2014-06-24 19:27:22

Lịch sử Làng Mai.

Làng Mai là một trung tâm thiền tập tọa lạc tại miền Tây Nam nước Pháp được hình thành vào đầu năm 1982. Làng Mai tiếng Pháp là Village des pruniers, tiếng Anh là Plum Tree Village, gọi tắt là Plum Village. Tên chữ của Làng Mai là Đạo Tràng Mai Thôn.


Tại Làng Mai có ba ngôi chùa: Chùa Pháp Vân, Chùa Từ Nghiêm và chùa Cam Lộ. Chùa Pháp Vân là thiền viện dành cho các vị nam xuất gia. Chùa Từ Nghiêm và chùa Cam Lộ là thiền viện dành cho các vị nữ xuất gia. Ngoài ra Làng Mai còn có nhiều trung tâm khác tại Việt Nam, Mỹ, Đức, như : Tu viện Lộc Uyển, tu viện Bích Nham, tu viện Rừng Phong, trung tâm tu tập Thanh Sơn, tu viện Bát Nhã, tu viện Từ Hiếu, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, chùa Đại Bi. Hiện nay trung tâm tại Úc và tại Thái Lan đang dần hình thành và đi vào hoạt động.


Hiện nay (năm 2009) số lượng qúy thầy quý sư cô đệ tử của Sư Ông Làng Mai đang cư trú tại các trung tâm trên khắp thế giới đã lên tới gần 700 vị, thuộc 30 quốc tịch khác nhau. Làng Mai cũng là Viện Cao Đẳng Phật Học, nơi đào tạo các vị giáo thọ xuất gia và tại gia. Tại các trung tâm thuộc Làng Mai, ngoài các vị xuất sĩ ra còn có các vị cư sĩ cùng tới tu tập chúng rất tinh chuyên.

Mỗi năm tại Đạo Tràng Mai Thôn tổ chức nhiều khóa tu lớn như: Khóa tu mùa hè, khóa tu mùa thu, khóa tu mùa đông, khóa tu 21 ngày, khóa tu cho những người nói tiếng Pháp, tiếng Ý…, và những khóa tu cho các giới như: Khóa tu cho giới cảnh sát, khóa tu cho các nhà tâm lý trị liệu, khóa tu cho giới nghệ sĩ... do đích thân Sư Ông Làng Mai đứng ra hướng dẫn giảng dạy. Ngoài ra hàng năm Sư Ông Làng Mai cùng tăng thân của mình luôn có những chuyến hoằng pháp khắp nơi trên thế giới.


Phật đường

 

Xóm Hạ được hình thành trước nhất, đó là vào ngày 28.9.1982. Xóm Hạ được đặt tên là chùa Cam Lộ, tên chữ là Mai Hoa Thôn Cam Lộ Tự. Sau khi mua Xóm Hạ được vài tháng chúng tôi mua được Xóm Thượng. Xóm Thượng trở thành chùa Pháp Vân, tên chữ là Thệ Nhật Sơn Pháp Vân Tự. Tới mùa xuân năm 1996 thì Làng Mai mua thêm được xóm Mới, đặt tên chùa Từ Nghiêm, tên chữ là Thiên Ý Thôn Từ Nghiêm Tự. Chùa Pháp Vân là thiền viện của các vị nam xuất gia, chùa Cam Lộ và chùa Từ Nghiêm là thiền viện của các vị nữ xuất gia. Sau đó nhu cầu tu tập của thiền sinh ngày càng đông, có khóa tu lên tới hàng ngàn người nên Chùa Pháp Vân có thêm Xóm Trung, Xóm Đoài, Sơn Hạ. Còn chùa Từ Nghiêm có thêm : Xóm Đầu Thôn, Xóm Lưng Đồi, và Xóm Giếng Thơm. Ngoài ra Chùa Từ Nghiêm còn có  đồi Dương Xuân và suối Dương Xuân, đây là một niềm vui lớn cho các vị thường trú.


