2020-12-01 17:27:51

Chuyện thời covid (T.21)

-       Hormone sinh dục nữ giúp bảo vệ và chống lại COVID-19.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, người ta đã đặt ra câu hỏi tại sao nam giới và người già lại có nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn nhiều so với phụ nữ. Các nhà khoa học tại Đại học Illinois tại Chicago (UIC) tin rằng hormone sinh dục nữ giúp bảo vệ và chống lại COVID-19.

Các nội tiết tố nữ như oestrogen (bao gồm oestradiol, oestrone và oestriol), progesterone và chất chuyển hóa có hoạt tính sinh lý của nó gọi là  allopregnanolone, có tác dụng chống viêm. Ngoài ra, chúng còn kích thích sản xuất các kháng thể bằng cách ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch. Chúng cũng có thể chặn thụ thể ACE-2 (mà coronavirus bám vào) ở một mức độ nào đó. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng hormone sinh dục nữ giúp sửa chữa các tế bào biểu mô đường hô hấp.

Các nhà nghiên cứu của UIC cũng đã phát hiện một số phụ nữ mang thai bị nhiễm COVID-19 ban đầu có các triệu chứng nhẹ, nhưng nặng hơn nhanh chóng sau khi sinh con, đến mức bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt. Điều này có liên quan đến sự suy giảm estriadol, progesterone và allopregnanolone.

Vai trò bảo vệ của hormone sinh dục nữ cũng giải thích tỷ lệ tử vong cao hơn ở phụ nữ cao tuổi nhiễm coronavirus. Bởi vì, chúng ta càng lớn tuổi, cơ thể chúng ta càng sản xuất ra ít hormone sinh dục hơn. Do đó, khả năng bảo vệ của estrogen mất dần theo thời gian, điều này cũng có thể có tác động đến mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng COVID-19. Các nhà khoa học đặt câu hỏi làm thế nào để sử dụng khám phá này trong thực tế. Họ tin rằng liệu pháp thay thế hormone, và thậm chí dùng thuốc tránh thai nội tiết tố, có thể đóng một vai trò có lợi cho tuổi già.

Các thử nghiệm lâm sàng hiện cũng đang được tiến hành để kiểm tra hiệu quả của progesterone và estriadol trong việc làm giảm các triệu chứng của COVID-19 ở phụ nữ và nam giới lớn tuổi. Hơn nữa, người ta có thể cung cấp các chất hữu ích cho cơ thể bằng cách ăn những thực phẩm được làm giàu với phytoestrogen, tức là estrogen thực vật. Chúng có trong đậu nành, đậu lăng và yến mạch chưa qua chế biến.

-       Moderna công bố hiệu quả vắc-xin

Hôm thứ 2 (30/11/2020), công ty dược phẩm Moderna đã thông báo vắc-xin COVID-19 của họ vừa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba và có hiệu quả 94,1%. So với công bố vào ngày 16 tháng 11 với hiệu quả là 94,5%, kết quả mới này thấp hơn một chút. Nhưng theo Tiến sĩ Tal Zaks, giám đốc y tế của Moderna, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

Moderna xác nhận rằng hiệu quả của vắc-xin là nhất quán giữa độ tuổi, chủng tộc, dân tộc và giới tính. Không có tác dụng phụ mới nào được báo cáo kể từ khi kết quả được công bố vào ngày 16 tháng 11. Dựa trên phân tích này, các tác dụng phụ thường gặp nhất là mệt mỏi, tấy đỏ và đau tại chỗ tiêm, nhức đầu và đau nhức cơ thể tăng lên sau liều thứ hai và trong thời gian ngắn. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy vắc-xin có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa các trường hợp nghiêm trọng của COVID-19.

Vắc xin Moderna được phát triển bằng công nghệ mới sử dụng RNA thông tin (mRNA - một loại axit ribonucleic có chức năng mang thông tin di truyền). Điều này nhằm đảm bảo rằng nếu chúng ta thực sự tiếp xúc với vi-rút, cơ thể chúng ta sẽ nhận ra protein lạ và bắt đầu sản xuất các kháng thể ngăn chặn vi-rút nhân lên và bảo vệ chúng ta chống lại bệnh tật.

Đây là loại vắc xin thứ hai có khả năng được chấp thuận sử dụng khẩn cấp ở Mỹ trong năm nay. Đầu tiên là vắc-xin của Pfizer & BioNTech, đã được cấp phép trước đây khoảng một tuần. Công ty cũng muốn nộp đơn xin cấp phép tiếp thị có điều kiện đến Cơ quan quản lí Thuốc Châu Âu.

-       Hơn 12.000 đột biến SARS-CoV-2.  

