2021-03-20 18:02:13

Chuyện thời covid (T.38): Huyết khối liên quan như thế nào với COVID-19 và vắc xin AstraZeneca?

Huyết khối còn được gọi là tình trạng đông máu, là một căn bệnh thường gặp hiện nay.Trong thời gian vừa qua đã có nhiều ghi ngờ huyết khối liên quan đến vắc-xin AstraZeneca trong chiến dịch phòng chống COVID-19. Vậy huyết khối thực sự là gì? Ai có nguy cơ cao nhất với ​​nó? mối liên hệ của nó với COVID-19 và với vắc xin AstraZeneca được hiểu như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn của Monika Mikołajska, biên tập viên báo Medonet. với bác sĩ, tiến sĩ Krzysztof Kwiecień, chuyên gia phẫu thuật tổng quát, chuyên về phẫu thuật mạch máu tại bệnh viện Zakonu Bonifratrów ở Kraków và Trung tâm y tế Sublimed.

(Tiến sĩ Krzysztof Kwiecień)

Monika Mikołajska: - Huyết khối tĩnh mạch là bệnh gì?

Tiến sĩ Krzysztof Kwiecień: - Huyết khối tĩnh mạch là sự hình thành cục máu đông, là sự kết hợp của tiểu cầu, tế bào hồng cầu và các bộ phận khác của máu, làm cho tĩnh mạch bị tắc nghẽn hoặc trở nên nhỏ hơn. Thông thường, quá trình đông máu là cần thiết, chẳng hạn, để ngăn dòng máu chảy ra từ mạch máu bị tổn thương hoặc bị đứt. Nó là một biện pháp bảo vệ sinh lý chống chảy máu ra ngoài. Tuy nhiên, cục máu đông đôi khi được hình thành trong các mạch máu không bị tổn thương và sau đó chúng có thể làm tắc nghẽn tĩnh mạch hoặc vỡ ra rồi chảy theo dòng máu đến tim và xa hơn, đến các động mạch trong phổi.

Thông thường, huyết khối tĩnh mạch là do rối loạn bẩm sinh của hệ thống đông máu, cũng có thể do cơ thể bất động lâu. Người mắc bệnh ung thư, người bị chấn thương - đặc biệt là xương dài và xương chậu cũng có thể gặp bệnh này.

Huyết khối có thể dẫn đến tổn thương lâu dài các van trong tĩnh mạch, dẫn đến suy tĩnh mạch, hình thành các chứng giãn tĩnh mạch và thường xuyên bị phù chân.Tuy nhiên, biến chứng nghiêm trọng nhất của huyết khối tĩnh mạch là thuyên tắc phổi. Các cục máu đông có thể to ra, tách ra và tiếp tục chảy theo dòng máu cho đến khi chúng đến động mạch phổi và đến tim theo các nhánh của nó. Khi chúng mắc kẹt ở đó sẽ gây ra tình trạng đe dọa trực tiếp đến tính mạng với tỷ lệ tử vong tương đối cao. Tình trạng huyết khối các xoang tĩnh mạch màng não có thể gây ra các triệu chứng thần kinh liên quan đến tình trạng thiếu oxy của cơ quan này như rối loạn thị giác, cảm giác hoặc khả năng vận động chân tay, thậm chí là đột quỵ. May mắn thay, loại huyết khối này - với những hậu quả rất nghiêm trọng - rất hiếm. Đáng lo ngại hơn cả là huyết khối tĩnh mạch sâu các chi dưới.

M.M: - Kiểu huyết khối này gặp nhiều không?

K.K: - Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới xảy ra với tần suất một đến hai trường hợp trên một nghìn dân mỗi năm.

M.M: - Khó lường và nguy hiểm - đó là những gì các bác sĩ nói về bệnh huyết khối. Tại sao?

K.K: - Đúng vậy, loại huyết khối này rất phức tạp. Nó thường không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ và dễ bị bỏ qua.

