2012-01-26 07:12:31

Nón ba tầm, em xoay tròn tháng giêng

 Một mùa xuân mới đang đến bên ô cửa sổ. Tôi tựa cửa, mắt nhìn vô định như nhìn về nơi xa xăm. Cả đất trời đang hát lên khúc tình ca rộn ràng chào đón xuân sang. Anh giờ này đang ở nơi xa lắm. Nơi quê hương yêu dấu, ăn Tết bên mẹ cha, anh đang đón xuân về bên những cánh đào hồng thắm, những chậu quất vàng ươm với chồi non xanh biếc...Tôi ngẩn ngơ miền đất lạnh với những bông hoa tuyết trắng xóa đan xen trên cành cây, kẽ lá, phủ đầy lối đi... 

Mùa xuân xưa, tôi 18 tuổi, bước vào đời với đôi mắt trong veo, hồn nhiên ôm ấp bao ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ. Tôi hỏi mẹ: "Sao con người ta sinh ra trên cõi đời lại cất tiếng khóc chào đời?". Mắt mẹ buồn, nhìn tôi, mẹ bảo: " Vì người ta biết đời sẽ khổ!". Tôi hỏi anh: "Tình yêu là gì thế?". Anh im lặng, nhìn tôi không nói.

Tháng Giêng, hội Lim quê tôi dập dìu tài tử, giai nhân. Anh Hai, chị Hai hát Quan họ trao duyên tình tứ. Tiếng hát "vang-dền-nền-nảy" như vang vọng cả đất trời đang ngập tràn sắc xuân. Tiếng hát cao vời vợi trên đồi Lim, tiếng hát văng vẳng bên mạn thuyền, tiếng hát thanh thoát trong những lều lán hát đối...Giã bạn rồi mà anh đi bên tôi còn dùng dằng, vương vấn với câu hát "Tương phùng tương ngộ", "Đến hẹn lại lên", "Người ơi! Người ở đừng về"..."Quan họ có tự bao giờ?". Tôi hỏi anh nhưng anh lại im lặng nhìn tôi không nói, cái im lặng như muốn xoáy vào lòng người, như năm xưa tôi từng hỏi anh: "Tình yêu là gì thế?"

 

Mùa xuân hát Quan họ 

Quan họ có tự bao giờ không ai biết. Quan họ khắc sâu trong tâm khảm, ngấm vào máu, vào thịt, vào bữa ăn, vào giấc ngủ của anh, của tôi, của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên bên dòng sông Cầu thơ mộng như trong cổ tích. Câu ca Quan họ theo những đứa trẻ chăn trâu chúng tôi khi ra đồng, theo chúng tôi khi đến lớp. Người Quan họ chúng tôi khi khách đến chơi nhà thì hát câu mời nước, mời trầu:

                       " Mấy khi khách đến chơi nhà

                         Đốt than, quạt nước, pha trà mời người xơi

                         Trà này ngon lắm người ơi!

                         Mỗi người mỗi chén cho em vui lòng"

                                       (Bài hát "Khách đến chơi nhà")

Khi mời khách dùng bữa thì hát câu mời rượu:

                       " Tay tiên chuốc chén rượu đào

                        Đổ đi thời tiếc, uống vào thời say"

                                        (Bài hát "Mời rượu")

Tôi lớn lên theo những câu hát Quan họ trong lời ca của bà, của mẹ. Bà bảo, xưa kia, khắp vùng Kinh Bắc 49 làng Quan họ, hai làng nào đã kết bạn Quan họ với nhau thì trai gái ,liền anh liền chị, hai làng đó dù yêu nhau cũng không được nên duyên chồng vợ để giữ trọn sự thanh khiết, trong sáng cho câu hát Quan họ. Chính vì vậy mà bao đôi lứa yêu nhau không thể làm "bạn đời" mà chỉ có thể làm "bạn hát" của nhau, một năm được gặp nhau hát Quan họ trao duyên một lần vào ngày hội làng. Cái tình tứ mà vấn vương, lưu luyến, da diết của Quan họ cũng từ đó mà ra.

