Nguyễn Văn Thái
Lời người viết: Nhân kỷ niệm 20 năm báo QUÊ VIỆT, tờ báo của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan (tháng 4/1999 – tháng 4/2019), tôi viết bài này nhằm sẻ chia về một trong những nguồn cảm hứng sáng tác của người cầm bút khi làm báo, góp phần để người đọc nhớ lại và hiểu hơn về tờ báo của chúng ta, tờ báo trải qua thăng trầm đã tồn tại và góp phần phản ánh cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong hai thập kỷ vừa qua. Xin cảm ơn BBT và các cộng tác viên cùng toàn thể độc giả báo QUÊ VIỆT qua mọi thời kỳ.
Người có năm giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác.
Ở đây tôi muốn bàn về cảm nhận mùi trong thơ, hay nói cách khác, về khứu giác của các nhà thơ.
Xin nói trước, tôi chỉ đề cập đến những nhà thơ mà mình quen biết và có tác phẩm của họ trong tay.
Nhà thơ đầu tiên để lại ấn tượng sâu sắc về việc thể hiện mùi trong thơ là BẰNG VIỆT.
Năm 1963 nhà thơ đã cho ra đời tác phẩm được mọi người yêu văn học đón nhận nồng nhiệt và được đưa vào chương trình giảng dạy văn học ở trường phổ thông:
Bài thơ BẾP LỬA:
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Cháu thương bà biết mấy nắng mưa/ Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói/ Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi/ Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy/ Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu/ Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!
… Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen/ Một ngọn lửa lòng bà luôn ú sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...
Cái „mùi khói” „nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!” thực sự đã tác động hết sức mạnh mẽ vào tâm hồn hàng triệu người dân Việt Nam, nó gắn liền với bếp lửa, „Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa”, thứ tạo ra và duy trì sự sống, sự bình yên, no ấm của mọi nhà, mọi người ở mọi nơi, mọi thời đại.
Một bài thơ khác, bài VỀ NGHỆ AN THĂM CON cũng có đoạn nói về mùi:
Con đường ra bến sông/ Mỗi ngày bom lại thả/ Vẫn tiếng súng phòng không/ Nổ rền theo vách đá/ Vụ chiêm mùa vất vả/ Mùi cơm thơm cứ thơm!/ Ôi nùn rơm, nùn rơm/ Sợi vàng vương mái tóc/ Con che rơm đi học/ Vai nhấp nhô đường xa...
Cái mùi cơm thơm, nùn rơm là mùi gắn bó mật thiết với người dân Việt, với nông thôn Việt Nam được Bằng Việt nhắc đến ở đây thật nhẹ nhàng, đáng yêu, đáng nhớ, đặc biệt trong khung cảnh chiến tranh, ở một vùng đầy bom đạn, với bé gái ngày ngày cắp sách tới trường.
Trong bài NGHĨ LẠI VỀ PAUXTÔPXKI, trên „Đồi trung du phơ phất bóng thông già/ Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió” Bằng Việt lại nhắc đến „Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!” và „Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm/ Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa...” Ở đây ”mùi cỏ dại” và „bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa” gợi cho tác giả một thời đã xa - „Thời thơ ấu sau lưng”, nhưng mùi ấy sống mãi trong tâm trí người đọc.
Đặc biệt tôi vô cùng yêu hương sen trong bài TRÒ CHUYỆN VỚI THÀNH PHỐ CỦA ĐỜI MÌNH
Thành phố tuổi hoa niên. Thành phố ấy là em./ Em – với màu áo hoa mơ, chân trần trên cỏ ướt,/ Đứng thảng thốt reo lên bên bờ sen ngập nước: / Trời ơi! Buổi sớm quá chừng thơm!”/ Không bao giờ tôi quên/ Em đã khắc hương sen ngày ấy vào vĩnh cửu!/ Tôi chưa hề biết yêu em/ Chỉ biết yêu thành phố/ Trong ánh xanh lạ lùng buổi ấy dâng lên...
Bao nhiêu năm qua/ Đột nhiên nhớ một góc đường Yên Phụ/ Vị bánh tôm thơm nóng tuổi thơ đầu.
