Tôi vẫn còn nhớ rất chính xác rằng, vào những năm 60 của thế kỉ 20, trên các vỉa hè đường phố ở Việt Nam có rất nhiều những tiệm cắt tóc. Thợ cắt tóc sau khi đã húi xong cái đầu bao giờ cũng hỏi khách có lấy ráy tai không. Tôi chỉ một lần yêu cầu và sau đó không bao giờ để họ lấy ráy tai. Không phải vì không tin ông thợ mà là vì tôi rất sợ khi bị đưa vật lạ vào tai của mình. Hiện nay, chắc chắn vẫn còn những hiệu cắt tóc kiêm lấy ráy tai như vậy, nhưng chắc không nhiều và người Việt Nam, nhất là lớp người trẻ hầu như không để ý đến chuyện này nữa.
Tuy nhiên, ở Ấn Độ thì nghề lấy ráy tai vẫn thịnh hành. Trên những vỉa hè của các con phố đông đúc và ồn ào của thành phố, người ta có thể làm mọi việc như sửa xe, ăn tối, đánh giày, cắt tóc và thậm chí là... lấy ráy tai. Những người đàn ông làm nghề lấy ráy tai thường đội chiếc mũ màu đỏ, mang theo một chiếc vali nhỏ, trong đó chứa các dụng cụ để lấy ráy ra khỏi tai. Họ mời chào không chỉ những người dân địa phương mà cả những khách du lịch: "Ông có muốn làm sạch tai không?". Nếu có một khách du lịch người nước ngoài đồng ý, thì sẽ có những người Ấn Độ tò mò, đi ngang qua dừng lại quan sát một cách rất thích thú.
Một khách du lịch tên là Daniel Pinto đã chia sẻ trên mạng xã hội việc lấy ráy tai của mình mà theo anh, đây là một cuộc phiêu lưu đáng nhớ. Đối với những người châu Âu, việc để một người lạ chặn lại trên phố và ngoáy tai giữa vỉa hè luôn được coi là một hành động dũng cảm. Daniel Pinto đã không hề sợ hãi khi người thợ dùng một que có mũi nhọn dài vài cm đưa vào tai. Anh ta tin tưởng vào người thợ, có lẽ đã kiếm tiền hàng chục năm bằng cách lấy ráy tai cho những cư dân thành phố. Anh được biết, ở Ấn Độ, nghề làm sạch tai không phải là mới, nó đã phổ biến từ thế kỷ 18.
Tuy vậy, Pinto cũng không khỏi lo lắng. Mặc dù thấy người thợ tập trung cao độ để làm việc, anh vẫn phải thốt lên: Lạy Chúa tôi, xin ông đừng ngoáy quá sâu!
Những ai đã từng lấy ráy tai đều thấy rằng đây không phải là một điều dễ chịu.
Sau khi đọc những dòng tâm sự này của Pinto, một số người cho rằng anh ta đã bị lừa. Họ nói rằng thợ làm sạch tai chỉ giả vờ để kiếm tiền từ khách du lịch. Bởi vì họ đã biết có trường hợp thợ lấy ra được một lượng lớn ráy từ tai của khách. Trong trường hợp này, thợ thường yêu cầu khách trả thêm phí. Điều đó là do người thợ trong lúc khách không chú ý đã bỏ vào tai của khách những thứ giống như ráy tai, thậm chí cả một viên sỏi để rồi sau đó lấy ra.
Nhưng anh chàng Pinto nói rằng anh chỉ phải ttrả 80 rupee, tương đương 1 đô la Mỹ cho cuộc phiêu lưu này. Anh ấy cho rằng nó đáng giá và nhắn nhủ những ai chưa biết lấy ráy tai là thế nào thì hãy làm ngay một chuyến du lịch đến Ấn Độ, kẻo nay mai chính quyền Ấn Độ làm cuộc cách mang khai thông vỉa hè thì sẽ không còn cơ hội nữa.
Nên chú ý là các bác sĩ đều khuyên không nên sử dụng loại dịch vụ này. Theo các kiến thức cơ bản thì ráy tai không cần lấy ra, bởi vì tai người có khả năng tự đào thải các chất bẩn được hình thành trong tai.
Xuân Nguyên (Theo Gazeta.pl)
Bình luận