Tác giả: William A. Degregorio
HỌ VÀ TÊN:
Donald John Trump. Người chú của ông là Donald G. Trump, một kỹ sư điện, nhà phát minh và nhà vật lý, giảng dạy ở Viện Công nghệ Massachusetts (M.I.T).
MÔ TẢ NGOẠI HÌNH:
Năm 2017, Trump được ghi nhận có chiều cao 1m88 và cân nặng 107kg, được cho là thừa cân theo một số biểu đồ chiều cao cân nặng chuẩn. Sau này, chiều cao của ông được điều chỉnh thành 1m90. Có vẻ ông đã nhuộm da, nên nước da có màu vàng cam, và màu mái tóc cũng vậy khi chải lật. Khi còn trai trẻ, ông được tờ New York Times mô tả là có “sức thu hút”.
TÍNH CÁCH:
Không kiên định. Không tập trung. Xem mình là trung tâm. Ưa đề cao bản thân. Có thói quen phủ nhận liên tục. Không có mấy lời khen về tính cách của Trump. Ông có vẻ tự hào về tính cách bất thường của mình. Trump từng nói: “Khi nhìn lại bản thân lúc bước chân vào lớp 1 và ở thời điểm hiện tại, về cơ bản tôi vẫn thế. Tính khí không có gì thay đổi.”
DÒNG HỌ:
Họ gốc là Drumpf. Có những tư liệu khác nhau nói về thời điểm họ này đổi thành Trump. Được biết là Friedrich, ông của Donald Trump, nhập cư vào Mỹ năm 1885. Cuối thế kỷ 19, Friedrich theo chân đoàn tìm vàng đến vùng lãnh địa Yukon ở Canada, dù ông không thử đãi vàng tìm vận may. Thay vào đó, ông mở một cửa hiệu, vừa bán rượu và thịt nướng, vừa là nhà thổ. Sau khi trở về quê hương Bavaria và lập gia đình, ông chuyển đến khu Queens ở New York, tiếp tục cóp nhặt tiền bạc trước khi qua đời vào năm 1918 ở tuổi 49.
CHA:
Frederick Christ “Fred” Trump (1905-1999), doanh nhân và nhà xây dựng. Dù có gốc Đức, nhưng trong nhiều năm Fred Trump vẫn nhận mình là người Thụy Điển để không làm các gia đình Do Thái trên thị trường bất động sản quay lưng với việc thuê hoặc mua bất động sản của mình. Sau khi cha mất, Fred mở một công ty chuyên xây dựng nhà để xe. Ông gọi nó là Elizabeth Trump and Son do ông còn quá trẻ nên không thể ký chi phiếu. Fred tiếp tục các dự án kinh doanh của mình và bành trướng sang cả bất động sản. Vào thời điểm Donald Trump ra đời, Fred đã sở hữu hàng nghìn tòa nhà chung cư và là một triệu phú. Chính quyền liên bang luôn theo dõi ông và con trai về thái độ phân biệt chủng tộc khi cho thuê bất động sản vào đầu thập niên 1970. Có một thỏa thuận mà chính quyền gọi là “một trong những điều chưa từng có” nhằm chấm dứt tình trạng phân biệt màu da trong vấn đề nhà ở. Năm 1927, ông Fred từng bị bắt giữ do tham gia một cuộc tập hợp của đảng Ku Klux Klan. Theo nguồn tin, Fred Trump bị chứng Alzheimer suốt sáu năm trước khi mất.
MẸ:
Mary Anne MacLeod Trump (1912-2000). Sinh ra trên đảo Lewis, Scotland, con út trong gia đình có bốn anh trai và năm chị gái. Cha của bà, Malcolm, là một ngư dân và là điền chủ nhỏ. Mary Anne nhập cư vào Mỹ năm 1930. Donald, con trai bà, nói rằng bà đi nghỉ lễ; tuy nhiên, giấy tờ thông hành cho thấy bà không có ý định trở lại Scotland. Mary Anne kiếm sống bằng nghề giúp việc nhà trước khi kết hôn với Fred Trump vào năm 1936. Sáu năm sau bà nhập quốc tịch. Bà sinh Maryanne năm 1936, Frederick Jr. (1938), rồi Elizabeth (1942), Donald (1946) và Robert (1948). Bà không bao giờ ra khỏi nhà mà chỉ lo quán xuyến việc gia đình. Năm 1991, ở tuổi 79, bà bị thương nặng trong một vụ trấn lột, khiến thính giác và thị lực bị suy giảm.
ANH CHỊ EM:
Chị cả của Donald Trump, Maryanne Trump Barry, là thẩm phán liên bang. Người anh Frederick (Freddy) Trump Jr., thường bị áp lực khi tham gia vào doanh nghiệp gia đình, nên theo nghề phi công. Theo thông tin thì ông này tìm sự lãng quên trong rượu khi không thể đáp ứng được các chuẩn mực bắt buộc của cha mình và chết do tác động của rượu. Elizabeth Trump kết hôn với nhà sản xuất phim James Walter Grau. Người em út, Robert, là giám đốc điều hành trong Tập đoàn Trump.
CON CÁI:
Donald Trump có năm người con, ba người con với người vợ đầu Ivana. Donald Jr. giữ vị trí Phó Chủ tịch điều hành trong Tập đoàn Trump. Ivanka cũng là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Trump, có một chuỗi cửa hàng thời trang và đồ trang sức. Eric phụ trách chuỗi sân golf của Trump. Người con gái thứ tư của ông với người vợ thứ hai, Marla Maples, là Tiffany. Với người vợ thứ ba Melania, ông có thêm một con trai út là Barron.
NĂM SINH & NƠI SINH:
Trump sinh ngày 14/6/1946 ở Queens, New York.
THỜI THƠ ẤU:
Theo thông tin chung, Trump thần tượng cha mình, một người nghiện công việc và không có thời gian dành cho con cái. Để gây sự chú ý của cha, Trump biểu lộ qua hành động. Fred Trump từng nói trong một cuộc phỏng vấn, Donald “hồi nhỏ là một người khá thô bạo”. Một người láng giềng đã để con trai mình trong chiếc xe đẩy ở sân sau liền kề với khu nhà Trump, và khi quay lại thì thấy Donald đang ném đá, “dùng chiếc xe đẩy làm mục tiêu”. Trump xác thực một số hành vi đại loại như thế trong cuốn The Art of the Deal (Nghệ thuật thương thảo) của mình, kể rằng: “Đúng là tôi đã làm một thầy giáo bị tím bầm một bên mắt. Tôi đấm ông thầy dạy nhạc vì nghĩ ông ấy chẳng biết chút gì về âm nhạc, và suýt bị đuổi học.” Xấu hổ bởi những trò quá đà của Donald, Fred Trump đã tống ông vào trường quân sự.
