Kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ba Lan (04/02/1950 – 04/02/2020)
Đại sứ Ba Lan Wojciech Gerwel (giữa) và nhà văn Lê Bá Thự (ngoài cùng bên trái) trong một buổi gặp mặt tại Hà Nội.
Tôi có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng, tôi là một nhân chứng sống, thậm chí là người tham gia trực tiếp, là sản phẩm của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ba Lan. Nói tôi là một nhân chứng sống là vì: tôi từng làm việc tại Đại sứ quán Ba Lan ở Hà Nội trên hai mươi năm và từng làm phiên dịch cho “bảy đời” đại sứ, cụ thể là cho bảy đại sứ Ba Lan tại Việt Nam. Trong những năm tháng đó tôi luôn luôn đi cùng các vị đại sứ Ba Lan tham dự các hoạt động, các sự kiện trong khuôn khổ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước chúng ta. Những năm trước kia Việt Nam và Ba Lan là hai nước xã hội chủ nghĩa anh em, cho nên quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước là mối quan hệ anh em, toàn diện và vô cùng thắm thiết. Tôi vẫn nhớ, đại sứ Ba Lan được đón tiếp rất trọng thể, rất nồng nhiệt ở bất kỳ nơi nào đại sứ đến thăm. Chẳng hạn, khi đại sứ Ba Lan vào thăm tỉnh Nghệ - Tĩnh thì lãnh đạo tỉnh cử đoàn do một phó chủ tịch tỉnh dẫn đầu ra tận biên giới Nghệ Tĩnh - Thanh Hóa đón đại sứ. Từ nơi đó về tới Vinh, thủ phủ của Nghệ - Tĩnh, xe của đại sứ Ba Lan được xe cảnh sát hộ tống, dẹp đường, như một đoàn cấp cao chính thức. Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với đại sứ được tổ chức rất trọng thể với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và các ban ngành địa phương. Cuộc mít tinh trọng thể chào mừng Quốc khánh Ba Lan (hồi trước là 22 tháng 7, hiện nay đổi lại là 3 tháng 5) được tổ chức long trọng tại hội trường lớn với cả ngàn người tham dự và những bài diễn văn thắm tình hữu nghị Việt nam - Ba Lan.
Tôi từng chứng kiến lễ cắt băng khánh thành Nhà sàng Cửa Ông, Nhà máy đóng tàu Giếng Đáy, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy đường Vạn Điểm, Tháp truyền hình Tam Đảo, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Ba Lan tại thành phố Vinh và rất nhiều công trình khác là kết quả của quan hệ hợp tác Việt Nam - Ba Lan. Tôi từng chứng kiến rất nhiều cuộc mít tinh trọng thể chào mừng Quốc khánh Ba Lan, tổ chức tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh... Tôi từng chứng kiến hàng chục cuộc gặp gỡ đầy xúc động thắm tình hữu nghị Việt - Ba của thầy trò Trường trung học Việt Nam - Ba Lan tại Thanh Trì, Hà Nội, Trường Ngô Sĩ Liên Bắc Giang (những trường có quan hệ kết nghĩa với các trường của Ba Lan) với các vị đại sứ Ba Lan tại Việt Nam… Trong thời gian công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Warszawa, với cương vị là Bí thư thứ nhất tôi đã trực tiếp tham gia chuẩn bị và đón nhiều đoàn cấp cao của Việt Nam sang thăm Ba Lan, như đoàn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đoàn Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Trà, đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội, đoàn Bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn và nhiều đoàn khác. Tại Hà Nội cũng như tại Warszawa tôi đã từng là người phiên dịch cho nhiều cuộc hội đàm và đàm phán cấp cao Việt Nam - Ba Lan.
