2016-10-17 06:13:33

"Bầu ơi thương lấy bí cùng"


     Đêm hôm, Trương Quân Bầu và Trần Hùng Bí đến nhà anh bạn chơi, vừa ngồi uống chưa cạn cốc nước, đã có công an đến đập cửa:

- „Po-li-xi-a”!... - rồi lệnh mở rất gất. 

- „Po-li-xi-a”!... - rồi lệnh mở rất gấp.

Khổ, đã bao lần từng chạy công an như chạy giặc mà những người tha

hương vẫn không sao quen được cảnh này. Cả hai đều không có giấy tờ tùy thân, thấy tiếng các nhà chức trách thì hồn bay phách lạc.

     Trần Hùng Bí ngơ ngác:

- „Bọn tình báo giỏi thật, chắc phải theo dõi mình từ lâu”.

- „Toàn nhi nhăng - Trương Quân Bầu cau có. - Tình báo nào nó thèm theo dõi ông. – Cái thằng ôn kia xào măng, đổ nước mắm vào thối hoăng. Nó theo mùi mà lên chứ tài giỏi gì. Có chạy nhanh không nó xích cổ vào bây giờ”.

Hai vị bảo chủ nhà đừng mở cửa vội, rồi lẻn ra ban công cho anh kéo rèm lại. Nhưng suy đi tính lại, cảnh sát đã vào nhà thì ban công cũng không phải là chỗ an toàn. Nhà lại ở tầng ba. Ngó cổ nhìn mặt đất xa vời, các thày hiểu rằng, nhẩy xuống ít ra cũng gẫy cẳng. Trần Hùng Bí hàng ngày vẫn khoe trước ở nhà là đặc công, rất giỏi trèo tường khoét vách, muốn tỏ ra mình có kinh nghiệm:

- „Phải bám tường mà leo xuống. - rồi nhường - Anh xuống trước đi”.

     Trương Quân Bầu nghe bạn nói mà ngao ngán. Bức tường nhẫn hín, đến

thánh cũng chẳng bám được huống hồ là đặc công hay người thường. Nhưng nhanh mắt để ý thấy cái ống thoát nước mưa từ mái nhà, to bằng vế đùi, liền lập tức ôm lấy, tụt xuống. Vừa chạm đất, anh lao ngay ra hàng rào, bám lấy, văng người nhảy qua rồi biến mất. Bí cũng bắt chước theo đường ấy. Xuống được tầng hai thì trong nhà có tiếng chó sủa tý tách. Anh giật nảy người, tuột tay khỏi ống dẫn nước, nhưng may, lại tóm ngay được cạnh ban công, thế là cứ lủng lẳng treo. Nhà chủ thấy động, nhưng dẫu là người bản xứ, đêm hôm, họ cũng sợ trộm cướp, không dám thò đầu ra, chỉ xì xồ với nhau bên trong. Bí thấy tiếng Tây léo nhéo lại càng hoảng, tuột tay khỏi ban công, rơi đánh huỵch một cái như bì gạo, cỏng queo ra đất. Định đứng dạy chạy, té ra là bị trẹo chân. Anh đành bò lê đến bụi rậm gần đấy, chui vào. Bấy giờ là mùa thu, qua ánh đèn điện bên đường, đã thấy tuyết rơi lất phất. Ăn mặc phong phanh, vội chạy quên cả áo khoác, rét run cầm cập, chân bắt đầu đau nhức, song Bí cũng phải cắn răng chịu đựng. Khoảng một giờ sau, xung quanh có vẻ im ắng, anh mới hoàn hồn, lóp ngóp bò ra. Đương suy tính, không biết làm thế nào mà về đến nhà thì bỗng giật bắn mình. Một vị công an Tây lừng lững như ông hộ pháp, không biết từ dưới đất chui lên hay trên trời rơi xuống, nói tất nhiên bằng tiếng Tây:

- „Bắt được mi rồi, ‘con chim con’ ơi”! - Rồi tóm cổ áo anh, kéo ra xe. Thế là

vì tội cư trú bất hợp pháp, Trần Hùng Bí liền bị bắt đi trại giam sáu tháng. Sau sáu tháng, Tòa án lại ra lệnh kéo dài thêm sáu tháng nữa.

