2020-02-23 09:10:20

Thơ Mai Quỳnh Nam được dịch sang tiếng Ba Lan

Lời giới thiệu

Báo Văn hóa (Gazeta Kulturalna), nguyệt san xuất bản tại Zelów, gần thành phố Łódź, Ba Lan, trong số tháng 2/2020 đã đăng gần trọn trang 7 chùm thơ của nhà thơ Việt Nam Mai Quỳnh Nam. Đây có thể coi là sự kiện, bởi trong 25 năm tồn tại, cho đến nay, có lẽ chưa một nhà thơ Việt Nam nào được dịch và in với số lượng bài như vậy trong một số báo của nguyệt san này. Chùm thơ do Nguyễn Chí Thuật tuyển chọn và dịch với sự cộng tác của nhà thơ Ba Lan Kalina Izabela Zioła. Nhân dịp này, Queviet in lại bài viết về thơ Mai Quỳnh Nam của nhà thơ Đặng Huy Giang và giới thiệu một số bài thơ của Mai Quỳnh Nam, người những năm gần đây được các nhà phê bình thơ và dư luận bạn đọc đánh giá cao cả về nội dung lẫn hình thức sáng tạo, coi đó là tiếng nói thi ca mang nét riêng đặc thù và có những đóng góp thiết thực cho việc đổi mới thơ nước nhà.


Mai Quynh Nam

(Wietnam)


Kałuża na drodze


Kałuża na drodze

niczym wielkie lustro

żywcem pochłania słońce

Dziecko podczas zabawy

rozbryzgując wodę

plami swoją niewinną stopę


Vũng nước trên đường


Vũng nước trên đường

như tấm gương

chôn sống mặt trời


đứa trẻ đùa chơi

đạp nước tung tóe

một vết bẩn trên gót son thơ bé


Racja istnienia


Profesor istnieje dzięki swej mądrości

sekretarka istnieje dzięki urodzie i pustej

głowie

a dzięki czemu ja istnieję?

Kilka razy woda sięgała mi do kolan


Sự tồn tại


Ông giáo sư tồn tại vì cái đầu uyên bác

cô thư ký tồn tại vì xinh và đôi khi hơi đần

tôi tồn tại vì gì không biết?

đã mấy lần nước ngập đến chân


* * *


Jedno słowo wyfrunęło z twoich ust

łagodne, lekkie

i z niego powstał piękny

świetlisty pałac

skrzący się nad rzeką mojej duszy


***


Em nói một lời rất hiền, rất nhẹ

có một lâu đài đẹp đẽ

lấp lánh

trên nhánh sông hồn tôi



Zranione serce


Zranione serce

popękało na kawałki

powodując wielki ból

ale nie spowodowało śmierci

żyje

bliznami

wspomnień

głęboko zakorzenionych

i dalekich

jak pierwsza miłość


Trái tim bị thương


Trái tim bị thương

vỡ thành từng mảnh

đau

nhưng không chết hẳn

nó sống

bằng sự hàn gắn

từ ký ức hằn sâu

xa

như mối tình đầu


Zakończenie


Dwa lata

wystarczą by rozstać się bez żalu

dwa lata

złości nie wystarczą do samobójstwa

i jakie to szczęście

że nie mamy dzieci


Đoạn kết


Hai năm

đủ để chia tay không nuối tiếc


hai năm

chưa đủ uất ức để tự sát


và may hơn

chúng ta chưa sinh con

Miejsce z góry ustalone


Myślałem o grobie

gdzie spocznę głęboko pogrzebany

moja kochana

nie płacz

ja po prostu zmienię obszar życia

na miejsce z góry ustalone

moi znajomi też tam odchodzą

wielu już odeszło

dziś po południu pożegnano jednego z nich

był w moim wieku


Miền tất định


Tôi nghĩ đến nấm mồ

đào sâu chôn chặt



em ơi

đừng khóc


giản dị thôi, tôi chuyển vùng đời

về miền tất định


họ đã đi rồi

họ đi nhiều lắm


chiều nay, tiễn biệt một người

anh ấy cũng chừng tuổi tôi


Mówić twardo o miękkiej władzy


Zniewalasz mnie miękką władzą

swoją urodą

dobrym alkoholem

słodkimi słówkami

stosujesz wiele sztuczek.

