2011-05-24 20:21:30

Lê Long Đĩnh chết vì bệnh trĩ hay bị đầu độc?

Theo sử sách, mùa đông, ngày Tân Hợi tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) Lê Long Đĩnh băng hà - đánh dấu sự kết thúc của triều Tiền Lê, đồng thời làm nảy sinh khá nhiều nghi vấn, mà dường như ẩn sau đó là một cuộc đảo chính cung đình được thực hiện rất hoàn hảo.


Lê Long Đĩnh (986 - 1009) là con trai thứ 5 của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) và mẹ là Chi hậu Diệu Nữ; làm vua được 4 năm thì qua đời. Ông được coi là hoàng đế tàn bạo, hoang dâm nhất; nhắc đến ông người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một hôn quân, bạo chúa. Thế nhưng, lịch sử dường như quá thiên lệch khi chỉ nói nhiều đến tội lỗi và những hành vi càn rỡ, hiếu sát, mà ít nhắc đến công tích của ông.

Chết vì bệnh trĩ?

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua say đắm tửu sắc, phát ra bệnh trĩ”. Theo Đông y, đó là do khí hư bị hãm không lưu thông được nên thành bệnh; còn y học hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh trĩ nhưng dâm dục quá độ không thể là nguyên nhân phát sinh bệnh này được.

Tượng vua Lê Long Đĩnh.

Tuy nhiên, nếu cứ coi Lê Long Đĩnh thực sự bị bệnh trĩ thì bệnh của ông rất nặng, tức xét ở cấp độ là giai đoạn 4, mà biện pháp điều trị là giải phẫu hoặc tiêm thuốc để teo bứu trĩ. Song ngược về 1.000 năm trước thì làm gì có phương pháp điều trị này. Do vậy, vua sẽ rất đau đớn và cấn ở hậu môn, khiến phải nằm, không thể đi đứng, di chuyển, nhất là bệnh trĩ trong giai đoạn diễn tiến cấp tính.

Từ việc nằm để coi chầu nên vua có biệt danh là Ngọa triều (nằm thiết triều). Thế nhưng, chi tiết này lại mâu thuẫn với các cuộc chinh phạt của ông - trong 4 năm tại vị, có 5 lần thân chinh cầm quân ra ngoài đánh giặc. Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, lần đầu năm 1005 dẹp tan bạo loạn giữa các anh em thu phục mọi người. Từ đấy về sau, các Vương và giặc cướp đều hàng phục. Lần thứ hai (1005), khi quan quân đang đánh nhau với người ở trại Phù Lan, chợt thấy trạm báo tin là giặc Cử Long vào cướp, đã đến cửa biễn Thần Đầu (Ninh Bình), vua về đến sông Tham, đi sang Ái Châu để đánh giặc Cử Long.  Lần thứ ba (1008), đánh người Man ở hai châu Đô Lương và Vị Long. Lần thứ tư (1008), đánh giặc ở Hoan châu và châu Thiên Liêu. Lần thứ năm (1009), vào tháng 7, vua đi đánh giặc ở các châu Hoan Đường và Thạch Hà (nay là Nghệ An - Hà Tĩnh).

Theo đó, thời gian của trận chiến cuối cùng mà vua Lê Long Đĩnh tham dự trước khi chết là 3 tháng. Để thực hiện được những cuộc chinh chiến liên miên, lâu dài và thành công như vậy, chắc chắn vua phải có một sức khỏe thật tốt, nên nói vua là kẻ ham mê tửu sắc, đau bệnh trĩ, lâm triều phải nằm là chuyện cần phải xét lại. Chưa kể, nếu ai bị bệnh thì chỉ người đó là biết rõ nhất do không có biểu hiện về mặt bệnh lý ra bên ngoài. Lê Long Đĩnh là vua thì việc biết ông bị bệnh trĩ là điều cực khó. Vậy nên, nguyên nhân bệnh tật biện giải cái chết của vị vua cuối triều Tiền Lê là thật khó thuyết phục.

Hay bị đầu độc?

Về cái chết của vua Lê Long Đĩnh, phần lớn các sách sử chỉ ghi vua mất ở trong cung nhưng không cho biết nguyên nhân. Duy nhất cuốn Đại Việt sử ký tiền biên có những dòng rất đáng chú ý như sau: “Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương, nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó nên sử không được chép”.

Nếu thông tin này đúng sự thật, Lê Long Đĩnh không phải ốm chết mà bị Lý Công Uẩn sai người đầu độc chết. Nguyên nhân là có thể để trả thù cho chủ cũ (thời Lê Trung Tông, Lý Công Uẩn giữ chức Điện tiền quân, lo việc bảo vệ vua và canh giữ hoàng cung), nhưng cũng có thể coi đây là hành vi giết vua cướp ngôi và điều này ít nhiều có căn cứ.

Theo sử sách, Lý Công Uẩn vốn chịu ảnh hưởng của Phật giáo, khi ấy tầng lớp tăng quan có thế lực rất lớn, được tham dự triều chính với các chức đại sư, tăng lục, sùng chân uy nghi… Thiền sư Vạn Hạnh chính là người dọn đường dư luận cho việc lên ngôi của Lý Công Uẩn qua việc lý giải các câu sấm truyền về việc “vua thì non yểu, tôi thì cường thịnh; họ Lê mất thì họ Lý nổi lên”. Ông còn trực tiếp khuyên Lý Công Uẩn lợi dụng binh quyền nắm trong tay để trở thành “người đứng đầu muôn dân”.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thái độ của Lý Công Uẩn như sau: “Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, bảo người anh em đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn. Song từ đấy cũng lấy thế tự phụ, mới nảy lòng ngấp nghé ngôi vua”. Sau khi Lê Long Đĩnh mất, quan chi hậu Đào Cam Mộc, một người đại diện cho lực lượng quân đội cũng khuyên Lý Công Uẩn giành lấy vương vị từ tay họ Lê.

“Công Uẩn nghe thấy Cam Mộc nói thế trong bụng thích nhưng còn ngờ Cam Mộc có mưu kế gì khác, mới giả cách mắng rằng: Sao ông lại nói như thế, tôi phải bắt ông nộp quan. Cam Mộc ung dung bảo Công Uẩn: Tôi thấy việc trời việc người như thế, cho nên tôi nói ra câu ấy, nay ông lại muốn cáo giác tôi, thì tôi không phải là người sợ chết”, Đại Việt sử ký toàn thư viết.

Tuy vờ dọa như vậy nhưng sau đó Lý Công Uẩn đã bộc lộ ý định của mình khi hỏi Đào Cam Mộc: “Tôi đã hiểu rõ ý ông cùng với Vạn Hạnh không khác gì. Nếu thực như lời ấy thì nên tính kế thế nào?”. Như vậy, rõ ràng là Lý Công Uẩn muốn đoạt ngôi vua của họ Lê…

Vĩnh Khang (Đất Việt)

Sửa lần cuối 2012-12-21 12:03:25

Bình luận

Bình luận qua Facebook