Mười lăm năm... chỉ còn mùi hương của những giờ tình tự,/ Cho lớp con em ta mới lớn/ Mắt sáng hơn và môi đỏ hơn!... Đúng là nhà thơ „đã khắc hương sen vào vĩnh cửu!”, khiến chúng ta thêm say mê, thêm yêu, thêm nhớ „thành phố của đời mình” và sự hồn nhiên của thế hệ trẻ chúng ta.
Nhà thơ thứ hai để lại ấn tượng mạnh khi nói về mùi trong thơ là PHAN THỊ THANH NHÀN với bài HƯƠNG THẦM, viết năm 1969:
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa/ Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/ Bên ấy có người ngày mai ra trận/... Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu... Rồi theo từng hơi thở của anh/ Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực/ Anh lên đường hương sẽ theo đi khắp/ Họ chia tay vẫn chẳng nói điều gì/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.
Nữ thi sĩ đã đưa hương bưởi vào tình yêu đôi lứa thật tuyệt vời, thiết tha, dịu dàng, trong sáng. Có lẽ ít nhà thơ nào nói về hương thơm của một loài hoa kín đáo, thầm lặng và mê đắm đến nhường ấy.
Nhà thơ ANH NGỌC lại nhắc đến HƯƠNG SẮC HOA XOAN (viết năm 1969):
Ta lại nhận ra giữa muôn trùng hoa lá/ Cái mùi hương thân thuộc những mùa xoan/ Chiều quê hương mưa xuân bay bạt ngàn/ Nối sắc hoa xoan nhòa vào mây biếc/...
Ôi cái mùi hương tỏa tự hôm qua/ Bay suốt hôm nay còn bỡ ngỡ? Bâng khuâng thơm trước cửa/ Như thể khách quen sắp sửa bước vào nhà/ Xoan ơi, phải mẹ đợi chờ ta?/ Từ chiến sĩ ra đi mùa xuân thành sứ giả/ Xoan vẫn thơm nơi con mắc áo ngày xưa/ Em nhỏ trên cành xoan sang sảng tiếng loa/ Tin chiến thắng theo hương xoan về trăm ngõ/ Mẹ không còn mằng em: hoa xoan nhiều bọ/ Mày ngửi xoan nhiều rồi thối tai.../ Hương xoan giờ nối những dặm đường dài/ Nối tuổi thơ con với tuổi già của mẹ/ Ôi mùi hương rất trẻ/ Khi xuân sang đầu mẹ trắng như hoa!
Anh Ngọc còn nhắc đến TIẾNG MÍA QUÊ TA (1967): Ru cả đất trời trong ngọt lịm/ Giấc ngủ trưa thơm mùi mật mùi đường. Trong bài HOA DÀNH (viết năm 1969 đề tặng Lưu Quang Vũ):
Cây hoa dành mọc trong vườn ta/ Tự bao giờ không ai nhớ nữa/ Sáng hôm nay bỗng vô cùng bỡ ngỡ/ Bông hoa dành thơm trong vườn ta. Soi vào hoa ta gặp lại chính hồn ta/ Trong lửa khói đạn bom hay dưới lòng sâu địa đạo/ Nơi nào cũng một màu trắng đó/ Cũng một mùi hương như lạ như quen/ Như đóa hoa dành đây ta nửa nhớ nửa quên/ Từ những thuở tổ tiên ta theo nguồn sông lấn ra hướng biển/ Người đến đâu là hương hoa bay đến/. Hoa dành ơi hoa là nỗi hồn nhiên/ Điều không thể nói lại là điều không thể giấu/. Và hoa chính là thơ mãi mãi ngạc nhiên/ Ngàn lần nở vẫn là lần thứ nhất/ Cho ta bỗng run tay không dám ngắt/ Bông hoa dành thơm trong vườn ta.
