Ảnh: Biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam tại Mỹ năm 1967. Nguồn: Associated Press.
Trong ký ức của chúng ta, cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam bắt đầu từ thời chính quyền Kennedy. Nhưng thực ra cội nguồn của nó còn xa hơn nhiều, đi ngược về thời kỳ Thế chiến II, và về với cuộc cách mạng Việt Minh của Hồ Chí Minh nhằm chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp.
Là một phần của chính sách rộng lớn hơn – nhưng lại sai lầm – nhằm “ngăn chặn” cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã hỗ trợ người Pháp chống lại Việt Minh do Cộng sản lãnh đạo, chi trả gần 80% chiến phí vào năm 1953. Chiến tranh kết thúc vào năm 1954, và đất nước Việt Nam bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, chờ đợi một kỳ tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong vòng hai năm.
Bước sang thời hậu chiến, chính quyền Eisenhower ủng hộ việc Tổng thống miền Nam Ngô Đình Diệm từ chối tổ chức bầu cử, làm dấy lên một cuộc nổi dậy mới của phe Việt Minh – khi đó đã trở thành Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (hay Việt Cộng). Dần dần, cuộc nổi dậy đã nhận được thêm nhiều hỗ trợ nhân lực và vật lực từ Cộng sản Bắc Việt.
Đối đầu sau đó mở rộng đáng kể trong giai đoạn 1959 – 1963 và sự tham gia của Mỹ cũng mở rộng nhanh không kém. Quyết tâm thống nhất đất nước dưới sự kiểm soát của mình, Bắc Việt tăng cường xâm nhập vào miền Nam, trong khi quân Mặt trận Giải phóng đẩy mạnh các hoạt động quân sự. John F. Kennedy chần chừ trước việc giữ một vai trò lớn hơn ở Việt Nam, nhưng cũng quyết tâm không để “mất” miền Nam vào tay kẻ thù. Ông cho tăng số lượng “cố vấn” lên hơn 16.000 người và bí mật cho phép họ trực tiếp tham gia chiến đấu. Khi hành động đàn áp của Diệm đối với các Phật tử người Việt gây ra một cuộc nổi dậy vào năm 1963, Kennedy đã bật đèn xanh cho một cuộc đảo chính quân sự.
Nhưng nếu Kennedy hy vọng một chế độ mới sẽ mang lại ổn định khu vực thì ông đã lầm. Những thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo ở cả hai phía trong năm đó đã gây ra một sự leo thang mạnh mẽ. Ở miền Bắc, việc Lê Duẩn, một nhà lãnh đạo dân quân gốc miền Nam, lên nắm giữ chức vụ chủ chốt là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đã dẫn đến quyết định đẩy mạnh đấu tranh vũ trang. Cố gắng khai thác tình trạng bất ổn đang lan tràn ở Sài Gòn trước khi người Mỹ có thể can thiệp, Bắc Việt đã tăng cường viện trợ cho Mặt trận Giải phóng và thậm chí còn gửi quân đội của mình đến hỗ trợ lật đổ chính phủ miền Nam.
Thay vì lùi bước, người kế nhiệm Kennedy, Lyndon B. Johnson, đã nhận ra uy tín của nước Mỹ – và của chính ông – đang mong manh ngay tại chiến trường Việt Nam. Nhưng đó là tất cả những gì ông làm. Lo sợ rằng leo thang có thể châm ngòi cho một cuộc chiến lớn hơn và đe dọa chương trình Xã hội Vĩ đại mà ông ấp ủ, Johnson, theo lời chính ông, đã tìm cách “làm vừa đủ, không thái quá,” hy vọng rằng việc ném bom được lên kế hoạch cẩn thận ở miền Bắc và cam kết gửi lính tác chiến đến miền Nam sẽ thuyết phục Hà Nội đàm phán một giải pháp hòa bình “hai nhà nước.”
Cả hai nỗ lực đều đã đạt được mục tiêu trước mắt: quân Mỹ mang lại ổn định chính trị cho miền Nam, đồng thời chiến dịch ném bom của Johnson đã tàn phá miền Bắc. Nhưng dù các lực lượng mặt đất của Mỹ có liên tục tiến hành các chiến dịch tìm diệt, gây ra tổn thất nặng nề, thì kẻ thù khó nắm bắt và kiên cường của họ vẫn khéo léo né tránh đối đầu trực diện và nhanh chóng rút lui về nơi trú ẩn của mình. Đến đầu năm 1967, cuộc chiến rơi vào bế tắc và đẫm máu.
