2021-05-18 08:08:45

Ký ức tháng 5

“Bao giờ cho tới tháng 5

mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao

quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...”

( Nguyễn Duy)

Quê tôi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, nơi có con sông La Giang trong xanh, hiền hoà. Một làng quê nghèo như bao làng quê khác. Thế hệ của chúng tôi hồi đó, chưa có biết đến điện thoại, Internet. Chưa hình dung rồi sẽ có những bộ phim như The Lion King, Harry Potter...mà tụi trẻ con của chúng tôi bây giờ vẫn thường hay xem. Những ký ức tuổi thơ với bao nhiêu kỷ niệm êm điềm, đẹp đẽ còn mãi trong tâm trí tôi.

Ngày đó...

Tháng 5 về, lũ trẻ chúng tôi, buổi trưa thường rủ nhau ra sông La Giang đi bơi, có khi lội qua bãi bồi hái trộm những trái dưa hồng, dưa hấu, hay chơi trận giả ở trên bờ đê.

Nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà thơ đã sáng tác những tác phẩm rất hay về dòng sông La Giang này! Bài hát mà người dân quê tôi, ai cũng biết “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La...”

Tháng 5, đó là mùa hến ở quê tôi. Có những lúc được theo cha trên chiếc đò nhỏ đi cào hến. Thật tuyệt vời, buổi trưa hè, được ăn cơm với tô canh hến ngọt lịm, nấu với các loại rau. Tiếng rao” Ai ăn hến không?”, vẫn ngọt ngào theo tôi đến tận hôm nay!



Tháng 5, bắt đầu cho những bản giao hưởng của ve sầu, rồi những cơn mưa dông đầu mùa, chợt đến rồi lại đi nhanh. Những cánh đồng hoa sen hồng, với mùi hương thơm dìu dịu, thanh khiết.

Tháng 5, với tôi đó mùa hoa phượng đỏ thắm, hoa điệp vàng, bằng lăng tím và cả sự ngọt ngào của mối tình đầu đầu...những kỷ niệm đẹp, đằm thắm rong ruổi theo tôi cho đến tận bây giờ.

Học xong cấp 3, vào đại học. Ra trường lúc chưa xin được việc làm, bạn bè trang lứa cùng quê rủ đi sang Ba Lan. Những ngày đầu đến Ba Lan, làm việc từ sáng đến tối trên chợ Sân Vận Động ( Warszawa). Tuy rất vất vả, khó nhọc , nhưng nhờ đó tôi đã trưởng thành hơn, trường đời đã dạy cho tôi thêm nhiều kỹ năng sống, mà trong sách vở tôi chưa được học bao giờ. Chỉ một năm tôi chịu khó vất vả lao động , tôi đã trả xong nợ nần vay mượn của bạn bè và còn gửi được ít tiền về giúp gia đình. Sau 3 năm tiếp theo niềm vui tiếp nữa đến, là tôi cưới được vợ, cô bạn gái cùng quê. Nhà cô ấy ở phía bên kia sông La Giang, đối diện với nhà tôi, chỉ cần đứng ở bên này gọi lớn” Đò ơi” thì bên kia cũng đã nghe thấy rồi.

Những năm trước, khi chưa có đại dịch Covid-19 vợ chồng con cái chúng tôi, nhân vào dịp nghỉ hè, thỉnh thoảng lại đưa nhau cùng về thăm quê. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại lững thững trèo lên bờ đê sông La Giang, có khi cứ vậy ngồi rất lâu...vợ đi tìm, gọi mãi mới chịu về!

Tháng 5 Ba Lan...

Tháng 5 ở Ba Lan, có lẽ là tháng đẹp nhất trong năm, khí hậu vô cùng dễ chịu, thời tiết đẹp, muôn hoa khoe sắc vàng trong nắng ấm. Đây là thời điểm muôn cây và hoa đang bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, chuyển mình sau khoảng thời gian dài ngủ đông.

Đó là những cánh đồng hoa cải vàng, hoa tulip, hoa đỗ quyên, hoa thủy tiên...Nhưng tôi yêu nhất là cây hoa mận( Śliwka) trước nhà, loại hoa này nở ra một thời gian ngắn, khoảng 7-15 ngày rất đẹp, rồi biến mất cho đến mùa xuân năm sau.

Sáng nay lúc tỉnh dậy, ra trước nhà, tôi bần thần nhận thấy hoa cây mận đã rụng hết tự lúc nào! Những cánh hoa rụng xuống, chồng lên nhau, nhưng vẫn còn tươi hồng, phủ đầy cả một gốc cây. Tôi bỗng nhận ra một điều, cuộc đời này thật ngắn ngủi, những điều đẹp đẽ nhất đến rồi đi cũng thật nhanh!


