Nhà vật lý Robert Oppenheimer là người lãnh đạo chương trình vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ với tư cách là giám đốc Phòng thí nghiệm Los Alamos. Năm 1954, ông trở thành nạn nhân của phong trào chống cộng sôi sục vốn định hình nước Mỹ vào thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Việc xem xét lại vụ việc này mất tới 68 năm.
Sau 25.041 ngày ông mới chính thức được phục hồi danh dự. Ngày 27 tháng 5 năm 1954, sau gần bốn tuần điều trần bí mật, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ đã rút lại tuyên bố vô can của cựu chủ tịch J. Robert Oppenheimer, và trên thực tế tuyên bố ông là kẻ phản bội. Mãi đến ngày 16 tháng 12 năm 2022, Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ, Jennifer Granholm, mới chính thức tuyên bố cuộc điều tra này phạm sai lầm và hủy bỏ kết quả điều tra. Việc này diễn ra chậm 55 năm, vì nhà vật lý, đồng thời là nhà tổ chức khoa học lỗi lạc Oppenheimer đã qua đời ngày 18 tháng 2 năm 1967.
Những phức tạp xung quanh Oppenheimer là một trong những bi kịch lớn trong các xung đột căng thẳng giữa khoa học và chính trị trong thế kỷ 20. Nó được thúc đẩy bởi sự tự tin của một nhân vật và diễn ra vào thời kỳ đầy nhiễu nhương, hỗn loạn, dẫn đến sự lo ngại của những nhà chính trị liên quan về việc bị dư luận buộc tội là quá nhu nhược, mềm yếu.
Oppenheimer sinh năm 1904 tại thành phố New York, trong một gia đình giàu có. Cha ông là một thương gia ngành dệt may, là dân di cư người Đức, đã thành công ở quê hương mới, còn mẹ ông là một nghệ sĩ được kính nể trong xã hội. Cậu con trai sau khi tốt nghiệp trung học đã theo học tại Harvard từ năm 1922. Ban đầu ông muốn học lĩnh vực hóa học, nhưng đã nhanh chóng chuyển sang vật lý, chuyên về vật lý lý thuyết, khi đó có nghĩa là vật lý hạt nhân.
Năm 1924, ông chuyển đến Đại học Cambridge ở Anh, hai năm sau, ông hoàn thành một số học kỳ ở Göttingen với Max Born. Năm 22 tuổi, ông hoàn thành luận án tiến sĩ tại đây, một luận án chỉ dày 25 trang nhưng rất phức tạp về “thuyết lượng tử của quang phổ liên tục”. Ông sớm được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu về cơ học lượng tử, có những đóng góp đáng kể về vật lý hạt nhân.
Được độc lập về tài chính nhờ thừa kế của người cha để lại, Oppenheimer đã thành lập một nhóm học giả có trí tuệ uyên bác, trong đó có nhiều nhà vật lý lý thuyết đặc biệt thông minh. Ông đi cùng với nhiều vị trong số này khi di chuyển giữa hai chỗ làm việc, một ở Viện Công nghệ California thuộc sở hữu tư nhân ở Pasadena (gần Los Angeles), và một ở Đại học Berkeley gần San Francisco, cách đó 675 km.
Đặc biệt, vào nửa cuối thập niên 1930, thời điểm xảy ra cuộc nội chiến Tây Ban Nha, trong nhóm của Oppenheimer có một số nhà vật lý và trí thức có cảm tình với Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản. Giống như bản thân Oppenheimer, họ một phần là những người gốc Do Thái buộc phải rời Trung Âu vì chủ nghĩa bài Do Thái của Hitler ở Đức. Trong số đó có Enrico Fermi, một người Ý. Ông là một người bạn của Oppenheimer từ những ngày còn ở Göttingen, đã di cư sang Mỹ vì gia đình vợ là người Do Thái.