Những câu chuyện hồi tưởng về Làng…


Trước đây Làng Mai có tên là Làng Hồng vì ở đây có trồng nhiều cây hồng ăn trái. Sau đó 1250 cây mai thuộc loại pruniers dAgen, đã được trồng bằng tiền của các em thiếu nhi gốc Việt Nam về tu học. Mỗi em được bố mẹ cho tiền để trồng một cây. Cái tên Mai Thôn rất đẹp vì vậy chúng tôi đã đổi tên Làng Hồng thành Làng Mai, vì thực tế ở đây chỉ có mấy chục cây hồng trong khi có tới 1250 cây mai. Sau bốn năm rừng mai bắt đầu cho trái, khi mùa xuân đến mai nở hoa rất đẹp. Cứ tới tháng tư chúng tôi lại tổ chức Ngày Hội Hoa Mai. Dưới những gốc mai có trà, có bánh, có nhạc, có thi ca.

Ở Làng Mai có hai ngày hội hoa, đó là Hội Hoa Mai và Hội Hoa Thủy Tiên. Hội Hoa Mai có thể  tổ chức tại chùa nào cũng được vì cả ba chùa đều có rừng mai. Ở Xóm Hạ thì rừng mai đó chính thức là của mình, còn Xóm Thượng và Xóm Hạ thì không phải là của mình, đó là rừng mai của nhà hàng xóm. Nhưng những người hàng xóm tốt bụng này luôn sẵn sàng cho phép mình đi thiền hành hoặc tổ chức Hội Hoa Mai tại đó. Còn ngày Hội Hoa Thủy Tiên thì luôn luôn được tổ chức tại Xóm Thượng vì vào cuối tháng ba tại đây có hàng ngàn, hàng chục ngàn bông thủy tiên nở. Chúng tôi chưa bao giờ trồng những bông thủy tiên ấy, chúng nằm sẵn ở khu đất gọi là Pháp Thân Tạng. Bình thường thì những củ thủy tiên năm sâu trong lòng đất tới mùa xuân nắng ấm chúng tự động vươn lên, hàng ngàn, hàng vạn đóa thủy tiên rung rinh khoe sắc trong gió xuân. Chúng tôi thường tổ chức Hội Hoa Mai vào cuối tháng ba hoặc đầu tháng tư, sau đó khoảng nửa tháng thì chúng tôi tổ chức Hội Hoa Thủy Tiên. Nếu về Làng Mai trong thời gian này quý vị sẽ được dự những ngày hội rất nên thơ.

Sáu Cây Tùng Lọng


Ngày 28/9/1982, chúng tôi tìm ra được Xóm Hạ. Trước khi tìm ra Xóm Hạ thì chúng tôi đã tìm ra Xóm Thượng nhưng ông chủ của Xóm Thượng không chịu bán đất. Ông có một người con trai. Vợ ông ta muốn bán đất cho Làng Mai để lấy tiền cho con trai làm vốn. Nhưng ông Dezon, chủ của khu đất thì không muốn vì ông rất yêu quý mảnh đất ấy, ông vốn là một người nông dân nên không nỡ buông mảnh đất đã gắn bó với mình suốt bao năm trời. Lần đầu đến thăm Xóm Thượng tôi ưng ý ngay lập tức vì Xóm Thượng rất đẹp, tôi rất thích con đường thiền hành ở đó. Nhưng vì chủ nhà  chưa chịu bán nên chúng tôi đành phải tìm một chỗ khác, và chúng tôi đã tìm ra Xóm Hạ. Mặc dù tìm được Xóm Hạ rồi nhưng chúng tôi vẫn muốn có Xóm Thượng nên vẫn tiếp tục theo đuổi Xóm Thượng. Năm đó có nhiều mưa đá nên vườn nho của ông Dezon bị hư hoại vì vậy ông ta rất bực mình tăng giá đất lên cao. Thật ra ông tăng giá đất không phải để có nhiều tiền mà tăng để cho mình khỏi mua, vì ông vẫn không muốn bán. Nhưng mình ưng quá nên dù đắt vẫn mua.