Moja droga, jestem odporny na bicie

sznurem, który trzymasz w ręku

możliwe, że został zrobiony z niedojrzałego

bambusa


Nói cứng về quyền lực mềm


Em trói buộc tôi bằng quyền lực mềm

bằng nhan sắc

rượu ngon

nói ngọt

em có nhiều chiêu thuật

em ơi, tôi là kẻ rạn đòn

sợi lạt em cầm

có thể tách ra từ đoạn tre non



* * *


Słuchałem głosu ptaków

słuchałem głosu wiatru

raz coś powiedziałaś szeptem, cichutko

nic nie usłyszałem

twój głos zaginął w głosie ptaków

twój głos zaginął w głosie wiatru


* * *

Anh nghe tiếng chim

anh nghe tiếng gió

có một lần em thì thầm nói nhỏ

anh không nghe thấy gì

để tiếng chim

tiếng gió

mang đi


***


Jedna chata

jeden księżyc

dwa westchnienia

kilka kropelek rosy

to już raj


***


Một túp lều

một vầng trăng

hai tiếng thở dài

vài giọt sương

thế là thiên đường



Dwuosobowy grób


Dwa ciała rozkładając się

przekazują sobie ciepło

w zimnej mogile

od dawna

milczą


Mộ đôi


Hai tấm thân tan rã

truyền hơi ấm cho nhau

dưới đất lạnh

từ lâu

họ chỉ còn im lặng



Bez tytułu


W wazonie

nie ma nawet zeschniętego kwiatu

na promień słońca na balkonie

nikt nie czeka

i wazon i człowiek

toną w ciemności


Không đề


Bình hoa

không cánh hoa héo tàn


nắng tắt ngoài lan can

chẳng còn ai mong đợi


một bình hoa, một người

ngập chìm trong bóng tối


* * *


Synku, chcę, żebyś był człowiekiem ostrożnym

synku, chcę, żebyś był człowiekiem zawsze uczciwym

ale ostrożność to rzecz drugorzędna,

na pierwszym miejscu jest uczciwość – bo

ona potrzebniejsza


* * *


Cha muốn con là người cẩn thận

cha muốn con là người thẳng thắn


cẩn thận còn ở sau

thẳng thắn cần phải đặt lên đầu


***


Na pogrzebie

za dużo ceremonii

a za mało łez


***


Tang lễ

quá nhiều nghi thức

quá ít nước mắt


Nguyen Chi Thuat

Dịch từ nguyên bản tiếng Việt, với sự cộng tác của Kalina Izabela Zioła


*

PGS. TS., nhà thơ Mai Quỳnh Nam: Một mình một lối

Mai Quỳnh Nam là vậy. Ông ưa nhìn vào cái khuất lấp sau các hiện tượng, sau các cảnh đời để nảy ra ý tưởng. Ông thích cảm hứng xã hội, phản ánh đời sống của con người, của dân tộc với trách nhiệm xã hội lớn qua thơ Rítxốt (Hy Lạp). Ông nói: Thơ Rítxốt đã rất thành công, dù không sử dụng lối viết siêu thực. Cảm hứng xã hội học trong thơ Brodsky (Giải thưởng Nobel 1987) cũng rất mạnh. Còn Rítxốt và Szymborska (Giải thưởng Nobel 1996) là hai nhà thơ được đào tạo cơ bản về xã hội học...

1. Lâu nay, thơ định đề tồn tại như một ý niệm hơn là một khái niệm. Nó là một dạng đặc biệt và khác lạ của tư duy thơ. Đồng thời, nó cũng là một kiểu thơ khó viết, khó làm. Với nó, thi liệu nhiều khi không đến từ bên ngoài, mà đến từ bên trong, của người viết.