Oppenheimer cũng có quan hệ riêng tư với giới thân cộng sản. Bà Katherine Püning, lúc đầu là bạn gái, sau là vợ ông từ năm 1941, trước đó từng chung sống với một người cộng sản Hoa Kỳ, người đã tình nguyện gia nhập Lữ đoàn Quốc tế và đã hy sinh trong nội chiến Tây Ban Nha. Tuy nhiên, bất chấp những điểm tiếp xúc này, tuyệt nhiên không có bất cứ một chứng cứ nào cho thấy Oppenheimer có cảm tình với Liên Xô, hoặc thậm chí tiết lộ bí mật cho Liên Xô.
Cuối năm 1942, Oppenheimer tham gia Dự án Manhattan, chương trình chế tạo bom nguyên tử tuyệt mật của Hoa Kỳ, và được bổ nhiệm làm giám đốc Phòng thí nghiệm Los Alamos ở một nơi xa xôi, hẻo lánh. Tại đây một số bộ óc thông minh nhất trên thế giới đã nỗ lực cùng nhau giải quyết các vấn đề lý thuyết và thực tiễn về bom phân hạch hạt nhân. Tướng Leslie R. Groves, giám đốc quân sự của dự án, đích thân xác nhận lý lịch an ninh cho Oppenheimer.
Thành công của Los Alamos phần lớn là nhờ có sự đóng góp to lớn của Oppenheimer. Một mặt, ông là người biết cách động viên, khuyến khích lực lượng lao động rất đặc biệt này chuyên tâm vào những mực tiêu đã được đề ra, mặt khác ông đã cùng với Groves huy động được các nguồn lực khổng lồ cần thiết đủ để sản xuất nguyên liệu phân hạch. Ông đã thành công trong việc giữ chân hàng chục nhà khoa học từ các quốc gia khác nhau, đoàn kết làm việc cùng nhau. Nếu không có Oppenheimer, người ta có thể cho rằng quả bom phân hạch hạt nhân đầu tiên sẽ không ra đời, hoặc ít nhất là không ra đời vào thời điểm tháng 7 năm 1945.
Tuy nhiên, trong thực tế, có một số kẻ phản bội liên quan đến Dự án Manhattan. Nhân vật quan trọng nhất là nhà vật lý người Anh gốc Đức Klaus Fuchs. Ông này đã có đóng góp đáng kể cho sự ra đời của quả bom plutonium “Fat Man” (quả bom uranium “Little Boy” không đòi hỏi quá cao về mặt khoa học; hầu như tất cả vũ khí hạt nhân được chế tạo sau này đều tuân thủ nguyên lý “Fat Man”). Klaus Fuchs đã tiết lộ tất cả những gì mà ông nắm được cho cơ quan tình báo quân sự của Liên Xô, GRU.
Các điệp viên cộng sản khác làm việc tại Los Alamos còn có: Theodore Alvin Hall, người đã chuyển thông tin bổ sung cho Fuchs; David Greenglass, người nắm bắt các vấn đề thực tế về làm giàu uranium; ngoài ra còn có Harry Gold là liên lạc viên. Nữ thư ký người Anh Melita Norwood cũng đã tiết lộ nhiều bí mật, nhiều kết quả nghiên cứu hạt nhân giữa Mỹ và Anh đã qua tay nhân vật này và được truyền tiếp cho cơ quan tình báo quân sự Liên Xô.