GIÁO DỤC :
Trump theo học trường Kew-Forest, một trường tư thục dạy từ mẫu giáo đến lớp 12. Năm 13 tuổi, Trump được gửi vào Học viện Quân sự New York vốn nổi tiếng vì sự giáo dục rất hà khắc, ở Cornwall, bang New York. Thế nhưng Trump lại thích trường này. Trump nói: “Nghĩ lại, nó đã có một ảnh hưởng khá tích cực. Về cơ bản, bạn phải học được cách tồn tại với một số gã ở đây. Tôi đã học được nguyên tắc – làm sao để chịu đựng được sự lăng mạ và mọi thứ khác.” Trump khẳng định rằng Học viện Quân sự New York đã cung cấp “việc huấn luyện về quân sự còn hơn rất nhiều kẻ tham gia quân đội”. Sau đó, ông theo học Đại học Fordham hai năm trước khi chuyển sang học Trường Tài chính Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, tốt nghiệp cử nhân tài chính năm 1968.
TÔN GIÁO:
Trump xem mình là tín đồ của Giáo hội Trưởng lão. Hồi nhỏ, ông và gia đình đến cầu nguyện tại nhà thờ Giáo hội Trưởng lão Đệ nhất ở Jamaica, Queens, nơi Donald Trump được làm lễ thêm sức năm 1959. Dù gia đình Trump vẫn sống ở Queens, nhưng họ lại đi lễ ở Nhà thờ Marble Collegiate trên Đại lộ số 5. Nhà thờ là nơi Norman Vincent Peale, tác giả cuốn sách bán chạy The power of Positive Thinking (Sức mạnh của tư duy tích cực), làm mục sư. Dù Trump gắn bó với nhà thờ đã 50 năm, ông vẫn chưa từng có ý định gia nhập. Cần lưu ý là không thuộc Giáo hội Trưởng lão, mà là một thành phần của Giáo hội Cải cách Mỹ. Giải thích về quan điểm tôn giáo của mình, Trump nói rằng ông đã nhận lễ ban Thánh thể, nhưng chưa bao giờ xưng tội trước Chúa: “Nếu nghĩ mình đã làm gì sai trái… tôi chỉ cố gắng điều chỉnh nó. Tôi không để Chúa dính dáng đến chuyện này.”
SỞ THÍCH:
Được biết thú tiêu khiển duy nhất của Trump là chơi golf.
HÔN NHÂN:
Trump lập gia đình ba lần. Lần đầu với Ivana Zelníčková (20/2/1949), sinh ra ở Zlín, Tiệp Khắc. Bà là một nhà trượt tuyết tài năng, dù không đến mức xuất sắc. Bà không nằm trong đội tuyển trượt tuyết Olympic của Tiệp Khắc. Trên thực tế, Tổng thư ký Liên đoàn trượt tuyết Olympic Tiệp Khắc đã than phiền về những truy vấn đối với Ivana: “Người phụ nữ Ivana này là ai mà tại sao mọi người toàn gọi điện cho chúng tôi để hỏi về cô ta? Chúng tôi đã tìm kiếm nhiều lần và hỏi thăm nhiều, nhiều người, nhưng không tìm thấy một cô nào như thế trong hồ sơ của mình”. Sau cuộc hôn nhân kéo dài hai năm ở Tiệp Khắc, Ivana chuyển đến Canada hành nghề người mẫu. Khi đến New York năm 1976 để quảng cáo cho Olympic ở Montreal, bà đã gặp Donald Trump, rồi họ kết hôn vào ngày 7/4/1977 theo phong cách xa hoa.
Ivana giữ một chân điều hành trong Tập đoàn Trump và là Chủ tịch của chuỗi Khách sạn và Sòng bạc Castle. Hình như Donald Trump có hối tiếc về điều này nên vào năm 1994, ông nói rằng “đưa một người vợ vào làm việc là điều rất nguy hiểm”. Năm 1990, sau khi Trump hẹn hò với hoa hậu Marla Maples (27/10/1963), nhỏ hơn ông 17 tuổi, Ivana bèn đệ đơn xin ly hôn. Vụ ly hôn được giải quyết năm 1992.
Trump kết hôn với Maples năm 1993. Họ ly dị vào năm 1999. Maples xuất hiện trên sân khấu Broadway trong vở nhạc kịch The Will Rogers Follies. Người vợ thứ ba, Melania, tên thời con gái là Melanija Knavs (26/4/1970), sinh ra ở Slovania khi đất nước này còn là một phần đất thuộc Nam Tư cũ. Theo thông tin thì bà có theo học một năm ở Đại học Ljubljana trước khi rời bỏ để theo đuổi sự nghiệp người mẫu. Có chỉ dấu cho thấy bà hành nghề bất hợp pháp ở Mỹ trước khi có được visa hợp lệ. Bà nhận thẻ xanh vào năm
2001 và trở thành công dân Mỹ năm 2006, một năm sau khi kết hôn với Trump. Melania mở một chuỗi cửa hàng nữ trang trên mạng mua sắm QVC rồi bán đi sau hai năm. Bà rút lui để chuyển vào Nhà Trắng sau khi chồng mình đắc cử, bày tỏ mong muốn để con trai ở lại trường cũ, tiêu tốn hàng triệu đô-la cho việc bảo vệ an ninh.
PHỤC VỤ TRONG QUÂN NGŨ:
Không. Khi theo học đại học, Trump được hoãn quân dịch bốn lần vì đang học. Sau khi tốt nghiệp, ông lại tiếp tục được hoãn quân định một năm vì lý do sức khỏe do chứng gai xương gót, giúp ông không phải đến Việt Nam. Sau đó, Trump lại nhận được số bốc thăm nhập ngũ thấp (356/365).
SỰ NGHIỆP TRƯỚC KHI LÀ TỔNG THỐNG:
Trump tiếp quản Công ty Elizabeth Trump and Son của cha mình vào năm 1971, đảm nhận một mạng lưới chung cư và căn hộ trị giá hàng triệu đô-la. Hành động đầu tiên của ông là đổi tên Công ty thành Tập đoàn Trump. Fred Trump chưa bao giờ từ bỏ hoàn toàn việc kiểm soát, đã dùng ảnh hưởng của mình để cấp tín dụng cho con trai, với một khoản vay 1 triệu đô-la và một khoản thừa kế 40 triệu đô-la. Dự án lớn đầu tiên của Trump là Khách sạn Commodore, đối diện nhà ga Grand Central. Ông và Tập đoàn Hyatt mua lại nơi này năm 1976 rồi cải biến thành khách sạn Grand Hyatt New York năm 1980. Trump khuếch trương mặt tiền bất động sản ở khu Manhattan bằng cách xây dựng Tòa tháp Trump trên Đại lộ số 5 và Tòa tháp Thế giới Trump đối diện tòa nhà Liên Hiệp Quốc.
Nhưng rồi Trump vướng vào rắc rối khi quyết định bành trướng đến các sòng bạc ở thành phố Atlantic vào đầu thập niên 1990. Cuối cùng ông đã phải năm lần đệ đơn xin phá sản cùng với tài sản và các công ty ở đó. Khách sạn Plaza là lần phá sản thứ sáu. Có lúc ông phải bán đi công ty trung chuyển hàng không, du thuyền và chuyển đổi khu nhà nghỉ mát Mar-a-Lago thành một khu nghỉ dưỡng.
