2021-11-23 09:50:41

Hai nghiên cứu sinh Vũ Thị Hồng Quân và Vũ Văn Quyền đoạt giải thưởng Tuổi Trẻ Sáng Tạo của Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Ba Lan năm 2021

Với những công trình nghiên cứu xuất sắc về vật lý chất rắn và lý sinh, hai nhà nghiên cứu trẻ Vũ Thị Hồng Quân và Vũ Văn Quyền thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan đã đoạt giải Tuổi Trẻ Sáng Tạo của Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Ba Lan năm 2021. Giải sẽ được trao tại Hội thảo Sinh Viên Việt Nam tại Ba Lan lần thứ 6 tổ chức vào 20-21 tháng 11 năm 2021 tại Krakow và trực tuyến.

Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HKHCN VN) tại Ba Lan được thành lập năm 2019 (tiền thân là Câu Lạc Bộ Lê Quý Đôn) với đội ngũ hội viên đa dạng trong đó có các nhà nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới cùng với đội ngũ nghiên cứu trẻ đầy nhiệt huyết. Hội đã có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển khoa học và công nghệ ở Ba Lan cũng như ở Việt Nam. Để khuyến khích những người Việt trẻ tuổi đang sống và làm việc tại Ba Lan, Hội đã quyết định thành lập giải Tuổi Trẻ Sáng Tạo thường niên tính từ năm 2021.

Năm nay Hội đồng Giải thưởng đã nhận được nhiều hồ sơ chất lượng cao và nói chung các ứng viên đều xứng đáng nhận giải. Nhưng vì số lượng giải có hạn nên sau khi bàn bạc kỹ lường Hội đồng đã quyết định trao giải cho chị Vũ Thị Hồng Quân và anh Vũ Văn Quyền, cả hai là NCS thuộc Viện HLKH BL.

Chị Vũ Thị Hồng Quân, sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kỹ thuật Hóa dược, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHBK TP.HCM), Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2015. Sau đó, chị làm trợ lý nghiên cứu trong nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Lê Thị Kim Phụng tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu RPTC, ĐHBK TP.HCM. Hầu hết các đề tài nghiên cứu tại đây liên quan đến hướng phát triển sản xuất bền vững từ các phế phụ phẩm nông nghiệp như trích xuất các hợp chất tự nhiên, sản xuất biodiesel từ bã cà phê, silica từ tro trấu, sản xuất tinh bột huyền tinh,... Tháng 1/2018, chị bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ ngành Kỹ thuật Hóa học tại ĐHBK TPHCM. Từ tháng 9/2018, chị làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của GS. Przemysław Jacek Dereń tại Viện Nghiên cứu cấu trúc và nhiệt độ thấp, Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan (INTiBS, PAN), Wrocław, Ba Lan.

Do thay đổi hướng nghiên cứu, nên ban đầu chị thực sự đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổng hợp vật liệu quang bằng phương pháp mới - phương pháp đồng kết tủa. Tự biết bản thân còn thiếu nhiều kiến thức về quang phổ, ngoài giờ lên phòng thí nghiệm, chị tự đọc thêm tài liệu để bổ sung những kiến thức liên quan đến chuyên ngành. Sau ba năm theo học, bằng nỗ lực của bản thân, NCS Vũ Thị Hồng Quân đã cùng với nhóm nghiên cứu công bố 12 bài báo, một nửa trong số đó chị là tác giả đầu. Chị cũng vinh dự hai lần được nhận học bổng từ Viện Nghiên cứu Cấu trúc và Nhiệt độ thấp dành cho nghiên cứu sinh có thành tích nổi bật nhất trong các năm học 2019-2020 và 2020-2021.

Hướng nghiên cứu chính của chị hiện nay là nghiên cứu vật liệu perovskite kép pha tạp kim loại đất hiếm cho các ứng dụng cảm biến nhiệt độ và vật liệu phát ánh sáng trắng. Công trình nghiên cứu gần đây nhất của chị được công bố trên Scientific Reports là sự so sánh toàn diện ảnh hưởng của phương pháp tổng hợp đồng kết tủa và phương pháp nung có hỗ trợ nghiền tốc độ cao lên các đặc tính hóa lý, tính chất phát quang của vật liệu perovskite kép Ba2MgWO6. Trong nghiên cứu này, hai phát xạ có nguồn gốc từ hai nhóm tungstate thuận và nghịch trong mẫu được khảo sát, sự phát xạ thay đổi theo nhiệt độ biểu hiện khác nhau trên từng nhóm và trên từng mẫu đã được quan sát, từ đó giả thuyết được xây dựng, được chứng minh và giải thích cho sự khác biệt này thông qua các phân tích đặc tính quang phổ, điều mà chưa nghiên cứu nào đề cập đến. Nghiên cứu này cũng đã chứng minh tầm quan trọng của phương pháp tổng hợp đối với khả năng ứng dụng vật liệu này trong lĩnh vực cảm biến nhiệt độ, cụ thể là khoảng nhiệt độ làm việc và độ nhạy của vật liệu có thể được điều chỉnh bằng việc chọn lựa phương pháp tổng hợp.

