2015-04-05 07:45:21

Wielkanoc- Lễ phục sinh ở Ba Lan năm 2015

                           

       Năm nay lễ Phục sinh vào tối chủ nhật( 5/4/2015). Cũng như thông lệ hàng năm, Wielkanoc luôn chọn vào đêm chủ nhật, sang tận rạng sáng thứ 2, của tháng 4( hoặc tháng 3) sao cho đêm đấy gần nhất với trăng tròn trong tháng. Vì lý do này, không có một ngày cố định trong năm  quy định cho lễ Phục sinh, điều này khác với lễ Giáng sinh hàng năm là ngày 24/12. Tuỳ tình hình thời tiết, có năm lễ diễn ra trong bầu trời tuyết phủ dày đặc, có năm ấm áp với ánh nắng chan hoà. Nhưng dân bản xứ không vì vậy thay đổi nghi thức trong mấy ngày lễ.  

      Thường lệ, từ chiều thứ 6, những người đi làm xa quê đã sắp xếp công việc để về nhà. Thứ 7 đi lễ nhà thờ với giỏ trứng đã luộc chín và tự tay các thành viên trong gia đình trang trí các hoa văn rất đẹp mắt, ý nghĩa cho việc sinh sôi nảy nở. Nhìn các gia đình ăn mặc lịch sự, tay dắt con và xách giỏ trong đấy có những quả trứng, ít bánh mỳ hoặc có thêm những bánh sokola được làm thành hình các quả trứng, các con vật xinh xắn ngộ nghĩnh. Nhìn các ông bà già khoác tay nhau chậm rãi trên đường với giỏ trứng phủ khăn thêu rất đẹp. Một trong những hình ảnh quen thuộc của các gia đình theo Thiên Chúa Giáo! Họ mang trứng và các vật dùng trong ngày lễ đến nhà thờ, với mục đích nhận phước lành, niềm hạnh phúc và ước nguyện con cháu đông vui. Cha xứ sau buổi giảng và cầu nguyện lần lượt ban phép Thánh vào giỏ đựng lễ vật, mọi người cảm ơn và vui vẻ mang về cùng chia cho nhau, cầu mọi điều tốt lành cho nhau. Chủ nhật cả gia đình lại đi lễ và tham gia các nghi lễ rước ảnh Chúa chịu nạn. Có khi họ diễu hành trên các phố sau đấy về nhà thờ hoặc các điểm quy định để làm lễ. Tối chủ nhật, họ ngồi quây quần cùng nhau, ăn uống, chuyện trò và đi tiếp nhà thờ. Các bài Thánh ca, các thủ tục mang tính tôn nghiêm diễn ra tuần tự và tạo nên thói quen từ bé của các con chiên. Sáng thứ 2, ngày Chúa tái thế, phong tục xưa cho rằng những ai được nhận những bát nước trong sạch với câu chúc mừng sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Ngày nay có thể việc dội nước vào người khác trong cái lạnh của thời tiết sẽ không còn được ủng hộ, nhưng thứ 2 ra đường mọi người đều cẩn thận hoặc cảnh cáo bọn trẻ từ xa. Nếu không cẩn thận, nhiều khi trên các con đường làng, đường phố sẽ có lũ trẻ với những xô nước, khách sẽ bị ướt vì những ca nước mang ý nghĩa chúc phúc.  Điều lý giải tại sao với dân số hơn 37 triệu người mà có hơn 90% dân số theo đạo thiên Chúa! 

       Ở các vùng xa thành phố, ngày lễ này là dịp để dân chúng tổ chức lễ hoá trang( trang phục truyền thống xa xưa với váy áo nhiều màu sắc). Những món ăn đặc sản, những hình thức lễ hội vui nhộn với sự tham gia của các nghệ sỹ bình dân. Một ngày để những người lao động được rước các lễ vật đi quanh làng, chào hỏi nhau và nghiêng mình trước ảnh Chúa. Trên đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Giờ đây, với họ sự bình yên, lòng mộ đạo là những đức tính tạo nên một dân tộc hiền hoà, hiếu khách và đáng yêu!

