2012-09-27 19:34:39

Niệm Nam Mô “A Di Đà Phật” hay “A Mi Đà Phật”?

Sáu chữ hồng danh nguyên là Phạn âm (tiếng Thiên Trúc). Hai chữ đầu (Nam mô) nguyên âm là Namo, ta quen đọc liền vần Nam mô là lời tỏ lòng thành kính, có nghĩa là quy y và quy mạng.

Chữ thứ sáu (Phật) nguyên âm là Buddha (Bụt Đa hay Bụt Thô), ta quen đọc gọn là Phật, chỉ cho đấng hoàn toàn giác ngộ (đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). 

Ba chữ giữa A Mi Đà, nguyên là Phạn âm, là biệt danh của đấng Cực Lạc giáo chủ, dịch nghĩa là Vô Lượng. Người Trung Quốc đọc là A - mi - thồ và họ tụng xuôi là Á - mi - thồ. Danh hiệu ấy truyền qua xứ Việt ta bằng chữ Hán, biên sẵn trong các pho kinh sách. 

Với sự phiên âm bằng chữ  Hán, người Trung Quốc đọc gần giống với nguyên âm mà người Việt ta đọc sai quá xa. Nhiều năm về trước, trong thời gian niệm Phật theo thông lệ Nam mô A - di - đà - Phật, khi chuyên niệm nhiều tôi (*) bị sự chướng là trệ tiếng trong lúc niệm ra tiếng và lờ mờ trong lúc niệm thầm. 

Giữa lúc đó, tiếng “di” là chủ của sự chướng. Vì thế, tôi mới để ý đến chính âm vận của sáu tiếng hồng danh. Đồng thời, lời của Tổ Vân Thê trong Sớ Sao nói: “Hồng danh Nam mô A - mi - đà - Phật toàn là tiếng Phạn, chuyên trì không quên, thời cùng với pháp trì chú của Mật tông đồng nhau lại thúc đẩy tôi vào sự khảo cứu”. 

Ghép luôn cả sáu tiếng Nam mô A - mi - đà - Phật, tôi nhận thấy rằng tránh khỏi cái lỗi quá khác với nguyên âm. Dù vẫn chưa được toàn vẹn nhưng có thể gọi là nhiều phần đúng và không quá cách biệt với cách đọc phổ thông theo cổ lệ. Vì trong sáu tiếng đây chỉ có đổi “Di” thành “Mi” thôi. 

http://www.thuvienhoasen.org/images/upload/Article/adidaphathayamidaphat.png
Ảnh minh họa (nguồn Thư viện Hoa Sen)

Sau khi tham cứu như trên xong, tôi bắt đầu chuyên chí niệm Nam mô A - mi - đà - Phật và cũng bắt đầu từ đó tôi liền nhận được kết quả. Sáu tiếng hồng danh đây nổi rõ nơi tai cũng như nơi tâm, khác hẳn sự mờ mờ lọt sót của tiếng “di” trong thời trước. 

Khi niệm ra tiếng, từ năm ngàn câu mỗi thời trở lên, môi lưỡi càng lúc càng nhại, càng chuyên, càng lanh. Khác hẳn sự trệ môi cứng lưỡi của những ngày niệm khi xưa. Niệm ra tiếng với A - mi khỏe hơi hơn niệm ra tiếng của A - di khi trước. Nhờ vậy mà mỗi thời niệm được lâu và nhiều. 

Biết rằng niệm A - mi - đà được nhiều phần đúng với nguyên âm. Nó sẽ đem đến cho mình cái mãnh lực bất tư nghị, diệt vô số kiếp tội thành đại thiện căn phước đức giống như pháp trì chơn ngôn của Mật tông mà Tổ Vân Thê đã phán. 

Tôi tin rằng niệm gần với nguyên âm, tức là gần đúng với thật danh của đức Giáo chủ Cực Lạc, tất dễ được tương ưng và chóng được cảm thông với Phật. Và tôi  đã tự cảm thấy có lẽ đúng như thế. 

Tôi viết bài này chỉ với mục đích giúp thêm sự nhận chơn về câu Nam mô A - mi - đà - Phật cùng lịch sử của nó cho các bạn đồng tu đã chuyên niệm như thế. 

(*) - Lược ghi lời Hòa thượng Thích Trí Tịnh - nguồn Thư viện Hoa Sen

Bùi Hiền (Kienthuc.net.vn)

Sửa lần cuối 2012-12-25 02:38:55

Bình luận

Bình luận qua Facebook