Tác
giả bài thơ bên mộ bà mẹ Ba Lan (9/2020)
Thơ không phải là lĩnh vực hoạt động chủ yếu của nhà văn, dịch giả Nguyễn Chí Thuật. Cho đến nay ông chỉ mới xuất bản một tập thơ tiếng Việt gồm các bài thơ viết cho thiếu nhi, hai tập thơ tiếng Ba Lan. Các bài thơ tiếng Việt khác được in rải rác trên một số báo và tạp chí. Tuy nhiên hai tập thơ tiếng Ba Lan của ông đã để lại dấu ấn nhất định. Tập "Từ sông Hồng đến sông Wisła và sông Warta" ngay trong năm xuất bản đã được trao Giải khuyến khích trong cuộc thi „Cuốn thơ hay nhất trong năm” tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan thơ quốc tế „Tháng Mười Một Thơ Poznań” năm 2011. Trong tập thơ Xuôi dòng Warta có chùm thơ 5 bài được trao giải Nhì (không có giải Nhất) trong Cuộc thi thơ toàn quốc Ba Lan mang tên Jan Krzewniak 2016.
Về thơ viết bằng
tiếng Ba Lan, tác giả Nguyễn Chí Thuật chỉ có chưa đến
100 bài, được in trong hai tập thơ mỏng nói trên. Nhưng
dấu ấn sâu đậm cũng như kỷ niệm đẹp mà một nhà
thơ có thể mong ước chính là bài thơ ngắn viết dưới
nhan đề „Người phụ nữ
thành phố Łodz” („Łodzianka”) (*) viết
tặng một bà mẹ Ba Lan, được khắc lên phiến đá và
đặt trên mộ của bà sau khi bà qua đời.
Ảnh bìa và bài thơ in trong tập thơ.
Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Chí Thuật kể rằng trong một lần đến dự buổi giao lưu với nhà văn Ba Lan nổi tiếng Ryszard Kapuściński, ông có dịp trò chuyện với một nhà báo trẻ tên là Tomasz Wypych, người lúc đầu tỏ ra ngạc nhiên khi thấy một người Việt có mặt trong buổi giao lưu với nhà văn Ba Lan. Sau khi được biết ông đã dịch và in một số trích đoạn tác phẩm của Kapuściński ở Việt Nam, nhà báo trẻ đề xuất một cuộc trao đổi. Bài phỏng vấn ngắn sau đó được in trên nguyệt san Kalejdoskop xuất bản ở Łodz. Nhà báo trẻ đã kể cho mẹ nghe về cuộc gặp gỡ tình cờ, thú vị của mình. Bà mẹ lập tức làm một cái bánh ga-tô, sai con trai mang đến cho anh bạn Việt Nam mới quen. Cảm động trước tình cảm của một bà mẹ Ba Lan, dịch giả Nguyễn Chí Thuật viết bài thơ „Łodzianka” nói trên. Sau đó ông về nước khi hết thời hạn thực tập.
Năm 2005 dịch giả Nguyễn Chí Thuật sang Ba Lan giảng dạy tại Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz, được phong Giáo sư Trường. Không lâu sau khi ông nối lại liên lạc với Tomasz Wypych thì ông nhận được tin mẹ anh qua đời. Tomasz đã in bài thơ Nguyễn Chí Thuật viết tặng mẹ anh, bỏ vào quan tài, chôn theo bà. Mấy tháng sau, khi xây mộ cho mẹ, Tomasz xin phép tác giả được khắc bài thơ trên phiến đá hoa cương, đặt trên mộ mẹ. Anh kể rằng trên mộ mẹ anh luôn có nhiều hoa vì những người không quen biết sau khi đọc bài thơ đã cảm động mua hoa, thắp nến cho người quá cố.
Đối với một dịch giả - nhà thơ như Nguyễn Chí Thuật, phiến đá khắc bài thơ giản dị là một kỷ niệm đẹp, là một cái gì đó vô giá đối với một người cầm bút.
Warszawa, 9/2020
Quê Việt
(*) Bài thơ chưa có bản dịch ra tiếng Việt.
Bình luận