2013-07-31 01:29:26

Nước Mỹ – những nơi tôi đến (tiếp theo)

Không chỉ có tôi, nhiều người khắp hành tinh này mong được đến thăm nước Mỹ. Tôi là một trong hàng trăm người nước ngoài xếp hàng nhập cảnh vào Mỹ (trong ngày) phải chờ mất gần 3 tiếng đồng hồ, đói và mệt, thật bức xúc vô cùng. Trong bụng thầm nghĩ chỉ đến nước Mỹ 1 lần cho biết là quá đủ. Tôi nhớ lại những định kiến về nước Mỹ: một cường quốc mạnh về kinh tế, hiện đại về quân sự, có nền khoa học và kỹ thuật tiên tiến, từng đi xâm lược, bóc lột nước khác, hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước nào đó là hình ảnh nước Mỹ khó quên trong tôi. Lúc Việt Nam đánh Mỹ tôi không xem phim Mỹ (nội quy) vì cho là thứ văn hoá  thực dân „đồi truỵ”.

Lần này được đến nước Mỹ, dù nước Mỹ đã thay đổi nhiều sau chiến tranh Việt Nam, sau sụp đổ của hệ thống các nước XHCN Đông Âu. Mỹ không chỉ thay đổi về chiến lược, điều chỉnh về chiến thuật, có những đối sách  mới trước sự trỗi dậy của nhiều quốc gia... Điều chắc chắn là chính sách toàn cầu của một cường quốc như Mỹ không thay đổi. Tôi đến nước Mỹ với mong muốn xem chủ nghĩa tư bản Mỹ „giẫy chết” như thế nào, dân Mỹ sống ra sao trong tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay, xã hội của nước giầu nhất hành tinh có gì khác lạ và người Việt Nam ở Mỹ sống, làm việc, học tập như thế nào? Đây nước Mỹ với những điều mắt thấy, tai nghe, hiện hữu trong đời sống hàng ngày tại thủ đô Washington, nơi tôi đến.

Washington, D.C.  là thủ đô của Hoa Kỳ, được thành lập năm 1790, tên chính thức District of Columbia (viết tắt D.C.), có nghĩa Đặc khu Columbia, còn được gọi là Washington, D.C. Có đến 8 quận tại Hoa Kỳ mang tên Columbia, đặc biệt nhất là một quận nằm trong tiểu bang Washington. Washington, D.C. được xem tương đương như các tiểu bang của Hoa Kỳ. Thành phố nằm ở bờ bắc sông Potomac, phía tây nam tiểu bang Virginia và tiểu bang Maryland các phía còn lại. DC có dân số hơn nửa triệu người, nhưng thực tế trên 1 triệu người thường xuyên có mặt. Thomas Jefferson là vị Tổng thống Hoa Kỳ được bầu trong cuộc tranh cử lưỡng đảng, tuyên thệ nhậm chức lần đầu tại Washington, D.C. và làm việc tại Tòa Bạch Ốc. Năm 1862, Tổng thống Abraham Lincoln ký Đạo luật giải phóng và bồi thường nô lệ (Compensated Emancipation Act), kết thúc chế độ nô lệ tại Đặc khu Columbia. Lãnh tụ da đen, tiến sĩ Martin Luther King đấu tranh cho quyền lợi người da màu bị ám sát năm 1968. Vì vậy năm 1973, Quốc hội ban hành Đạo luật Nội trị Đặc khu Columbia (District of Columbia Home Rule Act), cho phép đặc khu được bầu Thị trưởng và một hội đồng thành phố.

Toà bạch ốc nơi TT Mỹ làm việc

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, hình dạng ban đầu của đặc khu liên bang là một hình vuông, mỗi cạnh dài 10 dặm Anh (16 km), tổng diện tích là 100 dặm vuông (260 km²). Washington, D.C. là một thành phố được quy hoạch theo kiến trúc Baroque, các đường phố rộng hội tụ tại các điểm hình chữ nhật và hình tròn, tạo nên cảnh quan với nhiều khoảng không gian trống của Pierre Charles L’Enfant - một kỹ sư, kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị người Pháp.

Washington, D.C. là nơi có 173 toà đại sứ quán ngoại quốc cũng như các tổng hành dinh của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO). Đại sứ quán Việt Nam có vị trí khá đẹp  (trước đây là cơ sở của Sứ quán Việt Nam Cộng hoà) mặt tiền là phố lớn, phía sau là đồi cây xanh tươi (hiện đang đại tu). Ngoài ra còn có tổng hành dinh của các cơ quan khác đặt tại nơi đây.