Bản thân Robert Oppenheimer chưa bao giờ tiết lộ bất kỳ thông tin nào, dù nhỏ nhất, cho Liên Xô. Tuy nhiên, điều đó không làm cho giám đốc FBI J. Edgar Hoover quan tâm. Ông này về nguyên tắc hết sức đề cao cảnh giác đối với những nhân vật có khả năng thân cộng tiềm tàng. Sự cảnh giác, đề phòng này đạt đến mức điên rồ. Ông vừa lo sợ, vừa có thành kiến sâu sắc với chủ nghĩa cộng sản. FBI đã lưu giữ một hồ sơ về Oppenheimer từ tháng 3 năm 1941, nhưng hồ sơ này chỉ chứa đựng những nghi ngờ mơ hồ và không có bất kỳ một thông tin cụ thể nào. Khi gia nhập Dự án Manhattan và bị chất vất về quan hệ chính trị với các tổ chức cộng sản, Robert Oppenheimer đã trả lời thẳng thừng, không úp mở, rằng ông từng là thành viên của các câu lạc bộ ủng hộ cộng sản ở Bờ Tây tồn tại vào thời điểm đó. Điều này đã được ghi lại, và sau đó được diễn dịch là một “lời tự thú”.
Vai trò của Oppenheimer trong việc phát triển bom nguyên tử chỉ được biết đến từ sau năm 1945. Ngày 8 tháng 11 năm 1948, tạp chí Time đã đưa ảnh ông lên trang bìa. Không có gì thu hút ông trở lại với công tác nghiên cứu tích cực; thay vào đó ông làm công tác quản lý với tư cách là giám đốc Viện Nghiên cứu Cấp cao Princeton, một viện nghiên cứu mang tính chất tư vấn ở New Jersey. Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban chung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ, một cơ quan dân sự kế thừa Dự án Manhattan.
Oppenheimer, người trong chiến tranh đã tập trung toàn bộ sức lực để phát triển vũ khí hạt nhân, nay lại kiên quyết ủng hộ giải trừ quân bị. Ông kiên quyết phản đối phát triển bom hydro. Điều đó khiến ông bị nghi ngờ rất nhiều trong thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh.
Sự sợ hãi nói chung trước hiểm họa cộng sản thời kỳ đầu những năm 1950 đã làm cho uy tín và ảnh hưởng của Oppenheimer giảm sút rất nhiều. Thực tế, chiến dịch chống cộng điên cuồng của Thượng nghị sĩ Joe McCarthy, một trang sử không mấy vẻ vang của Hoa Kỳ, đã dần lắng xuống đúng lúc Oppenheimer bị rơi vào rắc rối trong năm 1954.
Trong phiên điều trần kín, ông đã nói ra tất cả và cũng nêu tên nhiều người mà ông cho rằng có liên hệ với các điệp viên Liên Xô. Những người chống Oppenheimer coi đây là lời tự thú; nhưng sẽ thỏa đáng hơn nếu coi việc làm này là nỗ lực của ông để làm rõ mọi vấn đề. Mặc dù vậy, giấy xác nhận lý lịch an ninh của Oppenheimer đã bị thu hồi.
Ngay từ năm 1955, sự chỉ trích đối với quyết định này đã gia tăng. Tám năm sau, Tổng thống John F. Kennedy đã khôi phục phần nào danh dự cho ông bằng cách trao cho ông Giải thưởng Enrico Fermi có giá trị cao. Giải thưởng chỉ được trao một tuần sau khi Kennedy bị ám sát thông qua vị tổng thống kế nhiệm, Lyndon B. Johnson.
Hơn ba năm sau, Oppenheimer, một người nghiện thuốc lá nặng gần như suốt cả đời, đã mất vì bệnh ung thư vòm họng. Tuy vậy, tranh cãi về con người ông vẫn còn tiếp diễn trong những năm sau đó. Kết quả là đến ngày 16 tháng 12 năm 2022, giấy xác nhận lý lịch an ninh của Oppenheimer đã được khôi phục dù ông đã mất 68 năm trước.
Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Nguồn: “Wie der „Vater der Atombombe“ zum „Verräter“ gemacht wurde”, WELT, 19/12/2022.
Theo Nghiên cứu quốc tế
https://nghiencuuquocte.org/2023/01/02/cha-de-bom-nguyen-tu-robert-oppenheimer-duoc-minh-oan-sau-68-nam/#more-49256
/>
Bình luận