     Trong thời gian Bí ở trại thì bên ngoài xảy ra hai sự kiện, đối với anh có thể coi là quan trọng. Một là người bạn gần gũi nhất của anh ở đất Ba Lan, chính là Trương Quân Bầu, may mắn giải quyết được giấy tờ tạm cư. Bầu là bạn, vậy đấy cố nhiên là việc đáng mừng. Hai là người mà anh yêu và đã tốn bao nhiêu tiền của để đưa sang đây, thay vì đưa vợ, giờ đã chót yêu người khác. Nàng theo người ấy sang Đức, để anh lẻ bóng một mình. Nhưng khi Bầu vào trại thăm, báo cho việc ấy thì anh lại bảo: "Cho nó đi bà nó đi". Vậy anh coi đấy là chỉ là chuyện vặt. Khổ lỗi bao nhiêu vốn riêng của anh dành dụm bấy lâu cùng kết quả của những ngày lao động quên mình, chung lưng đấu cật cùng nàng, có thể vì nàng không biết gửi lại cho ai, nên mang đi sạch. Bí mất cả chì lẫn chài. Biết dại thì đã muộn rồi, đành than thân trách phận chẳng may nhiều bề và thỉnh thoảng ca rằng:

"Bắc thang lên hỏi ông trời,

Đồng tiền cho gái có đòi được không"?

     Thu đi rồi thu lại. Trần Hùng Bí cũng vì trong người chẳng chút giấy tờ, bị hỏi cung trong trại giam, anh cứ bi bô như trẻ con học nói, cho nên tình báo nước chủ nhà cũng chịu, không thể xác minh được anh là ai. Họ chỉ nghi anh là công dân nước Việt. Nhưng hỏi sứ quán ta thì sứ quán bảo: "Không biết. Nước chúng tôi không có những cái của nợ ấy". Và vì thế họ chẳng biết trục xuất anh đi đâu. Giam mãi tốn cơm, chả nhẽ lại mang anh ra mà bắn. Cuối cùng người ta đành trả tự do.

     Ra tù Trần Hùng Bí trở thành kẻ trên răng, dưới chẳng có gì. Anh xin được chân kéo xe thuê, ăn lương theo ngày công, cho một chủ hàng trong một trung tâm thương mại to lớn. Nơi đây người An Nam buôn bán đông nghịt. Và thế là anh một mình một cỗ xe kéo bốn bánh thả sức tung hoành. Những lúc ông bà chủ vắng mặt, anh hay lợi dụng chở cả hàng cho những nhà khác để thêm thu nhập. Trong khi ấy Trương Quân Bầu đã lập công ty, một mình vừa là giám đốc vừa là nhân viên. Lại thuê được một quầy bán hàng trong "Trung tâm", có cả bàn giấy máy tính hẳn hoi. Làm ăn ngày càng phát đạt. Nghĩ đến Bí, nhiều khi cứ cảm thấy thương thương.

Một hôm Bầu phải gửi mẻ hàng đi tỉnh lẻ và cần thuê người kéo ra ô tô. "Thôi thì đằng nào cũng phải trả công, ta gọi bạn thân đến kéo, cho nó kiếm tý" - Bầu nghĩ vậy rồi bấm điện thoại cho Bí. Một lát sau, Bí lộc cộc kéo xe đến. Nhưng anh chưa kịp bắt tay vào việc thì tình cờ bà chủ của anh tất tưởi đi qua. Thấy anh, bà ngạc nhiên và có vẻ không hài lòng:

- „Ô, sao anh lại ở đây? Hàng về mà điện mãi cho anh chẳng được”.

Bí rút điện thoại di động từ trong túi ra, sửng sốt:

- „Thôi chết, máy anh hết pin”.

- „Anh ra ngay kho nhập hàng”. - Bà chủ nói rồi đi tiếp.

Bí tiu nghỉu quay sang bảo bạn:

- „Thôi, tôi phải đi vậy”.