Nói tôi là sản phẩm của quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ba Lan còn là vì: Bản thân việc tôi được cử sang Ba Lan học đại học là kết quả của sự hợp tác văn hóa - giáo dục Việt Nam - Ba Lan. Tôi trở thành cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, rồi cán bộ ngoại giao và dịch giả văn học Ba Lan là kết quả của những tháng năm du học đó. Lại nữa, gia đình tôi là gia đình gắn bó mật thiết với Ba Lan, nhà tôi có bốn người thì ba người nói thông thạo tiếng Ba Lan, còn người thứ tư, vợ tôi, dẫu không thông thạo nhưng vốn từ Ba Lan cũng đủ dùng giao tiếp và đi mua sắm… Tôi có thể kể rất nhiều về những sự kiện mà tôi từng chứng kiến, những câu chuyện cảm động thắm tình Việt Nam - Ba Lan mà tôi từng đích mục sở thị. Tôi có thể kể hàng giờ đồng hồ về điện ảnh Ba lan từng được vô cùng mến mộ ở Việt Nam với những bộ phim nổi tiếng như: 4 chiến sĩ xe tăng và con chó, Pharaon, Đại tá Wlodyjowski, Thầy lang, Cướp nhà băng v.v... Tôi có thể kể nhiều mẩu chuyện thú vị về việc hồi giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước tôi đã đem phim Ba Lan do tôi dịch và tự thuyết minh đi chiếu khắp nơi ở nội ngoại thành Hà Nội và Hà Tây. Tôi đã từng hai lần mang phim truyện Ba Lan đến chiếu phục vụ đồng chí Lê Duẩn tại nhà riêng ở phố Hoàng Diệu. Chắc có vị còn nhớ, hồi những năm 84-85 bộ phim truyện Ba Lan có tiêu đề Thế giới đàn bà do tôi dịch và thuyết minh đã từng làm xôn xao dư luận người xem Hà thành. Người ta đổ xô đi xem bộ phim này. Cửa rạp Hồng Hà và cổng Câu lạc bộ quốc tế ở phố Lê Hồng Phong đã bị người xem xô đổ để ùa vào xem bộ phim truyện khoa học viễn tưởng vừa hay, vừa đẹp, vừa ly kỳ này. Có đêm tại Xí nghiệp phim thời sự tài liệu trung ương 122 Hoàng Hoa thám tôi đã chiếu bộ phim Thế giới đàn bà tới ba ca liền, trong đó có ca chiếu vào lúc hai giờ sáng mà vẫn chật cứng người xem. Tôi kể như vậy để chứng minh rằng, phim Ba Lan từng một thời nức tiếng ở Việt Nam như thế nào, từng được người xem Việt Nam mến mộ đến mức cuồng nhiệt như thế nào.
Xin kể đôi chút về quan hệ Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực văn học và dịch thuật mà tôi là người trực tiếp tham gia.
Những năm trước kia một số lượng không nhiều các tác phẩm văn học Ba Lan được dịch sang tiếng Việt qua tiếng Pháp. Tuy nhiên từ những năm sáu mươi của thế kỉ XX, khi hàng loạt sinh viên Việt Nam lần lượt tốt nghiệp các trường đại học ở Ba lan thì bắt đầu xuất hiện một số dịch giả trực dịch văn học Ba Lan. Đội ngũ những người dịch văn học Ba Lan không đông, nhưng đó là những người thực sự đam mê và tâm huyết với văn học Ba Lan. Có thể nói Ba Lan là một trong những nước châu Âu có nhiều tác phẩm văn học đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Nhiều tác phẩm văn học cổ điển của Ba Lan đã đến với bạn đọc Việt nam như: Quo vadis, Trên sa mạc và trong rừng thẳm của Henryk Sienkiewicz; Pharaon của Boleslaw Prus, Nông dân của Wladyslaw Reymont, Chàng Tadeusz của Adam Mickiewicz. Đặc biệt trong khoảng chừng mười lăm năm đầu của của thế kỷ XXI, hàng loạt tác phẩm văn học đương đại của Ba Lan đã được dịch và ấn hành tại Việt nam, khiến văn học Ba Lan trở nên quen thuộc với người đọc Việt Nam. Trong số đó phải kể đến: Thơ Wislawa Szymborska, Tiếng nâc trái tim - thơ (Tạ Minh Châu dịch); Các tiểu thuyết Hoang thai, Quà của Chúa, Xin