Rồi Trump chuyển sang xây dựng thương hiệu, bán thương hiệu của mình cho các nhà phát triển và đôi khi Tập đoàn Trump cũng lấy phí quản lý. Trong khi việc này sinh lãi, thì việc xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng của ông lại không mấy hiệu quả. Trong số các doanh nghiệp thất bại của ông có Trump Steak, công cụ tìm kiếm du lịch GoTrump.com, Trump Vodka, Trump Mortgage (khai trương năm 2006 giữa lúc thị trường bất động sản đóng băng), Trump The Game (một trò chơi cờ), Trump Magazine, Trump Ice (nước suối thiên nhiên), đội New Jersey Generals (một đội bóng bầu dục chuyên nghiệp).
Dù có tuyên bố mình là một người nhạy bén trong kinh doanh, thì thành tích của ông vẫn bất thường ngay ở thời điểm tốt nhất.
ỨNG VIÊN TỔNG THỐNG CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA:
Khi 17 đảng viên Cộng hòa và 5 đảng viên Dân chủ tuyên bố tranh cử, rõ ràng là có một vài tháng thú vị ở phía trước. Trong cuộc tranh luận lần thứ nhất của Đảng Cộng hòa (tổng cộng 12 lần tranh luận, lần thứ 13 bị hủy), có 14 ứng viên Cộng hòa đủ tiêu chuẩn: Ben Carson, Jeb Bush, Marco Rubio, Ted Cruz, Mike Huckabee, Rand Paul, Carly Fiorina, Chris Christie, John Kasich, Trump, Rick Santorum, Bobby Jindal, George Pataki và Lindsey Graham. Trump là một trong những người cuối cùng ra tranh cử, ông tuyên bố điều này vào ngày 16/6/2015, khi đứng trên thang cuốn ở hành lang Tòa tháp Trump. Ông khẳng định tự bỏ tiền cho chiến dịch vận động, dù sau đó đã thay đổi, và ông chấp nhận sự đóng góp của các ủy ban vận động tranh cử.
Sẽ không ngoa khi nói rằng các cuộc tranh luận của Đảng Cộng hòa đều ầm ĩ và kỳ lạ. Các ứng viên tiềm năng ngày càng bất ngờ về sự thổi phồng có vẻ bất chấp sự thật và độ lịch thiệp của Trump. Ông cũng thay đổi khôn lường ở mọi vị thế, rồi chối phắt những tuyên bố của mình dù chúng đã được ghi âm và tường trình bởi những nguồn tin có uy tín.
Thoạt đầu, cuộc đua của Trump không được đánh giá nghiêm túc. Ông là kẻ có khả năng bị gạt bỏ khi một người dẫn chương trình truyền hình thực tế đặt ra nhiều câu hỏi liên tiếp về hồ sơ kinh doanh của ông. Khi vào mùa chiến dịch, các ứng viên khác không còn đánh giá thấp ông nữa. Ông thu hút những đám đông tuần hành rầm rộ, kích động sự nhiệt tình của họ bằng các bài diễn văn về việc xây dựng một bức tường ngăn cách Mỹ và Mexico, về việc không để người Hồi giáo nhập cư vào nước mình. Điều này tạo nên sự đồng cảm, như khi ông tấn công vào nền kinh tế cho dù tình trạng thất nghiệp đã giảm và cơ hội việc làm tăng. Có ý kiến cho rằng ông kiếm được 2 tỉ đô-la trong các chương trình truyền hình miễn phí. Một nghiên cứu của Harvard cho thấy Trump nhận được 74% lượt yêu thích trên chương trình USA Today, 73% trên Fox News và 63% trên New York Times mà vốn về sau lại chỉ trích ông gắt gao. Vào năm 2014, Jeb Bush được xem là chắc thắng trong cuộc đua ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa. Ông ta có những phẩm chất của phe bảo thủ, dày dạn kinh nghiệm khi làm Thống đốc bang Florida và tiếng tăm gia đình. Thêm nữa, vợ ông ta gốc Mexico và ông ta nói được tiếng Tây Ban Nha, đây được xem là một lợi thế để lôi kéo cử tri nói tiếng Tây Ban Nha. Không có gì cản đường ứng cử của Bush. Nếu có, thì đó là từ thành tích gây phương hại của người anh, George Walker Bush. Vào tháng 7/2015, Jeb Bush thu được 10% phiếu thăm dò, sau Thống đốc Scott Walker của bang Wisconsin 3 điểm và bị Trump bỏ xa 10 điểm.
Marco Rubio ban đầu được cho là một đối thủ mạnh. Ông ta còn trẻ, lại có hoàn cảnh “hấp dẫn” liên quan tới việc cha mẹ mình nhập cư từ Cuba (dù sau này có những nghi vấn về tính chính xác của một số chi tiết), có một gia đình “ăn ảnh” (vợ ông ta là đội trưởng đội cổ vũ cho Đội bóng bầu dục Miami Dolphins) và thuộc phe bảo thủ.
Ted Cruz, con cưng của Đảng Trà ở bang Texas, có những khuyết điểm nghiêm trọng, một trong số này là tính cáu kỉnh khiến các thượng nghị sĩ đồng nghiệp không ưa. Lindsey Graham, bang South Carolina, châm biếm: “Nếu bạn giết Ted Cruz trên sàn phòng Thượng viện, và phiên tòa do Thượng viện xét xử, thì không một ai có thể kết tội bạn.” Vào tháng 1/2016, Cruz vẫn cứ dẫn đầu tỉ lệ ủng hộ trong các đảng viên Cộng hòa và các đảng viên Độc lập ngả về phe Cộng hòa.
Cuộc đua nóng lên với vụ tranh luận đầu tiên vào ngày 6/8/2015, khi Trump không chịu ủng hộ ứng viên nào ngoài chính mình. Trump cũng không hứa sẽ không chạy đua với tư cách đảng viên Độc lập – trừ phi ông được Đảng Cộng hòa đề cử. Trump tỏ ra bực tức với điều phối viên, Megyn Kelly, khi bà ấy cật vấn ông về những tuyên bố mang tính phân biệt đối xử với phụ nữ, tất cả đều có dẫn chứng. Sau này, Trump mô tả về bà lúc đó với “đôi mắt vằn máu, máu của bà ta như tuôn trào khắp nơi”. Phát ngôn đó đã chiếm luôn tít các trang nhất của các phân đoạn khác trong cuộc tranh luận. Khi được hỏi rằng ông có chứng cứ gì về việc chính quyền Mexico cố tình tống khứ đám tội phạm qua biên giới sang Mỹ hay không, Trump nói rằng mình đã tiếp xúc với các nhân viên tuần tra biên giới và họ khẳng định điều đó là có thật. Marco Rubio lại nỗ lực ghi điểm khi cho rằng “đa phần những kẻ vượt biên không đến từ Mexico. Họ đến từ Guatemala, El Salvador, Honduras”, nhưng phát ngôn này chiếm rất ít dung lượng trên báo chí.