Các toà nhà được phép xây dựng đều không cao hơn Tòa Quốc hội Hoa Kỳ, giữ đúng ước nguyện của Thomas Jefferson: muốn Washington thành một "Paris của nước Mỹ". Để hài hoà, các tòa nhà cao tầng được xây cất bên kia sông Potomac tại Rosslyn, Virginia, không thuộc Washington D.C. Thành phố Washington D. C được chia thành bốn khu định hướng không đồng đều: Tây Bắc (North West: NW); Đông Bắc (NE); Đông Nam (SE); và Tây Nam (SW). Các trục chia cắt khu định hướng tỏa ra từ Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.]Tất cả tên các đường phố đều gồm có tên viết tắt bằng chữ, bằng số tạo ô vuông chỉ vị trí khu vực trong thành phố. Đường nằm theo trục đông-tây sẽ mang chữ (thí dụ như C  Street SW có nghĩa là Đường C, khu Tây Nam) và đường phố nằm theo trục bắc-nam sẽ mang số (thí dụ 4th Street NW có nghĩa là Đường số 4, khu Tây Bắc). Một số đường phố của Washington đặc biệt như Đại lộ Pennsylvania nối Nhà Trắng với Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Washington có trụ sở của nhiều đại sứ quán ngoại quốc, 57 trong số đó nằm trên Đại lộ Massachusetts, gọi là "Embassy Row" – trên đó có treo quốc kỳ các nước. Kiến trúc được ưa thích nhất là Tòa Bạch Ốc, hay Tòa nhà Ronald Reagan (tòa nhà lớn nhất trong đặc khu với tổng diện tích khoảng 288.000 m2)..

Các toà nhà xây dựng tại Washington D.C đều không cao hơn Tòa Quốc hội Hoa Kỳ

Dân số của thành phố trên 50% người Mỹ gốc Phi (nên tỷ lệ tội phạm băng đảng và ma tuý cao), hơn 30% người Mỹ da trắng, gần 8% người nói tiếng Tây Ban Nha (tất cả chủng tộc), 5% là người bản thổ Mỹ, Alaska, Hawaii và người Mỹ gốc đảo Thái Bình Dương, 3% người Mỹ gốc Á. Cũng ước tính có khoảng 74.000 di dân ngoại quốc sống tại Washington, D.C. Nguồn gốc di cư chính là từ El Salvador, Việt Nam và Ethiopia.

GDP của Washington xấp xỉ thu nhập quốc dân của Viêt Nam (93,8 tỉ đô la năm 2007), xếp thứ 35 so với 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, với những ngành công nghiệp phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, tài chính, chính sách công cộng và các cơ sở nghiên cứu khoa học và nổi bật nhất là Đại học George Washington, Đại học Georgetown, Trung tâm Bệnh viện Washington, Đại học Howard, và ngân hàng cho vay Fannie. Cư dân Đặc khu Columbia có thu nhập trên đầu người cao hơn bất cứ 50 tiểu bang nào của Hoa Kỳ (người gốc Ấn Độ có thu nhập cao nhất). Tuy nhiên 19% cư dân sống dưới mức nghèo.

Điểm không thể thiếu trong chuyến du lịch Washington là công viên quốc gia National Mall, Tượng đài Washington, Nhà tưởng niệm Lincoln, Đài tưởng niệm Quốc gia Đệ nhị Thế chiến và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia (National Archives and Records Administration) trong đó có lưu trữ bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, Hiến pháp Hoa Kỳ và Đạo luật nhân quyền Hoa Kỳ. Phía nam khu dạo chơi National Mall là Tidal Basin, một vịnh nước nhân tạo nhỏ với những dãy cây hoa anh đào do Nhật Bản tặng cho thành phố (vào đầu Xuân đến Washington bạn sẽ được hưởng cảnh đẹp tuyệt vời ít thấy). Khu tưởng niệm Franklin Delano Roosevelt, Nhà tưởng niệm Jefferson và Đài tưởng niệm Chiến tranh (có danh sách lính Mỹ chết trận tại Việt Nam), không lúc nào thiếu người đến đặt hoa, chụp ảnh. Bảo tàng có nhiều người thăm viếng nhất trong số các bảo tàng của Viện Smithsonian là Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên nằm trên Khu dạo chơi Quốc gia National Mall. Ngoài ra còn có Bảo tàng Quốc gia Không gian và Hàng không; Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Phi châu; Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Mỹ; Bảo tàng Quốc gia Người bản thổ Mỹ; Phòng triển lãm Arthur M. Sackler và Phòng triển lãm Nghệ thuật Freer (văn hóa và nghệ thuật châu Á). Washing D.C là thế giới của các loại bảo tàng công cộng và tư nhân.

