Nhà văn Henryk Sienkiewicz (Tranh vẽ), Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng
Có một điểm cần nhấn mạnh là cho đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, việc dịch văn học Ba Lan ở Việt Nam vẫn được thực hiện chủ yếu thông qua tiếng Pháp (Hoàng Trung Thông, Nguyễn Viết Lãm, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh) và tiếng Nga (Vũ Đình Bình, Hồng Thanh Quan). Phần lớn các tác phẩm được giới thiệu là các bài thơ, truyện ngắn và trích đoạn. Năm 1956, trong tập thơ xuất bản với nhan đề Gửi người mai sau, trong số các tác giả nước ngoài, Ba Lan góp mặt hai nhà thơ Broniewski và Jastrun. Từ năm 1960 các nhà xuất bản như Văn học,Văn hóa, Lao động, Thanh niên, Nghệ thuật đã liên tiếp đưa đến cho độc giả Việt Nam các tác phẩm như tập truyện của nhiều tác giả nhan đề Hãy nhớ lấy (1960), Juliusz và Ethel (1961) của Leon Kruczkowski, truyện ngắn cổ điển Ba Lan (1962), Cạm bẫy, Con đường mới (1963) của Tadeusz Konwicki, Việt Nam trong trái tim tôi (1966) của Monika Warnenska. NXB Kim Đồng in tập truyện cổ Chú bé ngây thơ và con vịt và truyện cổ tích Lá đơn điện kỳ lạ tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng các bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Năm 1968 tuyển tập Thơ Adam Mickiewicz đã được xuất bản, trong đó có trích đoạn kiệt tác Chàng Tadeusz. Năm 1983 NXB Tác phẩm mới đã in tập truyện ngắn Bốn lần sinh nhật của R. Strawinski, năm 1985 Tế Hanh và Nguyễn Xuân Sanh đã xuất bản Tuyển tập thơ Ba Lan gồm 5 phần: thơ dân gian, thơ tiền lãng mạn, thơ thời kỳ Ba Lan trẻ, thơ giữa hai cuộc chiến tranh, thơ hiện đại.
Bước ngoặt quan trọng trong việc giới thiệu văn học Ba Lan ở Việt Nam có lẽ là năm 1985, thời điểm ra đời bản dịch tác phẩm Quo Vadís của Henryk Sienkiewicz, tiểu thuyết được trao giải Nobel văn học năm 1905 và tác giả bản dịch là Nguyễn Hữu Dũng. Từ đây vị trí của các tác giả Ba Lan trong văn học dịch ở Việt Nam được nâng cao dần và ngày càng trở nên vững chắc trong lòng độc giả Việt Nam. Có thể khẳng định rằng đội ngũ các dịch giả văn học Ba Lan ở Việt Nam tuy không đông về số lượng, nhưng đã tạo nên sự phong phú đa dạng về phong cách dịch cũng như quan điểm chọn lọc tác phẩm dịch. Nhóm dịch giả văn học Ba Lan được đặc trưng bằng hai yếu tố quan trọng: thông thạo tiếng Ba Lan và yêu mến văn học Ba Lan. Họ đã bổ sung cho nhau về „gu” thẩm mỹ, biến thế mạnh riêng, sở trường, sở đoản của từng người thành sức mạnh chung, để qua sản phẩm dịch của mình cung cấp cho bạn đọc bức tranh nhiều màu, đầy đủ về văn học Ba Lan.
Như đã đề cập, năm 1985 tác phẩm Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Đây thực sự là sự kiện văn học quan trọng. Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng ngay trong năm đó đã được trao giải thưởng về dịch thuật của Hội nhà văn Việt Nam. Là một nhà khoa học, ông sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh từ 1976 đến 1980, nhưng với tình yêu dành cho văn học Ba Lan, với thái độ nghiêm túc, trong hơn 30 năm qua ông đã cho ra đời hơn một chục tác phẩm dịch. Trong đó có: Con vịt xấu xí của Andersen, NXB Kim Đồng (1985), Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz, NXB Văn học (1985), Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Henryk Sienkiewicz, NXB Kim Đồng (1986), Đường công danh của Nikodem Dizma, Tadeusz Dolega-Mostowicz, NXB Văn học (1988), Thầy lang, Tadeusz Dolega-Mostowicz, NXB Văn học, Hania của H. Sienkiewicz, NXB Văn học (1988), Giáo sư Vintruc, Tadeusz Dolega-Mostowicz, NXB Hà Nội (1989), Con voi, tập truyện ngắn của Mrożek, NXB Phụ nữ (1989), Con hủi, Helena Mniszek, NXB Hà Nội (1990). Ông đang dịch bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Hiệp sĩ thánh chiến của Henryk Sienkiewicz.
Nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu (bên phải)
Người dịch thứ hai cần kể đến là Tạ Minh Châu. Được đào tạo tại Khoa Văn, trường ĐHTH Warszawa trong những năm 1967-1973 và sau đó là NCS những năm đầu 1990, dịch giả Tạ Minh Châu bản thân là một nhà thơ, đã cho in 3 tập thơ: Đi ngược hoàng hôn (1994), Lời neo trong đêm (2001) và gần đây nhất tập thơ song ngữ Việt – Lào Buộc vào (2016) Chính vì vậy thành tựu về thơ của ông trong dịch thuật nghiêng về thơ nhiều hơn. Cần nhấn mạnh rằng, ngay sau khi nhà thơ Wisława Szymborska được trao giải thưởng Nobel văn học năm 1996, tập thơ gồm 75 bài của bà đã được Tạ Minh Châu tuyển chọn, dịch và giới thiệu, NXB Văn học ấn hành năm 1997 và đến năm 2014, NXB Hội nhà văn đã in Thơ Szymborska chọn lọc. Nữ thi sĩ Halina Poswiatowska với tập thơ Tiếng nấc trái tim cũng do Tạ Minh Châu dịch. Có sự trùng hợp cảm động là cả hai nữ thi sĩ Ba Lan này đều có tác phẩm viết về Việt Nam. Bên cạnh đó Tạ Minh Châu cũng là tác giả bản dịch một số tác phẩm văn xuôi Ba Lan có giá trị: tập truyện Quả dâu rừng của Iwaszkiewicz (1986), Những kẻ điên rồ của M. Orion (1987), tiếu thuyết Tro tàn và kim cương của Jerzy Andrzejewski (1988). Gần đây nhất, ngày 22-09-2016 Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức ra mắt tuyển thơ „Phố DESCARTES” của nhà thơ Ba Lan Czesław Miłosz, giải thưởng Nobel về văn học năm 1980 do Tạ Minh Châu chuyển ngữ. Sau khi đọc gần 1000 bài thơ của Miłosz, Tạ Minh Châu đã chọn ra gần 100 bài để dịch. Mỗi bài thơ của ông là một bản Thánh ca, nó vang lên trong đau đớn nhưng ngập tràn tình yêu và khát vọng, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giới thiệu.
Dịch giả Lê Bá Thự
Về số lượng đầu sách dịch từ tiếng Ba Lan, dịch giả Lê Bá Thự xứng đáng được xếp ở vị trí hàng đầu. Lê Bá Thự là sinh viên trường ĐH BK Warszawa trong những năm 1964-1970 và sau đó đã từng là cán bộ giảng dạy ở trường ĐH Mỏ Địa chất, phiên dịch ở ĐSQ Ba Lan ở Việt Nam và là bí thứ thứ nhất ĐSQ Việt Nam ở Ba Lan. Với 25 năm dịch và viết, Lê Bá Thự đã cho ra đời một số lượng tác phẩm văn học dịch đồ sộ, gồm 26 đầu sách, thuộc nhiều thể loại, từ các tác giả cổ điển như Henryk Sienkiewicz, Bolesław Prus, đến các nhà thơ nổi tiếng như T. Rozewicz và các tác phẩm hiện đại, tác phẩm dành cho thiếu nhi, truyện cười. Tác phẩm dịch của Lê Bá Thự được nhiều nhà xuất bản nhận in, được tái bản nhiều lần và được giới thiệu rộng rãi. Vừa qua NXB Phụ nữ đã cho ra mắt 2 tập sách nhan đề Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết, bao gồm gần 700 trang, in lại một số tác phẩm dịch của ông, các bài phê bình của một số nhà văn nổi tiếng Việt Nam, 2 tập thơ do ông sáng tác là Hoa giẻ và Đi về ngày xưa.
