Quê Việt - Ông Lê Nhị Hồng sinh năm 1947 tại Gio An, Quảng Trị. Thời học phổ thông, ông học tại các trường Học sinh miền Nam ở Hà Đông. Năm 1965, ông sang Ba Lan du học và tốt nghiệp khoa Điện tử - ĐH Bách khoa Gdansk vào năm 1971.
Trải gần 20 năm công tác tại Viện KHKT Giao thông vận tải Hà Nội, sau đó ông sinh sống và làm việc tại Ba Lan. Năm 1999, khi báo Quê Việt - Tiếng nói của Hội người Việt Nam tại Ba Lan mới ra đời, ông là thư ký tòa soạn.
Từ khoảng 10 năm nay ông lại trở về VN sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Vì mắc bệnh hiểm nghèo, ông đã qua đời cách đây 3 ngày (13-04-2017) tại quê hương Quảng Trị của ông.
Quê Việt xin trân trọng gửi đến bạn đọc bài viết "Ngắn và dài như tia nắng" của nhà thơ Thanh Thảo, đăng trong phần giới thiệu tập thơ "Tia sáng nửa đêm" của nhà thơ Nhị Hồng, và cũng xin được coi đó là nén hương tiễn đưa nhà thơ Nhị Hồng về an giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng.
Nhà thơ Nhị Hồng
*
Ảnh bìa tập thơ "Tia sáng nửa đêm" (NXB Văn học, 2011)
Hiếm tập thơ nào lại khiến tôi xúc động khi đọc như
tập thơ Tia sáng nửa đêm của Nhị Hồng. Bởi tôi không
phải đọc thơ, tôi đang đọc một tâm hồn, đọc những
lời thổ lộ mà hình như tác giả chỉ viết cho riêng
mình. Thơ Nhị Hồng như nhật ký mà không phải nhật ký.
Thơ ấy “ngắn và dài như tia nắng”, ngắn như niềm
vui, và dài như nỗi buồn.
Chợt nhớ, vậy mà đã hơn 50 năm. Ấy là vào khoảng năm 1958- 1959, Nhị Hồng và tôi học cùng trường cấp một, cùng khóa (lớp 4), nhưng khác lớp. Trường chúng tôi học là ngôi trường tranh tre vách đất ở làng Phương Trung thuộc phủ Thanh Oai, tục gọi là làng Chuông - một ngồi làng làm nón nổi tiếng: “Muốn ăn cơm trắng cá trê/ Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Nhưng dạo ấy chúng tôi không phải về làng Chuông mua nón, mà để đi học. Trường học sinh miền Nam số 1. Hồi đó chúng tôi đều còn rất nhỏ, nhưng các công việc lao động hàng ngày đều qua tay, từ gánh nước ăn cho nhà bếp tới đi giúp dân gặt lúa trồng khoai. Và trên cánh đồng mùa phơi ải của làng từng diễn ra những cuộc trận giả, ném đất cục tơi bời của bọn nhỏ chúng tôi. Sống với dân, ăn uống khảm khổ như con em nông dân, với chúng tôi đã là chuyện hàng ngày. Cũng nhờ thế, chúng tôi như hiểu thực tế hơn, dù lúc ấy chúng tôi còn nhơ. Phải nói như thế để nhớ lại những bài tập làm văn lớp 4 của chúng tôi. Nếu bây giờ có những em nhỏ lớp 4 làm văn tả “Nhà em có nuôi một ông nội…”, thì chúng tôi, may quá, chẳng bao giờ viết được như vậy. Nói sòng phẳng, nhiều bài tập làm văn của chúng tôi ngày ấy bây giờ còn mà đọc nghe vẫn được, chững chạc, ý tứ câu cú đàng hoàng. giữa tập thể khối lớp 4, thì Lê Nhị Hồng nổi lên như một học sinh học rất giỏi. các bài tập làm văn của anh thường xuyên được đọc dưới cờ vào mỗi sáng thứ 2. Tôi, học văn cũng kha khá, nhưng thỉnh thoảng mới có bài văn được đọc dưới cờ trước học sinh toàn trường, còn Nhị Hồng thì “liên tục phát triển”. tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi nghe nhiều bài văn của Lê Nhị Hồng, nghe rất thấm, văn viết có cảm xúc, ý tứ dồi dào. Lớp 4 mà viết văn được như thế là giỏi lắm rồi!
Cứ ngỡ rồi sau này Nhị Hồng sẽ theo nhiệp văn chương. Nào ngờ, xa cách bao nhiêu năm tới khi có tin tức về nhau thì mới biết Nhị Hồng đã sang du học Ba Lan, đã thành kỹ sư ngành điện tử, rồi thành một nhà khoa học kỹ thuật, nói như bây giờ là một nhà “kỹ trị”. Nhưng rồi lại nghe, Nhị Hồng chẳng “trị” ai, anh đi làm thơ (tức làm thuê - nói như dân Bình Định), nghĩa là thuộc thành phần bị trị, mang chất xám của mình mà làm thuê từ Việt nam sang Ba Lan, rồi lại từ Ba lan về Việt Nam. mấy mươi năm như thế, cho tới lúc bạc đầu. Một con người quê Quảng Trị, vùng núi Gio An (“Tin thắng trận từ Gio An vọng tới…”), đất khổ đất nghèo nhưng là đất học, lại học hành giỏi giang từ tấm bé, được đào tạo đến nơi đến chốn, cuối cùng chỉ là người làm thơ (làm thuê). Trong khi ối người khác học hành thì lôm côm, tài năng thì bóc mãi chẳng thấy chút vảy, mà lại làm chủ (khỏi cần làm thơ luôn). Đời là vậy!
