Nhà thơ dịch giả Lê Bá Thự và Nhà xuất bản Phụ nữ vừa ấn hành hai tập của bộ sách Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết, tập I dày trên 400 trang và tập II dày hơn 300 trang, giấy tốt, bìa đẹp, 100 ảnh màu minh hoạ. Đây là một bộ sách đẹp, công phu, chất lượng.
Trong suốt 25 năm miệt mài, làm việc cật lực như một “phu chữ”, dịch giả Lê Bá Thự đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm văn học dịch đồ sộ, gồm 26 đầu sách giá trị (nhiều đầu sách được tái bản) - tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cười và thơ của nền văn học Ba Lan. Như vậy, bình quân mỗi năm ông có hơn một đầu sách dịch. Bên cạnh đó ông còn là tác giả của hai tập thơ Hoa giẻ và Đi về ngày xưa, đã được dư luận đánh giá cao. Trong hai tập sách Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết xuất bản lần này, có hàng chục bài giới thiệu, bình luận của chính dịch giả nhà thơ và của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, Hồng Diệu, Vân Long, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Ninh Hồ, Văn Giá, Văn Đắc, Trịnh Thanh Sơn, Lê Tuấn Lộc, Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Ngọc Quế, Vi Thuỳ Linh, Đoàn Ánh Dương, Trần Thị Trường, Trần Hoàng Thiên Kim, Phan Hoàng, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vân Đình Hùng, Phi Dao, Thiên Ân, Trần Hoàng Hoàng vv… Ngoài ra ông còn có nhiều bài viết, tham luận về văn học dịch, chân dung các nhà văn Ba Lan, trả lời các cuộc phỏng vấn báo chí, hàng loạt bài bút kí, hồi kí. Người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, thú vị và xúc động khi đọc “chùm” 101 truyện cười đặc sắc, các bài Tôi là một nhân chứng, Con rái cá làng Nguyệt Lãng, Khám phá miền Tây sông nước, Gặp người xứ Thanh ở Ba Lan, 6 truyện ngắn hay, tiêu biểu cho các tập truyện, trên 20 bài thơ dịch của ba nhà thơ lớn Ba Lan (trong đó có hai nhà thơ được giải Nobel), và 47 bài thơ trong tập thơ Đi về ngày xưa ( được gọi là “sách trong sách”).
Dịch giả Lê Bá Thự (thứ 2 từ phải) được tặng Huân chương công trạng Ba Lan (2012)
Phần lớn những tác phẩm văn chương Ba Lan mà ông chọn để dịch ra tiếng Việt đều là những cuốn sách giá trị, được các nhà bình luận văn học đánh giá cao, được bạn đọc Ba Lan mến mộ. Có thể nói Lê Bá Thự đã “chọn đúng và chọn trúng” tác phẩm để dịch, đã “dịch đúng và dịch hay” theo tiêu chí dịch thuật của ông. Và ta càng thêm vững tin Lê Bá Thự là “người nội trợ thông thái” trong dịch thuật. Lê Bá Thự vẫn thường nói “Tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết. Cái khổ của người dịch là ở đó. Nhưng cái tài của người dịch cũng là ở đó. Tác giả viết kiểu gì, văn phong gì, bút pháp gì và đề tài gì thì người dịch cũng dịch đúng và dịch hay”. Có thể nói ông là một trong số không nhiều dịch giả Việt Nam có lượng đầu sách dịch lớn và có chất lượng đến như thế. Để ghi nhận công lao, đóng góp của ông, ngày 3 tháng 5 năm 2012, tại Hà Nội, Đại sứ Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, ngài Roman Iwaszkiewicz, thay mặt Tổng thống Ba Lan, đã trao Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan cho dịch giả nhà thơ Lê Bá Thự, về những đóng góp của ông trong việc giới thiệu văn học Ba Lan tại Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường sự hợp tác và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc Ba Lan - Việt Nam.