      Phục sinh, có nghĩa là sự sống lại sau khi chết. Truyền thuyết trong Kito giáo cho rằng, chính vào đêm rạng sáng của một ngày tháng 4 khi trăng tròn, từ trong hang đá, Chúa đã tỉnh dậy và bước ra ngoài. Vì thế khi các con chiên, như thường lệ sáng vào hang đá chỉ thấy còn lại tấm vải xô, được dùng để quấn quanh người Ngài khi tẩm liệm. Tấm vải xô vẫn còn những vết máu khô đọng lại được lưu giữ đến tận ngày nay!- Ngài đã vi hành trên nhân gian, Ngài đã trở thành đấng cứu thế của nhân loại kể từ khi còn sống và khi Ngài đã chết! Những con chiên ngoan đạo luôn cho rằng Chúa luôn hiện diện quanh mình. Chúa mang lại những điều may mắn và dạy cho con người làm những điều nhân ái. Và cũng vì lý do này, Chúa không bao giờ mất trong đức tin của họ. Ngày Chúa sống lại là một trong những ngày lễ lớn của đạo Thiên Chúa.  

       Không phải ngẫu nhiên ngày lễ này rơi vào mùa xuân hàng năm. Có thể từ xa xưa, ý nghĩ phục sinh bao gồm cả sự sinh sôi nảy nở của muôn loài trên trái đất. Ngày cây cối ở những vùng lạnh giá, sau cả mấy tháng tuyết rơi, băng phủ, cây cối hầu hết rụng lá chỉ trơ lại những thân cây và cành khẳng khiu, đơn độc giữa bầu trời u ám. Muông thú hoặc trú ẩn về miền nóng ấm, hoặc chui rúc vào hang hạn chế xuất hiện ở ngoài nếu không vì miếng ăn...Bỗng tất cả như sống lại khi xuân đến. Cây tranh thủ đâm chồi, ra lá. Có những cây nhỏ mọc ven đường, chúng tranh thủ ra hoa rực rỡ trước khi chồi xanh, lá biếc che phủ cành cây. Vì rằng mùa sinh sôi duy trì nòi giống của nó bị hạn chế bởi khí hậu ôn đới, chúng gấp gáp thời gian để có thể kết trái cho vụ sau. Ở Balan, những hành rào cây màu vàng rực trông xa như bức tranh tuyệt đẹp chính là mùa hoa trước mùa lá của loại cây này.  

     Năm nay, thời tiết không quá lạnh. Thi thoảng có ánh nắng mặt trời chiếu sáng. Những đám mây đen và gió lạnh vẫn luôn xuất hiện, thậm chí tạo nên mưa tuyết. Đường phố mấy ngày lễ vắng vẻ. Đâu đây, những chú chim bay lượn và một vài loài cây đang đâm chồi. Lễ Phục sinh vì vậy thêm phần tĩnh lặng. Ngoài phố, trong công viên, ven những đường mòn nhỏ nổi lên những khóm cây vàng rực. Đấy là giống cây ra hoa, kết trái rồi mới nẩy lộc, xanh lá. Nét đặc thù của mùa lễ Wielkanoc. Nhà mình không theo đạo Thiên Chúa, vì vậy nghỉ lễ theo phong tục của dân Balan. Cũng như những gia đình khác, dịp này người nhập cư thường tranh thủ đi du lịch mọi nơi, hoặc tổ chức ăn uống gặp mặt nhau. Trong các cuộc vui, cứ mỗi năm gia đình nào cũng có thêm thành viên mới. Là những dâu rể, là những đứa cháu nội, ngoại đáng yêu... Sự hồi sinh của Chúa, cũng giống sự sinh sôi số lượng của mỗi gia đình. Là sự sống trên trái đất. Nhìn vào món quà được tặng nhân dịp lễ, mình chợt nhận ra: Người làm ra nó với dụng ý mang đến sự sống lành mạnh, tự nhiên. Trong hình ảnh tĩnh của những con thú( chim, gà, và những quả trứng như vô tình bị đẻ rơi đâu đó...), là hình ảnh sống động của cây, cỏ. Chúng là cây tự nhiên, bởi chỉ qua một đêm, những bông hoa màu vàng đã bật tung khỏi thân cây, nở rộ đẹp đến ngỡ ngàng. Những cành cây được tưới nước nhú hàng loạt mầm xanh. Một sự sống của thiên nhiên đang trỗi dậy chính trong căn phòng, với những thay đổi nhìn thấy hàng ngày... Ngày lễ Phục sinh, vì thế không hề phân biệt tôn giáo. Miễn sao từ đáy lòng mình, từ bản thân mình nhận ra được cuộc sống luôn biến đổi xung quanh ta. Nếu ta cảm nhận được và đón nhận được, ta sẽ thấy chẳng có gì mất đi. Đúng nghĩa là nó đang chuyển từ dạng này, sang dạng khác... 

 Chúc mọi người có những ngày nghỉ lễ Wielkanoc thật vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc. 

       Warszawa 04/4/2015

            Nguyễn Mai Lê

Sửa lần cuối 2015-04-05 05:46:34

Bình luận

Bình luận qua Facebook