Chúng tôi quyết định mở cửa Làng ngay năm đó, tức là năm 1983, mua đất vào mùa đông năm 1982 và mở cửa làng vào mùa hè năm 1983. Vì vậy từ mùa đông 1982 tới mùa hè 1983 thầy trò phải làm việc khá nhiều. Trước đó, mỗi mùa hè chúng tôi mở cửa ở Phương Vân Am cho thiền sinh tới tu tập. Phương Vân Am nằm ở miền Đông Nam của Paris. Nhưng am nhỏ quá, không tiếp đón được nhiều thiền sinh. Thế nên thầy trò tôi đã đi về miền Nam kiếm đất để làm một trung tâm tu học có thể tiếp đón được nhiều người. Bài thơ "Ảo hóa" đã được tôi làm ở Phương Vân Am. Hồi đó không gọi là Làng Mai mà gọi là Làng Hồng tại vì tôi còn hoài niệm về Làng Hồng ở Việt Nam. Làng Hồng là một trung tâm tu học mà Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội và Dòng Tiếp Hiện dự trù thành lập để làm chỗ tu dưỡng cho những người tác viên xã hội. Hồng đây có nghĩa là cây hồng, trái hồng chứ không phải là hoa hồng.

Thật ra trước đó chúng tôi đã có Phương Bối Am ở miền cao nguyên Trung phần, ở Blao. Nếu quý vị từng đọc cuốn  Nẻo Về Của Ý và từng đọc Fragrant Palm Leaves hay là Feuilles odorantes de Palmier thì quý vị đã biết chút ít về Phương Bối Am. Phương Bối Am cũng là một loại Làng Hồng, được thành lập vào những năm 1950, nơi đây cũng là một trung tâm tu học. Nhưng vì nó cách thành phố xa quá đi, nên Dòng Tiếp Hiện và trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đã muốn có một Làng gần hơn. Khi viết quyển Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức tôi cũng đã có nói tới Làng Hồng và mãi tới tám năm sau thì điều tiên đoán trong Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức được thực hiện. Chúng tôi “tậu” được Làng Hồng. 

Ban đầu chúng tôi tính trồng hồng nhưng thấy không thực tế nên cuối cùng đã chuyển sang trồng mai. Chúng tôi còn khá ngây thơ, nghĩ là nếu trồng nhiều mai thì đó là một nguồn kinh tế tự túc. Nhưng vốn không phải là nông dân chuyên nghiệp nên chúng tôi đã không thành công lắm. Chúng tôi đã hưởng hoa nhiều hơn là trái. Hồi ấy sư cô Chân Đức từng ghi tên học tỉa mai một tuần lễ và cô cũng có khả năng tỉa mai, nếu không tỉa thì mai không thể lớn lên được và không có trái. Nhưng sức của cô chỉ tỉa được vài chục cây là cùng trong khi mình có tới 1250 cây mai.

Chúng tôi bắt đầu trồng mai ngay vào năm đầu của Làng mở cửa, tức là năm 1983. Trong số những cây mai được trồng đó có những cây được trồng bằng tiền túi của các em thiếu nhi về Làng tu học. Các em nghe rằng trong bảy năm mai sẽ có trái, trái đó sẽ được phơi khô, bán và lấy tiền gởi về nuôi trẻ em đói ở Việt Nam và những nước nghèo đói. Vì vậy nhiều thiếu nhi đã để dành tiền túi mà trồng cây mận. Hồi đó mỗi cây mận mang tên một em bé Việt Nam hay một em bé ngoại quốc nhưng số lượng các em bé Việt Nam đông hơn. Mỗi em phải có 35 quan Pháp thì mới có thể trồng được một cây mai. Còn nếu không có đủ 35 quan Pháp thì em phải chung vốn với một em khác mới có thể trồng được một cây ở Làng Mai, nghĩ rằng cây đó để nuôi trẻ em đói nên các em rất vui sướng. Và chúng tôi đã cố gắng để trồng đủ số lượng 1250 cây. Đó là con số của tăng đoàn nguyên thủy của Bụt. Vào tháng 5 năm 1983, chúng tôi ấn hành tập: Sổ Tay Của Người Về Làng bằng tiếng Việt, sau đó mấy tháng cuốn sách ấy được ấn hành bằng tiếng Anh.

