Cá tầm là một loại cá có giá trị kinh tế cao, chỉ thích hợp sống trong nguồn nước lạnh, đã được đem đến nuôi ở Sapa lần đầu tiên vào năm 2005. Nhiều người chuyên nuôi trồng về thủy sản những năm 2005 phát hiện Sapa có nguồn nước lạnh rất dồi dào, dòng nước chảy mạnh và sạch, nên đã đem cá tầm đến đây nuôi trồng thử, và ngay bước đầu đã đạt được những thành công ngoài mong đợi. Chính vì vậy, sau đó không lâu, nghề nuôi cá tầm đã nhanh chóng phát triển mạnh ở đây.
Hiện nay có khoảng 30 cơ sở nuôi cá tầm ở Sapa trên 1,7 ha diện tích mặt nước dùng để nuôi cá. Người dân Sapa đã chặn lại những dòng suối lạnh để khoanh vùng nuôi cá này.
Cá tầm Sapa được nuôi trong nguồn nước lạnh thích hợp, lại có dòng chảy mạnh nên thịt cá rất săn chắc, thớ thịt săn, không có mỡ, thịt cá sạch, ăn rất lành. Cá này dùng để nấu lẩu là phù hợp nhất, bởi cho ra nước dùng rất ngọt, đậm đà hương vị.
Ảnh: Internet
Rau ăn kèm nồi lẩu ngon tuyệt này thường được người Sapa chọn loại rau rừng, rau dại mọc quanh bản làng, ngoài nương rẫy, sau vườn nhà như rau cải mèo, đọt su hào, bắp sú, củ su su còn non xanh xắt miếng, vài loại nấm rừng...
Các loại rau ăn kèm lẩu cá tầm
Thêm một đĩa đậu hũ cho nồi lẩu càng ngon ngọt
Bên cạnh nồi lẩu cá tầm Sapa, người ta còn bày thêm đĩa ngô bản chiên giòn, hoặc đĩa khoai bản hấp, nướng... ngọt lịm, đĩa su su luộc còn xanh chấm với muối mè, nhâm nhi trong lúc chờ lẩu sôi, mới thấy niềm vui trong những chuyến khám phá còn đến từ những món ngon của xứ sở nơi ta dừng chân đến và yêu mến.
Nồi lẩu cá tầm nghi ngút khói
Trời Sapa bốn mùa cứ về chiều là se lạnh. Vào mùa đông, đêm xuống sương mù giăng khắp nơi. Khi ấy, được ngồi quây quần bên nồi lẩu cá tầm Sapa bốc khói nghi ngút, gắp từng đũa rau xanh ngát màu núi rừng nhúng vào nồi lẩu, gắp từng lát cá thật tươi nhúng qua cho vừa chín tới rồi ăn kèm với bún hoặc cơm, vừa ăn vừa râm ran trò chuyện. Và chuyến đi khám phá Sapa – Lào Cai vốn đã thú vị dường như lại càng tuyệt vời hơn.
Bình luận