Năm ngày sau, Rick Perry, nhân vật đầu tiên trong số các ứng viên, tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua do lượng cử tri và sự cạn kiệt tài chính đã cho thấy rõ ràng là họ không thể nào ngồi được trong phòng Bầu dục. Còn thêm sáu cuộc tranh luận nữa trước cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa, và Trump tẩy chay cuộc tranh luận thứ bảy, vốn đã diễn ra ba ngày trước cuộc bỏ phiếu ở Iowa. Ông phản đối việc Megyn Kelly nằm trong danh sách những người chất vấn. Thay vào đó, ông tổ chức một cuộc vận động quyên góp tiền bạc cho các cựu binh. Trump tuyên bố quyên được 6 triệu đô-la, 1 triệu trong số này được lấy từ túi của ông. Trong nhiều tháng, số tiền này chưa đến được tay các nhóm cựu binh, cho đến khi tờ The Washington Post phơi bày sự việc thì những tờ chi phiếu mới được ký.
Khi mùa chiến dịch dần qua, giới lãnh đạo Cộng hòa buộc phải đánh giá lại con bài Trump. Ông đã bị loại như một vai hề phụ trong buổi diễn lớn, nhưng ông lại lôi kéo được nhiều người ủng hộ cho các chiến dịch “Khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ” của mình. Dù có thể đoán được, nhưng thường thì không nhiều như Trump khoe khoang. Chẳng hạn, ông tuyên bố là 15.000 người đã có mặt khi chiến dịch Phoenix kết thúc năm 2015, nhưng ước tính chính thức chỉ 4.200 người. Trump đưa ra nhiều tuyên bố, trích dẫn sự kiện và con số mà dễ dàng chứng minh được là không thật. Theo ông, đất nước này đã trở thành nạn nhân cho làn sóng tội phạm, ngay cả khi tội phạm đã giảm. Ông nói nền kinh tế đang ở tình trạng tồi tệ với hàng triệu người thất nghiệp. Sự thật là cơ hội việc làm đang gia tăng và số người thất nghiệp giảm xuống. Nhiều người trong số “bị thất nghiệp” lại là sinh viên, các bậc cha mẹ ở nhà và những người hưu trí.
Các cuộc tranh luận dần mất kiểm soát khi Trump tấn công Jeb Bush, cho rằng ông ta có năng lực thấp kém và truy vấn quan điểm về vấn đề nhập cư của Bush do vợ ông ta là người gốc Tây Ban Nha. Điều này còn trở nên tệ hơn khi Trump tuyên bố: “Đây là một đất nước mà ở đó chúng ta nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Tây Ban Nha.” Nếu có ai đó năng lực thấp kém, thì đó phải là cựu chuyên gia giải phẫu thần kinh nhi khoa Ben Carson. Ban đầu ông ta rất có triển vọng, nhưng sự thể hiện và những câu nói hớ hênh của ông ta trong tranh luận đã khiến số người ủng hộ sụt giảm. Ben Carson gọi Putin là đất nước; nói chương trình Obamacare là “điều tồi tệ nhất từng xảy ra ở đất nước này kể từ chế độ nô lệ”, rõ ràng còn tệ hơn sự kiện ngày 11/9. Ông ta nhầm lẫn món gà khai vị “hummus” với “Hamas”, một tổ chức dân quân Palestine. Rồi có người đưa lên một đoạn video về tuyên bố của Carson rằng kim tự tháp là do Joseph.
Các ứng viên khác cũng có những câu hớ hênh và phát ngôn nhầm lẫn. Rubio từng đến lớp dạy nghề và phát biểu: “Thợ hàn kiếm nhiều tiền hơn các triết gia. Chúng ta cần nhiều thợ hàn và ít triết gia hơn”. Quên là về mặt ngữ pháp nên dùng từ “fewer” thay vì “less” (ít hơn) cho các triết gia, và giới kiểm soát sự kiện đã chộp ngay lấy nó. Hóa ra là theo Cục Thống kê Lao động, lượng bình quân của thợ hàn là 37.420 đô-la và lương của giáo viên triết học là 63.630 đô-la mỗi năm. Việc Ted Cruz muốn ném bom rải thảm đám ISIS khủng bố, sao cho không làm hại đến dân thường, cho thấy một sự thiếu hiểu biết về ném bom rải thảm. Christie thì cho rằng nên bắn hạ phản lực Nga trên không phận Syria – một hành động có thể dẫn đến Thế chiến III. Trump thì kêu gọi giết luôn gia đình của bọn khủng bố. Ông nói “phải rất, rất cứng rắn với những gia đình này. Thật lòng mà nói, điều đó sẽ khiến chúng phải nghĩ lại vì có thể chúng không quan tâm đến mạng sống của mình, nhưng dù có tin hay không, thì chắc chắn chúng phải quan tâm đến sinh mạng của người thân.”
Trump từ chối việc từ bỏ các tuyên bố về nơi sinh của mình – đó là Obama không sinh ra ở Mỹ, dù mọi chứng cứ đều ngược lại. Ông còn cố dùng việc sinh ra bên ngoài Mỹ để chống lại Cruz. Trump nhấn mạnh rằng vị Thượng nghị sĩ bang Texas này là không hợp lệ để trở thành Tổng thống do ông ta sinh ra ở Canada. Việc này đã khiến Cruz đưa ra một bài diễn văn về việc một người có thể sinh ra ngoài đất Mỹ và vẫn có đủ tiêu chuẩn ra sao. John McCain sinh ra ở Panama, nơi người cha đồn trú ở đó. George Rommey sinh ra ở nước ngoài với cha mẹ là những nhà truyền giáo người Mỹ. Cruz cho rằng theo cách lập luận của Trump, thì doanh nhân này không phải là một công dân Mỹ vì có mẹ sinh ra ở Scotland.
Vào thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở Iowa, Scott Walker, Bobby Jindal, Lindsey Graham và George Pataki đã theo chân Rick Perry rời bỏ danh sách chạy đua. Cruz dẫn đầu số phiếu, và đủ chắc chắn là ông thắng với 27,64% phiếu bầu, giúp ông có được tám phiếu cử tri. Tuy nhiên, với 24,3%, Trump cũng có được bảy phiếu cử tri, giống như Marco Rubio (23,12%). Những kết quả này đã gây ra một cuộc tranh luận được phát trực tiếp lần thứ tám. Không có Carly Fiorina do bà ta chỉ đạt vỏn vẹn 1,9% trong cuộc bỏ phiếu ở Iowa. Bà rút khỏi cuộc đua bốn ngày sau đó, tức là vào ngày 10/2.
Với vòng bỏ phiếu ở New Hampshire đang đến gần, mọi ứng viên đều cần phải chứng tỏ sự mạnh mẽ. Đây không phải là lúc để sẩy chân, nhưng Rubio đã bị như thế. Christie hỏi về kinh nghiệm của vị Thượng nghị sĩ ở nhiệm kỳ đầu tiên này, rằng liệu đất nước có ổn hơn nếu lại có một Thượng nghị sĩ mới học việc lọt vào Nhà Trắng hay không. Trong phần trả lời, Rubio nói: “Hãy quên đi câu chuyện rằng Barack Obama không biết mình đang làm gì. Ông ta biết chính xác mình đang làm gì. Ông ta đang cố gắng thay đổi đất nước này… Khi tôi được bầu làm Tổng thống, điều này sẽ được lặp lại lần nữa, một đất nước vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới.” Christie gạt đi, xem đó như một “bài diễn văn thuộc lòng 25 giây”. Và rồi, vài giây sau, Rubio cứ lặp đi lặp lại câu “Obama biết chính xác mình đang làm gì”, khiến ông ta có biệt hiệu là “Robot Marco”.