Một điểm nhiều người thăm quan là Nghĩa trang Quốc gia Arlington, nơi có ngôi mộ cựu  TT Kennedy, những người Mỹ chiến đấu cho tự do, độc lập của nước Mỹ từ khi lập quốc.

Arlington National Cemetery

Chúng tôi chứng kiến 4 cuộc biểu tình hoà bình tại Washington: Một người phụ nữ (thay chồng đã chết) suốt ngày đêm ăn ngủ trong lán cắm trước toà Bạch ốc phản đối sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích chiến tranh. Một ông già hàng ngày đứng ở ngã ba giao thông, dương biểu ngữ phản đối lạm dụng tình dục trong nhà thờ, một thanh niên đứng trước dinh tổng thống đòi tăng quyền tham chính cho phụ nữ. Đông nhất là đoàn biểu tình khoảng gần trăm người diễu hành trước cửa Ga xe lửa Washington đòi việc làm. Dân chúng ít người quan tâm, không tụ lại xem gây mất trậ tự, còn chính quyền cũng không can thiệp.

Chúng tôi chứng kiến cảnh ùn tắc ra vào thành phố ngay khi đến cửa ngõ Washington. Người ta nói lưu thông ở đây tồi tệ nhất Hoa Kỳ, mặc dù mỗi chiều có khi có đến 2 đường ô-tô với 3-4 làn xe. Khoảng 40% lao động ra vào thành phố làm việc ở Washington dùng phương tiện công cộng vì không có chỗ đỗ xe cho ô-tô cá nhân, nếu có thì xa trung tâm và chi phí cao (30 USD/ngày). Ngay trong nước Mỹ có nhiều bang là đặc khu kinh tế, ở đấy hàng hoá bán theo giá gốc từ nơi sản xuất, không phải trả thuế và không có thuế giá trị gia tăng (rẻ hơn từ 15-40 %). Anh Nam (hướng dẫn viên du lịch) đưa chúng tôi đến của hàng Costco Bang Maryland mua thuốc, Ipad, Ippon, quần áo mỗi người tính ra tiết kiệm được gần 1000 USD (một lọ thuốc Glucosamine + D3 ở đây chỉ có giá 18 USD, mà ở Washington là 34 USD. Anh Nam nói thường vẫn qua đây mua xăng để giảm chi phí đi lại. Chúng tôi may mắn được Anh Thái Chí Thanh – người đã từng có nhiệm kỳ công tác tại Ba Lan, anh đón chúng tôi tại Trụ sở Sứ quán Việt nam ở Thủ đô Washington D.C. Anh trông vẫn trẻ và có phần khoẻ, béo đẹp hơn so với những ngày ở Ba Lan trước đây. Anh kêu rằng cộng đồng Việt Nam ở Mỹ khá phức tạp. Chỉ có thế hệ trẻ ít quan tâm đến chính trị, ít biết về chiến tranh trước đây nên dễ đồng thuận hơn khi nói về Việt Nam. Họ thuộc thế hệ có trí thức, phần đông được học hành, được đào tạo ở các trường đại học ở Mỹ (gồm cả người Mỹ gốc Việt, người Việt từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có từ Việt Nam).

Những người từng ở BL gặp nhau ở Mỹ

Nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm họ cảm thấy hài lòng về cuộc sống. Thanh niên thường thích được làm việc, được thử sức. Nhiều người trong số đó là những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của mình, đã đem chất xám, tiền của, công nghệ về Việt Nam góp phần phát triển đất nước. Tôi có dịp nói chuyện với anh Giang Công Thế – một cựu LHS Việt Nam ngành toán UW tại Ba Lan những năm 70. Anh làm việc tại World Bank có trụ sở ở Washington D.C. Nghe anh nói chuyện để biết hơn những nhận định của chuyên gia quốc tế: „Việt Nam với con người Việt Nam dù có nhiều phẩm chất tốt đẹp, vẫn có nhiều hạn chế (trình độ dân trí) và tính cách cố hữu (thiếu tự tin), cách tiếp cận thế giới „cưỡi ngựa xem hoa”, cuộc sống nặng về hình thức (làm việc theo cảm tính, thích khoe khoang, lãng phí nhất là thời gian, che dấu sự yếu kém) thật khó có thể thoát ra khỏi danh sách các nước nghèo, đang chịu sự chi phối của các đại cường”. Một sự trùng lặp, mới đầu tuần WB cảnh báo: „Viêt Nam tiến hành cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp hết sức chậm chạp, không có biến chuyển gì tích cực. Trong khi đó, các chính sách của Chính phủ chỉ dừng lại ở giải quyết tình huống, chưa có tầm nhìn”.

