Lâm
Quang Mỹ tiêu biểu cho trường hợp hội nhập thành công
vào xã hội mới trong khi không ngừng mang vác trên vai
gánh nặng của quê hương.
Anh viết thơ ngắn, chỉ thỉnh thoảng mới có bài dài, về nhiều chủ đề khác nhau, từ tình yêu đến lòng nhớ nhà, trách nhiệm xã hội. Thơ tự do của anh không đi quá xa quy luật vần điệu cổ điển. Bài thơ có niềm ngạc nhiên, sự vui thú đời thường được chọn lọc cẩn thận, giữa những hình ảnh được dựng nên bởi ngôn ngữ trong sáng. Anh làm việc và sống lâu ở Ba Lan, sinh hoạt trong môi trường văn học của quốc gia định cư, vì vậy không ít thì nhiều thơ châu Âu, thơ Ba Lan đã ảnh hưởng đến anh. Đó là loại ngôn ngữ trữ tình, tình cảm, giàu yếu tố tâm linh. Nhờ thế, thơ anh dễ hiểu và có thể làm rung động người đọc; đôi khi có tính hài hước và châm biếm, mặc dù đó không phải là đặc tính chủ yếu. Anh tìm thấy sự tương thông và tiếng dội xuyên qua biên giới của các nền văn hóa. Anh quan tâm đến số phận, những xung đột, những bi kịch, và sự thăng hoa trong đời sống. Nhiều bài thơ có âm hưởng như bài hát hay vở kịch nhỏ. Anh diễn tả trong thơ những mối quan tâm sống động, tình yêu, sự cầu nguyện, như một người tin rằng thơ có thông điệp.
Nhà thơ Lâm Quang Mỹ nhận hoa từ các cháu nhỏ trong đêm thơ của ông tại Warszawa.
Cũng như đời sống của một người lưu vong chia đôi giữa đất nước nguồn cội và quê hương thứ hai, giữa quá khứ và hiện tại, giữa khổ đau thân mật và hạnh phúc xa lạ, thơ Lâm Quang Mỹ bộc lộ nỗi xao xuyến không bao giờ rời bỏ anh giữa hình thức và nội dung, giữa ngôn ngữ và nhạc điệu, giữa lòng tin yêu cuộc sống và những buồn bã lo âu nén lại. Đọc Lâm Quang Mỹ, cần đọc chậm, sống trong những bối cảnh của bài thơ, lúc ấy bạn sẽ nghe được những câu chuyện.
Lâm Quang Mỹ là một trong những tiếng nói của trí thức người Việt Đông Âu quan tâm đến tình hình đất nước và là một người hoạt động văn học sôi nổi trên quê hương thứ hai.
Trên trang mạng của mình, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bạn thân và đồng hương của Lâm Quang Mỹ, gọi đùa anh là “ngài đại sứ văn học của Việt Nam tại Ba Lan”.
Văn Việt trân trọng giới thiệu.
( VĂN VIỆT vì một nền Văn học Việt Nam tự do, nhân bản 2016)
Bình luận