Đối với các nhân vật chủ chốt của hai bên, 1967 là thời điểm của những quyết định quan trọng và bất đồng nội bộ gia tăng. Không nản lòng trước những thất bại trước đó, Lê Duẩn nhấn mạnh rằng mùa xuân năm sau họ phải tiến hành một cuộc tấn công nhằm chấm dứt cuộc chiến. Kế hoạch táo bạo của ông bao gồm một loạt các đợt tấn công ở những vùng xa xôi của miền Nam Việt Nam nhằm phân tán lực lượng Mỹ khỏi các thành phố. Tiếp sau đó là các trận đánh kết hợp cùng quân Giải phóng, nhắm vào khu vực đô thị nhằm kích động các cuộc nổi dậy nhân dân, từ đó làm rung chuyển toàn bộ miền Nam Việt Nam và phá vỡ ý chí của người Mỹ.
Kế hoạch của Lê Duẩn đã vấp phải sự phản đối gay gắt. Các đối thủ, bao gồm cả Tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đều thiên về một chiến lược chiến tranh lâu dài, thận trọng hơn, có thể cho phép phát triển kinh tế ở miền Bắc mà không hoàn toàn bỏ rơi miền Nam. Để trấn áp những người bất đồng chính kiến, Lê Duẩn và các đồng minh của mình, trong suốt năm 1967, đã biến thành một “nhà nước cảnh sát,” sử dụng cáo buộc làm gián điệp để thanh trừng bất kỳ ai đe dọa kế hoạch – cũng như quyền lực của họ. Nhà chức trách cho bắt và bỏ tù hàng trăm người bất đồng chính kiến, thậm chí cả các thành viên của Bộ Chính trị. Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp phải rời khỏi đất nước trong nhiều tháng. Kế hoạch cuối cùng cho cái sẽ trở thành cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân đã được chấp thuận vào đầu năm 1968, ngay trước khi nó được phát động.
Tại Washington, sự thất vọng về cuộc chiến cũng thúc đẩy thảo luận về việc leo thang chiến tranh. Bức xúc vì quân số bị giới hạn, cùng nhiều hạn chế đối với các chiến dịch trên không và trên bộ, vào đầu mùa xuân, nhóm cố vấn quân sự của Tổng thống Johnson, với sự ủng hộ từ các quan chức dân sự chủ chốt, đã lên tiếng thúc giục leo thang ném bom miền Bắc, đánh vào các cảng biển chính của Việt Nam, huy động thêm 200.000 quân cho lực lượng dự bị, đánh chiếm các căn cứ của Cộng sản ở Lào và Campuchia, và thậm chí còn định tiến hành một chiến dịch “móc câu” đổ bộ xuyên qua khu phi quân sự để buộc Bắc Việt phải rút quân ra khỏi miền Nam.
Từ lâu đã vỡ mộng với cuộc chiến và ngày càng nghi ngờ khả năng Mỹ giành chiến thắng, Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara đã phản bác bằng cách đề xuất ngừng ném bom hoàn toàn, hoặc giới hạn vị trí ném bom trong vùng phía bắc của khu phi quân sự. Ông cũng đưa ra mức trần cho số lượng bộ binh và trình bày một chiến lược mặt đất ít tốn kém hơn. Thậm chí, ông còn ám chỉ điều không tưởng: tìm đường thoát khỏi Việt Nam.
Quyết tâm giành chiến thắng, nhưng lại không thể leo thang đủ để gây ra một cuộc chiến lớn hơn, hoặc thực hiện chiến tranh hạt nhân, vị tổng thống bị thất sủng đã giải quyết cuộc tranh luận theo cách vốn là thông lệ của ông. Johnson từ chối cả đề nghị của McNamara lẫn của ban cố vấn quân sự. Ông đã ném cho quân đội “mẫu thức ăn thừa” – một danh sách mục tiêu ném bom mở rộng và bổ sung 55.000 lính bộ binh, nhưng từ chối tấn công các bến cảng của miền Bắc, cũng như từ chối triệu tập lực lượng dự bị hay phê duyệt tấn công đổ bộ.
Các quyết định của Johnson giúp giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh mở rộng. Nhưng tình hình ở Việt Nam đã gần như đảm bảo tình hình sẽ tiếp tục bế tắc – và sẽ khiến dư luận bất bình. Chiến tranh trở lại quyết liệt và dữ dội hơn vào năm 1967.
Tổng thống quyết định tham chiến ở Việt Nam vào năm 1965 với sự ủng hộ rộng rãi nhưng rất hời hợt của người dân Mỹ. Sang mùa hè năm 1967, Mỹ có 448.800 quân đóng tại Việt Nam, yêu cầu nhập ngũ theo nghĩa vụ vượt quá 30.000 người/tháng và có 13.000 lính Mỹ đã thiệt mạng. Tháng 8, Johnson miễn cưỡng thừa nhận sự cần thiết của một khoản tăng thuế bổ sung 10% để tài trợ cho chiến tranh.