Đầu năm 1983 trên Xóm Thượng chúng tôi bắt đầu trồng cây. Những cây đầu tiên là tùng lọng, phía trên của cây tán xòe ra như một cái lọng. Hôm đó chúng tôi đã trồng được sáu cây tùng lọng dưới sự cộng tác của một bác nông dân trong vùng cùng với chiếc máy đào đất. Đất Xóm Thượng toàn đá, đào tới đâu là có đá ở đó nên phải có máy mới đào được. Ngày hôm ấy trời mưa và mọi người đều ướt nhẹp. Sau khi trồng xong tùng lọng thì tôi ngã bệnh và nằm luôn ba tuần lễ. Trong Làng ai cũng lo. May quá, sau đó tôi dậy được và bắt đầu ăn cháo.

 

Thiền hành - Xóm Hạ - Làng Mai

 

Khóa tu mùa hè gọi là Summer Opening. Mùa hè đầu tiên có 117 thiền sinh về tu học. Trong mùa tu học này chúng tôi chưa có thiền lạy, chưa có thi kệ nhật dụng nhưng đã có thiền tọa, thiền hành, thiền trà và tham vấn. Hồi đó chưa có các thầy các sư cô nên tôi phải hướng dẫn thiền sinh từ đầu tới cuối, từ A tới Z. Từ thiền ngồi qua thiền trà đến thiền hành. Tôi phải đi sửa lưng của từng người cho thẳng, đầu của từng người cho ngay ngắn. Hồi đó chưa có cuốn Thiền Hành Yếu Chỉ tức là tập sách viết về phương pháp thiền đi. Trước khi Làng mở cửa đã có một Lá Thư Làng Mai, nhưng hồi đó gọi là Lá Thư Làng Hồng. Lá Thư đó chỉ có 3 trang nhưng đọc cũng vui lắm.

Tôi xin đề nghị Tết này mình sẽ photocopy Lá Thư Thứ Nhất, Lá Thư Thứ Hai, Lá Thư Thứ Ba dán lên tường cho mọi người đọc. Các bạn của chúng ta sẽ biết những gì xảy ra trong năm đầu của Làng Mai. Những chi tiết như tôi trồng xong tùng lọng và ngã bệnh nằm luôn ba tuần cũng được ghi chép trong ấy. Mùa thu năm đó có Lá Thư Làng Hồng Số Hai, tường thuật đầy đủ về những gì đã xảy ra trong khóa tu mùa hè khiến mọi người rất hạnh phúc.

Ngay mùa hè đầu tiên mà đã có thiền sinh Tây phương về tu chung với người Việt. Vào mùa hè thứ hai có 232 người về tu, mùa hè thứ ba có 305 người, mùa hè thứ tư có 396 người, mùa hè thứ năm có 452 người, mùa hè thứ sáu 463 người, mùa hè thứ bảy 483 người, mùa hè thứ chín 1030 người. Tới 1996 thì vào mùa hè có 1200 người về. Vào mùa hè 1998 có 1450 người về Làng tu học. Mùa hè 1999 thì có 1500 người và vào năm 2000 thì số lượng thiền sinh tăng lên 1800. Cố nhiên không phải là 1800 người về Làng một lần, tại vì có người chỉ về hai tuần, có người về ba tuần, có người về một tuần, và có người về luôn bốn tuần. Có người về hơn bốn tuần vì sau khi về bốn tuần thì thấy thích quá nên đòi ở lại. Nói như vậy không có nghĩa là thiền sinh chỉ về mùa hè. Trong các mùa khác cũng có thiền sinh về để tu học. Những năm đầu thiền sinh ngoại quốc được ở Xóm Thượng. Thiền sinh gốc Việt Nam và Á châu thì ở Xóm Hạ để được ăn thức ăn quê hương.