Anh G.C.Thế nói chuyện về Việt Nam tại Mỹ

Thế còn nước Mỹ không thể có nhận xét gì, khi thiếu thông tin, thiếu căn cứ (ở Ba Lan có hẳn một Viện nghiên cứu về Mỹ). Những ai đến Mỹ cũng ấn tượng về hệ thống vệ sinh công cộng. Ở đâu cũng có khu vệ sinh đủ rộng, sạch sẽ, thiết bền đẹp và miễn phí. Đường phố, nhà ga, bến tàu, cửa hàng, nhà ăn sạch sẽ, ngăn nắp, an ninh, không chen chúc, xô đẩy, tranh bán, tranh mua, chèo kéo…không để lại ấn tượng khó chịu cho du khách.

Nhân dịp chuyến đi Mỹ tôi có dự một tiệc cưới của một phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc. Có thể khẳng định ở Mỹ mọi dân tộc, mọi quốc tịch đều bình đẳng về luật pháp, nhưng không thể cùng đẳng cấp. Đẳng cấp xã hội tuỳ thuộc rất nhiều vào xuất thân, mối quan hệ, năng lực và nghề nghiệp. Tiệc cưới được tổ chức tại sân vườn của một toà nhà cổ của một Trường Đại học.

Đám cưới tại Mỹ

Không gian yên tĩnh, không khí mát mẻ, trong lành của mùa xuân nước Mỹ quả thích hợp với buổi lễ tân hôn. Họ là những trí thức, xuất thân từ tầng lớp trí thức, làm việc ở thượng tầng kiến trúc. Nhận tham dự tiệc cưới tôi chưa biết sẽ diễn ra như thế nào. Thực tế lễ thành hôn tổ chức đơn giản, ấm cúng và sang trọng. Chỉ có gần 100 người tham dự, gồm những người thân thiết, gần gũi nhất. Chủ hôn là một phụ nữ Mỹ luống tuổi, có nét mặt rạng rỡ, có giọng nói cuốn hút đứng lên tuyên bố lý do. Sau khi bố chú rể dẫn con trai ra sân lễ đường, bố mẹ cô dâu dẫn con gái gửi trao cho chú rể. Phù dâu, phù rể lần lượt đi ra. Chủ hôn đọc tuyên thệ để cô dâu, chú rể trao nhẫn cho nhau và nói lời hứa chung thuỷ, thề cùng nhau vun đắp cho hạnh phúc dài lâu. Họ hàng hai bên chụp ảnh kỷ niệm. Kết thúc nghi lễ chính thức, mọi người đến khán phòng dự tiệc mặn, trước tiên có điểm tâm bánh ngọt, trái quả và các món ăn „nguội”. Đến phần tiệc „nóng”, mọi người lựa chọn món ăn theo sở thích của mình (đặc sản tiệc cưới).

Phù dâu, chủ hôn và cô dâu, chú rể

Ở đây không mời nhau rượu mạnh, chủ yếu là rượu vang. Khán phòng rộng, vừa là tiệc ngồi, có thể là tiệc đứng để khách có điều kiện giao lưu, trao quà kỷ niệm cho đôi trẻ nhân lễ thành hôn. Vui nhất là phần đại diện phù dâu, phù rể giới thiệu một cách „khôi hài, dí dỏm” tiểu sử, tính cách của tân nương và tân giai nhân. Có phát biểu của nhà trai cám ơn khách mời. Dancing và các món ăn nguội là tiết mục nối dài lễ cưới cho đến khi kết thúc (khoảng 1-2 giờ sáng). Có nhiều lý do, một thực tế là đại bộ phận con gái Việt Nam sang Mỹ học thường lấy chồng ngoại quốc là người gốc châu Á? Con trai số đông vẫn lấy vợ gốc Việt?  Đề tài trên mà nhiều cha mẹ có con đang học ở Mỹ (hiện con số này đã xấp xỉ mấy vạn người và vẫn tiếp tục tăng) muốn tìm lời giải. Tôi nghĩ rằng cuộc sống luôn có những biến động, đáp án không bao giờ theo suy nghĩ chủ quan (cảm tính ) của con người? Nước Mỹ có lịch sử mấy trăm năm mà còn rất nhiều điều để khám phá!

Trà Lý

Sửa lần cuối 2013-07-31 02:31:05

Bình luận

Bình luận qua Facebook