Các cuộc thăm dò được thực hiện ngay sau đó chỉ ra rằng lần đầu tiên đa số người Mỹ tin rằng nước này đã sai lầm khi can thiệp vào Việt Nam. Một đa số đáng kể cũng kết luận rằng bất chấp việc chi phí tăng cao, đã không có tiến bộ nào rõ rệt. Đến tháng 10, sự tán thành của công chúng đối với cách thức tiến hành cuộc chiến của Johnson đã giảm mạnh xuống còn 28%.
Tính đến thời điểm đó, chia rẽ giữa người Mỹ về vấn đề Việt Nam đã trở nên hệt như thời Nội chiến từ một thế kỷ trước. Phe chủ chiến trở nên mất kiên nhẫn với các biện pháp nửa vời của Johnson. Tháng 8, nhóm thượng nghị sĩ “diều hâu” đã tìm cách sử dụng phiên điều trần về không kích để lôi kéo sự ủng hộ của công chúng đối với một bước leo thang lớn hơn. Lời chứng hùng hồn của McNamara rằng việc không kích miền Bắc chẳng thể giúp nước Mỹ đạt được các mục tiêu đã khiến Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân phẫn nộ đến mức họ thậm chí dự tính sẽ từ chức ngay lập tức. “Hãy thắng đi, còn không thì biến khỏi đó,” L. Mendel Rivers, hạ nghị sĩ Dân chủ đại diện bang South Carolina, nói với vị tổng chỉ huy.
Phong trào phản chiến đã phát triển gần như cùng tiến độ với cuộc chiến, và vào năm 1967, đã vươn lên thành vấn đề hàng đầu trong cuộc sống của người Mỹ. Nó thu hút những nhân vật mới nổi như Tiến sĩ Martin Luther King Jr. và nhà vô địch quyền anh Muhammad Ali. Trong suốt năm đó, phong trào đã phát động hàng loạt những cuộc biểu tình lớn và rộng khắp. Các phần tử cấp tiến chuyển từ phản đối sang phản kháng, và cố gắng giảm quy mô chiến tranh bằng cách phá hoại hệ thống ghi danh quân dịch.
Sự kiện đỉnh điểm diễn ra vào tháng 10 với một cuộc tụ tập đông đảo ở Washington, sau đó là cuộc tuần hành của khoảng 20.000 người biểu tình tiến vào Lầu Năm Góc – được Norman Mailer ghi lại trong cuốn sách nổi tiếng “Armies of the Night” (Đội quân Bóng đêm). Biểu tình chủ yếu diễn ra trong hòa bình, và theo một cách nào đó có phần kỳ lạ, nhưng nỗ lực của một số người biểu tình nhằm lọt vào tòa nhà và việc họ bị binh sĩ của đơn vị Không vận 82 cưỡng bức giải tán đã làm dấy lên bạo lực.
Cuối năm 1967, chiến tranh đã trở thành biểu tượng rõ ràng nhất cho tình trạng bất ổn đang đeo bám cả nước Mỹ. Biểu tình diễn ra ồn ào trên khắp đường phố, bạo loạn nổ ra ở Detroit và Newark, tỷ lệ tội phạm quốc gia ngày một gia tăng – tất cả cho thấy bạo lực ở nước ngoài đã tạo ra bạo lực ở trong nước. Lo lắng về chiến tranh đã cản trở việc đi đến sự đồng thuận về những gì phải làm. “Tôi muốn thoát ra, nhưng tôi không muốn từ bỏ,” một người đáp lại phóng viên thăm dò ý kiến Samuel Lubell. Nhưng tâm trạng chung của công chúng – mệt mỏi, tức giận và thất vọng – có lẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền còn hơn cả phong trào phản chiến.
Sợ rằng cuộc chiến có thể thất bại ở quê nhà, vào cuối mùa hè năm 1967, Johnson bắt đầu thực hiện các bước để tăng cường sự ủng hộ của công chúng. Ông ra lệnh cho C.I.A. (và do đó vi phạm điều lệ của tổ chức này) tiến hành giám sát các nhà lãnh đạo phản chiến để xác nhận nghi ngờ của ông rằng họ đang bị thao túng bởi chính phủ Cộng sản. Các cơ quan hành pháp đã kiểm tra hồ sơ thuế của những “con chim bồ câu” (chủ hòa) đầu đàn và truy tố một số người trong nhóm ủng hộ trốn thi hành nghĩa vụ quân sự. F.B.I. cũng sử dụng nội gián trong các tổ chức hòa bình, tiến hành nghe lén điện thoại, đột nhập vào nhà ở, văn phòng và thâm nhập vào nhiều nhóm khác nhau.
