarchów). Một vài thành viên trong nhóm thân cận thủ tướng đã trở nên rất giầu có, rõ ràng nhờ việc chính phủ có khả năng hưởng quỹ của Liên minh Châu Âu, và nhờ việc các chính trị gia tạo điều kiện cho những người được ưu tiên này khả năng trả nợ chính quyền.

 Trong chính sách ngoại giao, thủ tướng hướng quốc gia mình theo đường lối cộng tác chặt chẽ với Nga về kinh tế; đặc biệt là trong khối năng lượng, hiện Hungari phụ thuộc vào công nghệ và việc cung cấp năng lượng nguyên tử từ Nga. Để củng cố khối cử tri của mình, Orban tiến hành đều đặn các chiến dịch bôi nhọ. Mục tiêu thường xuyên nhất của họ là Bruxelles và Liên minh Châu Âu và ông George Soros, một nhà đầu tư ủng hộ nền dân chủ cùng với những người Hung di tản sang các nước.

 Kết quả là Orban đã tạo ra một hệ thống trong đó nước Hungari chỉ còn dân chủ theo tên gọi mà thôi. Tay chân của ông đã thống trị chính sách, kinh doanh và truyền thông đến mức các kênh theo hiến pháp thông thường để thay đổi chính quyền tỏ ra không còn hiệu lực nữa. Hungari đã trở thành một quốc gia của cá nhân, và thuật ngữ „Orban hóa” bắt đầu có nghĩa là việc đưa vào từng bước chủ nghĩa chuyên chế (autorytaryzm).

Con đường của ông Kaczyński

 Trong cuộc bầu cử quốc hộ ở Ba Lan năm 2015 liên minh bảo thủ của đảng PiS dã tiến hành cuộc vận động tranh cử với khẩu hiệu „thay đổi tốt -dobra zmiana” và nhu cầu đưa đất nước được cho là đang bị phá nát sau tám nămcầm quyền của các chính phủ tự do phái trung tâm-cánh tả. Ý tưởng này đã thu hút sự chú ý của cử tri, nhưng sau khi đưa ra việc trợ cấp xã hội hào phóng cho các gia đình có con nó đã đảm bảo cho đảng PiS sự ủng hộ kéo dài nhất.

 Sau khi lên nắm quyền, chính phủ mới đã chọn con đường xuyên tạc hệ thống như của Hung để các chính phủ của mình trở nên được kéo dài. Họ đã lấp đầy Tòa án Hiến pháp bằng các tay chân chính trị của mình và cải tổ truyền hình công thành một kênh tuyên truyền thô thiển. Họ cũng đồng thời gây sức ép mạnh để phá bỏ hệ thống canh giữ cho sự độc lập của các tòa án và thay đổi lãnh đạo trong mọi doanh nghiệp lớn mà nhà nước quản lý.

 Động lực ngày càng hiệu quả của ông để nắm truyền thông tư nhân dựa vào việc mua chúng do các hãng của nhà nước quản lý thực hiện. Đảng cầm quyền cũng nhúng tay vào các chương trình quốc hữ hóa các ngân hàng. Tương tụ như Hungari, chính phủ Ba Lan cũng đều đặn tiến hành các chiến dịch tuyên truyền công kích chống phe đối lập chính trị, chống người nhập cư và những người đồng tính LGBT. Trong các tháng gần đây, họ đã hạn chế quyền nạo thai đến mức gây ấn tượng mạnh mẽ và gây ra các cuộc phản đối trong cả nước. Mọi thứ này là để động viên các cử tri bảo thủ và khoét sâu sự phân chia trong xã hội Ba Lan.

Họ không hẳn giống nhau

 Điều mà hai chế độ này khác nhau là ở chỗ Ba Lan không xích gần lại về chính trị với Nga. Liên minh cầm quyền không đủ phiếu cần thiết để thay đổi hiến pháp của Ba Lan, họ phải đưa đẩy các „cuộc cải cách” của mình thông qua Quốc hội, thường là vi phạm thô bạo các nguyên tắc và luật lệ hiện hành. Việc thành lập các chính phủ chuyên chế diễn ra chậm hơn và không được phối hợp tốt như ở Hung. Phe đối lập chính trị ở Ba Lan đang giữ được vai trò của mình; trong năm ngoái 2019 họ còn thành công giành lại quyền kiểm soát ở Thượng viện. Ở  Hungari thì phe đối lập mới bắt đầu học cách làm thế nào để đoàn kết lại.

 Thủ tướng Orban có một dịp nào đó đã giới thiệu tấm bản đồ lớn của Vương quốc Hung cho thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. Vấn đề với cuộc giới thiệu thế giới trước Trianon này là ở chỗ: nước  Ba Lan không tồn tại trên tấm bản đồ ấy; Ba Lan khi ấy đã bị chia bởi các hàng xóm hùng mạnh mà một trong số đó là Đế quốc Áo-Hung. Có vẻ như ông thủ tướng Ba Lan đã không nhắc ông Orban về lỗi ngoại giao (faux pas) này. Điều này giờ là một hội chứng trong mối quan hệ giữa Hungari và Ba Lan: trong cặp đôi này thì Hungari là người dẫn đầu. Bộ phim khủng khiếp của tháng 12 ở Bruxelles đã chứng tỏ ông Orban là nhà thương thuyết có tài năng hơn đáng kể.