Về cơ bản, thơ định đề tồn tại đơn lẻ đâu đó, phải rất mất công mới tìm ra nó. Đơn giản vì nó xuất hiện ở người này người khác, ở bài thơ này bài thơ khác, rất hiếm khi quy tụ ở một tác giả hoặc ở một tập thơ.

Có thể nhận ra kiểu thơ này qua những biểu hiện sau: Mỗi bài thơ thường viết không dài, thường có một hoặc hai câu "chốt"; câu "chốt" thường mang giá trị, ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc, góc cạnh, đôi khi có hình thức như một câu châm ngôn là kết quả của một quá trình trải nghiệm, chiêm nghiệm; có thể ví mỗi câu thơ như thế có thể như một vết chém, gậy hiệu ứng chí lý, thảng thốt, động tâm tức thì; bài thơ nào cũng có tứ; đôi khi rất gần với chân lý; đó là thứ thơ cô đặc và kết tủa; nhiều câu thơ mang giá trị độc lập, có thể đứng một mình, làm nên một tứ thơ; chỉ những độc giả nào chia sẻ được sự trải nghiệm, chiêm nghiệm rất cá nhân đã đúc rút ra thành những gì cụ thể, mới thấy thấm thía và coi nó là một loại thơ có cá tính và dấu ấn riêng biệt.

Từ lâu trong nước và ngoài nước đã có một số người làm thơ định đề, coi thơ định đề như là sở thích, sở trường. Cũng có những tác giả chạm đến thơ định đề, nhưng mới chỉ dừng ở mức triết lý. Cố nhiên, tôi không có ý nói thơ định đề có giá trị hoặc ở tầm cao hơn thơ triết lý, mà chỉ muốn nói: Chúng chỉ bao hàm sự khác nhau mà thôi.

Theo tôi, "Mặt nạ kẻ ác" của B. Brecht là một ví dụ tiêu biểu: Trong buồng tôi treo một điêu khắc gỗ/ Mặt nạ cá thân Nhật Bản thếp vàng/ Mạch máu hằn trên trán nhăn khốn khổ/ Tôi nhìn nó cảm thông/ Làm kẻ ác khó nhọc vô cùng. Chất định đề của Làm kẻ ác khó nhọc vô cùng (vì luôn phải có âm mưu, thủ đoạn nên kẻ ác luôn luôn vất vả).

Tiếp theo là K. Lubomirski với chùm bài: "Cái thiện, cái ác"; "Hoàn cảnh"; "Bên em"; "Sách"; "Sự tiến bộ". Bài thứ nhất: Cái thiện/ Cái ác/ Hai đường song song/ Giao điểm ở vô cùng với hàm ý: Cái ác và cái thiện không bao giờ gần nhau được. Bài thứ hai: Đừng trổ nhiều cửa sổ/ Lên bức tường của anh/ Quá nhiều ánh sáng/ Tường sẽ đổ với hàm ý: Nhìn chung ở đời, "thái quá" thường "bất cập". Bài thứ ba: Chúng ta chặt đứt tay/ Số phận/ Và tin/ Không có số phận với hàm ý: Sự tiến bộ đồng nghĩa với việc không tin có số phận, không tin sự an bài có sẵn. Đấy ba định đề được rút ra qua ba bài thơ trên.

Trong làng thơ ta, chỉ cần với "Không đề I": Vô nghĩa/ như mùa không tình ái/ chiến trận không chiến bại và "Không đề II": Nước thánh không rũ sạch bụi trần/ vẫn là nước thánh/ hạnh phúc mong manh/ vẫn là hạnh phúc, bên cạnh những bất hạnh, chất định đề trong thơ Mai Quỳnh Nam đã nhanh chóng được xác lập.