Dịch giả Lê Bá Thự (thứ 2 từ trái) cùng các dịch giả (từ trái sang): Nguyễn Chí Thuật, Nguyễn Thái Linh, Tạ Minh Châu, Nguyễn Thanh Thư, Nguyễn Văn Thái tham dự Hội nghị quốc tế "Dịch giả văn học Ba Lan" (2013, Krakow)
Lê Bá Thự cho rằng, “dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên bản (bản gốc) bằng ngôn ngữ khác”. Làm việc theo quan niệm như vậy ông đã gặt hái được khá nhiều thành công trên con đường dịch thuật của mình. Bản dịch tiểu thuyết Hy vọng của Lê Bá Thự đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao Giải thưởng văn học năm 2014. Trước đó ông cũng đã được nhận nhiều phần thưởng khác như: Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch tiểu thuyết Quà của Chúa (năm 2010); tặng thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội (2004, 2008) cho những truyện dịch hay nhất năm đã in trong tạp chí này; giải thưởng cuộc thi thơ của báo Người Hà Nội (1999- 2000); giải thưởng cuộc thi viết của báo Tiền Phong (2002)… Điều quan trọng là nhiều tác phẩm dịch của ông đã được tái bản, được bạn đọc mến mộ, tìm đọc. Đó là phần thưởng vô giá cho dịch giả.
Như ta đã biết, ngoài dịch thuật, mảng chủ công, Lê Bá Thự còn là một nhà thơ. Hai tập thơ: Hoa giẻ (2002) và Đi về ngày xưa (2016) tuy ra đời vào hai thời điểm cách xa nhau, nhưng cảm hứng xuyên suốt của hai tập thơ vẫn là tình cảm quê hương, những kỷ niệm buồn vui nhưng rất trong sáng, hồn nhiên của một thời trai trẻ. Hầu hết các bài thơ trong hai tập thơ này đều rất đời thường, mộc mạc mà man mác (nhận xét của nhà thơ Bằng Việt), viết theo lối cảm, cách nghĩ của người xứ Thanh. Các bài thơ Đi về ngày xưa, Nơi Sông Mã Sông Chu, Tình câm, Cô láng giềng, Tình xưa, Mùa đom đóm mở hội, Dáng xưa, Áo tơi, Cà, Ốc,... cho ta cảm nhận như vậy: Tiếng ve lại rộn bờ tre/ Dắt tôi thẳng lối đi về ngày xưa; Người quê tôi dù có đi muôn ngả/ Nhớ sông Chu sông Mã lại muốn về; Mưa chiều sũng ướt câu thơ/ Ngấm lời thề nguyện tình ngơ ngác tình/ Chiều mưa đứng ở Xóm Dình / Đơn côi lại thấy giáng hình ngày xưa; Tình xưa vẫn đọng hồn tôi/ Bóng chiều đã ngả, người ơi – tím trời; Giòn tan như một tiếng cười/ Trong cà có cả đất trời quê tôi… Tôi nhận ra, tập thơ Đi về ngày xưa gồm 47 bài thì có tới 37 bài viết về những kỷ niệm xưa, mối tình cũ hay quê hương Thanh Hóa của ông.
Thơ của Lê Bá Thự là một hành trình đi tìm lại những gì đã mất trong quá vãng. Cái ngày xưa ấy đối với nhà thơ lúc nào cũng ám ảnh sự trinh nguyên, tinh khiết và thánh thiện đến lạ kỳ. Cô láng giềng dân dã, mộc mạc, chân quê mà quá đỗi đáng yêu, phảng phất phong vị của một Nguyễn Bính xứ Thanh: Hoa chanh nở trắng vườn làng/ Hương chanh ngan ngát bên nàng bên tôi/ Không còn cái giậu mùng tơi/ Mà sao chẳng dám sang chơi nhà nàng/ Kiếp này nàng sống kiêu sang/ Còn tôi vẫn gã trai làng đơn côi/ Chiêm bao tôi lại thấy tôi/ Hóa thành bướm trắng sang chơi nhà nàng/ Hương chanh cho bướm mơ màng/ Quẩn quanh bên mái tóc nàng ngát thơm. (Cô láng giềng).
Hay chiếc áo tơi vô tình đã trở thành bà mối cho tình yêu con trẻ: Nhớ ngày tôi mặc áo tơi/ Trời mưa như trút em phơi đầu trần/ Em thẹn chẳng dám lại gần/ Thương em lòng những phân vân với lòng/ Tiếng tôi vang giữa cánh đồng/ Áo tơi anh có sao không dám nhờ/ Lại đây anh đứng anh chờ/ Thôi đừng gội gió đội trời dầm mưa/ Hai người sánh bước say sưa/ Áo tơi chung một giữa trưa ngày hè (Áo tơi).