Bush là người duy nhất tiếp sau Trump. Doanh nhân này bảo vệ việc thu mua tài sản. Bush nói Trump “sai rành rành” vì cứ phô trương thu mua tài sản của mình để nắm giữ nhiều lô đất cho một sòng bài ở thành phố Atlantic. Theo Trump nói thì “Sự khác biệt giữa thu mua tài sản cho mục đích công là đường sá và cơ sở hạ tầng, kênh cung cấp và mọi thứ – đó là vì mục đích công.” Bush tranh luận rằng việc lấy tài sản mà một phụ nữ ở độ tuổi 70 sở hữu trong suốt 37 năm để xây dựng một bãi đậu xe limousine thì không phải là mục đích công.
Ở vòng chính New Hampshire, Trump thắng với 35,2%, Kasich về nhì (15, 72%) và Cruz được 11,63%. Và thế là Trump lại tiếp tục đua cùng chiến thắng với chỉ một cú vấp đâu đó. Cuối cùng, ông tích lũy được 1.543 phiếu cử tri theo quy định. Sau khi kiểm đếm, tổng số phiếu cử tri lên đến 1.725 phiếu – vượt 488 phiếu mà ông cần.
ĐỐI THỦ:
Hillary Rodham Clinton, sinh năm 1947 người New York, đảng Dân chủ. Sau khi rời Nhà Trắng, gia đình H. Clinton chọn cư trú ở New York. Điều này cho phép Hillary chạy đua vào ghế Thượng viện còn bỏ trống của Daniel Patrick Moynihan đang bỏ trống. Sau khi cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani rút khỏi cuộc đua vì lý do sức khỏe, Hillary đối mặt với một đối thủ Cộng hòa yếu ớt là Rick Lazio. Cuối cùng, bà đã dễ dàng đánh bại ông ta. Đây là một cái nhất khác thêm vào lý lịch của bà, một đệ nhất phu nhân hành nghề luật sư, một đệ nhất phu nhân có chân trong cơ quan dân cử. Sau khi chiến thắng trong cuộc tái bầu cử vào năm 2006, bà tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2008. Rủi thay, bà gặp phải một nhân vật đầy thế lực tên là Barack Obama nên đã không được đề cử. Tuy nhiên, bà lại trở thành Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Nhìn chung, bà được cho là đã có một vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Ngoài ra bà còn được giao nhiệm vụ đại sứ thiện chí, không phải là nhiệm vụ khá dễ dàng sau những năm dưới thời George W. Bush, viếng thăm 112 quốc gia, di chuyển 956.733 dặm khi đấu tranh cho quyền phụ nữ. Trong nhiệm kỳ của bà, Osama bin Laden bị giết và diễn ra vụ tấn công đoàn ngoại giao Mỹ ở Benghazi, Libya. Đại sứ J. Christopher Stevens và ba người Mỹ khác bị chết. Dù phe Cộng hòa cố đổ tội cho Hillary – và tiêu tốn gần 7 triệu đô-la trong nỗ lực – nhưng cuối cùng không thành công. Một trong những người Cộng hòa thuộc ủy ban điều tra thừa nhận mục đích của họ là để hạ thấp chỉ số tín nhiệm của bà. Khi bà rời khỏi chức vụ Ngoại trưởng, bà đạt 65%. Kevin McCarthy, một Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang California, nói: “Mọi người nghĩ Hillary Clinton là không thể bị đánh bại ư? Nhưng chúng tôi đã tập hợp được một ủy ban đặc biệt điều tra vụ Benghazi, một ủy ban chọn lọc. Chỉ số của bà ta hôm nay thế nào? Nó đang rơi.” Việc này xảy ra sau khi chuyện Hillary sẽ tranh cử Tổng thống năm 2016 được công khai.
Nếu ban đầu Jeb Bush được cho là người có triển vọng thành công bên Đảng Cộng hòa, thì bên Đảng Dân chủ có Hillary Clinton. Nhưng rồi bà lại phải đối mặt với nhân vật có thế lực khủng khiếp, Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ Đảng Xã hội chủ nghĩa từ bang Vermont. Sanders là một người phi đảng phái cho đến khi ông ta nhảy sang Đảng Dân chủ đúng lúc chiến dịch tranh cử bắt đầu. Thoạt tiên, ông ta bị gạt ra như một ứng viên phụ, nhưng rồi hoạt động của ông ta bùng nổ. Nếu từ “kẻ khiêu khích” tồn tại, thì hẳn nó sẽ được gán cho Sanders. Những vấn đề của Sanders chính là những gì ông đã đấu tranh trong nhiều năm. “Người giàu ngày càng giàu, và kẻ nghèo ngày càng nghèo, còn đại đa số tầng lớp giữa thì ngày càng khó khăn!” Thông điệp của ông không hề lay chuyển qua nhiều năm. Ông sỉ vả sự dư thừa của phố Wall và kêu gọi nền giáo dục đại học công miễn phí. Ông chuyên kích động. Trải qua hàng ngàn năm, những con người bấy lâu được xem là bầy cừu đã biến thành đám đông tập hợp lại ở các cuộc mít tinh của Sanders. Họ chịu ảnh hưởng của Bern. Và dòng tiền chảy về từ những nhà tài trợ trực tuyến.
Hilary có ba đối thủ khác trong những lần chọn lựa đầu tiên và trong các cuộc họp đề cử nội bộ. Hai trong số đó là Lincoln Chafee và Jim Webb đã không qua được vòng tranh luận đầu tiên. Chafee xuất thân từ dòng dõi chính trị gia lâu đời ở Rhode Island, có cha là John nguyên Thống đốc thứ 66 của bang Rhode Island, Tư lệnh Hải quân và Thượng nghị sĩ Mỹ. Sau khi John qua đời, Chafee kế thừa ghế Thượng nghị sĩ của cha mình. Dù ban đầu là người Cộng hòa, nhưng Chafee đã nhảy qua Đảng Độc lập, rồi Đảng Dân chủ, sau khi thất bại không vào được Thượng viện ở nhiệm kỳ thứ hai. Webb từng là một cựu binh Việt Nam có tiếng, nguyên Tư lệnh Hải quân dưới thời Reagan. Sau việc từ chối cắt giảm ngân sách dành cho Hải quân, Webb xin từ chức và quay sang viết sách thành công. Ông trở lại lĩnh vực chính trị, tranh cử với George Allen để giành ghế Thượng nghị sĩ bang Virginia và chiến thắng. Tuy nhiên, một vòng của cuộc đua Thượng nghị sĩ cũng đủ thú vị cho ông rồi. Ông không tham gia tái tranh cử năm 2012, và tham vọng làm Tổng thống của ông thậm chí có tuổi thọ còn ngắn hơn. Webb chính thức tuyên bố ra tranh cử ngày 2/7/2015. Nhưng rồi ngày 20/10/2015, sau một cuộc tranh luận không mấy sáng sủa và sự ủng hộ lại hạn chế, Webb đã rớt khỏi cuộc đua ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Sanders không chịu rút lui. Ông tiếp tục lôi kéo được một vài đám đông lớn và giành được sự ủng hộ nhiệt tình. Còn Hilary vẫn tiếp tục chiến đấu, dù sau đó vụ rò rỉ email nổ ra, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ. Cuối cùng, Hilary đã chiến thắng trong cuộc đề cử ứng viên tổng thống.