Nhà thơ HỮU THỈNH trong bài thơ THƯ MÙA ĐÔNG viết ở Mèo Vạc tháng 3 năm 1982 chỉ dành một đoạn ngắn nhắc về hương bồ kếp nhưng lại gây ấn tượng mạnh trong lòng người đọc:
Gạo thường lên sớm, thư thời chậm/ Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm/ Bao năm không thấy màu con gái/ Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em/ Mây đến thường rủ anh mơ mộng/ Biết vậy, khuya em đỏ ánh đèn/ Ước gì có chút hương bồ kếp/ Cho đá mềm đi, núi ấm lên. Chỉ trong mấy câu thơ mà tác giả đã đánh thức cả thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác của người đọc. Sao thương chàng trai sống nơi đầu sóng ngọn gió, nơi biên cương của Tổ quốc, nơi thiếu vắng bóng người con gái đến vậy. Hữu Thỉnh cũng có những câu thơ khá lạ về mùi:
Chim đầy mùi trời/ Trời đầy mùi thiên hạ (TRƯỜNG CA BIỂN). Trời làm gì có mùi, nói „chim đầy mùi trời” có lẽ là cách nói ngược, có thể hiểu là „trời đầy mùi chim”, chim nhiều đến mức mùi bay ra lan tỏa khắp bầu trời. Người đọc liên tưởng đến những đàn hải âu bạt ngàn bay liệng trên đảo xa. Còn „Trời đầy mùi thiên hạ” cắt nghĩa thế nào? Chắc tác giả muốn nói đến mùi của vạn vật, của hoa lá, của đất, của nước và của con người tồn tại dưới gầm trời này! Dẫu sao thì „mùi thiên hạ” cũng là một khái niệm lạ do nhà thơ đưa vào để chúng ta suy ngẫm.
Bây giờ nói về cảm nhận mùi trong thơ tôi.
Trong tờ VĂN VIỆT số 2 (tháng 12 năm 1999 - chuyên san Văn nghệ của báo QUÊ VIỆT) Hoàng Văn Thơ (tức HOÀNG TRỌNG HÀ, nguyên giảng viên Văn học Nga – Xô viết Trường Đại học Đà Lạt, đã mất năm 2013) đánh giá về thơ của của người Việt ở Ba Lan đã viết:
„Khi những nhà khoa học – những thương gia làm thơ trái tim họ say đắm chân thành và thiết tha. Nguyễn Văn Thái – nhà trắc địa với cái nghề tưởng rất khô khan không chỉ tìm thấy chất lãng mạn trong công việc của mình („BAY”) và trong đời sống thường nhật („SA PA”) anh còn viết về tình yêu bằng một trí tưởng tượng bay bổng:
Chiều qua có trận gió to/ Áo em bay mắc giàn nho bên này/ Hương thơm vương đầy bàn tay/ Tối đem áo trả thoáng say hương người (HƯƠNG ÁO).
Trong bài thơ sự „bịa đặt” đến độ không thể tin được. Làm gì có chuyện một chiếc áo bay mắc vào giàn nho giữ được „hương người”! Có chăng chỉ là mùi... bột giặt! Anh chàng đa tình trong bài thơ chẳng qua „phịa” chuyện hương áo để thổ lộ lòng mình mà thôi. Chính cái lối nói khoa trương táo bạo, lại vừa bóng gió đã làm nên một bài thơ hay. Tôi bỗng nhớ LÝ BẠCH – nhà thơ nổi tiếng đời Đường – với bài thơ „KÝ VIỄN” (Gửi người phương xa) bất hủ:
Người đẹp còn đây nhà đầy bông/ Người đẹp đi rồi nhà bỏ không/ Giường không nệm cuốn nào ai ngủ/ Nay đã ba năm hương còn nồng.
„Đã ba năm hương còn nồng” dẫu là thứ hương đặc biệt cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của nhà thơ, chỉ có LÝ BẠCH viết như thế.”
Đó là nói chuyện hương áo, hương người.
Trong bài thơ MỘT ĐỜI THƯƠNG tôi viết:
Có phải Bích Câu kỳ ngộ nên duyên/ Hay bởi Phật thương xe tơ kết tóc/ Một thoáng Hòe Nhai hương chùa man mác/ Để chúng mình gắn bó một đời thương.
