2018-09-15 07:09:23

Ra mắt tác phẩm "Tôi và Làng tôi" của nhà văn Lê Bá Thự

  Nhà văn-dịch giả Lê Bá Thự 

Sáng 12 tháng 9 năm 2018, tại Hội trường Hội Nhà văn VN, 9 Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, đã diễn ra lễ ra mắt tác phẩm mới "Tôi và làng tôi" của nhà văn Lê Bá Thự. Đến dự có Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Nguyễn Dy Niên, Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, thủ trưởng cơ quan cũ của nhà văn Lê Bá Thự; ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương, đại diện hai họ nội - ngoại của nhà văn Lê Bá Thự; ông Nguyễn Thăng Trai, đại diện đồng hương thôn Nguyệt Lãng tại Hà Nội, đông đảo các nhà văn, nhà thơ, bạn bè của nhà văn Lê Bá Thự. Hội trường Hội nhà văn Việt Nam kín chỗ, không còn một ghế trống. Phát biểu tại buổi ra mắt sách: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Bằng Việt, các nhà văn Hoàng Quốc Hải, Vũ Nho, Văn An, nhà thơ Vi Thùy Linh và tác giả Lê Bá Thự. Trong bài phát biểu của mình nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: "Tôi và làng tôi là một tác phẩm văn chương tư liệu, cũng là một dòng văn học chính thống. Cuốn sách đã chứa đựng và chuyển tải được hồn quê Việt Nam đến với bạn đọc. Cuốn sách đã cho ta cảm nhận, chỉ có hồn quê mới lưu giữ và bảo tồn được cốt lõi, giá trị văn hóa Việt một cách bền vững và sâu sắc nhất. Đánh mất hồn quê ta sẽ mất tất cả." Các bài phát biểu giàu tính học thuật và nhiều tâm huyết đã được những người tham dự đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh.

                                                                                     Hoàng Văn

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn VN phát biểu trong buổi ra mắt


Toàn cảnh hội trường buổi ra mắt

*

Vợ chồng nhà văn Lê bá thự cùng dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư (phải) và nhà thơ Vi Thùy Linh  ( trái)

TÔI VIẾT HỒI ỨC “TÔI VÀ LÀNG TÔI”     

      Lê Bá Thự                    

     Cuốn sách “Tôi và làng tôi” vừa mới trình làng quý II năm 2018 là cuốn sách đã được tôi ấp ủ từ hàng chục năm nay. Câu cuối cùng của cuốn sách này tôi viết: “Giã biệt làng Nguyệt Lãng yêu thương, ngày 4 tháng 8 năm 1964, trong một ngày đẹp trời, tại Ga Hàng Cỏ Hà Nội, tôi lên tàu liên vận sang Ba Lan du học”. Tôi xa làng kể từ ngày ấy. Tuy nhiên, đó chỉ là xa về khoảng cách địa lý. Tôi xa làng, nhưng ngày nào làng cũng ở trong tôi. Làng ở trong tôi khi tôi thức, làng ở trong tôi ngay cả khi tôi ngủ. Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình đang ở làng, đang chơi bời nhảy múa với các bạn cùng trang lứa, đang làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, đang gánh phân, nhổ mạ, đang bắt cua, bắt ốc, bắt ếch, kiếm cá, đang chăn bò trên cánh đồng làng, đang cắp sách cuốc bộ đến trường, đang xem phim “Bạch Mao Nữ” tại bãi chiếu bóng ngoài trời… Những ký ức về làng chất chồng trong tôi năm này qua năm khác. Tôi đã ấp ủ, tôi đã tự nhủ, tự hứa với làng và với cả chính tôi là nhất định tôi sẽ viết về làng. Nhà văn Đỗ Ngọc Yên đã có lý khi anh bảo rằng: “Lê Bá Thự vừa mới xuất bản cuốn “Tôi và làng tôi”, dưới dạng tản văn, như một khế ước văn hóa làng mà ông từng mang theo hai phần ba thế kỷ”. Bản “giao kèo không văn bản” này đã được tôi thực thi một cách nghiêm túc mà cuốn “Tôi và làng tôi” là một minh chứng.