                        "Người về, em những khóc thầm

                         Đôi bên vạt áo, ướt đầm như mưa..."

 "Ai đã đặt ra cái tục lệ oái oăm đó?" - tôi hỏi anh. Anh lại nhìn tôi, im lặng. Cái im lặng như tôi đã từng hỏi anh: "Quan họ có tự bao giờ?"

Tôi 19 tuổi, mẹ mua cho tôi bộ áo tứ thân  và chiếc nón ba tầm mặc đi hát hội xuân cùng bạn bè trong làng. Anh đi bên tôi thì thầm:"Em có muốn làm bạn đời của anh không?". Tôi nhìn anh, lặng im không nói. Tháng Giêng, hoa mơ, hoa mận nở trắng, rơi đầy con đường làng. Tôi nhìn anh, như thể nhìn về nơi xa xăm, chiếc nón ba tầm trong tay, tôi xoay tròn, xoay tròn...Áo tứ thân bay bay, để gió ngẩn ngơ, để ai thẫn thờ?

Tôi 20 tuổi, câu ca Quan họ theo tôi cả ngày "xuất giá tòng phu" cả trong buổi tối uống nước, xơi trầu trước khi về nhà anh làm dâu. Chiều xuân, con đường về nhà anh, thanh niên dập dìu rủ nhau đi hát hội. Những thiếu nữ trong tà áo tứ thân, nón ba tầm trong tay xoay tròn, xoay tròn... để quai thao buông lả lơi trong gió xuân, nắng chiều...

Tôi 30 tuổi, câu ca Quan họ theo tôi vào mỗi giấc ngủ ru con. Hai đứa con gái hỏi tôi :       

   - Mẹ ơi! Con lớn, mẹ có dạy con hát Quan họ không? Con thích bài:

                            "Lóng lánh là lóng lánh ơi!

                             Mắt người lóng lánh như sao trên trời,

                             Em nhớ người lắm người ơi.

                             Lúng liếng là lúng liếng ơi!

                             Miệng cười  lúng liếng có đôi đồng tiền,

                             Em với người muốn kết nhân duyên.

                             Phú đi tìm quý bạn tiên chơi bời

                             Em với người đã đáng đôi! "

                                          (Bài hát "Lúng liếng")

Tôi cười hỏi lại hai con:

   - Quan họ có hơn 300 làn điệu đã được ký âm, con có học hết được không?

 Đứa em cười hồn nhiên:

   - Tết này bố ở Việt Nam ăn Tết với ông bà, khi nào bố sang, con sẽ gọi điện dặn bố mua cho con cái bộ quần áo và cái mũ giống cô Thúy Hường hát bài "Lóng lánh, lúng liếng".

  - Đó là nón ba tầm hay còn gọi là nón thúng quai thao, con à!

 

Chị Hai với nón Ba Tầm 

Bên ô cửa sổ, chút nắng xuân đang lên như xua tan bớt cái lạnh của những bông tuyết. Mùa xuân thứ 30 của cuộc đời, tôi đã tự lý giải được tường tận câu hỏi của mùa xuân xưa, tôi đã từng hỏi anh: "Tình yêu là gì thế?". Tình yêu đơn giản là tình yêu, là tiếng lòng đồng vọng giữa hai trái tim chúng mình khi yêu đất nước, "yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca" (nhạc sĩ Trần Hoàn). Nhìn về nơi xa xăm, tôi thấy thấp thoáng đâu đây những tà áo tứ thân bay nhè nhẹ trong gió xuân, những vòng quay tròn đều của nón ba tầm...làm rực rỡ cả mùa xuân. Đâu đây vang vọng câu hát:

                  "Du xuân, du xuân í a, í a

                   Đã hẹn cùng tình í a, í a

                   Đường xuân tơ non, gót son í a

                   Nón ba tầm em, xoay tròn tháng Giêng"

                                            (Lời bài hát "Du xuân")

 

Hồng Hoa - Warszawa, khai bút Tết Nhâm Thìn 2012

queviet.pl

Sửa lần cuối 2012-12-24 13:51:13

Bình luận

Bình luận qua Facebook