Nhưng có lẽ, tuổi thiếu thời, bất luận là nam hay nữ, ai cũng có ít nhất một mối tình đơn phương, những trộm yêu thầm nhớ mà không biết làm cách nào nói ra cho người ấy hay. Để rồi sau mấy mươi năm xa cách, khi gặp lại, chàng sững sờ đứng, còn nàng sụt sùi lệ mưa. Mối tình ấy được nhà thơ Lê Bá Thự gọi đích danh là tình câm: Ngày học phổ thong/ Hai ta cùng lớp/ Hai ta cùng trường/ Cùng đi một đường/ Không hề bắt chuyện/ Đường lên trường huyện/ Dầy dấu chân ta/ Gần mà như xa/…/ Một ngày đầu hạ/ Bỗng vắng bóng nàng/ Lòng thấy bàng hoàng/ Có gì luyến tiếc/ Trời cao xanh biếc/ Chắc biết tôi mong/…/ Mấy chục năm ròng/ Bóng nàng vẫn vắng/ Một ngày hạ nắng/ Phượng đỏ rực trời/ Chẳng hẹn chẳng chờ/ Gặp lại người xưa/ Sững sờ tôi đứng/ Lệ nàng như mưa… (Tình câm).
Trong tập thơ “Đi về ngày xưa” đa phần là thơ lục bát và những bài thơ theo các thể thơ truyền thống, nhưng cũng có bài vừa mang chất dân gian vừa hiện đại mà bài thơ “Tiếc” là một thí dụ:
Ngày rồi!/ Đêm quá ngắn/ Tiếc một trời dát bạc/ Ánh trăng
Đêm rồi!/ Ngày quá vội/ Tiếc một chiều ấm áp/ Nắng trời
Lỡ rồi!/ Tình quá muộn/ Tiếc một thời giọt đắng/ Vì yêu.
Về bài thơ này nhà phê bình văn học Thy Lan bình luận như sau:
“Cũng là câu chuyện tình yêu, đời người, nhưng bài thơ Tiếc của nhà thơ Lê Bá Thự có màu sắc “Tây”, hiện đại. Thế mà chất dân gian vẫn đậm đà. Bài thơ có cái hồn của ca dao “em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay ”. Nhưng không còn chân quê, e ấp như thời ca dao nữa, mà giọng thơ dứt khoát, chắc nịch biểu hiện của tư duy mới, dám vì tình yêu đến cùng. Dù sự muộn màng hay cay đắng, tiếc nuối …là đặc tính trong tình yêu của mọi thời đại, nhưng con người dám đối diện với khổ đau, ngang trái làm nên tính cách cho thơ hiện đại. Đó chính là cái duyên, sức sống của bài thơ Tiếc mà tôi thích này”.
Trong bài viết mở đầu cuốn sách, nhà thơ dịch giả Nguyễn Quang Thiều viết : Trong 25 năm lao động, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm dịch đồ sộ. Con người ông lúc nào cũng ngập tràn cảm hứng sáng tạo và một thái độ làm việc nghiêm túc. Dấn thân vào con đường dịch thuật văn học là ông đã chọn một con đường quá nhiều thách thức... Ông dịch những cuốn sách chứa đựng những tư tưởng lớn cùng với những khám phá phức tạp nhất và sâu nhất về con người của nền văn học Ba Lan, một trong những nền văn học lớn của nhân loại. Những cuốn sách dịch của ông cần thiết cho bạn đọc ở nhiều lĩnh vực. Bạn đọc thông qua những tác phẩm của các nhà văn Ba Lan để hiểu sâu hơn về một dân tộc nhưng cuối cùng và quan trọng hơn là để hiểu sâu về nhân loại. Và khi ta hiểu sâu hơn về nhân loại nghĩa là ta hiểu sâu hơn về chính con người ta.
Đọc hai tập sách khá đồ sộ Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết người đọc có cơ hội tìm hiểu những thành tựu dịch thuật và sáng tác của ông trên chặng đường văn chương 25 năm qua, cho dù chưa được đọc hết 28 tác phẩm đã in của ông. 25 năm dịch và viết của dịch giả, nhà thơ Lê Bá Thự cũng là 25 năm ông đi tìm lại những gì một đi không trở lại của tuổi thơ hồn hậu yêu thương và quan trọng hơn là góp phần làm chiếc cầu nối tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam- Ba Lan.
Lê Yên
Một số hình ảnh kỷ niệm về dịch giả Lê Bá Thự cùng với các bạn bè:
*
*
*
(Ảnh do Dịch giả Lê Bá Thự cung cấp)
Bình luận