Đó là mấy câu thơ viết về tình yêu của chúng tôi. Lúc đó nàng làm việc ở Văn phòng nhà máy xe đạp Thống Nhất, phố Bích Câu, Hà Nội, nhà ở cạnh chùa Hòe Nhai. Giai thoại chàng thư sinh Tú Uyên gặp nàng Giáng Kiều xinh đẹp ở Bích Câu cùng chuyện Phật thương xe tơ kết tóc vừa huyển bí, thăng hoa nhưng cũng rất thực. Ở đây vai trò của „hương chùa man mác” cũng góp phần vào mối tình của vợ chồng chúng tôi, gắn kết để có MỘT ĐƯỜI THƯƠNG.
Tuổi học trò ai mà chẳng có những kỷ niệm gắn với hoa lan. Hương ngọc lan đã quyến rũ tôi, khiến cứ gặp cây ngọc lan ở đâu là tôi lại nhớ đến thời thơ ấu. Mấy chục năm sống trên đất Ba Lan, không có dịp thấy lại ngọc lan, nhưng tháng 4 năm 1999:
Tôi đi đúng nửa vòng Trái đất/ Về giữa Sài Gòn bất chợt gặp ngọc lan/ Lòng bỗng bâng khuâng nhớ về đất Bắc/ Cánh hoa thơm cài trên mái tóc nàng/ Ôi thuở xa xưa cái gì cũng đẹp/ Bông hoa nâng niu trong chiếc khăn tay/ Cánh hoa ấp giữa những trang vở học/ Dẫu héo rồi hương vẫn tỏa ngất ngây/ Và em nữa trong tôi em vẫn thế/ Nghĩa là em vẫn mơ mộng, thơ ngây/ Em vẫn dịu hiền và em vẫn trẻ/ Quanh em hương lan kín đáo dâng đầy... (HOA NGỌC LAN VÀ EM).
Hương ngọc lan, hương chùa, hương áo và hương người là những mùi hương mà tôi cảm nhận được và thể hiện trong thơ. Bài thơ khác, bài HƯƠNG BỒ KẾT, đã nói khá nhiều về sự hòa quyện các loại mùi: mùi bồ kết, mùi cốm chanh, mùi tóc, mùi da thịt, mùi người. Xin trích ra đây bài thơ ấy:
Anh vẫn thường gội đầu cho em/ Đến bây giờ tay còn thơm bồ kết/ Anh lóng ngóng nên em thường nhắc/ Ướt hết em rồi, mắt anh nhìn đâu?/ Tóc mình dài trùm kín cả miệng thau/ Nước bắn ra ngoài mình đừng trách nhé/ Ai bảo cổ mình trắng tròn đến thế/ Ướt áo mình anh sẽ giặt đền ngay!/ Đừng trách anh sao quá mạnh tay/ Cha mẹ sinh ra đã vụng về như vậy/ Da mình mỏng mịn màng nhường ấy/ Gượng nhẹ rồi nhưng tay anh đầy chai!/ Đừng trách anh sao để nước vào tai/ Tại cái vành tai thon hồng mỏng quá/ Mùi tóc, hương người đến là kì lạ/ Cứ quyện vào nhau thơm nồng như men!/ Anh vẫn thường gội đầu cho em/ Đến bây giờ còn say mùi bồ kết/ Say mùi cốm chanh, say mùi tóc ướt/ Say vành tai hồng và bờ vai trắng phau! ...
Trong bài thơ trên có sự tác động của hầu hết mọi giác quan con người, nhưng vai trò của khứu giác là hết sức quan trọng. Sự hòa quyện các loại mùi khiến lòng ta say đắm như ngấm men, ngất ngây như say rượu và để lại trong ta nỗi nhớ không thể nào nguôi! Mùi trong thơ, hay khứu giác của người làm thơ được thể hiện vô cùng đa dạng. Mùi có thể là ngát hương, thơm nồng, man mác, êm ái, dịu dàng, ngọt ngào, thầm kín hay khét lẹt, cay nồng..., tùy thuộc vào tâm trạng người thơ!
Warszawa, 4/2019
NVT
Bình luận