Nêu thế để thấy, thơ định đề hàm chứa và hiện đại ở chỗ: Sau mỗi câu, mỗi dòng… người đọc có thể tiếp nhận được một lượng thông tin rất lớn và có thể viết lại thành một bài luận với một khối lượng từ ngữ đáng kể. Và đằng sau nó, rất có thể là một khởi đầu từ một sự tưởng chừng đã kết thúc.

2. Năm 1978, Mai Quỳnh Nam có hẳn một chùm thơ đăng trên Tuần báo Văn nghệ, làm cho cánh làm thơ sinh viên chúng tôi rất vui và có phần kính trọng, cho dù trước đó, vào năm 1972, Mai Quỳnh Nam đã có thơ đăng trên báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân giải phóng rồi.

Vì lẽ ấy, trong cuốn sách "Chiến trường sống và viết", nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã nhắc đến những người viết trẻ nhất của Văn nghệ Quân giải phóng, trong đó có Mai Quỳnh Nam.

Vào đầu năm 1980, Mai Quỳnh Nam đã âm thầm làm một cuộc độc hành thay đổi mạnh mẽ về thơ. Ông cho rằng: Đã đến lúc phải thay đổi, bứt phá khỏi thơ chống Mỹ. Những bài thơ "Thời nay", "Bé Hạnh Lan", "Số vé thứ bảy"…là những dấu ấn đầu tay của thời kỳ mới trong thơ Mai Quỳnh Nam và nhiều bài đã được ghi nhận. Đó là "Số vé thứ bảy" trong "Tuyển thơ Hà Nội", "Ảo giác Hyrôsima" trong "Tuyển thơ văn xuôi" của Nhà xuất bản Văn học.

Nếu thầy Mã Giang Lân - nhà thơ, nhà lý luận phê bình coi thơ Mai Quỳnh Nam là "thơ hình học", thì bạn bè cùng trang lứa lại coi thơ Mai Quỳnh Nam là "thơ định đề". Đó là loại thơ khó làm, có cấu tứ chặt chẽ, có hàm ý, có tư tưởng mà đề tài chỉ là cái cớ, như nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương.

Mai Quỳnh Nam là vậy. Ông ưa nhìn vào cái khuất lấp sau các hiện tượng, sau các cảnh đời để nảy ra ý tưởng. Ông thích cảm hứng xã hội, phản ánh đời sống của con người, của dân tộc với trách nhiệm xã hội lớn qua thơ Rítxốt (Hy Lạp). Ông nói: Thơ Rítxốt đã rất thành công, dù không sử dụng lối viết siêu thực. Cảm hứng xã hội học trong thơ Brodsky (Giải thưởng Nobel 1987) cũng rất mạnh. Còn Rítxốt và Szymborska (Giải thưởng Nobel 1996) là hai nhà thơ được đào tạo cơ bản về xã hội học.

Có lẽ sau khi học xong cử nhân văn chương, về công tác ở Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, rồi làm nghiên cứu sinh chuyên ngành xã hội học chính trị ở Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô mà quan niệm về thơ ở Mai Quỳnh Nam mới có những chuyển biến như thế.

Và chỉ cần đọc tên các tập: "Bước trượt" (1995), "Các sự việc rời rạc" (2002), "Phép thử thuật tư biện" (2007), "Biến thể khác" (2012 )… cũng thấy rõ chất xã hội học đã ngấm vào thơ Mai Quỳnh Nam như thế nào. Ở một chừng mực đáng kể, Mai Quỳnh Nam luôn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hệ thống lý thuyết cấu trúc xã hội và thân phận cá nhân con người trong hệ thống đó.

Tôi thích những câu thơ ám ảnh: Cả rừng lau trắng ngời/ trôi/ không luân hồi trong "Phép thử thuật tư biện" và bài thơ "Vũng nước trên đường" trong "Biến thể khác". Có lẽ ít ai có cái nhìn thật sâu, thật đa chiều và phức hợp như Mai Quỳnh Nam: Vũng nước trên đường/ như tấm gương/ chôn sống mặt trời/ đứa trẻ đùa chơi/ đạp nước tung tóe/ một vết bẩn trên gót son thơ bé. Còn "Viết tiếp Freud" thì không phải ai cũng nghĩ tới và viết được: Vô thức vô thường phát tán xung năng/ hữu thức lòng anh biến trời xanh thành ảm đạm/ mây lang thang vô dáng vô hình/ giống khách thể đời lay lắt phù sinh.