Vào thứ 4 (25/11/2020), các nhà khoa học tại một số trường đại học và tổ chức y tế thế giới đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature Communications. Kết quả cho thấy đã có hơn 12.000 đột biến coronavirus SARS-CoV-2 được phát hiện trên thế giới cho đến nay. Trong quá trình nghiên cứu, bộ gen của vi rút đã được phân tích, sau khi lấy mẫu của 46.723 người bị COVID-19 ở 99 quốc gia.

Trong số 12 706 đột biến được phát hiện, không có đột biến nào cho thấy mầm bệnh đang trải qua những thay đổi đáng lo ngại. Các đột biến virus phát sinh một cách tự phát khi chúng nhân lên. Nhìn chung, chúng không tạo ra sự khác biệt nào đối với khả năng lây lan và độc lực của chúng.

Nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới đang nghiên cứu phát triển vắc-xin chống COVID-19. Ba trong số vắc-xin này là Pfizer, Moderna và AstraZeneca đã công bố kết quả giai đoạn thứ ba của thử nghiệm lâm sàng. Giáo sư Francois Balloux từ Đại học College London, cho biết không có lý do gì để lo lắng rằng vắc-xin COVID-19 sẽ không hiệu quả do đột biến của loài virus này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một mối đe dọa tiềm ẩn khác. Sự ra đời của vắc-xin COVID-19 có thể làm xuất hiện các đột biến mới. Virus có thể đột biến trong tương lai và vắc-xin sẽ không còn tác dụng chống lại nó. Tuy nhiên, ông tin rằng chúng ta sẽ có thể phát hiện ra nó nhanh chóng và kiểm soát được dịch bệnh.

-       Điều gì gây ra "cơn bão cytokine"

“Cơn bão cytokine” được định nghĩa là hiện tượng tăng đột ngột không kiểm soát một lượng lớn các cytokines được tiết ra từ các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch do bị kích thích bởi nhiều tác nhân khác nhau, đặc biệt là trong nhiễm trùng và phản ứng của cơ thể chống lại sự tấn công của virus.

Cytokines là một quần thể đa dạng các hoạt chất protein được tiết ra từ các tế bào với mục đích dẫn truyền các tín hiệu nội bào và tham gia trực tiếp vào quá trình giao tiếp giữa các tế bào trong cơ thể (cell-cell communication). Các protein này kích thích các tế bào khác của hệ thống miễn dịch đối với các phản ứng cụ thể.

Trong trườn hợp bệnh COVID-19, khi SARS-CoV-2 xâm nhập vào phổi, một phản ứng miễn dịch cục bộ được kích hoạt. Các cytokine sinh ra và thu hút các tế bào chuyên biệt tăng cường tấn công virus. Ở một số bệnh nhân, lượng cytokine được giải phóng quá mức, tạo thành “Cơn bão cytokine”. Điều này kích hoạt nhiều tế bào miễn dịch hơn, và kết quả nó gây ra cái gọi là siêu viêm. Điều này khiến tình trạng của bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

-       Vitamin D không giúp điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Mức vitamin D thấp có thể dẫn đến nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn, nhưng mức vitamin D cao không giải quyết được vấn đề.

Các bác sĩ kết luận rằng việc tăng nồng độ vitamin D ở những bệnh nhân bị bệnh nặng không giúp họ rút ngắn thời gian nằm viện, không giúp viêc ngừng thở bằng máy hay điều trị cần thiết trong phòng chăm sóc đặc biệt.

-       Người phụ nữ sinh ra đứa trẻ có kháng thể COVID-19

Celine Ng-Chan, một người phụ nữ Singapore 31 tuổi, mang thai được 10 tuần thì được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 sau một chuyến du lịch tới châu Âu. Cô đã qua khỏi vì chỉ bị ở mức độ nhẹ.và sau hai tuần rưỡi cô được xuất viện.

Con trai của cô vừa sinh ra, được xác định là không có coronavirus nhưng có kháng thể chống lại virus này. Như vậy, một câu hỏi được đăt ra là mẹ có thể truyền virus sang con khi mang thai không?

Trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa rõ liệu một phụ nữ mắc COVID-19 có thể truyền vi rút cho thai nhi hoặc em bé của mình trong khi mang thai hoặc sinh nở hay không. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào xác minh được vi rút có trong các mẫu chất lỏng bao quanh đứa trẻ trong bụng mẹ hoặc trong sữa mẹ.

Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH) nơi cô sinh con trai vẫn chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters.

Xuân Nguyên (Sưu tầm theo các báo Ba Lan)

Sửa lần cuối 2020-12-01 16:29:54

Bình luận

Bình luận qua Facebook