Nhà Trắng cũng thành lập một tổ chức giả danh tư nhân gồm những công dân ưu tú (có quan hệ mật thiết với chính phủ) để tạo ra “trung tâm im lặng” (silent center) trong chính trị Mỹ. Nhằm chống lại nhận thức về một cuộc chiến đang bế tắc, tổng thống đã tiến hành một chiến dịch chuyên sâu và nhiều mặt để chứng minh rằng Mỹ đang thắng ở miền Nam Việt Nam. Tháng 11, ông đã đưa tư lệnh của mình tại Việt Nam, Tướng William Westmoreland, trở về nhà để trấn an dư luận đang lo lắng. Vị tướng nghiêm nghị tuyên bố: “Chúng ta đã đạt đến thời điểm quan trọng mà hồi kết đã bắt đầu xuất hiện.” Ông cũng ám chỉ rằng việc rút quân có thể bắt đầu trong vòng hai năm.
Chiến dịch thông tin này đã mang lại kết quả ngắn hạn. Thăm dò cho thấy mức độ tán thành quyết định chiến tranh của Johnson đã tăng lên đáng kể; mức độ ủng hộ của người dân đối với ông đã tăng 11 điểm chỉ trong tháng 12. Tuy nhiên, nó cũng tạo tiền đề khiến cả nước phải vỡ mộng khi một kẻ thù được tin là đang suy sụp bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công lớn vào năm 1968.
Chiến sự trên bộ ở miền Nam Việt Nam mạnh dần lên vào cuối mùa thu. Trong kế hoạch của Lê Duẩn, Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng sẽ tấn công các thị trấn Lộc Ninh, Sông Bé gần Sài Gòn và Đăk Tô ở Tây Nguyên. Theo đúng kịch bản mà Hà Nội soạn thảo, Westmoreland đã gửi các phân đội lớn đến những khu vực này, gây thương vong nặng nề và đẩy lực lượng đối phương trở lại căn cứ địa. Nhưng không phải là không có cái giá nào: Đặc biệt, tại Đăk Tô, lính Mỹ đã phải hứng chịu thương vong rất lớn. Westmoreland và Washington hớn hở vì kẻ thù đã sẵn sàng đối đầu trực tiếp, nhưng vẫn còn bối rối trước những ý định lớn hơn của đối phương.
Đến cuối năm, một số cố vấn ôn hòa hơn của Johnson tiếp tục đề nghị ông điều chỉnh chiến lược. “Thời gian là yếu tố quan trọng,” Thứ trưởng Ngoại giao Nicholas deB. Katzenbach cảnh báo, có lẽ xuất phát từ trải nghiệm Đăk Tô. Mượn cách nói ngụ ngôn của Aesop, ông đã hỏi liệu “con rùa của tiến triển ở Việt Nam” có thể “đuổi kịp con thỏ phản chiến ở quê nhà hay không.”
McNamara trước khi từ chức, cùng với nhóm “Các nhà thông thái” (những nhân vật nổi tiếng thỉnh thoảng đưa ra lời khuyên về chính sách đối ngoại của Johnson), đã đề xuất củng cố tinh thần trong nước bằng cách thiết lập mức trần quân số bộ binh triển khai ở Việt Nam, điều chỉnh chiến lược để giảm thương vong của người Mỹ và chuyển gánh nặng của cuộc chiến sang cho miền Nam Việt Nam – mầm mống của chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” sau này. Với mức độ ủng hộ tăng lên, Johnson đồng ý sẽ chỉ xem xét các chiến dịch trên bộ vào một ngày không xác định.
Nhưng trước công chúng, ông vẫn thề sẽ chiến thắng. “Chúng ta sẽ không nhượng bộ,” ông cương quyết. “Chúng ta sẽ không nương tay. Chúng ta sẽ kết thúc bằng một nền hòa bình trong danh dự mà tất cả người Mỹ đều tìm kiếm.” Trong một bữa ăn tối cùng thủ tướng Singapore, ông khẳng định, “Thưa ngài Thủ tướng, ở châu Á các ông có một câu nói thể hiện rất rõ quyết tâm của chúng tôi. Đó là ‘cưỡi trên lưng hổ.’ Các vị đã cưỡi hổ. Chúng tôi cũng sẽ làm thế!”
Trong khi tổng thống còn đang nói thì ở Bắc Việt, Bộ Chính trị – với phiếu trắng của Hồ Chí Minh, đã biểu quyết gửi kế hoạch tổng tấn công Tết Mậu Thân lên ban chấp hành trung ương để phê duyệt lần cuối.
George C. Herring, Giáo sư Danh dự ngành Lịch sử tại Đại học Kentucky, là tác giả cuốn sách “America’s Longest War: The United States and Vietnam, 1950-1975.”
Theo Nghiên cứu quốc tế
Bình luận