CHIẾN DỊCH TRANH CỬ VÀ CÁC VẤN ĐỀ:
Nỗ lực để hình dung cho đúng vị trí Donald Trump đang đứng trong khoảnh khắc đến 1/1.000 giây tiếp theo là chuyện vô cùng khó khăn. Hôm nay thì tuyên bố đóng cửa biên giới với tất cả người Hồi giáo! Sau đó lại nói không, ông không nói điều đó, cho dù nó đã được phát ngôn trong một cuộc họp báo. Ông cứ lặp đi lặp lại: “Các bạn phải hết sức cẩn thận. Chúng ta phải rất, rất mạnh mẽ và cảnh giác tại biên giới!”
Trump chống lại chuyện Chính phủ yêu cầu mua bảo hiểm y tế. Nhưng hãy đợi đấy, trong một lần phỏng vấn trên truyền hình, ông thích yêu cầu này vì ông không muốn người dân chờ chết trên các đường phố.
Luôn luôn chống lại việc tiến vào Lybia trừ những lúc ông đổi ý. Còn Syria? Hãy để cho họ và ISIS tự giải quyết. Giây lát sau lại đổi ý, hãy tấn công Syria bằng “bàn chân dẫm lên mặt đất nơi đó”. Trump luôn kiên định nói rằng ông sẽ cho xây một bức tường giữa biên giới Mexico với Mỹ, và cho tiến hành trục xuất hàng loạt những kẻ không có giấy tờ, vào lúc đó theo tính toán là 11 triệu người. Hilary thì kêu gọi cải cách Luật Di trú để dẫn đến việc cấp quyền công dân bình đẳng và đầy đủ. Bà muốn hủy bỏ luật tạm giữ cả gia đình, đóng cửa các trung tâm bí mật giam giữ người nhập cư lậu và giúp nhiều người đủ điều kiện được nhập quốc tịch.
Về mặt kinh tế, Trump muốn xé bỏ thỏa thuận NAFTA, bất chấp việc nó làm tăng gấp ba lần giá trị giao thương giữa Canada, Mexico và Mỹ, từ 290 tỉ đô-la năm 1993 lên hơn 1,1 nghìn tỉ đô-la năm 2016. Ông còn muốn tăng mức thuế hàng nhập khẩu lên tới 35%. Hilary thì nỗ lực ủng hộ Hiệp định TPP (Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương) như khi bà còn làm Ngoại trưởng. Ứng viên Hilary không chắc rằng đó là “chuẩn mực vàng” như đã có lần bà gọi như vậy. Bà không cho rằng thuế quan sẽ khiến cho hàng ngoại nhập đắt đỏ hơn và về lý thuyết, nhưng không chắc xảy ra, khiến người Mỹ mua hàng nội địa. Bà vẽ ra một kế hoạch sẽ khiến cho nền sản xuất của Mỹ tăng trưởng bằng cách áp dụng ưu đãi thuế cho những công ty được xây dựng trên đất Mỹ.
Và dĩ nhiên, Trump cũng hứa cắt giảm thuế, tuyên bố rằng kế hoạch của ông sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất cho người nghèo và giới trung lưu. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ, thì đề nghị của Trump cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 2% cho họ, với nhiều cha mẹ đơn thân thực ra phải đóng thuế cao hơn. Nói cách khác, chỉ 1% những người thuộc nhóm hàng đầu mới được hưởng mức cắt giảm 12%. Hơn nữa, nhóm Công dân vì Công lý Thuế đã nghiền nát những con số và nhận thấy kế hoạch thuế của Trump sẽ làm suy giảm khủng khiếp nguồn thu của Liên bang lên đến 4,8 nghìn tỉ đô-la trong vòng 10 năm tới, điều đó sẽ làm nợ quốc gia tăng thêm hàng nghìn tỉ đô-la. Trong khi đó, Hilary sẽ tăng thuế đối với giới giàu có với cái mà bà gọi là “tăng thuế vì sự chia sẻ công bằng”. Nếu bạn kiếm được 5 triệu đô-la trở lên, thì mức thuế cao nhất sẽ là 43,6%.
Gói Chăm sóc sức khỏe hay cụ thể hơn là Obamacare, luôn luôn là vấn đề nổi cộm trong phòng. Trump sẽ hủy bỏ ACA (Đạo luật Chăm sóc Phù hợp) và thay thế nó bằng một thứ “khủng khiếp nào đó”. Điều đó sẽ làm cho chi phí bảo hiểm y tế trở thành khoản khấu trừ thuế, để người Florida có thể mua bảo hiểm của Colorado. Và cho phép nhập khẩu dược phẩm kê đơn với giá rẻ hơn từ các quốc gia khác. Vẫn còn đó câu hỏi về hai phần phổ biến nhất của Obamacare: các công ty bảo hiểm không được phép từ chối thanh toán vì có những điều kiện đã tồn tại trước đó. Con trai và con gái đến 26 tuổi có thể ở lại gia đình theo kế hoạch của cha mẹ chúng. Và như vậy câu hỏi được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra với 20 triệu người đang được bảo hiểm theo đạo luật đó. Hilary hứa sẽ yêu cầu cơ quan lập pháp can thiệp và giúp cho nhiều người được hưởng trợ cấp nhiều hơn. Mức phí đóng bảo hiểm sẽ không vượt quá 8,5% thu nhập, so với mức hiện hành là 9,66%.
Sau cái chết của Antonin Scalia, vị trí của ông này ở Tòa án tối cao vẫn trống vì giới Cộng hòa từ chối xem xét một ứng viên thuộc cánh Obama. Điều này có nghĩa là vị Tổng thống tiếp theo sẽ có trách nhiệm bổ nhiệm cho đủ vị trí trong Tối cao Pháp viện. Trong lần tranh luận thứ ba giữa các ứng viên Tổng thống, điều này trở thành một vấn đề gây tranh cãi chính. Trump muốn có một quan tòa mà sẽ giúp đảo ngược vụ án lệ Roe chống lại Wade về quyền được phá thai. Hilary lại muốn tổ chức Đoàn kết Công dân bị lật đổ. Trump muốn có một Tòa án tối cao mạnh mẽ ủng hộ Tu chính án Thứ hai và buộc tội một cách giả dối rằng Hilary cố ý quay lưng với nó và “hãy mang súng đi đi”. Rõ ràng là Trump không nhận thức hết được tầm khó khăn khi muốn hủy bỏ một sự sửa đổi Hiến pháp. Trên thực tế, chỉ có một sự sửa đổi thành công – Luật Cấm nấu và bán rượu.
