2022-02-12 04:38:30

Thuốc disulfiram có thể bảo vệ tổn thương phổi do COVID-19

Các nhà khoa học Mỹ tại Weill Cornell Medicine và Cold Spring Harbor Laboratory đã  nghiên cứu khả năng của thuốc disulfiram trong việc chống lại tổn thương phổi trên cơ sở miễn dịch. Các thử nghiệm đầu tiên được thực hiện với chuột. Kết quả được xác nhận trong hai thí nghiệm riêng biệt: Với động vật bị nhiễm coronavirus SARS-CoV-2 và với động vật bị hội chứng suy phổi gọi là TRALI (tổn thương phổi do truyền máu cấp tính - hiếm gặp nhưng có thể xảy ra sau khi truyền máu).

Cả hai loại tổn thương phổi nói trên một phần đều do các tế bào miễn dịch hình thành cấu trúc giống như mạng lưới gây ra. Chúng được gọi là NET, hoặc mạng lưới bạch cầu trung tính ngoại bào. NET có thể bẫy và tiêu diệt các sinh vật lây nhiễm, nhưng cũng có thể gây hại cho mô phổi và mạch máu, gây tích tụ chất lỏng trong phổi (phù nề) và thúc đẩy hình thành cục máu đông. Disulfiram có thể chặn một giai đoạn hình thành NET.

Disulfiram là gì?

Hợp chất này ban đầu được sử dụng trong sản xuất cao su, và sau đó đã được thử nghiệm như một chất chống ký sinh trùng. Người ta cũng đã tình cờ quan sát và thấy rằng những người uống rượu cảm thấy rất khó chịu mỗi khi họ sử dụng thuốc này. Điều này dẫn đến việc FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) phê duyệt vào năm 1951 như một loại thuốc cai rượu, giúp ngăn chặn việc uống rượu của những người nghiện rượu.

Vào năm 2020, các nhà khoa học phát hiện ra rằng disulfiram gây ức chế một phần  quá trình viêm mà có thể dẫn đến sự hình thành NET của các tế bào bạch cầu được gọi là bạch cầu trung tính. Khám phá này đã thúc đẩy thử nghiệm disulfiram như một liệu trình chặn NET.

(Disulfiram được uống, có dạng viên nén và chỉ được mua theo đơn)

Disulfiram và COVID-19

Sau khi các thí nghiệm xác nhận rằng disulfiram ức chế đáng kể việc sản xuất NET của bạch cầu trung tính ở người và chuột, các nhà khoa học bắt đầu thử nghiệm nó trong điều trị TRALI và COVID-19, hai căn bệnh được biết đến với đặc điểm là xâm nhập của bạch cầu trung tính trong phổi dẫn đến sự hình thành NET và thường là nguyên nhân tổn thương phổi, gây ra tử vong.

Khi thử nghiệm mô hình TRALI, các nhà khoa học đã tiêm disulfiram cho loài gặm nhấm vào ngày hôm trước và tiếp theo là 3 giờ trước khi bệnh phát ra. Thuốc đã cho phép 95% số động vật thử nghiệm sống sót. Để so sánh, trong số những con chuột không được tiêm disulfiram, chỉ có 40% sống sót. Disulfiram rõ ràng bằng cách giảm sự hình thành NET đã ngăn chặn tổn thương của mô phổi và do đó cho phép phổi tương đối nhanh chóng ổn định chức năng và phục hồi.

Disulfiram sau đó đã được thử nghiệm trong điều trị COVID-19. Tiến sĩ Robert Schwartz, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: “Hiện tại chưa có lựa chọn điều trị tốt nào cho các tổn thương phổi liên quan đến COVID-19, vì vậy disulfiram đáng được nghiên cứu thêm, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị COVID-19 nặng”.

Disulfiram có tốt hơn dexamethasone?

Một nghiên cứu ở chuột cho thấy điều trị bằng disulfiram một ngày trước hoặc một ngày sau khi nhiễm SARS-CoV-2 dẫn đến kết quả rất tốt: Ít hình thành NET, ít mô sẹo (xơ hóa) trong phổi và thay đổi hoạt động gen và cho thấy giảm đáng kể phản ứng viêm có hại mà không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch kháng vi rút. Để so sánh, dexamethasone đang được sử dụng để chống COVID-19 có khả năng bảo vệ mô phổi kém hơn và do đó mức SARS-CoV-2 trong phổi cao hơn.

Tiến sĩ Schwartz cho biết: “Tác dụng ức chế mạnh của disulfiram đối với sự hình thành NET và cải thiện kết quả điều trị ở các thử nghiệm với các loài gặm nhấm khác nhau cho thấy tiềm năng sử dụng của nó và giúp cho sự phát triển các chất ức chế trong tương lai để làm giảm hình thành NET trong nhiều loại bệnh”. Ông cũng nói rằng các nhà nghiên cứu khác đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng với disulfiram ở bệnh nhân COVID-19, nhưng kết quả vẫn chưa được công bố.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.medonet.pl/koronawirus-pytania-i-odpowiedzi/leczenie-koronawirusa,ten-lek-moze-chronic-przed-uszkodzeniem-pluc-po-covid-19--jest-stosowany-juz-od-70-lat,artykul,04517864.html)

Sửa lần cuối 2022-02-12 03:38:30

Bình luận

Bình luận qua Facebook