Dịch giả Nguyễn Chí Thuật
*
Nguyễn Chí Thuật, học đại học và làm luận án tiến sĩ về lĩnh vực văn học tại Ba Lan, nguyên cán bộ giảng dạy Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, hiện đang là giáo sư thỉnh giảng của bộ môn tiếng Việt trường ĐHTH Adam Mickiewcz ở Poznan. Ông là người duy nhất trong số các dịch giả làm việc trong nghề, là nhà nghiên cứu văn học Ba Lan và là người có nhiều bài viết giới thiệu về văn học Ba Lan trên các tạp chi văn học, văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Có thể nói Nguyễn Chí Thuật là cây cầu nối nền văn học của hai nước Việt Nam và Ba Lan theo đúng nghĩa của nó. Ông đồng thời cũng là nhà thơ sáng tác bằng tiếng Ba Lan và đến nay đã cho in 2 tập: Từ sông Hồng đến sông Visla và Varta (2011), và Theo dòng sông Varta (2016). Nguyễn Chí Thuật đã dịch: Chết giữa tam giác những sai lầm, K. Kożniewski, NXB Hà Nội (1988), Hạnh phúc mong manh, tập truyện ngắn của nhiều tác giả, NXB Thanh Niên (2001), Trò chơi phá vòng vây, tập truyện ngắn, NXB QĐND (2002), Nghệ sĩ dương cầm hồi ức của W. Szpilman NXB Hà Nội (2003), Ngày tình nhân cuối cùng (in chung với Nguyễn Thị Thanh Thư), tập truyện ngắn, NXB Trẻ (2012). Ông cũng là người đã dịch và giới thiệu về nhà văn Ba Lan chuyên viết phóng sự Ryszard Kapuścinski trên các tạp chí văn học của Việt Nam. Mùa Thu năm 2015 NXB Phụ nữ đã in cuốn Bố, Các cô ấy và tôi của Manula Kalicka do ông dịch. Năm 2016 ông còn cho in tại NXB Kim Đồng tập truyện tranh Cuộc phiêu lưu của Dê con Matô. Tác phẩm có giá trị nhất của dịch giả Nguyễn Chí Thuật là bộ tiểu thuyết đồ sộ Búp bê của Bolesław Prus, dày 1230 trang, sau nhiều năm chờ đợi đến nay NXB Phụ nữ đã xuất bản.
Dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư
Nguyễn Thị Thanh Thư vốn là người được đào tạo tại trường ĐHBK Wrocław trong những năm 1970-1976 và là một dịch giả đến với dịch thuật văn học Ba Lan tuy hơi muộn màng, song số lượng tác phẩm dịch từ văn học Ba Lan của bà thật đáng trân trọng. Tính từ tập Lạc nhịp của Janusz Leon Wisniewski xuất bản năm 2005, sau mười năm bà đã cho ra đời 12 đầu sách, trong đó có Cô đơn trên mạng, cuốn sách best seller ở Ba Lan và Châu Âu của Wisniewski cũng đồng thời là cuốn sách dịch làm nên tên tuổi của bà, đã được giải thưởng dịch của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006, sách được tái bản tới 10 lần với số lượng bản in kỷ lục ở Việt Nam. Gần đây nhất, tháng 11 năm 2016 Nguyễn Thị Thanh Thư đã xuất bản cuốn Người đầu tiên trong danh sách của Magdalena Witkiewicz.