Chiến dịch tranh cử tỏ ra hết sức vụng về và kỳ cục vì đây là lần đầu tiên của Đảng viên Cộng hòa Trump. Nó bắt đầu hết sức lạ thường. Một thời gian ngắn trước hội nghị Philadelphia, Hilary chuẩn bị bước lên chuyên cơ Air Force One dành cho mình trong chiến dịch phối hợp vận động tranh cử đầu tiên với Obama, thì Giám đốc FBI James Comey đã cho thông báo công khai kết quả điều tra về các email của Hillary. Vấn đề lớn nằm ở chỗ bà đã sử dụng email cá nhân để gửi đi các văn bản chính thức khi còn làm Ngoại trưởng. Điều này đã dẫn tới việc Trump và những người ủng hộ ông đã yêu cầu phải xét xử theo luật pháp và bỏ tù bà. “Nhốt bà ta lại” là tiếng la hò đặc trưng của phe ủng hộ Trump. Nó phớt lờ sự thật là các email đã được gửi tới những người có tình trạng an ninh minh bạch.
Việc Comey công khai công bố điều tra của FBI đã đi ngược lại chính sách của Bộ Tư pháp. FBI điều tra, và đây là một đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, còn việc tố tụng lại căn cứ trên những gì cũng do đơn vị đó khám phá ra và khuyến nghị. Ngoài ra, FBI cũng không nên bình luận khi quá trình điều tra đang diễn ra, cũng như không nên tiết lộ khuyến nghị. Trong tình huống nhằm đáp ứng sự thúc giục của Bộ Tư pháp, Comey tuyên bố rằng FBI đã không tìm thấy đủ bằng chứng để buộc tội Hilary về các email và việc sử dụng máy tính riêng của mình. Tuy nhiên, ông ta nói rằng, bà đã thể hiện “sự quá bất cẩn”. Chuyện email đã ám ảnh Hilary trong suốt chiến dịch tranh cử.
Vào giữa tháng 8, khi số phiếu bầu bị giảm sút, Trump đã khởi động một vụ đánh trống la làng rằng việc bầu cử đã bị thao túng và đổ lỗi cho truyền thông. “Nếu giới truyền thông suy đồi và đáng ghê tởm đã đăng tải thông tin về tôi một cách trung thực và không gán nghĩa sai lệch vào những lời tôi nói, thì tôi hẳn đã đánh bại Hillary ở mức 20%.” Thất bại đã dẫn đến một sự sàng lọc bộ máy điều hành tranh cử. Trump từng sử dụng hai người quản lý chiến dịch tranh cử. Người thứ hai là Paul Manafort, có lẽ đã vận động hành lang bất hợp pháp cho cựu Tổng thổng của Ukraine, một đồng minh của Vladimir Putin. Trump chọn Steve Bannon làm Giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử, và Kellyanne Conway làm người quản lý chiến dịch. Bannon là một cựu sĩ quan hải quân, từng làm việc cho Goldman Sachs trước khi sang làm Chủ tịch điều hành cho Breitbart News, một website ủng hộ phong trào da trắng thượng đẳng, bài Do Thái và thường tung ra những câu chuyện vô căn cứ, đồn thổi thất thiệt. Conway đã từng tư vấn cho Todd Akin, một cựu nghị sĩ Missouri, là nhân vật đã lập luận rằng các nạn nhân bị hiếp dâm thì không thể có thai được vì cơ thể họ sinh ra thứ có thể ngăn tinh trùng của kẻ hiếp dâm tiếp cận với trứng.
Vào tháng 9, Trump đã cố lôi kéo các cử tri Mỹ gốc Phi bằng cách hỏi rằng họ có phải đánh mất gì không nếu ủng hộ ông. Cho đến thời điểm đó, Trump mới thừa nhận rằng Barack Obama được sinh ra tại Mỹ. Người đại diện cho Trump đã chất vấn về vấn đề sức khỏe của Hilary Clinton sau khi bà phải rời khỏi lễ tưởng niệm 11/9. Hóa ra bà bị viêm phổi, không phải chấn thương não do bị ngã vào tháng 12/2012. Rõ ràng là những tin tức hư cấu đã khiến cho nhiều cử tri xem bà như một ứng viên không đáng tin cậy. Tháng này đánh dấu cuộc tranh luận giữa các ứng viên Tổng thống lần thứ nhất. Trump tỏ ra bình tĩnh chừng mực, nhưng khá nhanh chóng, đối thủ của ông đã khiến ông khó chịu khi chất vấn về hồ sơ kinh doanh của Trump và việc Trump từ chối công bố hồ sơ thuế, cùng một số vấn đề khác. Điều thực sự làm cho ứng viên Cộng hòa điên đầu là khi Hilary mang tới một phụ nữ từng tham dự một cuộc thi sắc đẹp do Trump tổ chức. Ông đã gọi người này là “Cô Lợn” và “Cô Giúp việc” vì cô là người gốc La-tinh. Việc này đã khiến Trump trở thành tâm điểm của sự cuồng nộ trên Tweeter.
Tháng 10 đã không mang lại sự khởi đầu thuận lợi cho chiến dịch tranh cử của Trump. Đầu tiên, tờ The New York Times đăng tải một câu chuyện dựa trên việc hoàn thuế cho Trump của bang New York năm 1995 từ một kẻ nặc danh, cho biết ông đã không đóng thuế nhiều năm. Sau đó, tờ The Washington Post cho chạy một mẩu tin kèm dẫn chứng, rằng bất chấp việc Trump tuyên bố đã chi nhiều cho các hoạt động nhân đạo, có rất ít bằng chứng cho việc ông đã đóng góp nhiều đến thế nào cho công tác từ thiện. Nhưng rồi một quả bom tấn đã được tung ra kèm theo một video được quay năm 2005, trong đó Trump khoác lác rằng trong một bữa tiệc đã cho phép mình chộp lấy các cô gái bằng cách túm lấy đũng quần của họ. Nhiều tay trùm chính trị đã bị rối trí trước việc Hilary không dẫn trước về số phiếu bầu.
Nhiều email bị hack liên quan đến Hilary tiết lộ rằng các nhân viên an ninh liên bang cho biết Vladimir Putin đang cố tình “can thiệp vào quá trình bầu cử của Mỹ”. Chuyện này lẽ ra đã đẩy Trump về lại Tòa tháp Trump của mình thay vì Nhà Trắng. Tuy nhiên, chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử, Comey đã tung ra thứ mà Mort Zuckerman của tờ US News & World Report gọi là “một quả bom thối”. FBI đang điều tra cựu nghị sĩ Anthony Weiner, người chồng bị ghẻ lạnh của cố vấn cho Hilary suốt một thời gian dài, bà Huma Abedin, vì hành vi tương tác trên mạng không phù hợp với một cô gái vị thành niên. FBI tìm thấy một laptop do Weiner và vợ ông ta sử dụng, chứa các email của Abedin gửi cho Hilary. Comey nói, việc này đòi hỏi phải mở lại vụ email của Hilary. Các đặc vụ đã không xem xét các email đó khi Giám đốc FBI gửi cho Quốc hội một lá thư dài ba đoạn. “Sự tồn tại của các email tỏ ra phù hợp” đã được tìm thấy. Sẽ cần thực hiện một sự xem xét đánh giá “để xác định xem liệu [các email] có chứa thông tin được xếp hạng hay không, cũng như đánh giá tầm quan trọng của chúng đối với việc điều tra của chúng ta.” Chính vì Kurt Eichenward của tờ Newsweek nhận thấy vấn đề là vị Giám đốc đã “hành động thiếu trách nhiệm kể từ khi J. Edgar Hoover phát hiện vụ việc. Điều này không thể tha thứ được”. Hai ngày trước cuộc bầu cử, một lần nữa Comey đã tuyên bố Hilary không có gì sai phạm. Một số quan sát viên cảm thấy rằng đã có thiệt hại đáng kể.
