2022-07-13 18:54:29

Điều gì sẽ xảy ra nếu Putin cắt nguồn xăng dầu và khí đốt?

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng khí đốt mà có thể gây ra đóng băng toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế trong cộng đồng. Những lo ngại này bắt nguồn từ việc Nord Stream, đường ống chính vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu có thể sẽ ngừng hoạt động sau khi kết thúc đợt "bảo trì".

Hiện tại, kế hoạch bảo trì và sửa chữa turbin dẫn đến cắt nguồn khí đốt đang kéo dài 10 ngày, các nhà phân tích và quan chức lo ngại rằng Gazprom (công ty đã cắt hoặc hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho 12 quốc gia EU) có thể không kích hoạt lại Nord Stream khi quá trình bảo trì này kết thúc.

Nếu động thái như vậy xảy ra, nền kinh tế Đức có thể sẽ lún sâu hơn vào khủng hoảng và các quan chức ở Berlin cảnh báo rằng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có thể buộc phải cắt giảm tiêu thụ. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck gọi đây là "một kịch bản chính trị ác mộng".

Một số nhà phân tích cho rằng Nga sẽ tìm lý do để ngừng hoạt động lâu hơn. Alexander Gabuev từ Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington cho rằng việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu là vũ khí cơ bản của Tổng thống Nga Putin. Theo ý kiến ​​của ông, công cụ này là cần thiết để gây tranh cãi ở châu Âu về vấn đề Ukraine. Đặc biệt là trước giai đoạn mùa đông, khi ảnh hưởng của thiếu khí sẽ bắt đầu được cảm nhận rõ nhất.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã lên tiếng về những lo ngại này khi nói rằng việc cắt hoàn toàn khí đốt của Nga tới châu Âu là "rất có thể" và các nước phải "sẵn sàng chiến đấu".

Vào ngày 20/7, các quan chức EU tại Brussels sẽ đưa ra kế hoạch chuẩn bị cho mùa đông nhằm cung cấp cho các nước đủ khí đốt để tồn tại trong mùa đông. Nhưng các chi tiết của kế hoạch vẫn chưa rõ ràng cho đến thời điểm hiện tại. Các lựa chọn khác cũng được xem xét, bao gồm cứu trợ các công ty năng lượng, kiểm soát nhà nước đối với các nhà máy điện và phân phối khí đốt cho ngành công nghiệp. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cho biết: “Việc này không dễ nhưng hoàn toàn khả thi”.

Cùng với cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã và đang sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như một con bài thương lượng để cố gắng phá vỡ sự thống nhất của phương Tây và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Moscow. Hôm thứ 6 (9/7/2022), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gợi ý khả năng "tăng" nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream từ ngày 21/7, nhưng chỉ khi Canada cho phép khôi phục một tuabin khí, rất quan trọng đối với hoạt động của Nord Stream, hiện đang được sửa chữa ở Montreal. Trong một email gửi tới POLITICO, Bộ Tài nguyên của Canada xác nhận rằng Canada sẽ cung cấp tổng cộng sáu tuabin cho Nord Stream như một phần của ngoại lệ trừng phạt một lần. Berlin và Washington hài lòng về giải pháp này. Nhưng Kyev thì phản đối Ottawa và đã vận động đằng sau hậu trường để không trả lại các tuabin cho Nord Stream.

(Đường ống dẫn khí Nord Stream và Nord Stream 2)

Đầu năm nay, khối lượng khí đốt từ nước ngoài đến EU - chủ yếu từ Mỹ - đã đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, vụ nổ vào tháng 6 và thời gian ngừng hoạt động tại một cơ sở xuất khẩu quan trọng ở Texas đã cản trở ý định của EU là chỉ dựa vào người Mỹ ít nhất là cho đến cuối năm nay. Các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư đã đề nghị tăng sản lượng, nhưng những đề xuất này còn tùy thuộc vào các điều kiện chính trị, như trường hợp của Oman xin miễn thị thực cho công dân của mình.

Lượng khí đốt cũng được vận chuyển qua đường ống từ các nước láng giềng trong khu vực như Azerbaijan và Na Uy đã tăng lên, và tháng này Oslo đã thông qua việc tăng sản lượng để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, chính phủ Na Uy cảnh báo rằng "các công ty trên của Na Uy hiện đang sản xuất ở mức gần mức tối đa của họ."

Hà Lan thông báo rằng họ đã cố gắng cắt giảm 1/3 mức tiêu thụ năng lượng trong năm nay, có khả năng cho phép chuyển một phần khí đốt bổ sung sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Khí hậu Hà Lan Rob Jetten cảnh báo rằng việc tăng cường khai thác ở mỏ Groningen (nơi dễ xảy ra động đất) sẽ chỉ là "biện pháp cuối cùng".

Theo phân tích của Bruegel think tank, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt, các nước EU sẽ phải giảm 15% nhu cầu trong 10 tháng tới. Ở các nước Baltic và Phần Lan, các chính phủ có thể buộc phải cắt giảm tới 54%.

Các nguyên thủ quốc gia và các giám đốc điều hành công ty đang công khai kêu gọi mọi người tiết kiệm năng lượng. Các chính trị gia Hà Lan kêu gọi người dân tắm ngắn hơn và hạn chế sưởi ấm. Trong khi đó, chính quyền địa phương ở Đức đang có các biện pháp như làm mờ đèn đường và hạ nhiệt độ trong các bể bơi lộ thiên sau khi nước này kích hoạt giai đoạn thứ hai của nguy cơ khủng hoảng vào tháng trước.

Trong khi các nhà lập pháp EU rất vui mừng về tiến độ cung cấp khí đốt sẽ lấp đầy tới 80% các cơ sở lưu trữ, cho đến tháng 11 (mức độ lấp đầy kho hiện tại là 61,6%), các nhà đàm phán vẫn đang tranh cãi gay gắt về việc ai sẽ trả tiền mua khí đốt và ai sẽ được tiếp cận ưu tiên trong cuộc khủng hoảng này. Và khi các kho chứa đầy, chúng chỉ có thể cung cấp khoảng 1/5 lượng tiêu thụ hàng năm,

Cho đến nay, ít nhất 10 quốc gia EU đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của "cảnh báo sớm" như một phần trong kế hoạch dự phòng của họ. Trong một kịch bản như vậy, các chính trị gia có thể sẽ bắt đầu bằng cách cắt bỏ các lĩnh vực không phải cốt lõi như ngành công nghiệp ô tô, sau đó là các ngành công nghiệp khác, dịch vụ công cộng và cuối cùng là hệ thống sưởi trong nhà.

Đức và Cộng hòa Séc hôm thứ Hai đã cùng cam kết "hợp lực để đảm bảo hợp tác hoạt động và phối hợp trong trường hợp có thể xảy ra gián đoạn tổng cung cấp khí đốt trong những tuần tới. Ủy ban châu Âu cũng đang khuyến khích các nước kí kết  các "thỏa thuận đoàn kết" xuyên biên giới tự nguyện để chia sẻ khí đốt khi cần thiết.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.onet.pl/informacje/onetwiadomosci/co-bedzie-jezeli-putin-odetnie-gaz-szykuje-sie-koszmarny-scenariusz/m4t36tl,79cfc278)

 

Sửa lần cuối 2022-07-13 16:54:29

Bình luận

Bình luận qua Facebook