 Hungari cũng tỏ ra cực kỳ thực dụng (pragmatyzm) trong các mối liên hệ với các cơ quan của châu Âu. Ví dụ vào tháng 3/2017 Orban đã bỏ phiếu đồng ý kéo dài nhiệm kỳ của ông Donald Tusk ở cương vị chủ tịch Hội đồng Châu Âu – mặc dù có sự phản đối cương quyết của chính phủ Ba Lan. Trong Quốc hội Châu Âu, Hungari vẫn nằm trong phe trung ương-cánh tả của Đảng Công dân Châu Âu (Europejska Partia Ludowa -EPP), đảng lớn nhất trong Quốc hội Châu Âu kể từ năm 1999.

Các kịch bản có thể sẽ xảy ra

 Dù rằng Vác-sa-va và Budapest vẫn không được ưa ở Bruxelles, nhưng thách thức lớn nhất với họ giờ có thể là nhà cầm quyền mới ở Washington. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tuyên bố sự ủng hộ của Donald Trump với các nhà lãnh đạo dân túy đã kết thúc. Josep Borrell, sếp ngoại giao của châu Âu đã ban phước lành của Liên minh Châu Âu cho ông. Nếu ông Orban từ lâu đã bị lấy ra làm ví dụ về các nhà dân túy, thì các ông Kaczyński và Morawiecki vẫn vui mừng có sự ủng hộ của Waszhington. Khi họ tiến hành các cuộc đấu không ngớt với Bruxelles, thì các công chức Ba Lan cảm thấy có tổng thống Trump đứng đằng sau họ.

Kịch bản 1: Cải thiện từ từ. Giờ tất cả đã thay đổi. Có một nghịch lý là sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ có thể đẩy Vác-sa-va sang con đường ít xung đột chính trị hơn với Bruxelles. Nó cũng có thể dẫn tới việc nới lỏng trong cộng tác chính trị với Orban. Về mặt chiến lược, Ba Lan đối với phương Tây quan trọng hơn là Hungari, và khác với Budapest, Vác-sa-va không thể cho phép mình chơi quân bài Nga.

Kịch bản 2: Rạn nứt ở Ba Lan. Cũng có thể tưởng tượng ra một kịch bản lúc Budapest và Vác-sa-va vẫn giữ quan điểm của mình mặc dù đã có sự thay đổi làn gió chính trị: họ vẫn có thể tiếp tục các mô hình cầm quyền chuyên chế của mình, đàn áp phe đối lập và vi phạm các nguyên tắc của Liên minh. Để đáp lại, các cơ quan của Liên minh Châu Âu có thể cho hai quốc gia này ra bên lề. Trong trường hợp của Ba Lan thì một kịch bản như vậy cuối cùng sẽ mở đường đến chiến thắng cho phe đối lập dưới ngọn cờ theo Liên minh. Nếu điều đó xảy ra nhanh thì chính quyền mới ở Vác-sa-va sẽ phải sửa chữa các hư hại trong cấu trúc của các công sở, các cơ quan tư pháp và truyền thông. Nền kinh tế thị trường của Ba Lan vẫn khá lành mạnh.

Kịch bản 3: Một hệ thống mới ở Hungari. Những suy thoái về dân chủ ở trong hai nước có thể từ từ chấm dứt, nhờ việc phe đối lập mạnh lên và áp lực thích hợp từ bên ngoài (chủ yếu từ Bruxelles, Waszhington và, điều này ít đập vào mắt, là từ Berlin). Trong trường hợp này việc xây dựng lại cũng tiến từng bước. Trong kịch bản này nước Hungari lại phải đi qua việc chuyển đổi chế độ kế tiếp từ chuyên chế sang dân chủ. Khác với việc chuyển giao chính quyền bình thường, đất nước này sẽ là nhân chứng của việc hình thành hệ thống chính trị mới.

Kịch bản 4: Không có bất cứ sự quay lại đơn giản nào cả. Vậy trong kịch bản các thay đổi từng bước này thì việc quay về nền dân chủ hoàn toàn ở Ba Lan sẽ ra sao? Về một phía, có thể đó là sự sửa đổi thông thường sau bầu cử, nó có thể rộng hơn và sâu hơn so với bình thường, nhưng không phải là một cuộc cách mạng về hệ thống. Mặt khác, những người chiến thắng cũng có thể quyết định bắt đầu một quá trình ngoạn mục hơn, tăng tốc việc tái dân chủ hóa các cơ quan quan trọng nhất và đời sống xã hội.

 Ngược lại, không có khả năng quay lại về status quo cả ở Hungari lẫn ở Ba Lan. Đã có quá nhiều thứ đã xảy ra cả ở hai nước này, ở trong Liên minh Châu Âu và trên thế giới để đơn giản kéo lùi thời gian lại được.

Nguyễn Hữu Viêm

Nguồn: 

https://www.onet.pl/informacje/onetwiadomosci/pawel-kowal-jak-wegry-i-polska-probuja-przechytrzyc-ue/7rjrqps,79cfc278

Sửa lần cuối 2021-02-08 12:53:41

Bình luận

Bình luận qua Facebook