Những cây tùng gọi là Cedre Atlantica mà quý vị thấy ở Xóm Thượng cũng được trồng vào năm đầu. Hồi mới trồng chúng chỉ cao có 1m20. Những cây đó lên chậm lắm và càng lớn chúng càng đẹp. Ba trăm năm nữa thì sẽ rất đẹp. Cedre Atlantica dịch là Tùng Đại Tây, có hai loại: một màu lục, một màu lam. Mỗi khi đi thiền hành ở Xóm Thượng chúng ta đều xuất phát từ cây tilleul, cây bồ đề. Qua thiền đường Chuyển Hóa, chúng ta gặp bên tay phải những cây tùng đại tây, những cây Cedre Atlantica. Bây giờ chúng đã đẹp rồi. Mỗi khi đi ngang qua những cây tùng đại tây đó tôi hay nghĩ tới các sư chú, các sư cô. Tôi thường hay đứng lại để ca ngợi "sư chú này làm ăn khá quá", tại vì các cây tùng đó lên rất tốt tươi, rất xinh đẹp. Tôi thường nhìn và thấy đó là một sư chú hay một sư cô đang lớn lên rất mạnh khỏe trên đất Làng Mai. Mỗi khi đi ngang qua chúng tôi hay dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây tùng ấy. Hai mươi năm qua, bây giờ các cây tùng ấy đã lớn, không còn là những cây tùng nhỏ bé một thước hai như ngày xưa. Ở Làng Mai cũng có nhiều cái đã lớn như các cây tùng. Không những là các sư cô sư chú đã lớn, các Phật tử cư sĩ đã lớn, mà những pháp môn thực tập cũng lớn lên. Cả những kinh nghiệm học hỏi và thực tập của mình cũng lớn như những cây tùng.


Con đường thiền hành

 

Làng Mai vô tướng

Năm 1983, đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống tôi đã thấy hoa mai nở trắng cả đồi. Đó là cái nhìn trong bản môn. 
Bây giờ chúng tôi đã có thêm các trung tâm Làng Mai tại Mỹ, Việt Nam, Đức, Thái Lan, Úc.

Có nhiều người khi tới Làng Mai rất ngạc nhiên vì nó không giống với những gì mà họ tưởng tượng. Có thể trong đầu quý vị ấy nghĩ rằng Làng Mai chắc phải ghê gớm lắm. Đối với phái đoàn của Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc, chúng tôi đã cảnh báo trước với họ rằng bên chúng tôi không có gì hết, chỉ toàn là cây thôi, thiền đường và tăng xá được xây dựng lại từ chuồng bò. Đã nói rất nhiều lần mà khi qua tới họ vẫn còn ngạc nhiên như thường. Họ không ngờ Làng Mai lại nghèo, đơn sơ và thanh bạch như thế. Tôi nhớ hồi xưa khi hòa thượng Tắc Phước ở bên Úc qua, ngài đem theo một cái máy thu hình (camcorder). Khi tới Làng ngài rất ngạc nhiên và nói: "Làng Hồng không có gì hết à?" Mà đúng là Làng Hồng không có gì hết: không có một mái chùa cong, không có một tượng Phật lớn. Vì vậy cho nên ý niệm của bạn về Làng Mai và sự thật về Làng Mai rất khác nhau.

Hồi hòa thượng Minh Cảnh sang thăm viếng Làng Mai. Ngài mới tới đây độ chừng hai tuần hay ít hơn hai tuần. Ngài nói: "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một rờ." Ngài đã thấy, ngài đã rờ, nhưng mà chưa chắc ngài đã biết được sự thật về Làng Mai. Thượng tọa Nguyên Chơn tới trước, và cố nhiên cái thấy của Thượng tọa đã khác với cái thấy của hòa thượng vì thượng tọa Nguyên Chơn đã có cơ hội thấy những yếu tố không phải Làng Mai của Làng Mai. Nhìn vào Làng Mai như thế nào để thấy được những yếu tố không phải Làng Mai của Làng Mai. Thượng tọa Nguyên Chơn đã được đi Hoa Kỳ, đã được tiếp xúc với tăng thân của Làng Mai ở Hoa Kỳ, và vì vậy thượng tọa thấy được Làng Mai sâu hơn hòa thượng Minh Cảnh. Nhưng thượng tọa Giác Trí lại đã được thấy Làng Mai sâu sắc hơn vì thượng tọa Giác Trí đã được đi theo những chuyến hoằng pháp tại Châu Âu, đã đi Đức, đã đi Ý, đã thấy được tăng thân Làng Mai tại Đức, tại Ý; và vì vậy cái thấy của thượng tọa Giác Trí đã rất khác. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta có một cái thấy về Làng Mai. 

