2016-08-18 21:16:24

Thế vận hội Olimpic thời thượng cổ

Thế vận hội Olimpic là một trong những truyền thống tốt đẹp nhất của nhân loại, có nguồn gốc từ nước Hy Lạp cổ đại. Theo sử sách, Thế vận hội lần đầu được tổ chức vào năm 776 TCN tại thành Olimpia để tôn vinh vị thần tối cao, theo tín ngưỡng của người Hy Lạp, là Zeus, và từ đó tổ chức cứ bốn năm một lần.

Thành Olimpia nằm ở bán đảo Ploponez phía nam Hy Lạp. Xưa kia đây có đồng ô lưu được coi là rất thiêng liêng, có đền thờ thần Zeus rất kỳ vĩ, có đền thờ nữ thần Hera- tức vợ của Zeus. Nhiều công trình nhà cửa tinh xảo và nghệ thuật bằng đá cũng được xây dựng làm nơi ăn chốn ở, nơi luyện tập cho các cầu thủ và các trọng tài. Ngoài ra tất nhiên còn có các sân vận động làm nơi thi đấu.

Di chỉ đền thờ nữ thần Hera thành Olimpia. Ngày nay, đây là chỗ người ta dùng gương lõm hội tụ ánh sáng mặt trời, lấy lửa đốt đuốc cho các Thế vận hội.


Cảnh hội tụ ánh sáng mặt trời lấy lửa trước đền nữ thần Hera thời hiện đại.


Di chỉ chỗ ở và nơi luyện tập của các cầu thủ, gọi là gimnazjum


Lối vào sân vận động xây hoàn toàn bằng đá, giống như cái cống có vòm che, có chạm chổ, điêu khắc.

Di chỉ sân vận động cổ , gọi là stadion. Chiều dài sân khoảng 190 m, có vạch xuất phát cho thi chạy, hai bên có vị trí đứng cho các trọng tài, quanh sân có những máng bằng đá, cho nước chảy để khán giả giải khát.