     Đọc cuốn “Tôi và làng tôi” bạn đọc nhận ra, tôi và làng tôi những năm 50 và 60 diện mạo ra sao, sướng khổ như thế nào. Khi viết cuốn sách này tôi luôn luôn ý thức một điều rằng, làng Nguyệt Lãng trong sách của tôi phải y chang làng Nguyệt Lãng năm xưa, Lê  Bá Thự trong cuốn sách này phải y chang Lê Bá Thự năm xưa. Trung thực là bút pháp của tôi. Không tô son, không trát phấn. Lẽ dĩ nhiên trung thực nhưng phải sinh động và hấp dẫn. Có lẽ bạn đọc không khó nhận ra giọng điệu Lê Bá Thự, “cái tôi” Lê Bá Thự trong cuốn sách này. Bản sắc, tính cách xứ Thanh trong tác phẩm của tôi cũng được biểu đạt rất rõ nét từ đầu đến cuối, mà phương ngữ, thổ ngữ, tiếng địa phương hay giọng Thanh Hóa sử dụng trong sách là một minh chứng. Trung thực giúp tôi chuyển tải thông điệp của tôi một cách hữu hiệu, dễ đi vào lòng người. Tôi chủ trương, tác phẩm tôi viết phải hóm hỉnh, dí dỏm, trào lộng để người đọc được thoải mái, vui vẻ cùng tôi thực hiện cuộc du ngoạn qua từng trang sách. Đọc “Tôi và làng tôi” bạn cũng dễ nhận ra, kể chuyện ngày xưa nhưng tôi thường liên hệ với những chuyện bây giờ, chuyện ngày nay. Cho nên lắm khi cái cũ và cái mới hòa quện, đan xen với nhau, bổ sung cho nhau, làm cho câu chuyện thêm súc tích, thú vị, chuyện cũ mà không cũ. Điều này được thể hiện rõ nét trong các câu chuyện “Xem phim Bạch Mao Nữ”, “Bụi tre trước nhà và đôi chim chào mào”, “Tôi làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp”, “Chợ Tết cầu may”, “Trường làng”, “Trường huyện”, “Trường tỉnh”…

      Có thể nói “Tôi” là một nhân vật xuyên suốt tác phẩm này, cho dù đây không phải là một cuốn tiểu thuyết. Tôi là người trong cuộc, Tôi hiểu làng mình đến từng chân tơ kẽ tóc, Tôi thuộc làng mình như lòng bàn tay. Hồi sống ở làng tôi lam lũ thật sự, tôi khổ thật sự, khổ đến mức không còn chỗ cho khổ hơn được nữa. Dẫu vậy, hồi đó tôi vui, tôi sướng thật lòng và tôi tin thật lòng, lắm khi tin như điếu đổ, dẫu “có phần bồng bột và nhuốm mầu ảo tưởng”, như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có nói. Tôi và các bạn cùng thế hệ thời đó là như vậy. Tôi tâm đắc với phát biểu của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi anh nói: “Tuổi thơ của Lê Bá Thự cũng như tuổi thơ của hầu hết những người dân miền Bắc Việt Nam vào những năm 50, 60. Đó là bầu khí quyển trong vắt “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa”. Nhìn đâu cũng thấy hoa. Đến đâu cũng có tiếng hát. Dù đời sống thực lại vô cùng đói rét và bần hàn. Khổ nhưng mà vui. Một niềm vui có phần bồng bột và nhuốm màu ảo tưởng. Đọc Lê Bá Thự, ta thấy thú vị cũng vì thế. Nhờ có những trang viết rất chân thực và sinh động của anh mà ta hiểu được một thời. Cái thời ấy hiện không còn nữa”.