Bí đi. Bầu phải gọi người khác đến chở hàng. Khoảng hai tiếng sau Bí mới

giong xe quay lại. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, anh ca thán:

- „Mùa hạ ở Ba Lan cũng nóng nhỉ”.

- „Bây giờ đã là cuối thu rồi ông ạ - Bầu trả lời. - Nhưng thời tiết năm nay nó

làm sao ấy. Tôi lấy bao nhiêu hàng thu mà vẫn chưa bán được tý nào”.

- „Có cần chở gì nữa không”? - Bí lại hỏi.

- „Thôi, chở rồi. Nhưng ông ngồi nghỉ đã”.

Bí để xe kéo ngoài hành lang, rồi vào quầy Bầu, bảo:

- „Có nước, cho tôi một ngụm”.

- „Không có nước, chỉ có bia thôi. Ông uống tạm vậy”.

- „Bia cũng được” - Bí gãi đầu.

     Khách khứa không có. Bầu mở cho mình và Bí mỗi người lon bia to rồi cùng

ngồi xuống. Bí bỗng trông thấy trên bàn tờ báo "Quê Việt", cơ quan ngôn luận của một Hội người Việt tại Ba Lan thì nói:

- „Mấy ông nhà văn nhà báo cộng đồng viết cũng hay đấy nhỉ”?

- „Cũng chẳng hay lắm, nhưng người khác viết còn dở hơn. - Rồi bỗng Bầu

cười, hỏi: - ‘Hay đấy nhỉ’, sao anh không đọc”? - Bầu hỏi vậy vì nhớ ra rằng cả đời

Bí chẳng bao giờ đọc bất cứ thứ gì.

- „Bây giờ có tuổi rồi, đọc nhức mắt lắm” - Bí trả lời.

- „‘Nhức mắt’ sao biết là hay”?

- „Thì cũng phải hay thì ông mới đọc chứ. - Bí nhấp tý bia rồi lảng sang

chuyện khác - Tôi sang đây là sai lầm. Ở nhà thì phải lên đến đại tá rồi. Bọn ở nhà

bây giờ chúng nó lên chức, sướng lắm”.

- „Cũng có thể là sai lầm - Bầu nói. - Nhưng sao không ở nhà theo con

đường công danh mà lại sang đây”?

- „Hồi ấy ở nhà còn khó khăn lắm, lương đại úy như tôi cũng đói”.

- „Bây giờ lương sĩ quan cao hơn à”?

- „Vẫn thế thôi, nhưng có những khoản thu nhập khác”.

- „Thu nhập khác là thu nhập kiểu gì? Tăng ra trồng trọt hay buôn bán”?

- „Thì nhiều kiểu - anh sĩ quan xuất ngũ nói. - Nhiều thằng giầu lắm, anh đi

Tây cũng không bằng, vì nền kinh tế nước mình bây giờ rất mạnh”.

- „Mạnh ở điểm nào”? - Bầu hỏi.

- „Về sản xuất gạo bây giờ ta đứng đầu thế giới, xuất sang Trung Đông; cà

phê xuất sang Trung Quốc; than kíp lê xuất sang Nhật Bản; Tôm hùm, cá ba sa xuất sang Mỹ; cao su, dầy dép, hàng dệt may xuất sang châu Âu; áo bông xuất sang... châu Phi... Đầu tư của nước ngoài vào Việt nam rất lớn, mỗi năm mấy tỷ đô la. Vị thế của Việt nam trên trường quốc tế cao chưa từng có. Trong lịch sử 4000 năm của nước ta thì cứ một nước chìa tay ra bắt với ta - Bí rơ tay ra như định bắt - thì nước kia thụt tay lại. - Bí nói rồi nắm tay co lại và tiếp: - Bây giờ nước nào trên thế giới cũng muốn có quan hệ tốt với ta. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trước cửa trụ sở Liên Hợp Quốc mà cũng thấy tự hào. Chẳng bao lâu nữa, ta sẽ vượt Thái Lan, Inđônêxia, Miến Điện... Đứng đầu Đông Nam Á sẽ là Việt nam, chứ không phải Nhật Bản”!

- „Ông cũng giỏi hùng biện. Trước ở nhà làm Trưởng ban tuyên huấn trung

ương hay sao mà nói, nghe ác thế”?