Cho dù cả Barack Obama lẫn Michelle Obama đều có tỉ lệ ủng hộ cao, nhưng chiến dịch tranh cử vẫn khó khăn cho Hilary, bà đã thất bại. Đại loại vậy. Trump chiếm được 304 phiếu đại cử tri so với 227 phiếu của Hilary trong Cử tri đoàn. Dù ông có tuyên bố rằng đây là một cơn địa chấn, nhưng trên thực tế, ông chỉ thành công ở 46 điểm trong tổng số 58 điểm bỏ phiếu. Hilary đã thua ở Cử tri đoàn, song bà lại hơn Trump gần 2,9 triệu phiếu phổ thông. Các phân tích cho thấy chỉ 80.000 phiếu ở ba bang mới đem lại cho Trump chiến thắng ở Cử tri đoàn.
ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG, NGÀY 8/11/2016
DIỄN VĂN NHẬM CHỨC :
“Từ hôm nay trở đi, một tầm nhìn mới sẽ dẫn dắt đất nước chúng ta. Từ thời khắc này trở đi, nước Mỹ sẽ là Trên hết. Mỗi quyết định về thương mại, thuế má, nhập cư, ngoại giao, đều sẽ được thực hiện vì lợi ích của người lao động Mỹ và các gia đình Mỹ.”
“Đã lâu quá rồi, chỉ một nhóm nhỏ ở tòa nhà Quốc hội của đất nước chúng ta thu hoạch hết các thành quả của Chính phủ trong khi người dân phải gánh chịu chi phí… Tất cả sẽ thay đổi – bắt đầu ngay bây giờ và tại đây, vì thời khắc này chính là thời khắc của các bạn: nó thuộc về các bạn.”
Sau khi cho rằng đất nước đã và đang hứng chịu nhiều thiệt hại vì nạn băng đảng, ma túy, tội phạm, nghèo túng và thất nghiệp, Trump nói: “Sự tàn phá nước Mỹ hàng loạt như thế này phải chấm dứt ngay tại đây và chấm dứt ngay bây giờ.”
CA NGỢI:
“Ông tin vào luật pháp và trật tự, và ông có sức mạnh và ý chí để làm đất nước này an toàn hơn.” – Jeff Sessions, lúc còn là Thượng nghị sĩ bang Alabama (8/2016)
“Trump sẽ là một Ronald Reagan mới.” – Nigel Farage, cựu lãnh đạo Đảng Độc lập Anh, Đảng đã dẫn đến cuộc đấu tranh rời khỏi Liên minh châu Âu (8/2016)
“Có một vị tổng thống là doanh nhân chuyên nghiệp như thế chính là tài sản thực sự cho đất nước.” – Kevin Plank, Giám đốc điều hành Công ty trang phục thể thao Under Armour (2/2017)
CHỈ TRÍCH:
“Không nói thật là bản chất thứ nhì của ông ta. Hơn bất kỳ ai tôi đã từng gặp, Trump có khả năng tự thuyết phục mình rằng bất kỳ những gì ông ta nói ở bất kỳ thời điểm nào đều đúng, hay đại loại là đúng, hoặc ít nhất phải đúng.” – Tony Schwartz, đồng tác giả với Trump viết cuốn The Art of the Deal (Nghệ thuật thương thảo) (7/2016)
“Điều đầu tiên mà các nhà độc tài thường làm là cấm cửa báo chí.” – Cố Thượng nghị sĩ John McCain (Arizona) nói về các vụ tấn công của Trump đối với truyền thông (2/2017)
“[Trump] vẫn là người khá ích kỷ, bất ổn, thiếu tập trung chú ý. Tệ hơn, ông ta bị bao quanh bởi những người có cùng những khuyết điểm như mình – có lẽ vì họ là loại người mà ông ta cảm thấy thoải mái.” – Paul Krugman, giữ chuyên mục cho tờ New York Times, đoạt giải Nobel Kinh tế (1/2017)
TÁC PHẨM CỦA TRUMP:
Ông xuất bản một số sách của mình bằng cách nhờ người chấp bút và đứng tên chung. Trong đó có:
- Trump: The Art of the Deal (Nghệ thuật thương thảo) viết chung với Tony Schwartz. New York: Random House, 1987.
- Trump: How to Get Rich (Làm giàu thế nào) viết chung với Meredith McIver. New York: Tổ hợp xuất bản Random House, 2004.
- Think Big: Make it Happen in Business and Life (Nghĩ lớn: Biến thành hiện thực trong kinh doanh và đời sống) viết chung với Bill Zanker. New York: Harper Business, 2007.
- Great again: How to Fix Our Crippled America (Vĩ đại trở lại: Làm thế nào để hàn gắn nước Mỹ què quặt của chúng ta). New York: Thresholds Editions, in lại 2016.
TÁC PHẨM VỀ TRUMP:
- Barett, Wayne. Trump: The Deals and the Downfall. New York: HarperCollins, 1992.
- Johnston, David Cay. The Making of Donald Trump by. Brooklyn, N.Y.: Melville House, 2016.
- O’Brien, Timothy. TrumpNation: The Art of Being The Donald. New York: Warner Books, 2005.
- O’Donnell, John and James Rutherford. Trumped!: The Inside Story of the Real Donald Trump – His Cunning Rise and Spectacular Fall. New York: Simon & Schuter, 1991.
- Slater, Robert. No Such Thing as Over-exposure: Inside the Life and Celebrity of Donald Trump. New Jersey: Prentice Hall, 2005. Và nhiều cuốn khác.
Bài viết trích từ cuốn “45 đời Tổng thống Hoa Kỳ” do Omega+ dịch và xuất bản. Trong ấn bản mới nhất của cuốn sách, tác giả William A. Degregorio đã bổ sung nội dung về Tổng thống Donald Trump ở chương 45 và cập nhật thêm các số liệu mới ở phần mục lục giúp độc giả có cái nhìn toàn diện và chuyên sâu hơn bất kỳ tài liệu đơn lẻ nào khác về các tổng thống của Hoa Kỳ, từ George Washington đến người chiến thắng trong chiến dịch bầu cử năm 2016. Qua đó, tác phẩm cho người đọc thấy bối cảnh rộng hơn của lịch sử nước Mỹ qua từng thời kỳ.
(Theo NCQT)
Bình luận