2010-02-27 15:46:59

"Người Việt đang ngày càng "dốt" tiếng Việt?"

Báo điện tử, kênh truyền hình quốc gia, thậm chí cuộc thi cấp quốc gia đều dùng sai tiếng Việt. Có thể là chính tả, có thể là dùng thừa từ, hay sự xô bồ, lấn lướt, đôi khi bỏ qua những sự bất nhất giữa khái niệm và nội hàm, giữa thực tế đời sống với hình thức biểu đạt thông qua vỏ ngôn ngữ.

Độc giả Phan Quốc Linh, TS Văn hóa học, gửi tới Bee bài viết "Người Việt đang ngày càng "dốt" tiếng Việt?"

Website điện tử


Đã đến lúc cần phải báo động về hiện tượng sai sót câu chữ, từ ngữ trên các trang website Việt. Đành rằng sự sai sót này là do vô ý, ít ra chính tôi tin như vậy; khổ nỗi do tính bất khả kháng này nên đôi lúc nó lại rơi vào những vị trí, những từ quan trọng trong câu, bài, làm sai lệch ngữ nghĩa. Đã có trường hợp sai sót oái oăm rơi vào những động từ (có/không có…), hoặc những từ chỉ phẩm chất, màu sắc, tâm trạng… Rồi có khi người đọc bắt gặp cả một nhóm từ, hay một câu, thậm chí hẳn cả một’’tổ hợp’’câu bị in lặp đi lặp lại.Tôi đã đọc đâu đó một câu bát trong bài lục bát dự thi nọ được in đến…9 chữ! Thảng hoặc có bài vừa in hôm trước, hôm sau đã thấy xuất hiện cùng trên một website. Điều đáng tiếc là, theo tôi, gần đây những lỗi chính tả kiểu này có xu hướng ngày càng tăng.

 

a
Đã đến lúc cần phải báo động về hiện tượng sai sót câu chữ, từ ngữ trên các trang website Việt.

 

Kênh truyền hình Quốc gia

Người Việt ta có câu: "Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Đó là một nét đẹp truyền thống trong phong cách giao tiếp hàng ngày. Thiết nghĩ, với MC trên truyền hình, điều này lại càng quan trọng. Thế nhưng có một câu chào mà nhiều MC hay dùng, đáng tiếc là … không đúng. "Xin kính chào TẠM BIỆT và HẸN GẶP LẠI”, hầu như là câu chào cửa miệng của rất nhiều MC VTV.

"Tạm biệt" là từ Hán - Việt, từ đó có nghĩa là HẸN GẶP LẠI (lần sau). Như vậy chỉ có thể nói: "Xin kính chào tạm biệt"; hoặc: “Xin kính chào và hẹn gặp lại’’. Trường hợp nếu muốn dùng song song: "Xin kính chào tạm biệt - hẹn gặp lại”. (Nhìn đấy thì thấy là đã thay chữ VÀ bằng một dấu gạch  ngang (-), giải thích (dịch nghĩa) từ từ Hán –Việt sang từ thuần Việt, vẫn giữ được nội dung, không sai lỗi ngữ pháp).

Ngôn ngữ là ngôn ngữ đời sống,nghĩa là một từ, một tiếng nào đó khi chúng được nhiều người trong xã hội sử dụng thành thói quen, nó sẽ tồn tại. Nhưng với lời chào này, thực tế chỉ có một số MC sử dụng, không có tính đại chúng, ý tôi muốn nói là các MC có thể sửa lại, dùng cho chính xác. Có thể do các MC này không để ý, hoặc có thể họ không hiểu nội dung từ Hán-Việt đó. Trong thực tế đời sống hàng ngày của các dân tộc trên thế giới,cũng như các MC các nước khác,họ cũng chỉ nói đơn giản, ngắn gọn: Goodbye (tạm biệt-tiếng Anh), Đovisdane (tạm biêt-tiếng Bun)(***), Đovisdanhie (tạm biệt - tiếng Nga)(****)… Dĩ nhiên có nhiều lời chào khác nữa, đây chúng tôi chỉ xin nói về lời chào cùng một tứ, kiểu đồng dạng với kiểu mà ta đang bàn đến mà thôi.

Cuộc thi cấp quốc tế


Chắc nhiều người trong chúng ta vẫn chưa quên cuộc thi “Hoa hậu quý bà đẹp và thành đạt” do Việt Nam chúng ta đăng cai. Sự thành công của của cuộc thi không phải là đề tài hôm nay của chúng tôi. Các trang website Việt đã bàn không ít về nó. Tuy nhiên, điều mà tôi thắc mắc - nhưng chưa thấy ai nói tới, ấy là sự bất cập về mặt ý nghĩa, nội hàm của tiêu chí - ở ngay chính cái tít đầu đề, tên gọi của nó: "Hoa hậu quý bà đẹp và thành đạt”.

Chúng ta hãy thử phân tích, tìm hiểu nội hàm,tiêu chí các khái niệm này của cuộc thi. Trước hết, tạm bỏ qua đối tượng quý bà, viết lại khái niệm ở dạng đơn giản hơn một chút: Hoa hậu đẹp và thành đạt. Ở đây khái niệm ĐẸP và khái niệm THÀNH ĐẠT là hai khái niệm bình đẳng, ngang hàng về phương diện cú pháp, là hai bổ đề xác định nội dung cho khái niệm HOA HẬU. Tuy nhiên trên thực tế khái niệm thành đạt lại không được Ban tổ chức (BTC) đề cập đến trong quá trình tiến hành, vì thực chất việc xác định sự thành đạt cũng không dễ dàng gì.