- „Không. Nhưng tôi ngày xưa ở nhà học chính trị thì điểm cao lắm, còn

diễn thuyết được về chủ nghĩa Mác-Lênin, về kinh tế XHCN, giá trị thặng dư... Bây giờ thì quên cụ nó hết rồi”.

- „Nhưng ông nghe đâu được những tin tức ấy”?

- „Xem ti vi, chứ còn nghe ở đâu? Ti vi Việt Nam dành cho bà con kiều bào

ở nước ngoài dạo này phát hai tư tiếng trên hai tư. Hay lắm”.

- „Tôi thì chẳng biết. Nhưng quê tôi thuộc vùng châu thổ sông Hồng, mà

năm ngoái làm được giấy tờ, về nước thấy dân quê còn rất khổ. Người nào người ấy đen nhẻm, gầy gò kheo khư, trông thương tâm vô cùng. Bà hàng xóm nhà tôi được chia một tý ruộng, gieo mạ bị mưa ngập, thế là cứ ngồi trên bờ cầm cái bát mà tát. Tôi nói sai tôi không bằng con ông. Làm ăn kiểu ấy thì bao giờ mới vượt được Nhật Bản”?

- „Đấy là vì quê anh nó đụt. Anh phải nhìn vào cái trào lưu chung, cái xu

hướng đi lên tất yếu của thời đại, chứ đừng đánh giá vấn đề một cách phiến diện, chủ quan.

- „Quê anh thì có hơn gì quê tôi”.

- „Hơn chứ. Hôm nọ ti vi chiếu về quê tôi. Tiến bộ lắm”.

- „Tôi tình cờ cũng xem. Nhưng tôi còn lạ gì quê anh. Quê anh làm gì còn

con cò nào, dân làng anh bắt ăn thịt hết rồi. Thế mà họ lại trí trá quay cảnh con cò bay lả bay la. Vậy thì đấy chắc gì đã là quê anh. Anh chỉ thích nghe người ta nói phét”.

- „Phét thế nào, có cái thật chứ. Đấy là chưa kể, nước mình còn có dầu

mỏ, sản lượng rất lớn. Anh đi ô tô biết đấy, giá xăng dầu trên thế giới ngày một tăng, trữ lượng dầu mỏ nước mình lại rất lớn”.

- „Nước mình làm chó gì có dầu”.

- „Anh buồn cười. Không có là thế nào”?

- „Ngày xưa bọn đi thăm dò tìm mãi không thấy, cuối cùng ‘chó ngáp phải

ruồi’, khoan phải mấy cái thùng dầu của Pháp nó chôn, thế là nhăng cuội báo cáo lên là tìm được mỏ”.

- „Ô, anh đi lâu nên chẳng biết mẹ gì. Mình bây giờ đã khai thác dầu

rồi. Những giàn khai thác dầu ngoài biển, lửa cháy bùng bùng, người ta còn quay cả lên ti vi”.

- „Đấy là giàn của Thái Lan”.

- „Sao lại của Thái Lan? Nhân viên ở đấy đều nói tiếng Việt cả”.

- „Vì là bọn quay nó lồng tiếng”.

- „Anh chỉ được cái ăn nói ba bửa. Anh cũng như tôi, bỏ đất nước mà đi.

Nhưng đã không cống hiến được gì cho tổ quốc thì thôi, lại còn khỏe phá bĩnh”.

- „Tôi làm gì mà phá bĩnh? Vậy tôi hỏi anh sang đây được mấy năm rồi”?

- „Bảy năm”.

- „Đã về nước được mấy lần”?

- „Không có giấy tờ, về thì về hẳn à”?

- „Nước mình sắp vượt nhật Bản, vậy thì ở nhà làm gì chẳng kiếm được

miếng ăn. Sao anh không về quách với vợ với con cho đỡ khổ”?

- „Về thì đâm đầu vào đâu”?

- „Anh cứ làm như anh là chị Dậu không bằng”.

