2017-03-24 13:20:27

Đôi điều về nhà văn, dịch giả, nhà thơ Nguyễn Chí Thuật

Nguyễn Chí Thuật sang Ba Lan học đại học năm 1970, sau khi tốt nghiệp đã về công tác tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội từ năm 1977. Năm 1986 anh được cử sang Nông Pênh dạy tiếng Việt cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế Campuchia để họ có thể trực tiếp học các môn chuyên môn từ các giảng viên Việt Nam. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 anh sang lại Ba Lan làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ về lĩnh vực văn học. Từ năm 2005 anh được mời làm giáo sư thỉnh giảng môn tiếng Việt tại Viện Ngôn ngữ học, trường Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewcz ở Poznan. Ngày 30 tháng 1 năm 2017 vừa qua Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Poznan đã ký quyết định thành lập Bộ môn Nghiên cứu Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam đặt tại Viện Ngôn ngữ học, khoa Ngữ văn mới của trường. Đây là quyết định  có ý nghĩa lớn lao đối với việc đào tạo tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa Việt Nam tại Ba Lan. Cùng với GS.TS Lê Đình Tư, GS.TS Nguyễn Chí Thuật là người có công đầu trong việc xây dựng nền móng của bộ môn này.

Song trong bài này tôi muốn nói về vai trò khác của anh, đó là vai trò nhà văn. Có thể nói anh là người duy nhất trong số các dịch giả làm việc trong nghề, là nhà nghiên cứu văn học Ba Lan và là người có nhiều bài viết giới thiệu về văn học Ba Lan trên các tạp chi văn học, văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Nguyễn Chí Thuật là cây cầu nối nền văn học của hai nước Việt Nam và Ba Lan theo đúng nghĩa của nó. Anh đồng thời cũng là nhà thơ sáng tác bằng tiếng Ba Lan và đến nay đã cho in 2 tập: Từ sông Hồng đến sông Visla và Varta (2011), và Theo dòng sông Varta (2016). Nguyễn Chí Thuật đã dịch: Chết giữa tam giác những sai lầm, K. Kożniewski, NXB Hà Nội (1988), Hạnh phúc mong manh, tập truyện ngắn của nhiều tác giả, NXB Thanh Niên (2001), Trò chơi phá vòng vây, tập truyện ngắn, NXB QĐND (2002), Nghệ sĩ dương cầm hồi ức của W. Szpilman NXB Hà Nội (2003), Ngày tình nhân cuối cùng (in chung với Nguyễn Thị Thanh Thư), tập truyện ngắn, NXB Trẻ (2012). Anh là người đã nghiên cứu và có bài viết giới thiệu về đại thi hào Adam Mickiewicz và chủ nghĩa lãng mạn Ba Lan trong tạp chí Văn học nước ngoài số 6 năm 1998. Nguyễn Chí Thuật cũng là người đã dịch và giới thiệu về nhà văn Ba Lan chuyên viết phóng sự Ryszard Kapuścinski trên tạp chí văn học Việt Nam số 6 năm 2013. Mùa Thu năm 2015 NXB Phụ nữ đã in cuốn Bố, Các cô ấy và tôi của Manula Kalicka do anh dịch. Năm 2016 anh còn cho in tại NXB Kim Đồng tập truyện tranh Cuộc phiêu lưu của Dê con Matô. Tác phẩm có giá trị nhất của dịch giả Nguyễn Chí Thuật là bộ tiểu thuyết đồ sộ Búp bê của Bolesław Prus, dày 1230 trang, sau nhiều năm chờ đợi, năm 2016 vừa qua NXB Phụ nữ đã xuất bản tại Hà Nội.

Đối với tôi Nguyễn Chí Thuật là một người khiêm nhường, kín đáo, tế nhị và vô cùng đa cảm. Nguyễn Chí Thuật là một trong số rất ít người có thể nói và viết thành thạo cả hai thứ tiếng Việt Nam và Ba Lan. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tư cách dịch giả, thơ đối với anh là một cái gì đó cao sang, cuốn hút, nhưng có lẽ trước đây anh chưa dám nghĩ mình là thi sĩ. Danh hiệu Nhà thơ đối với anh là một cái gì đó cao quý, là ước mơ, là khát vọng luôn ẩn kín trong sâu thẳm tâm hồn và có lẽ anh không ngờ mình lại được tôn vinh là Nhà thơ ngay tại quê hương nhạc và thơ của Fryderyk Chopin và Adam Mickiewicz.

Anh là người Việt hiếm hoi tư duy, sáng tác bằng chính ngôn ngữ Ba Lan, theo cách Ba Lan.  

Tôi đã được đọc những bài thơ trong tập Từ sông Hồng đến sông Visla và Varta của anh từ năm 2011. Đó là tập thơ đầu tay của anh. Tập thơ viết về đất nước Việt Nam và Ba Lan, về những tình cảm nhớ thương dành cho người vợ và cô con gái „rượu” đang sống trong xa cách. Tuy tập thơ khá mỏng, khiêm tốn với khoảng hai chục bài, không dùng những từ ngữ „đao to búa lớn”, không ồn ào mãnh liệt, nhưng đã để lại nhiều ấn tượng khó quên, bởi sự dịu dàng, kín đáo, bởi những tình cảm sâu lắng, riêng tư, chân thật, ngọt ngào.

Tôi rất thích những bài thơ do anh công bố trên Quê Việt năm 2011 sau đây:

 

EM VÀ VÌ SAO ĐÊM

Sao đêm tít tận trời xanh

Vì anh nhìn thấy nên thành gần thôi

Em gần hơn ngôi sao trời

Bởi anh không gặp thành vời vợi xa.

 

MƯA Ở NÔNG PÊNH 

Anh đứng bên cửa sổ

Ngắm Nông Pênh trong mưa

Bỗng từ đâu ngọn gió

Đến lay những thân dừa.

Mưa càng thêm nặng hạt

Anh thấy mình ngẩn ngơ

Có cái gì ào ạt

Dâng lòng anh bất ngờ.

Anh chợt hiểu ra rồi

Phải chăng em – nỗi nhớ

Ở đằng kia chân trời

Mưa cũng giăng cửa sổ.

 

QUÀ CHO CON

(Tặng con gái)

Ngày ấy con chào đời

Mái tranh và vách đất

Những câu mẹ ru hời

Tám mét nhà nén chặt.

Năm nay con lên mười

Nhà thơm mùi vôi cát

Mênh mang tiếng con cười

Mênh mang lời con hát. 

Món quà này cho con

Cũng là quà tặng mẹ

Một mơ ước cỏn con

Mỏi mòn hai thế hệ.

Chẳng cần nói chi nhiều

Con lớn lên con rõ:

Chút hạnh phút sớm chiều

Bao nhiêu mồ hôi đổ.

Tập thơ Theo dòng sông Varta của Nguyễn Chí Thuật đã được trao giải thưởng của cuộc thi thơ Ba Lan năm 2016. Thành thật chúc mừng nhà văn, dịch giả, nhà thơ Nguyễn Chí Thuật và hy vọng anh tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp văn chương, đặc biệt trên cương vị cây cầu nối nền văn học Ba Lan - Việt Nam. 

 Nguyễn Văn Thái

Sửa lần cuối 2017-03-24 12:20:27

Bình luận

Bình luận qua Facebook