Nói lan man về bạn mình một chút để nhớ cái “ngày xưa thân ái” đã qua, những có thể nó cũng hé mở phần nào về “nhân thân tác giả” cho những ai đọc thơ Nhị Hồng, một tập thơ “chín muộn”, mà nói như Văn Cao “còn đôi quả sót trên cành”. Bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Nhị Kha đã có dịp chơi với Nhị Hồng, nghe tôi nói Nhị Hồng có tập thơ sắp in, đã không hề ngạc nhiên. Vì theo anh Kha, người như Nhị Hồng “không làm thơ mới là lạ”. và Thụy Kha đã ngồi luôn tại nhà tôi viết một bài tựa ngắn cho tập thơ Nhị Hồng.
Nhị Hồng là người lúc không biết thổ lộ với ai và bằng cách nào thì làm thơ, anh không chuyên chăm chú lắm về kỹ thuật thơ hay thi pháp. Nhưng là người “có văn” nên thơ Nhị Hồng vẫn có nét riêng, là tiếng nói của riêng anh, không lẫn được. mà theo tôi, thơ cũng chỉ cần thế thôi:
Bàn chân chẻ toác luống khoai
Gió Lào hun cháy bờ vai mẹ gầy
Bom Pháp dội, tăng Mỹ cày
Mẹ nuôi bộ đội tháng ngày gian nan
Con về với mẹ - Gio An
Nghe trong hơi gió còn ngàn lời ru
(Mẹ)
Thế có phải là thơ không ạ?
Những bài thơ về mẹ, đặc biệt là những bài thơ về người vợ bạc mệnh đã mất khi còn rất trẻ là những bài thơ hay nhất của Nhị Hồng trong tập thơ này. Các bạn hãy đọc rồi sẽ thấy. Tôi cứ rưng rưng khi đọc những câu thơ:
Chỉ một mình anh ngồi ngắm mặt trời lên
Mặt biển sáng hồng. Anh thấy bóng hình em
Lẫn trong tia sáng và nhìn anh lặng lẽ
Em ơi! Sao chúng mình xa cách nhau đến thế
Ta chỉ còn gặp nhau trong khoảnh khắc ước mơ
Và nỗi xót thương nhau vô hạn vô bờ
(Ru em)
Và:
Nhưng tôi vẫn thăm em, dẫu chỉ có hương và hoa
Em lặng lẽ nằm đây, hai mươi lăm năm rồi đấy
Sao người ta bóc đường tàu điện muộn thế, em ơi
(Trở về)
Nghe như một tiếng kêu thầm
nghẹn ngào của một người đang rối trí. Không phải
người chồng nào cũng có thể ở vậy nuôi con tới hơn
một phần tư thế kỷ, nếu người vợ sớm qua cố của
mình không phải là một người yêu tuyệt vời và duy
nhất. Kỷ niệm về người vợ đã mất trong một tai nạn
giao thông cứ ám ảnh Nhị Hồng tới mấy chục năm, và
còn ám ảnh tới suốt cuộc đời anh. Con người thủy
chung một cách kỳ lạ ấy không thể ngồi để làm thơ,
anh chỉ viết ra những gì cứ nhức nhối trào cuộn trong
lòng mình. và ta gọi đó là thơ:
Trong mơ anh gọi tên em
Giật mình tỉnh giấc sao đêm đầy trời
Sao nào là của em tôi
Sao nào là lẻ loi chính mình?
(Sao đêm)
Một bài thơ lục bát 4 câu, nhưng thực hay và thực cảm động. Thơ luôn dành riêng cho từng người. và khi một người đồng cảm được thơ ấy, nghĩa là thơ ấy sống.
Tôi nhớ có lần Nhị Hồng gọi điện cho tôi, nói tôi gửi cho anh một số bài tôi viết về Văn Cao cho anh đọc. Anh nói mình đang dịch thơ Văn Cao và viết một quyển sách về Văn Cao ra tiếng Ba Lan. Tôi nghe mà mừng quá! Hóa ra, bạn mình còn tình nguyện làm một cầu nối ngôn ngữ cho tác phẩm của một nhà thơ mà tôi yêu mến nhất: Văn Cao.
Có thể, Nhị Hồng vẫn tiếp tục làm thuê, vẫn theo cái nghề mình đã học và đã uẩn súc bao nhiêu năm qua. Nhưng khi Nhị Hồng làm thơ, tôi nghĩ, anh đã thực sự trở về với chính tuổi thơ của mình, Trở về với tình yêu đầu đời duy nhất của mình. Trở về với mẹ mình. Với quê hương Gio An - Quảng Trị của mình. và cùng thơ, anh đồng hành với còn mình, bạn bè mình.
Ảnh bìa 3 tác phẩm của nhà thơ Lê Nhị Hồng:
+ Tiếng đàn đêm (Thơ) - Quê Việt XB - 2003
+ Tự do muôn năm (Tiểu thuyết) - Tác giả: Zbigniew Masternak (Ba Lan), Người dịch: Nhị Hồng, NXB Văn học- 2010
+ Tia sáng nửa đêm (Thơ), NXB Văn học- 2011
Bình luận