- „Thật mà - Bí trả lời. - Chức quyền hết rồi. Không có công ăn việc làm, ra

Hà Nội hay vào thành phố Hồ Chí Minh mà vật vờ, bán báo, đánh giày, ngủ vỉa hè... thì chỉ có chết”.

- „Ở Việt Nam nóng, ngủ vỉa hè càng mát chứ sao. - Bầu nhếch mép cười”.

- „Nhưng nhà mình nhiều ruồi muỗi, ngủ vỉa hè nó cắn chết, mà công an

chúng nó bắt bớ dữ lắm”.

- „Ở đây được cái ít muỗi, nhưng đất khách quê người, bị người khinh rẻ.

Anh lại đi làm thuê làm mướn, giấy tờ không có, cũng bị công an bắt lên bắt xuống. Đằng nào cũng bị bắt, thà để cho công an nhà bắt có đỡ nhục hơn không”?

- „Nhưng công an ở đây không đánh người. Mà về nhà đói nhăn răng ra, sợ

mất hết cả lòng yêu nước, rồi tổ quốc cũng như tổ cò”.

- „Hiểu được thế là giỏi - Bầu nói. - Nhưng ban nãy ông còn bảo tôi không

cống hiến được gì. Vậy theo ông thì ai là người có cống hiến lớn với tổ quốc”?

- „Có công bây giờ... - Bí lúc ấy đã cảm thấy đuối lý, nên nói năng kém phần

hùng hổ - chắc là những nhà lãnh đạo, đã đưa ra các chính sách đổi mới cho nước”.

- „Không phải. Lũ ấy chỉ tài đục khoét. Cho đi làm thợ mộc thì hợp”.

- „Hay là các nhà bít-xờ-nét lập ra những công ty, mang lại công ăn việc

làm cho nhân dân chăng”?

- „Cũng không phải. Bọn này chỉ giỏi móc ngoặc. Cho mỗi thằng cái móc câu

đi thu hoạch hoa quả mới đúng nghề”.

- „Ngoài những người ấy ra, tôi chẳng còn biết ai cả”.

- „Có công lớn với đất nước thời nay chỉ có Trương Quân Bầu và Trần Hùng

Bí này mà thôi! - Bầu chỉ mình lại chỉ Bí, rồi nhăn răng ra cười”.

- „Anh nói lạ”.

- „Lạ cái gì? Không có những kẻ khốn nạn như ông và tôi thì thiên hạ khối

thằng ăn đất. Thử hỏi ông làm được tý tiền, ông mang đi đâu, hay cuối cùng cũng gửi về cái nước Việt Nam”?

- „Gửi về thì gia đình mình hưởng, chứ ai hưởng”.

- „Đã đành là gia đình mình hưởng, nhưng tiền ấy cuối cùng cũng sẽ chảy ra

xã hội và nó sẽ có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng nói chung đồng tiền cánh ta làm được ở đây, mang về cũng không biết dùng làm gì, ngoài việc tiêu sài và tranh nhau mua đất cát. Và sẽ có khối kẻ cố tình lũng đoạn thị trường để ‘đục nước béo cò’. Vì vậy vợ ông hay vợ tôi mua tý đất làm nhà, đáng một trăm thì phải trả một nghìn. Nền kinh tế phát triển kiểu gì mà lạ thế? Lũ chúng ta sang đây chẳng qua chỉ là cảnh ‘đầu chày đít thớt’ mà khối người mong chẳng được. Nhưng suy cho cùng, bọn mình sang được đây quả là may thật. Kéo xe cũng là may. Tôi nghe nói quê nhà vạn người chỉ vì bằng mọi giá xin đi lao động xuất khẩu mà bị mắc lừa, nên vong gia bại sản; có những người gọi là may hơn, song đến nước sở tại chẳng có ai bênh vực, thành thử bị chủ coi không bằng nô lệ. Nhưng nói ‘không bằng nô lệ’, có quá lời không? Rất tiếc là không. Nô lệ là tài sản của chủ nhân, cũng như con trâu con ngựa vậy. Trâu ngựa thì phải chăm sóc, cho ăn no, vì nó đói nó gầy, nó lăn ra chết, chủ nhân sẽ thiệt to; còn ta có lăn ra chết cũng chẳng ai thiệt hại gì. Nhưng nào, ai giỏi thì khăn gói mà về nước đi. Ông nói cũng có cái đúng, một số người cần gì đi Tây như ta mà giầu bằng vạn. Ông thực ra khôn ngoan, giỏi lý luận; tôi thì dốt nát, lại không được học hành chính trị nhiều như ông. Có một điều mà tôi suốt đời không sao hiểu nổi, mong ông chỉ giáo: người ta được ăn thì người ta xoen xoét cái mồm đã đành, ông ăn gì mà lúc nào cũng như con vẹt ấy”?