     Có thể nói, thời  kỳ tôi ở làng là thời kỳ tôi sống lam lũ, rất hồn nhiên, rất “tự nhiên” và rất “làng”. Sau này, mỗi lần về thăm quê, tôi thường thích kể lại với bố mẹ tôi, với các em tôi và các cháu tôi, những câu chuyện cũ mà tôi là người trong cuộc, những câu chuyện cũ không bao giờ cũ đối với tôi”. “Bây giờ, lắm lúc ngồi suy ngẫm, tôi thấy nhớ cái ngày xưa ấy, cái ngày xưa không bao giờ quay trở lại nữa. Và tôi thấy mình càng yêu làng, càng đa tạ làng đã cho tuổi thơ tôi đong đầy những “cảm xúc làng””...

         Tôi đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều về việc chọn tựa sách. Sau nhiều nghĩ suy, cân nhắc và tham khảo ý kiến của bạn bè, rốt cuộc tôi đã quyết định chon tựa sách là “Tôi và làng tôi”. Đối với tôi “Tôi và làng tôi” là tựa sách vừa hợp tình cảm vừa hợp lý trí.  Tôi ở trong làng và làng ở trong tôi. Tôi là chủ ngữ, tôi là nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm, “làng” là đối tượng của “tôi” trong trường hợp này. Tôi chia sẻ phát biểu của nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Minh Tâm khi anh viết: “Tên của tập hồi ức là Tôi và làng tôi. Điều đó mặc nhiên hình thành hai mạch tự sự, hai dòng hoài niệm: Tôi – Làng tôi. Nhưng hai mạch hồi ức này không tách rời, mà đan bện, xoắn luyến vào nhau, đúng hơn là nhập vào nhau trong không khí, quang cảnh, lịch sử của làng”. Tôi đã chọn tựa sách là “Tôi và làng tôi”, chứ không phải là “Làng tôi và tôi” là vì như vậy. “Tôi” trước “làng” sau trong cụm từ này vừa hợp tình vừa hợp lý và không thất lễ. Cho đến hôm nay tôi đã nhận được nhiều thư và  tin nhắn viết rằng “ngay tên sách đã hấp dẫn người đọc rồi”. Điều này khiến tôi tự tin và yên tâm là mình đã chọn đúng và chọn trúng.

     Tuy mới ấn hành, nhưng những dư âm đầu tiên về cuốn sách từ phía báo chí và bạn đọc khiến tôi lấy làm mừng.

          Đã có 25 tờ báo và tạp chí in bài giới thiệu và bình luận hồi ức “Tôi và làng tôi”: Báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân, báo Thanh Hóa hàng tháng, báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí Nhà văn và & Tác phẩm, VanVn. net, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Văn nghệ công an, Vnexpress,  báo Người Hà Nội, Tiền phong chủ nhật, báo Sức khỏe & Đời sống, tạp chí “Xứ Thanh”, báo Thái Nguyên, báo Dân Việt (Hội Nông dân Việt nam), báo “Quê Việt” (Ba Lan), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội mới cuối tuần, tạp chí Sông Hương, KINHTEDOTHI.VN, Trannhuong.com, Tôn vinh Văn hóa đọc, Lethieunhon.vn, Mỗi ngày một cuốn sách.com.vn, vv…Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các báo, các tạp chí và các tác giả.

      Đọc “Tôi và làng tôi” những người lớn tuổi rất dễ tìm thấy hình ảnh của làng mình và của bản thân mình trong đó. Còn đối với bạn đọc trẻ tuổi, mỗi người có cách riêng để tiếp cận tác phẩm này. Bạn Trần Hùng Cường, hiện sinh sống tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12 tp. Hồ Chí Minh, trong thư gửi cho tôi đã viết: “Cháu đang đọc sách của chú ngấu nghiến. Rất hay và giống tuổi thơ của bọn cháu, chỉ khác là cháu là thế hệ thứ 3 của chú. Cháu rất thích cách viết của chú. Cảm ơn chú đã dày công viết một cuốn sách thật ý nghĩa như vậy để bọn cháu được đọc và hiểu thêm về quê hương mình những năm tháng xưa”.

     Tôi cảm thấy ấm lòng khi đọc những dòng chữ như trên của bạn đọc .


Lê Bá Thự

Sửa lần cuối 2018-09-15 04:43:02

Bình luận

Bình luận qua Facebook