cạch đàn ông, Dưới cánh Thiên thần Rượu, Cô gái Không Là gì, Hy vọng, Những khoái cảm khác, các tập truyện Con voi, Ở xứ vang, Truyện ngắn Ba Lan chọn lọc, Ban công Lên trời, 8 truyện tình một truyện khác, Người đàn bà xấu nhất hành tinh, thơ Tadeusz Rozewicz... (Lê Bá Thự dịch); Cô đơn trên mạng, Tiếng đập cánh, Quan hệ không hợp pháp, Trường học cho các bà vợ, Lâu đài cát, Con gái của những phù thủy (Nguyễn Thanh Thư dịch); Chết giữa tam giác những sai lầm, Nghệ sĩ dương cầm, Búp bê, Hoàng đế (Nguyễn Chí Thuật dịch); các cuốn Du hành cùng Herodotus, Gỗ mun (Nguyễn Thái Linh dịch) v.v... Đặc biệt, các tác phẩm của sáu nhà văn Ba Lan được giải Nobel đều đã đến với người đọc nước ta. Đó là các tiểu thuyết Quo vadis của Henryk Sienkiewicz (Nobel 1905) - Nguyễn Hữu Dũng dịch; Nông Dân của Stanislaw Reymont (Nobel 1924) - Nguyễn Văn Thái dịch; Shosha của Issac Bashevis Singer (Nobel 1978) - Hoàng Lam Vân dịch; Phố Descartes – thơ của Czeslaw Milosz (Nobel 1980) và Thơ chọn lọc của Wislawa Szzymborska (Nobel 1996) - Tạ Minh Châu dịch; Người đàn bà xấu nhất hành tinh của Olga Tokarczuk (Nobel 2018) - Lê Bá Thự dịch. Có thể khẳng định rằng, văn học Ba Lan có vị trí xứng đáng tại Việt Nam, đang xuất hiện đều đều tại các nhà sách trong Nam và ngoài Bắc. Các tác phẩm văn học Ba Lan đã trở nên quen thuộc với nhiều người đọc Việt Nam, thậm chí đã xuất hiện đông đảo fan hâm mộ văn học Ba Lan. Đây cũng là một trong những lý do khiến chúng ta không lấy làm lạ khi nhiều tác phẩm văn học Ba Lan được tái bản, nối bản, có khi tới cả chục lần, như các tiểu thuyết Quo vadis, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Cô đơn trên mạng, Xin cạch đàn ông, Quà của Chúa v.v...
Chúng tôi, những “phu chữ” văn học Ba Lan, tức thị những người dịch văn học Ba Lan, lấy làm mừng trước thực tế này. Chúng tôi đến với văn học Ba Lan là do chúng tôi ngưỡng mộ, mến mộ và tôn sùng nền văn học này. Một nước Ba Lan chỉ chưa đầy bốn mươi triệu dân mà có tới sáu nhà văn và nhà thơ được giải Nobel. Và quả là không ngoa khi người ta gọi Ba Lan là “cường quốc văn học”. Không chỉ say mê thưởng thức các tác phẩm văn học của nước bạn mà chúng tôi còn nuôi tham vọng mang những giá trị văn hóa và văn học Ba Lan đến với người đọc Việt Nam. Chúng tôi đã làm và sẽ tiếp tục làm như vậy để thực thi tham vọng này.
Đối với chúng tôi, các dịch giả văn học Ba Lan, những thành quả dịch thuật mà chúng tôi có được là vô giá, không đo đếm được bằng tiền. Bởi đó là tình cảm, là ân nghĩa sâu nặng của chúng tôi đối với Ba Lan, đất nước Đại bàng trắng mà chúng tôi vẫn gọi là Tổ quốc thứ hai của mình. Chúng tôi dám nghĩ rằng, các dịch phẩm của chúng tôi đã góp phần làm cho người Việt Nam hiểu hơn, gần gũi hơn với người Ba Lan, giúp cho người Việt hiểu được người Ba Lan đã và đang làm ăn sinh sống ra sao, tâm tư tình cảm của họ như thế nào, họ yêu và họ ghét như thế nào v.v... Chúng tôi cho rằng, làm như vậy là chúng tôi đã góp phần rất khiêm tốn của mình, góp một viên gạch nho nhỏ của mình vào việc xây dựng ngôi nhà chung của của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện có truyền thống 70 năm giữa hai dân tộc Việt Nam và Ba Lan.
Lê Bá Thự (Tác giả nguyên là Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan)
Nguồn: http://baovannghe.com.vn/toi-la-mot-nhan-chung-song-20165.htmlbr />
Bình luận