Tháng 5 ở Ba Lan, những ngày cuối tuần bạn có thể ra hồ câu cá, cùng bạn bè nướng thịt, ngắm nhìn các thiên nga trắng, hay các đàn vịt nước, đủ các màu sắc đang bơi lội trên hồ. Tôi chắc chắn đó là một trong những cách thư dãn tốt, để ta tìm lại sự tĩnh tâm, bình yên sau những ngày làm việc vất vả.

Tôi kể cho bạn câu chuyện, Adam người Ba Lan, khách hàng cũng là người bạn của tôi. Mấy năm trước đây nhân mấy ngày lễ cuối tuần vào đầu tháng 5 ở Ba Lan( Majówka), nó rủ tôi về nhà nó dưới tỉnh chơi. Điều tôi ấn tượng nhất là xung quanh nhà Adam có rất nhiều cây sồi sum suê. Trên các cây đó có các tổ chim cò trắng( Bociany). Loài chim có đôi chân dài, mỏ đỏ. Bộ lông cò chủ yếu là màu trắng, với màu đen trên đôi cánh và đuôi. Đó là loài chim hàng năm luôn làm cuộc đi cư giữa châu Phi và châu Âu. Mùa đông ở châu Phi, sang xuân ấm áp chúng lại quay về châu Âu kiếm ăn, sinh nở. Điều đặc biệt là, từng đôi chúng luôn trung thành với địa điểm làm tổ trước đây của mình. Mùa đông qua đi, mùa xuân cũng đôi chim ấy tìm về đúng chỗ cũ của mình.

Nếu bạn muốn quan sát tổ chim cò trắng trực tiếp, hãy gõ vào google:” Bociany-online.pl”. Ở Ba Lan, có một số người đã gắn camera ngay trên ổ cò, để họ quan sát, hoặc cho mọi người, ai cũng có thể xem trực tiếp miễn phí. Ta có thể quan sát được cảnh tượng, cò bố mẹ nhả thức ăn trong miệng vừa kiếm được, rồi bón cho cò con trong tổ của chúng. Có những cảnh tượng rất hay và thú vị, đó là lúc cò bố mẹ tập bay cho con của mình trên những cây sồi.

Tôi ngẫm nghĩ, phải chăng thân phận của tôi, bạn và tất cả chúng ta ở đây, trên đất nước Ba Lan này, cũng như thân phận của những con cò trắng kia? Cũng lặn lội, tha hương để mưu sinh. Nhớ về lời ru của Mẹ tôi thuở nào: “À ơi...! Con cò mà đi ăn đêm...” nói về sự chịu thương chịu khó của người dân quê tôi, luôn khao khát có một cuộc sống tươi đẹp ở tương lai, nhưng nếu không may có gặp nạn mà phải chết, thì thà chết trong “ nước trong”, chứ không bao giờ trong “ nước đục”.

Sáng nay, Adam gọi điện hỏi thăm tôi, báo tin rằng, thấy cò trắng cắp con bay qua nhà nó. Người Ba Lan coi đó là điềm may mắn! Tôi cũng tin là vậy, bởi đến ngày hôm nay ở Ba Lan số người bị nhiễm Covid-19 đã giảm đi đáng kể , có thời điểm số người bị nhiễm lên tới 30.000 người trong một ngày, hôm nay chỉ không tới 3000 nghìn người. Do người dân ở mọi lứa tuổi khác nhau đã được tiêm chủng vắc-xin. Nhiều người Việt Nam cũng đã được tiêm chủng tại phòng y tế Lotus của cộng đồng, trong đó có cả tôi . Tin vui tiếp, cuối tháng 5 này, nhà nước sẽ nới lỏng một số hạn chế qui định trước đây, đó là cho phép các nhà hàng, rạp chiếu phim, hồ bơi...trở lại hoạt động.

Trong tháng 5 này, tại quê nhà dịch Covid-19 lại bùng phát. Nhưng một tôi tin tưởng một điều, trong khi đang chờ vắc-xin từ chính phủ và chính trong những lúc khó khăn nhất, người dân quê tôi luôn biết tự điều tiết cho mình một loại vắc-xin, chính từ trong tế bào cơ thể của họ, mà không thể có bất kỳ hãng dược nào trên thế giới sản xuất được loại vắc-xin đó!

Và cũng như những con cò trắng kia, chúng tôi luôn trung thành với nơi đất tổ mình, thầm cầu mong ở quê nhà sớm qua được đại dịch Covid-19, để chúng tôi sớm lại trở về với dòng sông La Giang yêu dấu!

Warszawa, tháng 5/2021

Nguyễn Hồng Lĩnh

Sửa lần cuối 2021-05-18 06:12:34

Bình luận

Bình luận qua Facebook