Các triệu chứng của huyết khối bao gồm sưng chân tay, đặc biệt là bắp chân và đau đớn. Đôi khi một chi bị ảnh hưởng có thể ấm hơn; sốt cũng có thể xảy ra. Bệnh nhân thường bỏ qua những dấu hiệu này và chỉ đến gặp bác sĩ khi bị phù chân và đau dữ dội. Trong khi đó, chẩn đoán huyết khối muộn sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng nặng như đã nói ở trên, chủ yếu là thuyên tắc phổi. Nếu chúng ta phát hiện huyết khối kịp thời, có thể điều trị nó ở giai đoạn sớm và dùng các loại thuốc làm tan cục máu đông và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm tra cơ thể thường xuyên, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ. Hãy chú ý xem chân bạn có bị đau nhức sau một chặng đường dài hoặc có vết sưng to hơn không, thậm chí vết sưng không biến mất vào buổi sáng sau một đêm ngủ dậy. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên về chứng huyết khối đang phát triển. Để xác định đầy đủ hoặc loại trừ bệnh, nên thực hiện siêu âm Doppler tĩnh mạch chi dưới.

M.M: - Ai có nguy cơ mắc bệnh huyết khối cao nhất?

K.K: - Như tôi đã đề cập, đây chủ yếu là những người bị rối loạn bẩm sinh hệ thống đông máu, bệnh nhân ung thư. Đó cũng là những người bất động trong thời gian dài, tức là bệnh nhân sau chấn thương, có vấn đề về thần kinh, ví dụ như liệt sau đột quỵ. Rủi ro cũng tăng lên khi chúng ta đi đường dài, đặc biệt là đi máy bay, khi chúng ta ngủ trong tư thế ngồi và không có khả năng dừng hành trình để đi bộ một đoạn ngắn. Chứng huyết khối cũng được thấy trong tình trạng mất nước do uống quá ít, nhất là trong những ngày nắng nóng, ngoài ra còn do tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Nguy cơ mắc bệnh này cũng tăng lên trong thời kỳ mang thai, khi dùng nội tiết tố (estrogen), ở những người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, theo tuổi tác và cùng tồn tại với các bệnh mãn tính như suy tim hoặc bệnh thận.

M.M: - Liệu công việc ít phải vận động mà rất nhiều người trong chúng ta ngày nay làm có phải là một yếu tố nguy cơ không?

K.K: - Việc những người khỏe mạnh ngồi làm việc lâu có thể chỉ làm tăng nhẹ khả năng mắc bệnh này. Ta thường thấy mỏi chân, sưng nhẹ bắp chân và các cơn đau không đặc trưng như châm chích hoặc ngứa ran ở các chi dưới thường xuyên. Điều này đặc biệt đúng, khi bây giờ nhiều người phải làm việc oline và thường làm việc đó trong những điều kiện không thoải mái như gập chân mạnh ở đầu gối hoặc ngồi trên chân.

Gần đây, nhiều người đến khám đau chân, nhưng thường là đang đối phó với bệnh suy tĩnh mạch, bệnh không đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Huyết khối nguy hiểm hơn nhiều, nhưng may mắn là hiếm hơn nhiều.

M.M: - Ngày nay, bệnh huyết khối chủ yếu được nói đến trong bối cảnh tiêm chủng COVID-19. Trong khi đó, các nhà khoa học nói rằng huyết khối thường liên quan đến nhiễm trùng SARS-CoV-2 và là nguyên nhân gây tử vong đáng kể ở những bệnh nhân nhiễm coronavirus. Điều đó có đúng không?.

K.K: - Rất tiếc là đúng như vậy. Chúng tôi quan sát hàng ngày trong bệnh viện và thấy rằng huyết khối (cả tĩnh mạch và động mạch) phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19. Những quan sát này cũng được xác nhận bởi các nghiên cứu khoa học. Chúng ta đã biết rằng vi rút SARS-CoV-2 có ái lực với các tế bào lót trong mạch máu và gây ra số lượng các trường hợp huyết khối lớn hơn rõ rệt so với những người bị các bệnh khác.

Trong thời kỳ đầu của đại dịch, huyết khối tĩnh mạch sâu rất phổ biến ở những bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt. Theo thời gian, nhờ nghiên cứu khoa học và nâng cao tiêu chuẩn điều trị, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh này đã giảm xuống, nhưng vẫn cao hơn so với các bệnh khác.

M.M: - Bằng chứng về mối liên hệ giữa việc tiêm vắc xin AstraZeneca và sự xuất hiện của huyết khối cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, liệu một có sự phụ thuộc nào không?