Mỗi một bài thơ, đối với Mai Quỳnh Nam dường như anh phải trình bày một phát hiện gây cảm xúc, gây những tác động đến trí não và cái gây ra cho trí não dường như là quan trọng hơn cả. Về thơ Mai Quỳnh Nam, nhà thơ Giáng Vân cho rằng: "Những câu thơ anh viết, là thứ phải chiêm nghiệm bằng cả đời người. Và có chiêm nghiệm, mới thấy đó là thơ".

May mắn được làm bạn với Mai Quỳnh Nam nhiều năm, tôi thấy ông là người yêu văn chương một cách nhiệt thành. Ông im lặng theo dõi đời sống thơ ca trong mối bang giao rất hạn chế. Với ông, học vấn và văn hóa luôn là đức hạnh của văn chương.

3. Mỗi day dứt về nguyên nhân và hệ lụy chiến tranh, thấu tỏ về thân phận con người trong tri thức triết học xã hội luôn là những băn khoăn, trăn trở, trong con người Mai Quỳnh Nam hiện tại. Còn trong quá khứ, từ thuở thiếu thời, Mai Quỳnh Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ người cha. Nhân đây, cũng xin được nói thêm: Người cha của Mai Quỳnh Nam là cụ Mai Văn Lược - một người lịch lãm, một trí thức Tây học, người luôn đề cao sự học cơ bản. Sinh thời, ông từng là chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mai Quỳnh Nam nhớ lại: Vào năm tôi 15 tuổi, cha tôi đã dịch bài thơ "Nếu hòn sỏi nói" của Bertolt Brecht từ bản tiếng Pháp. Bài thơ này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Cũng có thể bài thơ này đã truyền cảm hứng cho tôi khi viết bài thơ đầu tiên.

Sau thời gian làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, ông trở lại công tác và gắn bó với Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Ông thuộc lứa cán bộ đầu tiên được đào tạo cơ bản về xã hội học và là một trong những chuyên gia đầu ngành về xã hội học. Có một thời gian dài, ông là Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Khoa học xã hội cấp Nhà nước KX - 03/ 11-15. Ông hiện là ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa 9.

Ngoài nghiên cứu, ông còn tham gia giảng dạy và đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Thầy giáo Mai Quỳnh Nam đã truyền sự hứng khởi cho nhiều khóa học viên và nghiên cứu sinh trong các bài giảng về truyền thông đại chúng và dư luận xã hội thuộc các chuyên ngành Xã hội học và Báo chí học.

Con trai ông là Mai Đặng Hiền Quân theo "nghề của bố". Năm 2007 Hiền Quân được nhận học bổng toàn phần hệ cử nhân tại Đại học Bates - trường đại học có chi phí đào tạo đắt nhất ở Mỹ. Năm 21 tuổi, Hiền Quân trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Vanderbilt với học bổng toàn phần và hiện là trợ lý biên tập Tạp chí Xã hội học Mỹ (American Sociological Review). Hiền Quân theo đuổi lĩnh vực học thuật còn chưa được nghiên cứu ở Việt Nam: "Xã hội học chính trị và thể chế".

Với tôi, thi sĩ, nhà xã hội học Mai Quỳnh Nam là một người kín tiếng và là một người bạn vong niên đáng trân trọng. Và trong thơ, ông là một người bản lĩnh, luôn kiên tâm một mình một lối đi.

Đặng Huy Giang

(Bài đã đăng trên Văn nghệ Công an tháng 11/2016)

Sửa lần cuối 2020-02-23 14:57:06

Bình luận

Bình luận qua Facebook