Thầy Pháp Cần lớn lên ở bên Đức, học ở bên Đức và qua tu ở Làng Mai. Năm vừa rồi được tháp tùng phái đoàn đi Đức, thầy Pháp Cần đã khám phá ra một nước Đức rất mới. Trong suốt những năm ở Đức thầy ấy chưa bao giờ được tiếp xúc với tăng thân Làng Mai ở bên Đức. Về Đức lần này thầy thấy rõ ràng rằng ở bên Đức số lượng những người Việt và những người Đức tu học theo pháp môn Làng Mai rất đông. Có những pháp thoại ba ngàn người Đức tham dự, có những pháp thoại bảy ngàn người Đức tham dự, có những buổi thiền hành bốn ngàn người Đức tham dự. Trở về nước Đức, thầy khám phá ra một nước Đức hoàn toàn mới lạ. Làng Mai đang nằm trong nước Đức thế nhưng ở bảy, tám năm bên đó mà thầy không thấy. Chúng ta phải tìm thấy sự thật bằng con mắt vô tướng.

Những yếu tố không - phải – Làng - Mai nằm ở khắp nơi, nằm ở trong lòng mình. Thầy Pháp Đôn cũng vậy, lớn lên ở tiểu bang Florida, đã đi chùa bên đó, đã được gặp tôi trong một khóa tu bên Mỹ, đã qua Làng tu học. Mùa thu vừa rồi được tháp tùng tôi và phái đoàn đi Mỹ, thầy đã khám phá ra một nước Mỹ rất mới. Tại vì lần đầu tiên thầy được tiếp xúc với tăng thân Làng Mai ở bên Hoa Kỳ, khắp nơi, khắp nơi. Vì vậy, tới đây với một cái camcorder để thâu hình chưa chắc thâu được Làng Mai. Làng Mai không phải là một ngôi chùa Việt Nam đặt trên mảnh đất Âu châu. Trong Làng Mai ta thấy có văn hóa Ấn Độ, ta thấy có văn hóa Trung Quốc, ta thấy có văn hóa Việt Nam, ta thấy có văn hóa Tây phương. Vì vậy nhìn Làng Mai cho kỹ ta thấy có những yếu tố không phải là Làng Mai nằm ở trong Làng Mai. Cho nên Làng Mai cũng là một đối tượng thiền quán. Nhìn càng sâu, ta thấy càng rõ. Nếu không thì nhìn Làng Mai ta chỉ có một khái niệm rất cạn, rất mơ hồ về Làng Mai. Nếu nhìn Làng Mai cho kỹ thì mình thấy Làng Mai cũng bất sinh và bất diệt. 

Ngày xưa khi đi thăm tu viện Kỳ Viên, Jeta Grove, ở Ấn Độ tôi thấy tu viện Kỳ Viên không còn nữa. Có một phái đoàn khảo cổ Nhật đang khai quật khu đất tu viện Kỳ Viên, phát hiện ra nền móng của nhiều tu viện san sát nhau. Tất cả tu viện Kỳ Viên đều đã bị san bằng theo thời gian và đất cát đã phủ lấp lên. Bây giờ nhờ đoàn khảo cổ đó khai quật nên chúng ta mới thấy rõ ràng những tu viện rất lớn nằm bên nhau san sát. Chúng ta nhận ra được đây là chánh điện, đây là tăng xá, đây là giảng đường. Nhưng tu viện Kỳ Viên đâu phải không còn? Vì khi chúng ta đi qua các nước khác, thấy các tu viện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hay Tây Tạng thì chúng ta lại thấy rằng Kỳ Viên vẫn còn đó trong những hình thức mới của nó. Vì vậy Kỳ Viên tính là bất sinh bất diệt. Làng Mai cũng vậy. Ví dụ ngày mai này họ đóng cửa Làng và có người xây cất siêu thị ở Xóm Thượng và Xóm Hạ thì Làng Mai vẫn còn, còn dưới những hình thái mới của nó ở khắp nơi, nhất là trong lòng chúng ta. Vì vậy, tới Làng Mai, ta phải nhìn Làng Mai cho kỹ để thấy được tính bất sanh bất diệt của Làng Mai,.

TT(Sưu tầm)

Sửa lần cuối 2014-06-24 17:56:02

Bình luận

Bình luận qua Facebook