Tác giả bài viết tại thành Olimpia

     Người Hy Lạp cổ đại vô cùng ham mê thi đấu thể thao. Thực ra thành phố nào cũng xây dựng sân vận động chứ không chỉ ở Olimpia. Các môn thi ngày xưa ít hơn bây giờ. Thế vận hội đầu tiên chỉ có mỗi môn thi chạy. Nhà vô địch đầu tiên là một đầu bếp tên là Korojbos đến từ thành Elida. Các môn khác như ném đĩa, phóng lao, đấu vật, đua xe ngựa, thậm chí cả diễn kịch, đánh chiêng... ở những Thế vận hội sau mới dần dần được đưa vào. Trong số những môn thi mà người hiện đại không thi nữa, đáng lưu ý là môn chạy gọi là Hoplitodromus. Hoplit là bộ binh nặng của Hy Lạp thời cổ. Các cầu thủ thi chạy phải trang bị như người lính bộ binh ra trận, nghĩa là mặc giáp, đội mũ sắt, cầm lá chắn, vác giáo, đeo gươm, nghĩa là đèo theo mấy chục kg. Người phải cực khỏe mới có thể thi đấu được. Ngoài ra còn có môn quyền gọi là panikration, rất được cổ vũ. Chỉ có không được móc mắt nhau, còn mọi thủ đoạn đều cho phép. Có thể bóp cổ, bẻ tay, quật ngã đối phương rồi nhảy lên mà dận... (nghe có vẻ tàn bạo, nhưng thắng thì cũng không sao, chỉ có thua mới hơi khổ). Môn chạy tiếp sức có từ thời thượng cổ. Nhưng ngày xưa các cầu thù không phải trao cho nhau đoạn gạy như ngày nay, mà là... ngọn đuốc đương cháy! Nếu vội vàng tóm phải ngọn lửa thì chết bỏng, mà đuốc tắt tất nhiên là thua. Nguyên người ta nghĩ ra môn này để kỷ niệm truyền thuyết về thần Protemeus ăn trộm lửa của các thần trên núi Olimp để cho người. Các thần đuổi bắt, nên phải cầm lửa chạy trốn. Môn chạy maraton dựa trên câu truyện thơ mộng về một người lính Hy Lạp, sau khi quân mình chiến thắng quân Ba Tư ở cánh đồng Maraton (490 TCN), cắp giáo chạy về thành Athena, kêu được một tiếng „chiến thắng!” rồi kiệt sức lăn ra chết. Nhưng thực ra Thế vận hội thời cổ lại không có môn này. Đến tận Thế vận hội đầu tiên thời hiện đại, tức năm 1896 mới được đưa vào. Các cầu thủ thi đấu phải cởi truồng, chứ không mặc quần áo gì cả. Nô lệ và phụ nữ không được quyền thi đấu. Phụ nữ còn không có cả quyền được xem. Nhà vô địch trẻ Pesidonos muốn mẹ được xem mình thi đấu, phải cải trang bà làm trọng tài. Các cầu thủ trước khi vào thi đấu phải mang thịt đến đền thần Zeus cúng tế và tuyên thệ là không lừa đảo. Nếu bị phát hiện lừa đảo, phải thửa cho thành phố một bức tượng thần Zeus. Nhưng tuyên thệ là một việc, cho đến nay, lối vào sân vận động vẫn còn lại vô số những chân tượng thần, do những cầu thủ bị phát hiện lừa đảo tiến cống. Nếu những bức đượng ấy không bị ăn cắp, chắc phải thừa bầy cho nhiều nhà chưng bầy. Các trọng tài phải là những người công bằng, lương thiện và được đào tạo bài bản, phải được tập huấn trước Thế vận hội mười tháng. Những sự kiện về Thế vần hội được ghi chép lại rất chi tiết, nhưng nhiều khi mang yếu tố dị đoan. Homer (tương truyền là tác giả của hai trường ca bất hủ IliadaOdeseja) tả về cuộc thi chạy giữa OdyseusAjas. Odyseus cảm thấy đuối sức, biết mình sẽ thua, liền kêu cầu nữ thần Athena. Nữ thần không những làm phép cho Ajas trược chân ngã mà còn cắm đầu vào bãi phân bò! Nhưng chuyện sau đây có thể tin được về trận đấm bốc giữa KreugasDemoksenos. „Đấu đến bao giờ ai muốn hàng, giơ tay phải lên trời làm hiệu thì thôi” – Trọng tài tuyên bố. Kreugas cực kỳ nhanh nhẹn, nhưng đấm đối phương chẳng khác gì châu chấu đá voi. Còn Demoksenos to lớn, cực khỏe, mỗi tội toàn đấm trượt. Vì thế đến tà chiều vẫn không phân thắng bại. Trọng tài quyết định mỗi đối thủ phải lần lượt đứng yên để đối phương đấm một quả. „Cho mày đấm trước” – Demoksenos nói. Kreugas dùng hết sức bình sinh. giáng một quả vào đầu đối phưng. Nhưng Demoknesos vẫn đứng yên như quả núi, nhếch mép cười khinh bỉ. Đến lượt y rang tay đấm một quả như trời giáng, tiện tay đấm luôn cho quả nữa. Kreugas tất nhiên lăn ra chết. Trọng tài hét nên: „Mày ăn gian. Chỉ được đấm một quả, sao lại đấm hai. Mày bị loại khỏi vòng thi đấu”. Rồi công bố Kreugas vô địch.

     Truyền thống Thế vận hội thời cổ kéo dài đến tận năm 395 (394?) sau CN. Bấy giờ Hy Lạp đã bị đế quốc La Mã thống trị. Gã hoàng đế khốn nạn của La Mã là Theodosius ra lệnh cấm tổ chức Thế vận hội, đốt đền thờ thần Zeus và hủy diệt thành Olimpia. Sau còn bị động đất lớn và lụt lội, thành Olimpia bị đất đá chôn vùi. Năm 1766, nhà khảo cổ người Anh là Richard Chandler mới phát hiện được. Thế vận hội Olimpic bị ngắt quãng mất 1500 năm. Cuối cùng được nhà quý tộc trẻ người Pháp là Pierre de Coubertin dùng uy tín và thế lực của mình khai sinh lại. Thế vận hội thời hiện đại đầu tiên được tổ chức năm 1896 tại Athena.

     Ngày xưa nước Hy Lạp không phải là một quốc gia thống nhất mà chia thành nhiều thành phố quốc gia, gọi là các polis. Các quốc gia này cũng chiến tranh liên miên. Nhưng trong lúc chiến tranh lại đúng vào kỳ Thế vận hội thì các bên gác giáo để đi thi đấu và đi xem. Thế vận hội kéo dài năm ngày, nhưng vì đường xa dặm thẳng, các bên phải đình chiến hai tháng mới kịp đi về. Về nhà rồi mới lại đánh nhau tiếp. Chứng tỏ người xưa trọng thể thao hơn chiến tranh. Việc đó thì rất tiếc người hiện đại không làm được.

Trương Đình Toe

Sửa lần cuối 2016-08-18 19:18:24

Bình luận

Bình luận qua Facebook