Thí sinh đến từ nhiều nước trên thế giới,với những tiêu chuẩn thành đạt không giống nhau và do chỗ mặt bằng đời sống, kinh tế - xã hội..., mỗi nước rất khác nhau, tiểu chuẩn đánh giá sự thành đạt, do vậy cũng khó mà lấy được một mặt bằng chung hy hữu.

Mặt khác, ĐẸP&THÀNH ĐẠT là hai khái niệm không cùng một chuẩn giá trị (cái đẹp mang giá trị thẩm mỹ, sự thành đạt lại theo tiêu chuẩn kinh tế - xã hội…) nên sẽ sinh ra tình trạng bất cập về tỷ lệ và chuẩn mực trong khi so sánh, đánh giá. Ví dụ có hai quý bà đều đẹp và thành đạt nhưng “đảo chiều" một chút - một người đẹp hơn nhưng kém thành đạt hơn người kia, vậy sẽ đánh giá, lựa chọn theo tiêu chuẩn nào đây: Chọn người đẹp hơn và kém thành đạt hơn người kia, hay là chọn ngược lại? Đây giống như một bài toán hằng đẳng thức có các dữ kiện không xác định nên sẽ không tìm được kết quả. Đây quả nhiên là điều rất khó cho sự lựa chọn khi mà các tiêu chí đánh giá không cùng bản chất, không đồng giá trị.

Như vậy, khái niệm THÀNH ĐẠT, một trong hai bổ đề để xác định HOA HẬU đã "gây khó", làm "nhiễu", là nguyên nhân khiến BTC không thể xác định được hướng đi theo như tiêu chí đã đưa ra ban đầu(được ghi rõ bằng tên gọi của cuộc thi). Chưa hết, nếu xem xét kỹ nữa, sau khi đã bỏ qua một bên khái niệm THÀNH ĐẠT, thì ngay việc dùng khái niệm ĐẸP ở đây, theo tôi, cũng không ổn nốt.
 
- HOA HẬU là người nữ đẹp nhất (của một cuộc thi người đẹp).

- ĐẸP (đâyđang nói đến phụ nữ), có nhiều cấp độ, thang bậc khác nhau: đẹp, đẹp lắm, rất đẹp…

Như vậy, với một khái niệm xác định (hoa hậu), như là một đơn nguyên, thì không thể đặt ngang hàng với một khái niệm khác, nếu khái niệm này không cùng một tính chất là một đơn nguyên xét về phương diện cấu trúc. (Tuy khái niệm HOA HẬU & ĐẸP có chung sự đánh giá là giá trị thẩm mỹ, nhưng HOA HẬU là cái đơn nhất, còn ĐẸP là cái có nhiều cấp độ xác định rộng hơn HOA HẬU, vì thế mà có câu: "đẹp như hoa hậu" (câu này cũng cho thấy HOA HẬU cũng chỉ là một “thành phần’’của cái rộng hơn nó - CÁI ĐẸP). Từ đó có thể suy ra, rằng với cách biểu đạt như đã nêu ra, Hoa hậu - đẹp và thành đạt” thì đẹp ở đây cũng có thể là đẹp nhất (HOA HẬU của cuộc thi), cũng có thể khác, không là đẹp nhất (không là hoa hậu).

Cũng may là, dù cho đưa ra một tên gọi, một tiêu chí như vậy - tuy không sai về mặt câu cú, ngữ pháp, nhưng lại bất cập về khái niệm biểu đạt, thế nên BTC trên thực tế cũng chỉ làm như một cuộc thi hoa hậu như từ tước tới giờ vẫn làm mà thôi.

Ở đây nếu nói BTC đã "nói một đường làm một nẻo" quả là không sai; nói BTC đã "giơ cao đánh khẽ" cũng đúng nốt, bởi cái tiêu chí đưa ra có phần "nặng ký" thật,nhưng chỉ thực hiện một phần thôi. (Cho phép tôi được mở ngoặc ở đây một chút, trên thực tế, kết quả của cuộc thi Hoa hậu này, theo tôi là thành công, gây được tiếng vang. Chỉ có điều là - đây cũng chỉ là ý kiến riêng cá nhân tôi,giá mà ngay từ ban đầu nếu BTC đưa ra được tiêu chí, đơn giản chỉ là “Hoa hậu quý bà", chẳng hạn thế, thì cũng đỡ bị eo sèo về câu chữ…).

Theo chỗ tôi biết, ở nhiều nước, ví dụ như ở Bun-ga-ri, nơi tôi đang sinh sống, họ chỉ dùng khái niệm ngắn gọn là “Hoa hậu quý bà". Với nội dung này, cuộc thi cũng không nằm ngoài những tiêu chí của cuộc thi hoa hậu nói chung. Chính xác hơn, đây là cuộc thi hoa hậu ở tuổi thiếu phụ (người đã qua tuổi thanh thiếu nữ), dĩ nhiên cũng có những đặc điểm riêng của nó.

Bun-ga-ri, tháng 02/2010

Tiến sỹ văn hoá học: Phan Quốc Linh

 

Khoa học Đời Sống

Sửa lần cuối 2012-12-19 23:53:34

Bình luận

Bình luận qua Facebook