K.K: - Tất nhiên, một sự phụ thuộc như vậy có thể tồn tại. Tuy nhiên, cho đến khi chúng ta chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ cho điều này, chúng ta phải dựa vào các nghiên cứu hiện có. Các kết quả nghiên cứu hiện tại cho thấy rõ ràng rằng không có mối quan hệ nào như vậy. Trong vài tuần tới, chúng tôi mong đợi việc công bố kết quả của một nghiên cứu lớn khác từ Hoa Kỳ với đối tượng trên 30.000 người về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca. Kết quả này sẽ giúp chúng ta tiếp tục chương trình chủng ngừa một cách an toàn.

M.M: - Vậy những người sắp được tiêm AstraZeneca có nên lo lắng hay từ bỏ tiêm chủng không?

K.K: - Những người này chắc chắn nên tiêm phòng. Đối với bất kỳ cá nhân nào, nguy cơ lây truyền COVID-19 và các biến chứng liên quan của nó, bao gồm cả tử vong, lớn hơn hàng trăm lần so với nguy cơ biến chứng sau khi tiêm chủng. Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu tiếp tục khuyến cáo việc tiêm chủng với chế phẩm của công ty này là an toàn và hiệu quả trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Tuy nhiên, nếu bất chấp bằng chứng cụ thể và khuyến cáo của các chuyên gia, ai đó nghi ngờ về việc có nên tiêm vắc xin hay không thì người đó nên thực hiện một liệu pháp bổ sung để chống lại sự xuất hiện của huyết khối tĩnh mạch. Bạn có thể tránh những chuyến đi dài, nên đi bộ thường xuyên, nhớ giữ đủ nước cho cơ thể, nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Nên hoạt động bình thường hàng ngày, không nằm bất động lâu. Trong thực tế, nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu rất nhỏ.

M.M: - Huyết khối và mối liên hệ tiềm ẩn của nó với việc áp dụng vắc xin AstraZeneca COVID-19 là một trong những chủ đề nóng nhất hiện nay. Mọi người lo ngại, một số đang bỏ tiêm chủng. Là một bác sĩ, ông nhìn nhận như thế nào về các báo cáo liên quan đến biến chứng?

K.K: - Điều quan trọng là nhận ra quy mô của vấn đề. Tại Anh, trong số hơn 17 triệu liều vắc xin AstraZeneca, khoảng 40 trường hợp được phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu và các biến chứng của nó dưới dạng thuyên tắc phổi. Tại Đức, một số trường hợp huyết khối xoang tĩnh mạch màng não đã được báo cáo trong khoảng gần 2 triệu trường hợp tiêm vắc-xin AstraZeneki. Không có nhiều trường hợp huyết khối sau khi chủng ngừa hơn mặt bằng dân số nói chung.

M.M: - Tại sao ít hơn?

K.K: - Có thể dễ dàng đếm được, tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu sau khi sử dụng loại vắc-xin đặc biệt này là chỉ hơn hai phần triệu. Trong khi đó, thông thường bệnh này xảy ra trong dân với tần suất từ ​​một đến hai ca trên một nghìn dân mỗi năm. Do đó, tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu ở bệnh nhân sau tiêm chủng thậm chí còn thấp hơn nhiều so với dân số chung. Điều này cho thấy rõ ràng rằng không có nhiều trường hợp huyết khối được thấy sau khi tiêm chủng.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc công khai đề nghị không tiêm chủng hoặc ngừng tiêm chủng với chế phẩm đặc biệt này không phải là một quyết định có suy nghĩ kỹ càng. Hiện tại không có dữ liệu khoa học đáng tin cậy nào cho thấy có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch với AstraZeneki cao hơn so với dân số. Việc đình chỉ tiêm chủng loại thuốc này của một số quốc gia có lẽ là biểu hiện của sự thận trọng hoặc tính toán chính trị chứ không dựa trên bằng chứng khoa học.

Xuân Nguyên (Lược dịch)

(Nguồn: https://www.medonet.pl/porozmawiajmyoszczepionce/szczepionka-na-covid-19,zakrzepica--objawy--zwiazek-z-covid-19-i-szczepionka-astrazeneca,artykul,44809956.html)

Sửa lần cuối 2021-03-20 17:02:13

Bình luận

Bình luận qua Facebook