Những phút thư giãn của NCS Vũ Thị Hồng Quân.

NCS Vũ Văn Quyền sinh năm 1993 tại Bắc Ninh. Tốt nghiệp đại học chương trình cử nhân khoa học tài năng chuyên ngành vật lý lý thuyết tại Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội năm 2015. Từ năm 2018 đến nay, anh theo học chương trình Tiến sĩ tại Viện vật lý, Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan, Warszawa, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Mai Xuân Lý (Viện Vật lý, Viện HLKH BL) và hợp tác chặt chẽ với giáo sư Edward O’Brien (Đại học bang Pennsylvania, Hoa Kỳ).

Hướng nghiên cứu của anh là vật lý tính toán cho các hệ sinh học, đề tài luận văn tiến sĩ của anh là nghiên cứu quá trình cuốn của protein trong ribosome.

Dưới sự hướng dẫn của các giáo sư và hợp tác với đồng nghiệp, đến nay anh đã xuất bản 3 công trình được công bố trên tạp chí uy tín thế giới. Các công trình của anh chủ yếu tập trung vào các hiện tượng cơ bản của vật lý trong sinh học như tương tác tĩnh điện và tương tác kỵ nước. Sử dụng mô phỏng trên máy tính đã chứng minh được rằng tương tác tĩnh điện quyết định quá trình  protein thoát ra từ ribosome và điều này làm ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp protein. Kết quả thú vị này đã được đăng trong tạp chí uy tín J. Am. Chem. Soc. (chỉ số ảnh hưởng, IF 14.33) và nhóm đã đoạt giải nhất về nghiên cứu khoa học năm 2020 của Viện Vật lý Viện HLKH BL, Warszawa.

Một trong những thành tích khoa học nổi bật là cùng với các cộng sự phát hiện ra rằng tương tác kỵ nước bị làm suy yếu trong ribosome. Trình tự amino acid quyết định cấu hình của protein, và tương tác kỵ nước là tác nhân chính giúp cho protein có thể cuốn về trạng thái tự nhiên. Protein bắt đầu quá trình cuốn khi vẫn còn đang được tổng hợp trong ribosome, khi mà trình tự amino acid của protein vẫn chưa hoàn chỉnh, điều này có thể dẫn đến việc protein bị cuốn sai.  Các quan sát thực nghiệm và tính toán lý thuyết cho thấy khi protein cuốn trong ribosome thường sẽ kém ổn định và chậm hơn so với khi cuốn tự do trong dung môi. Quan sát này cho thấy ribosome không chỉ đóng vai trò tổng hợp protein mà còn giúp làm giảm khả năng cuốn sai bằng cách làm chậm quá trình cuốn cho đến khi protein được tổng hợp hoàn chỉnh. Anh cùng với các cộng sự của mình chứng minh được một trong những cơ chế phân tử của hiện tượng này là do ribosome làm suy yếu tương tác kỵ nước, nguyên nhân sâu xa của việc này là các phân tử nước trật tự hơn khi có mặt ribosome so với trong dung môi thông thường. Kết quả này đã được đăng trong tạp chí Chemical Science (IF 9.346) và là cơ sở để anh nhận được giải thưởng Tuổi Trẻ Sáng Tạo của Hội Khoa học & Công nghệ Việt Nam tại Ba Lan năm 2021.

NCS Vũ Văn Quyền.

Xin nhiệt liệt chúc mừng NCS Vũ Thị Hồng Quân và Vũ Văn Quyền. Hy vọng rằng Giải thưởng Tuổi Trẻ Sáng Tạo sẽ là động lực to lớn thúc đẩy hai nhà nghiên cứu trẻ đạt được những kết quả nghiên cứu xuất sắc hơn nữa trong tương lai.

Chúng tôi trân trọng cám ơn các nhà tài trợ: Hội Người Việt Nam tại BL, Quỹ hỗ Trợ Người Việt Nam Hội Nhập tại BL, Hội Doanh Nghiệp Việt Nam tại BL, Công ty EACC.

Tác giả bài viết: Hội đồng Giải thưởng Tuổi Trẻ Sáng Tạo, Hội KHCN VN tại BL

Nguồn: http://khcn.vnorg.pl/vi/news/Tin-tuc-Su-kien/Hai-nghien-cuu-sinh-Vu-Thi-Hong-Quan-va-Vu-Van-Quyen-doat-giai-thuong-Tuoi-Tre-Sang-Tao-cua-Hoi-Khoa-hoc-va-Cong-nghe-Viet-Nam-tai-Ba-Lan-nam-2021-5136/

Sửa lần cuối 2021-11-23 08:50:41

Bình luận

Bình luận qua Facebook