     Bí chưa kịp trổ tài hùng biện để trả lời thì bên ngoài bỗng ầm ầm như vỡ chợ, tiếng cửa các quầy đóng phành phành, người chạy rầm rập như vịt cả một lượt. Bí ra hành lang ngó, bỗng biến sắc mặt, sợ quá đánh rơi cả lon bia đương uống dở. Bia bắn tung tóe, chảy lênh láng ra nền. Quay lại, anh hốt hoảng bảo Bầu:

- „Bỏ mẹ, có kiểm tra”! - Dứt lời, ù té bỏ cả xe kéo chạy lấy người.

Ra đến lối ra, Bí chạm phải mấy ông Tây mặc quân phục mầu xanh lá cây.

Đấy là bọn hải quan. Anh lao ngược lại. Đến đầu kia hành lang, đụng ngay vào mấy ông lố nhố mặc quân phục đen, sau lưng in chữ "Biên phòng" mầu trắng. Tàng hình không biết, độn thổ thì không, anh đành hớt hải quay về quầy bạn thân, thở hổn hển:

- „Cho tôi vào, đóng ngay cửa lại, nhanh nên”! - Nói rồi chạy tọt vào

tận trong kho, nép mình sau đống hàng tồn.

Bấy giờ Bầu cũng hoảng, ra sức bê những con ma-la-canh trưng hàng

mẫu, ném lổng chổng vào quầy, xong kéo cửa xuống. Cửa quầy kiểu rôlét, tiếc là không tự động. Trong lúc vội, Bầu loay hoay khóa, nhưng khóa hụt, cửa lại bật lên đánh rầm một cái. Cứ thế đến ba lần mà vẫn không sao đóng được. Bất thình lình có tiếng Tây hỏi sau lưng:

- „Ông định đi đâu mà vội thế”?.

     Anh thót cả tim lại. Ngẩng đầu lên, thấy mấy ông bản xứ, mặc thường phục,

rút thẻ, tự xưng là công an phòng thuế. Người ta vào quầy kiểm tra giấy tờ, hàng hóa của Bầu, nhưng lại bắt luôn được Bí đương run cầm cập trong kho, liền gọi bọn biên phòng đến. Thương hại thay cho Trần Hùng Bí, vừa ra khỏi trại giam chẳng được bao lâu thì lại bị cầm tù. Còn Trương Quân Bầu có giấy tờ tùy thân, có giấy phép kinh doanh, có đầy đủ hóa đơn mua hàng, thật chẳng có gì phải sợ mà vẫn tim đập chân run. Về đêm mơ thấy cảnh sát đến tận nhà bắt đi trại. Tỉnh dạy mồ hôi toát ra như tắm. Rồi hoàn hồn, Bầu sực nhớ đến Bí và lại cảm thấy thương thương.

     Nhưng người Tây nói chung họ cũng nhân đạo. Trần Hùng Bí đi tù ở đây cũng nhàn rỗi, được cho ăn no, chẳng bị ai đánh đập, không phải chịu rét mướt, không phải lao động khổ sai... Chỉ thiệt là không được xem ti vi bằng tiếng Việt. Bị bắt như anh bây giờ, chắc người ta lại giam cho ít ra là một năm. Và thế là anh sẽ có khối thời gian để ngẫm về thế sự.

 Trương Đình Toe

(Truyện đã đăng trên báo Quê Việt, số 80/11-2006 với tựa đề "Thu này anh chưa về")

Sửa lần cuối 2016-10-17 04:16:51

Bình luận

Bình luận qua Facebook