Dịch giả Nguyễn Văn Thái trong buổi ra mắt tác phẩm "Nông dân" tại HN
Sự
kiện đáng chú ý nhất trong việc giới thiệu văn học
Ba Lan ở Việt Nam là vào năm 2008, kiệt tác Chàng
Tadeush của đại thi hào Adam Mickiewicz đã được dịch
giả Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ sang tiếng Việt và NXB
Hội nhà văn Việt Nam ấn hành. Như vậy Việt Nam cùng
với Trung Quốc và Hàn Quốc là những quốc gia hiếm hoi
ở châu Á đã tôn vinh văn học Ba Lan bằng việc giới
thiệu tinh hoa văn học nước này với tác phẩm tiêu biểu
là kiệt tác Chàng Tadeush. Ngoài tác phẩm kinh điển
này, Nguyễn Văn Thái còn là tác giả các cuốn sách dịch
khác như: Hania, tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi
của Henryk Sienkiewicz, NXB Kim Đồng (2010), Kì nghỉ hè
với nhà văn của Andrzej Grabowski, NXB Kim Đồng (2011)
và tiểu thuyết Nông Dân, tác phẩm đoạt giải
Nobel văn học năm 1924 của Władysław Reymont, NXB Lao Động
và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm
2012. Một năm sau khi xuất bản, dịch giả đã được
giải thưởng về dịch của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong
lễ trao giải Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: „Những
năm gần đây, một số nhà xuất bản đã cố gắng để
mở lại con đường in những tác phẩm có giá trị của
thế giới. Một trong những tác phẩm văn học dịch xuất
sắc đã trở lại với bạn đọc Việt Nam là tiểu
thuyết Nông dân của nhà văn Ba Lan Wladyslaw Reymont,
đoạt giải Nobel 1924. Dịch giả Nguyễn Văn Thái đã có
một chọn lựa đúng khi dịch tác phẩm này với sự hiểu
biết sâu sắc con người và văn hóa Ba Lan. Dịch giả đã
hoàn thành xuất sắc bản dịch của mình trong sự nhuần
nhuyễn và trong sáng của tiếng Việt. Ông đã cho chúng
ta tận hưởng phong vị ngôn ngữ của một bậc thầy văn
chương thế giới và hơi thở không mất đi của đời
sống cách chúng ta hàng thế kỷ. Tác phẩm dịch này còn
gián tiếp nói với chúng ta rằng: Những giá trị đích
thực của sáng tạo mang một đời sống lâu dài và đôi
khi là vĩnh cửu”. Cuối năm 2016 Nguyễn Văn Thái đã gửi
về nước 2 tác phẩm dịch: Trên sa mạc và trong rừng
thẳm của Henryk Sienkiewicz và Các truyện ngắn kinh
điển Ba Lan của nhiều tác giả, hy vọng là năm
2017 NXB Kim Đồng sẽ ấn hành.
Dịch giả Nguyễn Thái Linh
Người cuối cùng trong số dịch giả văn học cần nhắc tới là Nguyễn Thái Linh. Chị là dịch giả trẻ, tốt nghiệp khoa Luật, trường ĐHTH Warszawa, hiện đang sống và làm việc tại Ba Lan. Cho đến nay chị đã cho ra đời 2 tác phẩm dịch có giá trị, đó là: Du hành cùng Herodotus và Gỗ mun đều của nhà văn, nhà phóng sự Ryszard Kapuścinski, người được đề cử giải Nobel văn học. Chị đang ấp ủ nhiều dự định, trong đó có kế hoạch dịch và xuất bản tập thơ của Wisława Szymborska.
Nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ tại Liên hoan Thơ ở Ba Lan
Trong việc truyền bá văn học Ba Lan ở Việt Nam cũng cần nhắc đến sự đóng góp không nhỏ của Lâm Quang Mỹ, Lê Nhị Hồng, Từ Đức Hòa với các tiểu thuyết, bài thơ và tác phẩm dịch đã ra mắt độc giả trong những năm qua.
Cần bổ
sung một thông tin quan trọng là từ ngày 8 đến 12 tháng
6 năm 2017, Viện Sách thuộc Bộ Văn hóa và Di sản Ba Lan
sẽ tổ chức Đại hội Thế giới lần thứ IV các dịch
giả văn học Ba Lan tại cố đô Kraków. Nhân dịp này các
dịch giả sẽ gặp nhau để trao đổi về văn học Ba Lan
và vấn đề dịch thuật, gặp gỡ các tác giả và NXB Ba
Lan, dự lễ trao giải thưởng cho các dịch giả có đóng
góp xứng đáng cho việc truyền bá văn học Ba Lan ra nước
ngoài.
Warszawa, 12/2016
Nguyễn Văn Thái
(Bài viết có sử dụng nhiều tài liệu của Nguyễn Chí Thuật, in trong tạp chí
Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học - Viện KHXH VN tháng 6 – 2013)
Bình luận